Gắn liền với tên tuổi của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên ngay từ khi ra đời đã trở thành một phần của đời sống văn học, văn hoá của người dân Nam Bộ nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Làm sáng tỏ những “điểm mờ” trong văn bản do những khoảng cách về thời gian và điểm nhìn văn hoá gây ra không chỉ giúp người đọc hiểu thêm văn phong, tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu mà còn góp phần khẳng định giá trị của tiếng Việt trong tiến trình phát triển chung của văn hoá dân tộc. Trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, câu “Vợ Tiên là Trực chị dâu” là câu thơ bị dư luận phê bình nhiều nhất. Có người coi đó là một câu thơ “dễ dãi, chưa được trau chuốt”, có người chỉ giải thích đó là “tác giả theo cú pháp chữ Hán” nhưng có nhiều người đã cho câu thơ này chỉ là một câu vè, không xứng đáng với văn tài trác tuyệt của Nguyễn Đình Chiểu. Người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc phiên âm câu thơ này là Jan-nô (1867), người kế tiếp là A-ben đê Mi-sen (1883) sau đó là Trương Vĩnh Ký (1889), Văn Minh (1824), Phạm Văn Thình (1932), Đinh Xuân Hội (1943), Dương Quảng Hàm (1944). Đối với Jan-nô và A-ben đê Mi-sen là hai người nước ngoài, thì việc tìm hiểu câu thơ một cách chặt chẽ chưa phải là một điều bắt buộc, nhất là công việc làm của họ không thuần có tính chất văn hoá, không nhằm vào việc phục vụ quyền lợi của người Việt Nam.Cách đặt bổ ngữ trước chủ ngữ là cách đặt câu quen thuộc của người Pháp; chắc hẳn Jan-nô và A-ben đê Mi-sen đã rất thích thú khi phát hiện được trong một tác phẩm nước ngoài, một câu như câu “Vợ Tiên là Trực chị dâu” mà cấu trúc phảng phất giống như trong các bản kịch nói hoặc thơ ngụ ngôn thế kỷ 17 của văn học nước họ. Văn cảnh do đoạn thơ từ câu 1231 đến 1233 cũng rất thuận lợi cho cách hiểu và cách đọc của họ; ngôn ngữ của Vương Tử Trực, cách chàng tự xưng hô bằng tên tục mà ta thấy trong đoạn thơ 383-385 cũng dễ dàng biện minh cho tổ hợp từ Trực chị dâu, do chính Vương Tử Trực dùng để nói chuyện với Võ Công. Như vậy cách đọc có vẻ Tây phương của hai ông Jan-nô và A-ben đê Mi-sen có thể giải thích được, và cũng chính vì thế mà nó được các nhà nghiên cứu Việt Nam chấp nhận một cách vô điều kiện.Vì khâm phục lòng yêu nước và yêu tiếng mẹ đẻ của Nguyễn Đình Chiểu, mà tôi tự cho tôi có nhiệm vụ phải xem lại phương pháp khảo đính và chú thích Lục Vân Tiên. Tôi đã phát hiện hàng trăm trường hợp có vấn đề phải cân nhắc lại cách phiên âm chữ Nôm và cách hiểu các từ cổ trong Lục Vân Tiên.Trong bài này, tôi chỉ nói đến hai trường hợp, đến câu thơ số 1233 và số 136. Để làm công việc này, tôi dùng bản Nôm Lục Vân Tiên Ca Diễn (LVTCD) của Trần Ngươn Mạnh làm bản gốc; bản này tuy không phải là nguyên bản - làm sao có thể có được nguyên bản Lục Vân Tiên một khi ta biết rằng chính tác giả cũng không hề viết nó, mà chỉ đọc cho người khác viết - nhưng có khả năng gần với nguyên bản nhất; chữ Nôm trong bản văn cũng chỉ được viết một cách rất tuỳ tiện, nhưng nói chung những khuyết điểm của nó về tự dạng có thể biện minh được một cách dễ dàng.Trong Lục Vân Tiên Ca Diễn, câu 1233 là Vợ Tiên là Trực chị dâu, chữ trực Hán - Việt đã được viết một cách rõ ràng không thể lộn với một chữ nào khác; Hán văn cũng chỉ có một từ trực cho nên chữ viết dễ dàng được đọc là trực, và chỉ có thể đọc là trực. Có lẽ vì lý do này mà các ông Jan-nô và A-ben đê Mi-sen đứng trước những bản Nôm mà các ông có trong tay, đã quyết định đọc là Trực, và hiểu là Vương Tử Trực.Tôi cũng cho rằng, ta có thể đọc như thế nếu không vấp phải sự chặt chẽ của ngữ pháp tiếng Việt. Cú pháp Việt đôi khi cũng chấp nhận cho bổ ngữ đứng trước vị ngữ, tỉ dụ: Chàng đà lâm bịnh, huỳnh-tuyền- xa chơi (LVTCD, câu 1210), Ba tầng cửa Võ, một giờ nhảy qua (428). Những hình thức kiểu Trực chị dâu không phải là không có ngay trong Lục Vân Tiên, tỉ dụ: Chẳng hay quân tử quê hương nơi nào? (186), Song đường tuổi hạc đã cao (55), nhưng hai câu này là hai câu trọn vẹn, trong khi tổ hợp từ Trực chị dâu chỉ là một khóm từ.Như vậy, câu “Vợ Tiên là Trực chị dâu” là một câu viết sai ngữ pháp. Cuối cùng, xét theo văn cảnh, đây là cuộc đối thoại giữa Vương Tử Trực và Võ Công; Trực đứng vào hàng con cháu của Võ Công, do đó, chàng không thể dùng tên tục mà xưng hô với Võ Công được. Có giận Võ Công lắm thì chàng cũng chỉ dám gọi ông là người và xưng trống không với ông, chứ tuyệt nhiên chàng không dám xưng là Trực. Dù câu Vợ Tiên là Trực chị dâu, có được kể là viết đúng ngữ pháp đi chăng nữa, phong tục cũng không cho phép tác giả viết một câu như thế. Một người vẫn tự coi là có nhiệm vụ làm bình phong cho phong tục như Nguyễn Đình Chiểu chắc chắn là không bao giờ có thể viết nên một câu có tính chất phản - phong - tục như vậy.Như vậy, câu thơ “Vợ Tiên là Trực chị dâu” phải được hiểu theo cách khác, đó là: “Vợ Tiên là Trực chị dâu” - chữ trực trong trường hợp này không phải là một từ Hán - Việt nữa mà là một từ Nôm; nó cũng không phải là một danh từ riêng nữa mà là một danh từ chung mà bất cứ từ điển chữ Nôm nào cũng có. Taberd ghi: một trực: UNO TENORE (chỉ một mực, một thế); trực nầy: HAEC MENSURA, QUANTITAS (chừng nầy, số lượng nầy); trực ấy: ILLA MENSURA, QUANTITAS, QUALITAS (mực ấy, chừng ấy, phẩm chất ấy). Huỳnh Tịnh Của ghi: Cứ một trực: cứ một mực, một thế. Trực ấy: mực ấy.Theo lời chua của Taberd về từ mực, thì mực có thể chỉ về người hay chỉ về sự vật, nghĩa là đồng nghĩa với bực hay bậc, chỉ một vị thứ cao (đấng bậc), một thân phận, một phẩm trật.Để cho ý nghĩa của từ trực được sáng tỏ hơn, và để tìm hiểu xem nó có họ hàng gì với những từ mực, bực, bậc không, có lẽ ta nên quay về phía từ cổ để tìm ra tung tích của nó. Từ điển A-léc-xăng đờ Rốt (viết tắt là ADR) cho ta có dịp nhận xét rằng các từ có tổ hợp phụ âm đầu bl/thường sản sinh ra những từ có tổ hợp phụ âm đầu tl/, hoặc những từ có phụ âm đầu môi, như b/v/m, tỉ dụ: