Mục tiêu quan điểm xây dựng đề án vị trí việc làm

Luật Viên chức ra đời đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với xu thế dịch chuyển nền công vụ chức nghiệp sang nền công vụ việc làm hiện nay. Việc xây dựng và áp dụng mô hình vị trí việc làm thay mô hình chức nghiệp giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị đánh giá được mức độ quan trọng của từng công việc, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, làm cơ sở cho công tác tuyển dụng, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực; đây còn là căn cứ để thực hiện việc đánh giá viên chức một cách chính xác, khách quan, làm cơ sở để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, trả lương, thưởng … Chính vì thế, vấn đề xây dựng vị trí việc làm và quản lý viên chức theo vị trí việc làm đã và đang được các ngành, các cấp rất quan tâm, xem đây là giải pháp góp phần đổi mới phương thức quản lý viên chức trong nền hành chính công hiện nay. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện xây dựng đề án vị trí việc làm và quản lý viên chức theo đề án vị trí việc làm là tiền đề quan trọng để Chính phủ triển khai một số đề án cải cách tiền lương, tinh giản biên chế, đánh giá viên chức…

Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng đề án vị trí việc làm trong công tác quản lý và sử dụng biên chế viên chức nên khi có văn bản quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung bắt tay ngay vào triển khai thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn thi hành, tỉnh đã tích cực, chủ động kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng, phê duyệt và áp dụng thực hiện đề án vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

* Kết quả xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm

Ngay sau khi Nghị định số 41/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn được ban hành, trên cơ sở Hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn của Bộ Nội vụ, tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn kỹ năng xây dựng Đề án vị trí việc làm cho Lãnh đạo cấp Sở, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ đầu mối phụ trách công tác cán bộ của các đơn vị, đồng thời có Công văn hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị. Qua đó, đã giúp các đơn vị nhận thức đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa, nắm được yêu cầu, cách thức xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức của các đơn vị, bảo đảm phù hợp với chức năng, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc của từng đơn vị gắn với việc thực hiện mục tiêu cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ.

Đề án vị trí việc làm của các đơn vị đã được nghiêm túc, khẩn trương xây dựng với đầy đủ các nội dung và biểu mẫu theo quy định. Ngay sau khi các đơn vị xây dựng và đề nghị thẩm định Đề án vị trí việc làm, Sở Nội vụ đã tiến hành thẩm định Đề án vị trí việc làm của các đơn vị theo các nội dung quy định, bao gồm hồ sơ xây dựng Đề án, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc xây dựng Đề án, danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực phù hợp. Trên cơ sở kết quả thẩm định Đề án của các đơn vị, Sở Nội vụ có văn bản thẩm định gửi đến các đơn vị để tiếp tục hoàn thiện Đề án vị trí việc làm.

Sau khi các đơn vị hoàn thiện Đề án vị trí việc làm theo ý kiến của Sở Nội vụ, tỉnh đã tổng hợp, xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 835/TTr-UBND ngày 25/4/2014 đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định và phê duyệt vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp của tỉnh giai đoạn 2013-2015. Tuy nhiên, trên cơ sở Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về việc giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức và số lượng người làm việc trong tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 về việc phê duyệt Danh mục vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh với 1.550 vị trí việc làm.

* Kết quả thực hiện vị trí việc làm sau khi được phê duyệt

Căn cứ Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Danh mục vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 24/4/2020 về việc phê duyệt Bản mô tả công việc và Khung năng lực vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở Bản mô tả công việc và Khung năng lực vị trí việc làm của các đơn vị đã được phê duyệt, Thủ trưởng các đơn vị đã tiến hành rà soát, kiện toàn, bố trí, sắp xếp đội ngũ viên chức theo vị trí việc làm. UBND tỉnh thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thi nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với các nhiệm vụ, công việc được mô tả, tiêu chuẩn, năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác theo yêu cầu, đảm bảo bài bản, chặt chẽ, thống nhất, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, là căn cứ để phân bổ biên chế hợp lý, khách quan và phù hợp nhu cầu thực tiễn.

* Đánh giá chung

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương và sự chủ động, tích cực của các đơn vị nên việc xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính khoa học, nghiêm túc và chất lượng.

Việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định số lượng vị trí việc làm và số người làm việc tương ứng. Đề án vị trí việc làm giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá lại tình hình sử dụng, sắp xếp nhân sự trong cơ quan, đơn vị, có cái nhìn toàn diện về số lượng vị trí việc làm dự kiến và số lượng vị trí việc làm hiện tại cũng như xây dựng kế hoạch sử dụng viên chức bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Qua quá trình xây dựng, phê duyệt và triển khai vị trí việc làm, tỉnh Bắc Ninh đã rút ra các bài học kinh nghiệm sau đây:

- Xác định và xây dựng đề án vị trí việc làm là nhiệm vụ mới và khó, do vậy sự quan tâm, chỉ đạo và quyết tâm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị là yếu tố quyết định.

- Cần có sự tham gia của toàn bộ hệ thống và từng công chức, viên chức.

- Cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư thỏa đáng và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, tỉnh Bắc Ninh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

- Các quy định pháp luật hiện hành về xây dựng và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm có tính khả thi không cao, khó thực hiện. Việc xác định số lượng người làm việc sau khi đã xác định số lượng vị trí việc làm hiện nay còn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai vì việc xác định này phụ thuộc vào phương pháp phân tích công việc kết hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, việc thống kê công việc cá nhân còn mang tính khái quát, định tính, thiếu thông tin về thời gian hoàn thành công việc, tổng thời gian thực hiện và quan trọng hơn là bản mô tả, phân tích quy trình giải quyết công việc của từng viên chức chưa được đề cập đến. Vì vậy, việc xác định số lượng người làm việc tương ứng với vị trí việc làm rất khó khăn, mang tính định tính dẫn đến việc thiếu tính thuyết phục trong đề xuất số lượng người làm việc tương ứng với số lượng vị trí việc làm trong Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị.

- Một trong những mục tiêu của xác định vị trí việc làm là nhằm sắp xếp lại đội ngũ viên chức cho phù hợp với chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, xuất phát từ thực trạng bố trí, sử dụng viên chức có thâm niên, kinh nghiệm công tác, tình trạng viên chức có chuyên môn đào tạo khác khá nhiều. Vì vậy sẽ gặp khó khăn và xáo trộn trong việc sắp xếp lại đội ngũ viên chức.

Để khắc phục những khó khăn trên đồng thời đẩy mạnh xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh góp phần tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong thời gian tới cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trên cơ sở danh mục vị trí việc làm đã được phê duyệt, cần phải phân tích, thiết kế công việc một cách hệ thống để có thể so sánh được mức độ khó hay dễ,  phức tạp hay đơn giản của từng loại công việc ở trong cùng một cơ quan, tổ chức hay ở các cơ quan, tổ chức khác nhau. Phân tích công việc tạo điều kiện để xác định các tiêu chuẩn hay tiêu chí cụ thể đối với từng vị trí công việc, để điều chỉnh kịp thời khung năng lực cho phù hợp. Dựa vào đó, việc tuyển dụng hay đánh giá viên chức có thể đảm bảo được yếu tố công bằng và khách quan hơn. 

Thứ hai, trong nền công vụ việc làm, việc tuyển chọn nhằm mục đích chọn được người phù hợp nhất cho công việc chứ không phải chọn được người có bằng cấp phù hợp với yêu cầu của hạng chức danh nghề nghiệp. Vì vậy, ngay cả khi đã xây dựng được các tiêu chuẩn cho mỗi vị trí công việc thì cũng cần chú trọng tới các công việc khác như môn thi, nội dung thi, hình thức thi tuyển để đảm bảo thông qua thi tuyển sẽ chọn được người phù hợp. Trong thi tuyển cũng cần đảm bảo loại bỏ được sự ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan, đảm bảo sự công bằng...

Thứ ba, năng lực thực thi công vụ của viên chức được đề cao trong nền công vụ việc làm. Nhưng muốn đánh giá được năng lực thực tiễn của viên chức thì phải có một hệ thống đánh giá một cách khoa học, hợp lý. Hệ thống đó đòi hỏi không chỉ chú ý tới các tiêu chí đánh giá gắn liền với các vị trí công việc cụ thể mà còn phải chú trọng tới việc thiết kế các công cụ đo lường kết quả thực hiện các tiêu chí đó để đảm bảo tính chính xác của kết quả đánh giá.

Thứ tư, cần thực hiện phân cấp trong quản lý viên chức bởi mô hình việc làm đòi hỏi các nhà quản lý phải được trao quyền nhiều hơn trong các hoạt động quản lý nhân sự, từ tuyển dụng, đánh giá đến trả lương...

Thứ năm, nhận thức và cách làm việc của viên chức nói chung và của những người làm công tác quản lý nhân sự cần thay đổi cho phù hợp với các “giá trị” của mô hình việc làm. Ví dụ, làm thế nào để các hoạt động đánh giá, tuyển dụng viên chức hoàn toàn gắn với việc chứ không gắn với người, làm thế nào để đảm bảo “vì việc mà tìm người” chứ không phải “vì người mà tìm việc”, tuyển dụng “có vào mà không có ra” và bổ nhiệm “có lên mà không có xuống”. Để thay đổi được điều đó đòi hỏi phải có thời gian, có sự chuẩn bị các yếu tố cần thiết, bao gồm cả việc ban hành quy định, thể chế, các cơ chế giám sát cũng như các biện pháp chế tài đối với hoạt động của viên chức trong từng lĩnh vực cụ thể.

Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng nội dung xây dựng nền công vụ nhà nước theo mục tiêu hiện đại, dân chủ, công bằng, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả với đội ngũ viên chức chuyên nghiệp, trong sạch, không vụ lợi, đủ năng lực, phẩm chất để thực thi công vụ. Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị cao để cùng hướng tới mục tiêu chung của công cuộc cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, cụ thể là hoàn thiện xây dựng đề án vị trí việc làm. Thực hiện thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần khắc phục tình trạng tổ chức, bộ máy và nhân sự hoạt động công vụ chưa chuyên nghiệp. Từ đó, xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả vì nhân dân, phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm sự thành công của công cuộc cải cách mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm thực hiện./.