Một tác phẩm nghệ thuật là phát minh về hình thức

Ai hào dính vào duyên bút mực Suốt đời mang lấy số long đong Nguyễn Bính đã từng than thở như thế. Bao con người cũng phải gánh chịu nỗi đau vì sự bạc bẽo của văn chương. Tại sao như vậy? Phải chăng bởi nghệ thuật đòi hỏi rất cao ở người nghệ sĩ, đúng như Lêônil Lêônôp yêu cầu: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”. Cũng như ý kiến của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Macxim Gorki, ... nhà văn Nga Lềônil Lêônôp muốn khẳng định các nhà nghệ sĩ phải trau dồi cá tính sáng tạo của mình. Mỗi một tác phẩm phải là một sự hiện diện của nhà văn đối với cuộc đời. Do vậy, cái mới, cái độc đáo trong phong cách của người sáng tác phải thể hiện ở sự tìm tòi cái mới về nghệ thuật cũng như nội dung. Nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Hiện thực cuộc sống là kho đề tài vô tận để người nghệ sĩ khám phá, phát hiện, nhưng đối với mỗi cây bút, nó lại được chiếu rọi dưới một ánh sáng riêng. Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình và biết làm cho ấn tượng ấy có được hình thức riêng biệt, độc đáo. Đúng như vậy, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của nghệ thuật. Cuộc sống phơi bày ra trước mắt mỗi người biết bao cảnh ngộ, số phận. Người nghệ sĩ hơn những người bình thường ở chỗ biết tìm ra những hiện tượng đặc sắc có thể nói lên rõ rệt bản chất của hiện thực. Độc giả tìm đến với tác phẩm trước hết là để bồi đắp tâm hồn, làm phong phú hơn vốn tri thức. Vì lẽ đó, người sáng tác phải đem đến cho họ một cách nhìn mới, mang đậm dấu ấn chủ quan. Cuộc sống là phong phú vô tận, nhưng sự hiểu biết và hứng thú của nhà văn thì có bạn. Do đó, ngoài việc tìm đến những mảnh đất mới của hiện thực để gieo mầm tư tưởng, người nghệ sĩ phải biết phát huy cái vốn ấn tượng riêng của mình để tìm ra những gì mới mẻ trong những đề tài quen thuộc. Có như vậy, nhà văn mới tránh khỏi sự lặp lại vô nghĩa những điều mà người khác đã nói. Nói cách khác, mỗi nghệ sĩ phải tìm ra cho mình một con đường riêng để đến với cuộc sống và với trái tim bạn đọc. Lep Tônxtôi đã từng nói với những người viết văn trẻ, đại ý: Nào, anh có đem đến cho chúng tôi một cái gì mới khác với những người đến trước anh không? Bàn về thơ, Nguyễn Tuân cũng khẳng định: “Thơ là mở ra được cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị phong kín”. Mỗi tác phẩm là một thông điệp thẩm mĩ mà người nghệ sĩ gửi đến bạn đọc. Do đó, mỗi tác phẩm trước hết phải là một “khám phá về nội dung". Muốn vậy, nhà văn không thể chỉ là “người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho", mà phải “biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” (Nam Cao). Nhà văn phải biết nhìn sâu vào cuộc sống, hiểu tâm hồn của con người để khám phá ra những vân đề mới, cất tiếng nói riêng của mình với cuộc đời. Trong nghệ thuật, nội dung và hình thức gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Nội dung lả nội dung của hình thức và hình thức là hình thức của nội dung. Một nội dung mới sẽ tự tìm cho mình một hình thức mới. Sự thay đổi về hình thức biểu hiện cũng có thể kéo theo những biến đổi về nội dung. Có khi nhà văn đề cập đến những vấn đề của muôn đời, nhưng lại nói bằng giọng điệu riêng, âm sắc riêng của tâm hồn mình; do vậy, tác phẩm vẫn đem đến cho người đọc cái mới đáng quý. Cái độc đáo, sự sáng tạo về nội dung và hình thức của tác phẩm tạo nên phong cách riêng của người nghệ sĩ. Phong cách không phải là chuyện cách nói mà chủ yếu là vấn đề cách nhìn, một cách nhìn nếu không do nghệ sĩ đem lại thì không bao giờ có được, cái mới không chỉ đơn thuần thuộc về nội dung hay nghệ thuật một cách cực đoan, có nghĩa là không chỉ thuần tuý đi tìm cái mới trong hình thức mà trước hết phải xuất phát từ cái mới của nội dung. Khi cả tác phàm toái lên cốt cách riêng, phong vận riêng mới lạ thì nó sẽ tác động mạnh mẽ vào người tiếp nhận. Người nghệ sĩ phải đi sâu vào cái chủ quan, cái cá nhân của mình, mặt khác lại vẫn phải gắn bó với cuộc sống để không đẩy sự mới lạ lên thành cá nhân chủ nghĩa.

Bài viết

Khi một nhà văn mới xuất hiện người đọc lại băn khoăn tự hỏi: Liệu anh ta có thể đem đến điều gì mới mẻ cho văn học? Nói như thế để thấy rằng văn học muốn tồn tại và phát triển phải đòi hỏi sự độc đáo và sáng tạo của người nghệ sĩ bởi: Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật, nhà văn phải là người tiên phong tìm tòi khám phá những tác phẩm văn học mới làm lay động trái tim người đọc, để người đọc không thể nào lãng quên nhà văn đó trong dòng chảy phũ phàng của thời gian. Bởi thế nhà văn Nga Lêônôp Lêônit đã phát biểu:“Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá mới về nội dung”.

Một tác phẩm nghệ thuật là phát minh về hình thức

Ảnh minh họa, nguồn Nhungcaunoihay.vn

Trong thế giới văn chương diệu kỳ, mỗi tác phẩm văn học ra đời mang theo tâm huyết, trí tuệ của mỗi tác giả, để được độc giả đón nhận, tác giả đó phải không ngừng rèn luyện mài giũa tác phẩm của mình cả về hình thức và nội dung thì mới được đón nhận mới vượt qua được sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian. Cuộc đời là nơi đi đến và bắt đầu của văn chương, và nhà văn người tiếp xúc trực tiếp với cuộc đời phải bắt thật tinh, thật nhạy những khoảnh khắc của cuộc sống sau đó sử dụng hình thức nghệ thuật và cho ra đời đứa con tinh thần của mình, bởi nhà văn không sao chép nguyên si cuộc đời mà bằng khả năng nghệ thuật của mình nhà văn tạo nên nhân vật, tạo ra những chi tiết đắt giá trong tác phẩm diễn đạt những nhân vật và chi tiết ấy bằng ngôn từ nghệ thuật sáng tạo. Vì thế Viên Mai khi bàn về thơ đã từng nói rằng: “Công phu của thơ là ở ngoài thơ vậy”. Trong tác phẩm Đời thừa của mình nhà văn Nam Cao đã tuyên bố rằng: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, văn chương cần những người biết tìm tòi sáng tạo, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Nói cách khác nhà văn phải là người cho máu, phải là người sáng tạo từ chủ đề, ngôn ngữ cho đến hình tượng nhân vật. Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức có nghĩa là tác phẩm đó phải có sự thay đổi cách tân trong nghệ thuật. Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết theo cuốn Kim Vân kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, bằng tài năng nghệ thuật của mình Nguyễn Du đã chuyển thể tác phẩm văn xuôi thành tác phẩm thơ lục bát của dân tộc, những câu thơ lục bát da diết thấm đẫm bầu cảm xúc ấy đã tái hiện lại cuộc đời chìm nổi của người con gái tài sắc vẹn toàn như Thúy Kiều để có lúc tác giả phải thốt lên nỗi khổ chung của những người phụ nữ trong xã hội cũ:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Hay khi miêu tả cô Kiều, miêu tả nàng Vân Nguyễn Du cũng đã sử dụng những từ ngữ tái hiện số phận rất khác nhau của hai cô gái tài sắc vẹn toàn này:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

Chỉ với những từ ngữ hoa ghen, liễu hờn Nguyễn Du đã ngầm báo cho mọi người biết về số phận long đong của nàng Kiều. Với Kiều là vậy nhưng với Thúy Vân, tác giả lại miêu tả rất khác:

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”

Những từ ngữ như trang trọng, đầy đặn đã miêu tả thật bình yên cuộc sống của nàng Vân. Văn học trung đại đằm thắm, mượt mà là thế, khi đến với văn học hiện đại chúng ta không khỏi ngỡ ngàng, bắt gặp những nhà văn rất có ý thức sáng tạo cách tân nghệ thuật, ở mảng truyện ngắn nổi bật hơn cả bởi giọng văn trữ tình nhẹ nhàng như thơ của nhà văn Thạch Lam, đến với tác phẩm Hai đứa trẻ của tác giả, chúng ta thấy được đây là một tác phẩm, một bài thơ trữ tình tràn đầy chất thơ, mở đầu tác phẩm bằng một câu văn rất nhẹ nhàng: “Chiều chiều rồi một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu vang ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào, tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ vang xa từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều… trên không dãy tre làng đen kịt lại in hình rõ rệt trên nền trời…” câu văn êm như ru ấy đưa mỗi chúng ta vào câu chuyện về một phố huyện nhỏ với những con người có kiếp sống lầm lũi mòn mỏi, tác giả Thạch Lam hướng người đọc khám phá nội tâm của hai chị em Liên và An, thẳm sâu trong trái tim của họ là sự khao khát vươn đến một cuộc sống tươi sáng, không bế tắc, chính vì lý do ấy mà cứ vào lúc nửa đêm hai chị em Liên An lại cố thức để đợi chuyến tàu đêm trong ngày. Chuyến tàu ấy từ Hà Nội về nơi gắn liền những kí ức tươi đẹp của hai đứa trẻ, chuyến tàu đêm như đem đến một thế giới khác hẳn thế giới hai chị em đang sống, trong truyện ngắn Thạch Lam đã dày công xây dựng sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối như một chiếc chảo đen khổng lồ đổ ụp lên phố huyện, ánh sáng trong phố huyện thì yếu ớt, bị bóng tối khuất lấp. Thông qua quá trình xây dựng nhân vật, những chi tiết đắt giá trong tác phẩm điều mà nhà văn Thạch Lam muốn hướng đến độc giả đó là hãy thương xót cho những số phận nhỏ bé đang bị dập tắt những cơ hội được phát triển, được vươn mình từ những vùng đất cằn khô. Như vậy chúng ta thấy rõ Thạch Lam đã dụng công về mặt nghệ thuật để truyền tải nội dung một cách đầy đủ đến bạn đọc. Một nhà phê bình đã từng nói rằng nghệ thuật sẽ chết nếu như người nghệ sĩ không chịu tìm tòi, cách tân và sáng tạo. Hãy thử tưởng tượng một ngày nếu trên thế gian này không tồn tại thi ca, âm nhạc thì có lẽ thế giới sẽ buồn xiết bao, tôi luôn nghĩ rằng nghệ thuật và người nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính họ đã tô điểm cho cuộc đời này luôn tươi đẹp bằng những phương thức nghệ thuật độc đáo và sáng tạo, những người nghệ sĩ lớn sở dĩ nổi danh là bởi họ đã dồn tâm huyết trí tuệ và tài năng của mình để khám phá cuộc sống, khám phá con người khai quật những góc khuất, góc bí hiểm của đời sống nhân loại để từ đó tạo nên thơ ca, âm nhạc và chính bởi người nghệ sĩ là người cho máu, là người tạo nên cái đẹp, vì cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới bởi có đôi mắt tinh tường của họ khám phá ra những vẻ đẹp ẩn tàng trong những hang cùng ngõ hẻm. Nhưng trong nghệ thuật vẫn có những sự nghiệt ngã những quy định thật khắt khe đòi hỏi mỗi nhà văn nhà thơ phải sáng tạo thực sự vì nghệ thuật không có chỗ đứng cho kẻ trung bình. Bởi vậy mà khi cùng viết về đề tài người nông dân- một đề tài đã quá cũ mòn quen thuộc với các cây bút nổi danh như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng… họ đã có chỗ đứng vững chắc trong văn đàn Việt Nam thì Nam Cao xuất hiện thổi hồn cho tác phẩm của mình trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc và độc đáo nhất, khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của nhà văn Đời Thừa người đọc mới thấu hiểu đến tận cùng đây có lẽ sẽ là nhân vật điển hình nhất đại diện cho nỗi thống khổ của những người nông dân trước cách mạng, nhân vật này sẽ thế chỗ cho những anh Pha, những chị Dậu mà người đọc tưởng chừng như họ đã thống khổ về mặt vật chất và tinh thần cả rồi. Phải có cảm quan đặc biệt, sự tinh tường trong nghệ thuật thì tác giả Nam Cao mới khám phá ở nhân vật của mình sự tha hóa bần cùng hóa về nhân hình và nhân tính, Chí Phèo không cha mẹ, không anh em họ hàng thân thích, không nghề nghiệp, bị hủy hoại nhân tính trở thành tay sai của Bá Kiến, số phận của Chí thật đáng thương, thật đau khổ đến tận cùng. Tuy nhiên nhân vật trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao không chỉ làm cho chính tác giả có vị trí chắc chắn trong văn đàn Việt Nam mà cao hơn hết tác giả đã biết cách sắp xếp câu chuyện tình tiết khá trọn vẹn, với cách kết thúc đầu cuối tương ứng: mở đầu là hình ảnh Chí bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ kết thúc là nhân vật Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và trong đầu thị thoáng chốc nhìn thấy cái lò gạch, điều này cho thấy Nam Cao đã phản ánh được sự bế tắc bần cùng trong cuộc sống của những người nông dân trước cách mạng họ bị lột trần bị, bị ức hiếp ở phương diện thể xác lẫn tinh thần. Nam Cao xứng đáng là một nghệ sĩ tài năng khi đã thâu tóm trọn vẹn thông điệp sâu sắc gửi vào tác phẩm của mình như thế. Thơ Mới giai đoạn 1932-1945 cũng có những sự đổi thay mạnh mẽ khi xuất hiện lần lượt những gương mặt nức danh: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư… mỗi nhà thơ đều có giọng thơ riêng, tài năng riêng của mình trong quá trình sáng tác, người để lại dấu ấn cho tôi đậm sau hơn cả về ý thức cách tân nội dung và nghệ thuật đó chính là nhà thơ Xuân Diệu nhà thơ được mệnh danh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Xuân Diệu đến với người đọc bằng giọng thơ nồng nàn say đắm lúc nào cũng tràn đầy sự sống, sự chuyển động hối hả của một người sợ thời gian trôi đi một cách vô ích, tác giả khi nào cũng cảm thấy bất lực khi khả năng níu giữ làm chủ thời gian của mình không còn bởi:

>> Xem thêm:  Giải thích câu tục ngữ Học, học nữa, học mãi của Mác Lê-Nin

“Xuân đang tới nghĩa là xuân sẽ đi

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho hoài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi nữa

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời..”.

Trong tâm trí của Xuân Diệu mùa xuân không chỉ đơn thuần là dòng chảy trôi của thời gian, hay là khoảnh khắc giao hòa của đất trời mà mùa xuân còn là mùa của tuổi trẻ, mùa của sức sống mãnh liệt, bởi vậy khác với những nhà thơ trung đại khi miêu tả mùa xuân gắn với các sự vật thiên nhiên, Xuân Diệu nhìn ngắm mùa xuân như một nàng thiếu nữ đang e lệ: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” cách cảm nhận mùa xuân rất mới khiến thơ Xuân Diệu cuốn hút, hấp dẫn độc giả. Và mỗi lần đọc thơ Xuân Diệu người yêu thơ lại không khỏi bồi hồi xúc động trước những vần thơ giàu cảm xúc đến vậy. Tác phẩm có tồn tại được với thời gian hay không một phần là nhờ vào bạn đọc- người đóng vai trò sàng lọc để những tác phẩm hay có thể tồn tại, sự đổi mới và cách tân về hình thức và nội dung hài hòa với nhau nhằm tạo nên một tác phẩm độc đáo mà chỉ có nhà văn người có đầy đủ năng lực nghệ thuật mới tạo dựng nên được tác phẩm ấy. Vì thế khi đọc và cảm nhận một bài thơ hay, một áng văn tự sự người đọc phải xem xét cả về hình thức và nội dung, hình thức bổ trợ cho nội dung và nội dung nổi bật lên nhờ hình thức. Nhà thơ Thanh Thảo khi viết bài thơ Đàn ghita của Lorca một phần tác giả muốn tri ân người nghệ sĩ thiên tài nhưng phần còn lại tác giả đã thể hiện khả năng tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật của mình, bài thơ đọc qua người đọc thấy không có mối liên hệ gì giữa những câu thơ với nhau nhưng nếu đặt tác phẩm trong hoàn cảnh sáng tác cùng với cuộc đời của Garxia lorca chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa của nó:

>> Xem thêm:  MS431 - Nghị luận xã hội về sự chia sẻ

“Những tiếng đàn bọt nước.

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

lila lila lila

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

Tây Ban Nha hát nghêu ngao

bỗng kinh hoàng

áo choàng bê bết đỏ

chàng đi như người mộng du…”

Những câu thơ đã tái hiện lại bối cảnh nhức nhối của đất nước Tây ban cầm, trong hoàn cảnh ấy đã xuất hiện nhà thơ Lorca người luôn trăn trở với những suy tư cách tân nền nghệ thuật nước nhà, chàng đi như kẻ mộng du, chờ đợi những sự thay đổi của nền nghệ thuật đã quá già cỗi, nhưng không nền nghệ thuật ấy không những không thể đổi thay mà còn giết chết chàng một cách tàn nhẫn, khi chàng đang trong độ tuổi đẹp nhất của sự nghiệp, của danh vọng…những hình ảnh tưởng chừng như không liên quan với nhau nhưng nếu đặt nó đúng chỗ mỗi độc giả sẽ tự giải đáp về những ẩn số nghệ thuật trong bài thơ, thi phẩm còn đặc sắc ở điểm tác giả không viết hoa đầu dòng khiến cho bài thơ như một bản nhạc không dứt kéo dài khiến người đọc phải lưu tâm, bên cạnh đó âm thanh lila lila vang vọng lên khiến người ta liên tưởng đến khát vọng cách tân nghệ thuật đến mãnh liệt của tác giả:

“Tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

Lorca bơi sang ngang

trên chiếc ghita màu bạc

chàng ném lá bùa Di gan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

liliala…giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng…

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

lila lila lila… “

Những vần thơ ám ảnh không dứt vang lên, khiến người đọc ngỡ ngàng, đời sau và đời sau nữa người ta sẽ nhớ đến Lorca với tư cách là người tiên phong, cách tân nền nghệ thuật nước nhà, tiếng đàn của người nghệ sĩ ấy sẽ vang mãi trong trái tim của hàng ngàn hàng vạn độc giả. Từ bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo chúng ta bỗng nhớ đến nỗi day dứt của Nguyễn Du khi viết bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, chính tác giả cũng đau đáu tìm người tri âm, đồng vọng với mình: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Trên con đường cách tân nghệ thuật mỗi người nghệ sĩ sẽ gặp phải không ít khó khăn, gian truân nhưng bằng niềm yêu nghề, niềm tin mãnh liệt vào chính mình họ sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm đáp ứng kỳ vọng của độc giả, bởi vậy hành trình sáng tạo của mỗi nhà văn nhà thơ là bất tận.

>> Xem thêm:  Tập đọc: Mùa thảo quả

Câu chuyện về cách tân sáng tạo văn chương sẽ còn mãi một khi người nghệ sĩ có tâm huyết với nghệ thuật, tuy nhiên một tác phẩm văn chương có sống mãi trong lòng độc giả hay không đòi hỏi ở cái tâm và cái tài của nhà văn nhà thơ, vì thế họ phải lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi để tạo nên cái mới, sự độc đáo như nhà văn Nga Lêônôp Lêônit từng phát biểu: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá mới về nội dung”.

Hoàng Bạch Diệp