Môn GDCD giữ vai trò như thế nào trong việc hình thành, phát triển ý thức hành vi của người công dân

17/10/2018 17:00

Góp phần cho mục tiêu đó, môn Giáo dục công dân [GDCD] đã được đưa vào chương trình học từ cấp tiểu học [môn Đạo đức] đến cấp THCS và THPT [môn GDCD]. Tuy nhiên, môn học này chỉ có 1 tiết mỗi tuần. Tâm lý chung học sinh vẫn còn xem đây là môn phụ nên không mấy quan tâm.

Môn học làm người

GDCD là bộ môn khoa học dạy làm người. Học GDCD sẽ giúp học sinh hình thành và điều chỉnh những hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp hơn. Xuyên suốt từ khi ngồi vào ghế nhà trường cho đến khi tốt nghiệp, học sinh đã được thầy cô dạy những điều hay lẽ phải phù hợp với xã hội. Và từ khi được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia, môn GDCD càng cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của nó.  

Nên có phương pháp, bố trí hợp lý để học sinh quan tâm và thích thú hơn với môn GDCD.

“Ở bậc tiểu học, việc giáo dục hành vi đạo đức cho học sinh rất quan trọng, vì đây là nền tảng cho các em xuyên suốt trên hành trình phát triển. Không chỉ có trong môn học Đạo đức, nhà trường còn lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho các em phù hợp với từng lớp, từng đối tượng. Từ rất nhiều bỡ ngỡ, các em dần có tinh thần tự giác, biết lễ phép và có ý thức hơn về hành vi của bản thân”, cô Nguyễn Thị Nghĩa, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, TP. Cà Mau, cho biết. 

Ở bậc tiểu học, môn Đạo đức với các nội dung giáo dục hành vi đơn giản như lễ phép, chào hỏi, trung thực, thật thà, biết quan tâm, giúp đỡ mọi người xung quanh... Sang cấp học THCS và THPT, môn GDCD bắt đầu mở rộng và cho học sinh tìm hiểu thêm về pháp luật, các vấn đề tâm lý phù hợp với lứa tuổi.   

Em Trần Tiết Kha, lớp 12A8, trường THPT Cái Nước, chia sẻ: “GDCD là bộ môn gắn liền với cuộc sống, em được học xuyên suốt từ lớp 1 đến nay. Môn học này giúp em có thêm hiểu biết về pháp luật, điều chỉnh những hành vì và có cách cư xử phù hợp với mọi người”.

Thầy Đỗ Hoàng Hồ Liệp Hải, Hiệu trưởng trường THCS Phú Hưng, cho biết: “Ở bậc học nào, GDCD cũng góp phần hình thành những hành vi, nhận thức đúng đắn, giúp nhà trường giáo dục, định hướng nhân cách cho học sinh. Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với thực tế, những năm gần đây, để khuyến khích tinh thần học tập, nhà trường đã thực hiện việc khen thưởng, biểu dương trước cờ, kèm theo giấy khen và phần thưởng dành cho các em học tốt”.

Thời lượng quá ít

Theo chương trình hiện nay, môn GDCD được phân phối 1 tiết/tuần. Ở bậc THPT, mỗi năm học sẽ có thêm 2 tiết học ngoại khoá. Với thực tế nhiều vấn đề về văn hoá học đường, an ninh trường học như hiện nay, phải chăng môn GDCD cần có sự nhìn nhận và đổi mới để phát huy vai trò giáo dục đạo đức, định hướng lối sống cho học sinh?

Em Nguyễn Tiến Đạt, học sinh lớp 12A8, trường THPT Cái Nước, bộc bạch: “Đối với em, GDCD là môn học thú vị. Những giá trị mà môn học này mang lại không chỉ là kiến thức trong học tập mà còn vận dụng vào cuộc sống. Em nghĩ cần có phương pháp giảng dạy sinh động và hấp dẫn hơn, khẳng định giá trị quan trọng của môn học để học sinh nâng cao ý thức học tập, không còn suy nghĩ đây là môn học phụ”.

Với xu hướng tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong môn GDCD như hiện nay, môn học này dường như trở nên quan trọng hơn. Do đó, cần có sự thay đổi phù hợp hơn. Theo cô Trần Thị Xuân Reo, giáo viên nhiều năm giảng dạy môn GDCD trường THPT Cái Nước, đây là môn học giáo dục định hướng, nội dung rất rộng và phong phú. Hơn nữa, hiện nay môn học đã được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia nên với dung lượng 1 tiết/tuần là quá ít. Nên tăng thời lượng tiết học trên lớp, thêm vào nhiều tiết học thực hành để học sinh có thể trải nghiệm tình huống.  

 Cô Trần Ánh Như, giáo viên trường THCS Phú Hưng, đề xuất: “Nội dung sách giáo khoa hiện nay hơi nặng và còn mang tính chất lý thuyết nhiều. Nếu dành thời gian để giảng dạy lý thuyết và tình huống thực tế thì không đủ. Do đó, học sinh chỉ có thể nắm lý thuyết là chính. Cần lồng ghép những câu chuyện cụ thể, rõ hơn để học sinh ứng dụng vào thực tế”.   

"Tiên học lễ, hậu học văn", muốn trở thành những con người có ích cho xã hội, trước tiên phải rèn luyện thật tốt về đạo đức, nhân cách. Đã đến lúc các trường nên có cách nhìn nhận khác hơn về môn GDCD để có những phương pháp học tập cũng như giảng dạy hợp lý, đúng với giá trị, ý nghĩa của môn học./.

Kim Chi

PTO- Môn học Giáo dục công dân [GDCD] trong chương trình giáo dục phổ thông đóng vai trò to lớn trong việc giáo dục học sinh ý thức và hành vi  công dân, góp phần trang bị cho học sinh năng lực tự điều chỉnh bản thân trong xã hội hiện đại... Tuy nhiên, vấn đề dạy và học bộ môn này trong nhà trường hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nhằm nâng cao vị thế cho môn học này đòi hỏi những nhà quản lý, giáo viên dạy bộ môn GDCD phải thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy để học sinh ngày càng yêu thích môn học làm người.
 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành chúc mừng các thầy, cô giáo nhân ngày 20-11.


Lơ là môn học “phụ” Tâm huyết và gắn bó với nghề giáo hơn hai chục năm, đã từng đứng lớp giảng dạy và áp dụng các biện pháp khác nhau để nâng cao chất lượng dạy, học môn GDCD từ năm 1996 đến nay tại trường THPT Chuyên Hùng Vương, thầy giáo Trần Quang Thảo, giáo viên dạy giỏi môn học này chia sẻ: Học sinh dường như không mấy mặn mà với môn học này. Có nhiều lý do khác nhau để lý giải, nhưng chủ yếu là do học sinh quan niệm môn GDCD là môn “phụ”. Hơn nữa, môn học này không có mặt trong các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp hay thi đại học nên học sinh thường học chỉ để có đủ điểm, bỏ qua   vấn đề suy ngẫm, tìm hiểu thêm kiến thức sau mỗi bài học. Chính vì vậy, việc học môn GDCD rơi vào tình trạng bị động và đối phó. Theo nhận xét của nhiều giáo viên giảng dạy môn GDCD trên địa bàn tỉnh thời lượng dành cho môn GDCD chỉ có 1 tiết/ tuần là quá ít trong khi kiến thức nhiều nên học sinh càng cảm thấy ngại học. Không những thế, giáo viên không có nhiều thời gian giảng dạy cặn kẽ cho học sinh một nội dung, vấn đề  học sinh có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn. Thời gian không nhiều, thời lượng chương trình trong sách giáo khoa phải đảm bảo nên việc học tập mang nặng tính “cưỡi ngựa xem hoa”, làm sao để trả bài đầy đủ. Mặt khác nội dung, chương trình của môn học GDCD còn nhiều điểm chưa hợp lý, nặng giáo dục chính trị, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng, thực hành, chưa yêu cầu thể hiện qua việc làm và hành vi cụ thể trong đời sống. Nhiều bài học trong sách giáo khoa môn GDCD còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lí, tình cảm của học sinh. Một số kiến thức triết học, kinh tế, chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học... khá trừu tượng, khó hiểu đối với học sinh phổ thông, chưa chú ý đúng mức tính liên thông, tích hợp nội dung dạy học môn GDCD với các môn học khác. Bên cạnh đó, kết quả việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chưa rõ, chủ yếu vẫn dạy chay, đọc chép, lệ thuộc nhiều vào sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn giảng dạy, thiếu sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học. Không những thế, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập còn nặng về hình thức, phổ biến vẫn là kiểm tra kiến thức, chưa chú trọng kiểm tra đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. Chất lượng, cơ cấu giáo viên dạy môn GDCD cũng chưa đồng đều. Công tác bồi dưỡng giáo viên chưa được tiến hành thường xuyên, thiết thực, hiệu quả... Và hệ quả của những hạn chế đó là đa số học sinh chưa hứng thú học  GDCD. Mục tiêu dạy cách làm người qua môn học này còn rất hạn chế. Tình trạng tiêu cực về đạo đức vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay có một phần trách nhiệm thuộc về việc dạy và học GDCD trong nhà trường.

Trả lại vị thế cho "môn học làm người"

Xác định GDCD là môn học có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh ta đã tăng cường giáo viên dạy bộ môn GDCD bậc THPT, phân công cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực, uy tín tham gia giảng dạy môn học GDCD. Toàn tỉnh hiện có 74 giáo viên dạy bộ môn GDCD ở 45 trường THPT, trong đó có 33 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nếu như nhìn vào điểm số thì có thể thấy kết quả của bộ môn GDCD tương đối cao, nhưng nếu đánh giá dựa vào hành vi, thái độ, kỹ năng vận dụng của học sinh trong thực tiễn cuộc sống thì chưa được như mong muốn bởi thời gian gần đây, dư luận xã hội đang lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực trong học sinh và đặt ra câu hỏi việc giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường như thế nào để dẫn đến tình trạng vẫn còn một bộ phận học sinh ham chơi, vi phạm pháp luật, thiếu kỹ năng sống, không tự tin làm chủ bản thân. Trước thực trạng đó, những người dạy bộ môn này cũng phải suy tư trăn trở bằng cách nào đó để bài giảng của mình thêm sinh động thu hút học sinh và đặc biệt học sinh phải cảm thấy yêu thích môn học từ nhận thức đến thay đổi hành vi chăm ngoan học giỏi, chấp hành pháp luật. Một số giáo viên dạy GDCD cho rằng cần thiết phải tích hợp giáo dục kỹ năng sống vào một số nội dung của chương trình GDCD. Việc tích hợp kỹ năng sống không làm nặng nề, quá tải nội dung kiến thức, mà làm cho học sinh sẽ hứng thú hơn với môn học, không còn cảm thấy kiến thức khô khan, xa vời mà thiết thực, gần gũi, giúp cho học sinh cảm thấy bài học nhẹ nhàng, bổ ích. Giáo dục kỹ năng sống là hình thành cách sống tích cực trong xã hội hiện đại, là xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi những hành vi, thói quen tiêu cực trên cơ sở giúp người học có cả kiến thức, giá trị, thái độ và các kỹ năng thích ứng. Đánh giá chất lượng giáo dục phải bao hàm đánh giá mức độ đạt được các kỹ năng sống và tác động của kỹ năng sống đối với xã hội, học sinh...

Để làm được điều này buộc người thầy phải tham khảo nhiều tài liệu, tích lũy nhiều vốn sống, có kiến thức sâu rộng và truyền đạt đến học sinh bằng niềm say mê thực sự của mình. Việc gây hứng thú, cuốn hút và làm cho học sinh yêu thích bộ môn hay không phần chính là ở người thầy chứ không phải là nội dung chương trình. Việc gây hứng thú cho học sinh đòi hỏi trong từng bài học, tiết dạy của mình, người thầy cần phải đưa ra nhiều tình huống thật gần gũi với cuộc sống để các học sinh nhận xét, xử lý, lựa chọn và sau mỗi tình huống đó giáo viên sẽ chỉ ra cho các em thấy được vấn đề đúng ở đâu và sai ở đâu. Thông qua mỗi tình huống người thầy phải giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Thầy Trần Quang Thảo cho biết: “Để tạo hứng thú cho học sinh, tôi luôn áp dụng phương pháp dạy học mới gắn nội dung kiến thức trong chuyên đề với thực tiễn đời sống thông qua những tình huống hay, những bối cảnh cụ thể. Dạy theo cách này học sinh rất thích vì được “phát ngôn” theo sự hiểu biết của mình”. Ngoài ra, người thầy cũng cần tổ chức cho học sinh học nhóm để các em tự nghiên cứu, hợp tác, tìm tòi và đưa ra kết quả của riêng mình, từ đó học sinh sẽ dần làm quen và dễ xử lý tình huống gặp phải trong thực tế cuộc sống. Giáo viên chỉ là người định hướng và chốt lại vấn đề cốt lõi cho học sinh.

Giờ học GDCD của học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương.

Cô giáo Lê Thị Lan Hương- Tổ phó tổ Sử, Địa, GDCD trường THPT Việt Trì cho biết: Là giáo viên dạy môn GDCD - môn học phụ nhưng lại có vai trò quan trọng trong giáo dục nhân cách học sinh, tôi luôn tâm niệm giáo viên dạy GDCD phải có trách nhiệm uốn nắn những ý thức và hành vi đạo đức sai lệch, dạy cho học sinh biết điều hay, lẽ phải làm việc tốt, việc thiện, đoàn kết sáng tạo, biết quyền lợi, nghĩa vụ của người công dân, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật của Nhà nước… tôi luôn đổi mới phương pháp dạy để khơi gợi sự hứng khởi của học sinh với bộ môn được coi là khô khan này. Để giúp giáo viên làm tốt công tác giảng dạy và học sinh được học chương trình môn GDCD có hiệu quả, trước tiên cần phải có đội ngũ nhà giáo yêu nghề, tâm huyết, say sưa với nghề mà mình đã chọn lựa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy môn GDCD phấn đấu cống hiến cho trường, cho ngành. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên giảng dạy bộ môn này cũng phải trau dồi nghiệp vụ sư phạm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành giao phó, để “mỗi thầy giáo, cô giáo thật sự trở thành tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” cho học sinh noi theo. Hơn thế, về phía gia đình thì phụ huynh học sinh cũng cần nhận thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của bộ môn GDCD, từ đó định hướng con em mình quan tâm môn học theo chiều hướng tích cực, tự học “học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người”. Có như thế thì môn GDCD mới có thể phát huy tối đa hiệu quả nhiệm vụ “dạy người” mà môn học này gánh vác trong nhà trường.

Hạnh Thúy

Video liên quan

Chủ Đề