Hướng dẫn 69 của ban tuyên giáo trung ương năm 2024

- Căn cứ Quyết định số 113-QĐ/TW ngày 9 tháng 7 năm 2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương;

- Căn cứ Quyết định số 185-QĐ/TW ngày 03 tháng 9 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện);

- Căn cứ Quy chế giảng dạy và học tập của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện kèm theo Quyết định số 1853-QĐ/BTGTW ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và công văn số 5723-CV/BTGTW về điều chỉnh một số điều trong Quy chế giảng dạy và học tập của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương;

- Căn cứ Quy định số 256-QĐ/TW, ngày 16 tháng 9 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về việc xác định trình độ lý luận chính trị;

Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:

1. Căn cứ và thẩm quyền xác định

- Lấy Chương trình sơ cấp lý luận chính trị theo Hướng dẫn số 65-HD/BTGTW, ngày 11 tháng 12 năm 2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện chương trình Sơ cấp lý luận chính trị làm căn cứ để xác định trình độ tương đương Sơ cấp lý luận chính trị; Chương trình yêu cầu được xác định phải là các chương trình giáo dục lý luận chính trị do các cơ quan có thẩm quyền về giáo dục và đạo tạo của Đảng và Nhà nước thực hiện.

- Chương trình lý luận chính trị mà người có nhu cầu xác nhận đã học được tính tương đương Sơ cấp lý luận chính trị khi có ít nhất 80% số tiết lên lớp và 3/4 nội dung của chương trình tương đương với Chương trình được lấy làm căn cứ để xác định. Nếu chương trình đề nghị xác nhận chưa bảo đảm về thời lượng hay nội dung thì Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có thể tổ chức lớp bồi dưỡng cho đủ yêu cầu.

- Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tổ chức xác định và cấp giấy xác nhận trình độ tương đương Sơ cấp lý luận chính trị cho người yêu cầu. Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát và thẩm định việc xác nhận để bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời...

2. Quy trình, thủ tục tiến hành xác định và cấp giấy xác nhận

- Người có nhu cầu xác nhận trình độ lý luận chính trị phải có hồ sơ đề nghị gồm: Đơn đề nghị xác định trình độ tương đương Sơ cấp lý luận chính trị; các văn bằng, chứng chỉ; bảng điểm (bản gốc hoặc bản sao có công chứng) chương trình lý luận chính trị đã được học; công văn đề nghị của cơ quan, chính quyền, đơn vị công tác.

- Căn cứ công văn đề nghị, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tổ chức xác định trình độ lý luận chính trị cho người có nhu cầu.

3. Giấy xác nhận

- Giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị có giá trị theo quy định tại Điều 5 Quy định 256 – QĐ/TW ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X);

- Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc tổ chức in theo mẫu chung do Ban Tuyên giáo Trung ương quy định (kèm theo).

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VÀ NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

1. Mục đích, yêu cầu

  1. Mục đích:

- Củng cố lập trường, quan điểm chính trị, niềm tin của cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, vào chủ nghĩa xã hội; góp phần đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội.

- Giúp người học nâng cao khả năng vận dụng một cách sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội.

  1. Yêu cầu

Học viên nắm được những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tài liệu. Trên cơ sở nắm chắc lý luận chính trị, những nghiệp vụ cơ bản về công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, người học có khả năng tổ chức các hoạt động ở cơ sở một cách thiết thực, hiệu quả.

2. Đối tượng học tập

Đối tượng bồi dưỡng của chương trình gồm:

- Cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở (xã, phường, thị trấn).

- Những người cần nghiên cứu, tìm hiểu thêm về lý luận chính trị, về nghiệp vụ công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở.

3. Nội dung chương trình

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành các tài liệu:

- Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở.

- Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở.

- Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Hội Cựu Chiến binh ở cơ sở.

- Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Hội Phụ nữ ở cơ sở.

- Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở cơ sở.

- Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Công đoàn ở cơ sở.

Mỗi chương trình gồm 05 chuyên đề. Trong đó có 2 chuyên đề chung về lý luận chính trị và 3 chuyên đề về nghiệp vụ công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở.

Ngoài 05 chuyên đề quy định thống nhất nêu trên, tuỳ theo điều kiện của địa phương, cơ sở, có thể lựa chọn báo cáo thêm một số vấn đề về: tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; kinh nghiệm lãnh đạo và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội...

4. Tổ chức thực hiện chương trình

  1. Kế hoạch mở lớp

Chương trình dành cho cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở được thực hiện ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Căn cứ vào nhu cầu và đối tượng bồi dưỡng, hằng năm Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Ban Tuyên giáo huyện ủy phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện để xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng; trình Thường trực huyện uỷ phê duyệt; bảo đảm tất cả cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở được bồi dưỡng theo chương trình này.

  1. Tổ chức, quản lý lớp

Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức các lớp theo kế hoạch hàng năm đã được Thường trực huyện uỷ phê duyệt.

Đối với mỗi lớp, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện căn cứ các đối tượng chiêu sinh của mình để phối hợp (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện) xây dựng kế hoạch về chiêu sinh, tổ chức lớp học, bảo đảm yêu cầu về nội dung, thời gian, các quá trình dạy và học; nếu lớp nhiều học viên có thể mở theo cụm xã để giảm thời gian đi lại của học viên.

Kinh phí tổ chức lớp và việc cấp giấy chứng nhận cho mỗi học viên theo quy định hiện hành.

5. Công tác giảng dạy

Giới thiệu trên lớp nội dung 5 chuyên đề theo quy định. Tuy nhiên, tùy theo đối tượng, giảng viên có thể lựa chọn nội dung để giảng cho phù hợp với người học, tập trung vào những nội dung trọng tâm. Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn những nội dung trọng tâm, cần chú ý trong cuốn “Hướng dẫn thực hiện các chương trình lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Phần lý luận chung (02 chuyên đề đầu tiên), nếu học viên đã học ở các lớp đoàn thể khác, thì sẽ được bảo lưu kết quả, không phải học lại 02 chuyên đề lý luận chính trị ở các lớp sau.

Ngoài việc giới thiệu nội dung các chuyên đề, chú ý bố trí thời gian cần thiết để người học trao đổi, thảo luận, hiểu rõ, nắm vững những nội dung đã tiếp thu, liên hệ với bản thân, cơ quan, đơn vị nơi công tác.

Thời gian lớp học: 4,5 ngày, trong đó:

+ Giới thiệu 5 chuyên đề (mỗi chuyên đề 1/2 ngày): 2,5 ngày.

+ Trao đổi, thảo luận: 1/2 ngày.

+ Viết thu hoạch: 1/2 ngày.

+ Tham quan, nghe báo cáo điển hình: 1/2 ngày.

+ Tổng kết, bế mạc: 1/2 ngày.

Sau mỗi lớp học, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội huyện họp bàn, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, báo cáo Thường trực huyện uỷ; tiếp tục theo dõi, giúp đỡ học viên vận dụng, phát huy kết quả học tập trong hoạt động thực tiễn.

Hướng dẫn này thay cho các hướng dẫn trước đây của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở.