Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch

.

Cập nhật lúc: 08:45, 13/03/2022 [GMT+7]

[LĐ online] -Nhằm xây dựng hình ảnh là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong mắt du khách, du lịch Kiên Giang luôn có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. 

Trước thời điểm mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022, tỉnh Kiên Giang xây dựng phương án chuẩn bị đón khách; đồng thời, giữa chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ cho hoạt động du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển sản phẩm mới, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng cho du khách.

Du khách vui chơi trên Bãi Trường, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc

TÍN HIỆU TÍCH CỰC TRƯỚC NGÀY DU LỊCH TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG MỚI

Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, khi trở lại bình thường mới, ngành du lịch Kiên Giang sẽ tiếp tục triển khai chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển sản phẩm mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang, liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, tập trung hoàn thiện nâng chất các điểm đến theo lộ trình mở cửa du lịch để thu hút du khách.

Sau 3 tháng triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi và thu hút du khách nội địa đến Kiên Giang, các chỉ tiêu về lượt khách và tổng thu du lịch tăng trưởng trở lại. Tính 2 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang ước đón gần 1,06 triệu lượt khách, tăng 27,1% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt là 18.687 lượt, đạt 9,3% kế hoạch năm 2022. Tổng thu ước đạt khoảng 932 tỷ đồng, giảm 4,4% so cùng kỳ, đạt 12% kế hoạch năm. Riêng thành phố Phú Quốc ước đón gần 742 ngàn lượt khách, tổng thu đạt trên 757 tỷ đồng, đạt 11,2% kế hoạch năm 2022.

Tại Sunset Sanato Resort & Villas, khu nghỉ dưỡng phức hợp nổi tiếng là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam ở xã Dương Tơ, thành phố đảo Phú Quốc, luôn có nhiều chính sách kích cầu du lịch hấp dẫn, với phương châm mang đến cho du khách một kỳ nghỉ dưỡng thoải mái, an lành. Giám đốc Tiền sảnh Sunset Sanato Resort & Villas Lê Trung Thực cho biết, khu nghỉ dưỡng đạt hiệu suất phòng 90% trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết nguyên đán 2022. Hiện, Sunset đang tiếp tục tuyển dụng, đào tạo thêm nguồn nhân viên mới để cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất cho khách hàng trong giai đoạn bình thường mới trở lại; đồng thời, phối hợp cùng với trạm y tế địa phương hoàn thành tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả nhân viên. Cùng với Sunset, nhiều cơ sở du lịch trên thành phố đảo đều đạt hiệu suất phòng cao và là tín hiệu đáng mừng cho quá trình khôi phục và phát triển ngành du lịch Kiên Giang. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang Trần Quốc Khánh, từ Quý 4/2021, các doanh nghiệp du lịch Kiên Giang đã luôn ở tư thế sẵn sàng đón du khách trở lại khi đảm bảo đầy đủ từ cơ sở vật chất đến hệ thống tour, tuyến du lịch cũng như quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp du lịch hiện vẫn là nguồn nhân lực, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lao động phục vụ du lịch phần lớn trở về địa phương. Mặc dù, người lao động đang từng bước quay trở lại, nhưng các doanh nghiệp cũng phải tiếp tục có những chính sách để thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, đảm bảo các yêu cầu dịch vụ tốt nhất cho du khách.

ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG DU LỊCH AN TOÀN CHO DU KHÁCH

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang Trần Quốc Khánh cho rằng, trong gần 4 tháng thí điểm đón khách, Kiên Giang đã gặt hái được nhiều thành công trong việc phục hồi ngành du lịch và chuẩn bị cho mình một lộ trình thuận lợi trước khi mở cửa hoàn toàn sau ngay 15/3 tới đây. Ông Trần Quốc Khánh đề nghị các ban, ngành liên quan trong tỉnh xây dựng một quy trình đón khách cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch. Từ đó, giúp du khách có một kỳ nghỉ dưỡng thoải mái, an lành; tạo hình ảnh đẹp, ấn tượng, hấp dẫn về vùng biển đảo Kiên Giang trong lòng mỗi du khách.

Thực tế, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực du lịch phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch; tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không Rạch Giá bố trí vị trí, địa điểm nhập xuất cảnh và thực hiện thủ tục kiểm soát dịch tễ; sàng lọc, phân luồng hành khách. Yêu cầu các hãng hàng không thông báo đến các doanh nghiệp lữ hành, du khách về các quy định đối với vận chuyển hành khách bằng đường hàng không trong điều kiện dịch Covid-19, hướng dẫn cho người nước ngoài cài đặt ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Kiên Giang, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với khách nhập cảnh.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái, du khách đi du lịch cần tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19; tự theo dõi sức khỏe và đảm bảo tuân thủ Thông điệp 5K và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định; có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch với nội dung chi trả điều trị Covid-19, hợp tác trách nhiệm với đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ quan chức năng về phòng chống dịch trong hoạt động du lịch. 

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, chuẩn bị các điều kiện đón, phục vụ du khách an toàn, dự phòng phương án sẵn sàng xử lý sự cố do dịch bệnh gây ra theo quy định; nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí phương án kiểm tra y tế đối với du khách quốc tế sau khi nhập cảnh Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo khoa học, nhanh chóng, thuận lợi; xây dựng, giới thiệu các gói liên kết kích cầu du lịch nội địa có ưu đãi, cam kết về chất lượng…

VIỆT QUANG

Những tín hiệu tích cực của du lịch Ninh Bình từ khi mở cửa hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới đang mở ra nhiều cơ hội phục hồi cho "ngành công nghiệp không khói". Tuy nhiên, sau một thời gian dài bị "đứt gãy" do đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần phải trở lại với diện mạo và tâm thế tốt nhất thông qua các dịch vụ đảm bảo chất lượng phục vụ du khách, góp phần xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.

Tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tốt trên cả nước, thêm vào đó trong tháng tư có 2 đợt nghỉ lễ dài ngày nên nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức như: Lễ kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh, Lễ hội Hoa Lư 2022 đã tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến với Ninh Bình, do đó lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh tháng Tư năm 2022 đạt 357,9 nghìn lượt khách, tăng 54,1% so với cùng tháng năm trước; số lượt khách đến các điểm lưu trú đạt gần 56,5 nghìn lượt, tăng 70,5%. Doanh thu du lịch ước đạt 208,4 tỷ đồng, tăng 55,2%, trong đó: doanh thu lưu trú đạt 44,8 tỷ đồng, tăng 52,9%; doanh thu ăn uống đạt 75,8 tỷ đồng, tăng 56,3%.

Đặc biệt, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng khách du lịch đến với Ninh Bình đã tăng đáng kể, ước đón trên 180.750 lượt khách, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 6.870 khách quốc tế, doanh thu ước đạt 200 tỷ. Đây là những tín hiệu tích cực song cũng đặt ra thách thức cho ngành du lịch là làm sao để đảm bảo chất lượng các dịch vụ du lịch, đảm bảo quyền lợi của du khách khi về với Ninh Bình.

Đại diện khách sạn Rio, thành phố Ninh Bình cho biết: Khách sạn Rio là khách sạn tiêu chuẩn với 7 phòng ngủ. Để chuẩn bị cho việc đón khách du lịch trở lại, khách sạn đã tuyển mới nhân viên, tu sửa lại cơ sở vật chất, các phòng đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Chủ khách sạn cũng đã thực hiện đầy đủ các quy định của ngành du lịch về công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Tại khu du lịch Thung Nham, tất cả các dịch vụ, cảnh quan, môi trường, nhà hàng... đã được kích hoạt trở lại. Chị Nguyễn Thị Hòa, đại diện khu du lịch Thung Nham cho biết: Hiện nay lượng khách đến với khu du lịch Thung Nham đã khá đông. Để chuẩn bị đón khách trở lại, ngoài việc tu sửa cơ sở hạ tầng, dọn vệ sinh môi trường, tuyển dụng lao động... Trong 2 năm tạm dừng do dịch COVID-19, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều sản phẩm du lịch mới như bể bơi, vườn hoa, các điểm check in độc đáo... Chúng tôi mong rằng các dịch vụ du lịch của mình thỏa mãn nhu cầu của khách ngay khi hoạt động du lịch quay trở lại. 

Đồng chí Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Trong bối cảnh bình thường mới, hoạt động du lịch của cả nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng có những dấu hiệu phục hồi tích cực khi mở cửa đón khách trở lại. Các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều sản phẩm, chương trình du lịch chuẩn bị cơ sở vật chất để đón khách. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. 

Để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, quyền lợi của du khách, Sở Du lịch đã khuyến cáo người dân, du khách, các đơn vị, tổ chức cần chủ động lựa chọn những dịch vụ du lịch của các tổ chức, doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, các thông tin pháp nhân, có trụ sở hoạt động kinh doanh để đảm bảo chất lượng các sản phẩm du lịch tốt nhất. 

Trước đó, để chuẩn bị mở cửa du lịch trở lại, Sở Du lịch phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh du lịch và công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Tại các cơ sở kinh doanh du lịch, đoàn đã kiểm tra các điều kiện kinh doanh du lịch như: thủ tục pháp lý; chế độ báo cáo; an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy; quyết định công nhận loại, hạng; phương án phòng chống dịch COVID-19 và đăng ký khai báo dịch qua QR; các giấy tờ pháp lý khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá từ đoàn kiểm tra, phần lớn các đơn vị kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú đều đảm bảo các tiêu chí về phòng, chống dịch COVID-19, nhiều cơ sở có sự đầu tư chỉn chu về cơ sở vật chất và nhân lực, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón khách sau khi mở cửa du lịch trở lại. 

Đoàn kiểm tra cũng rà soát, đánh giá về mức độ an toàn và các điều kiện phục vụ khách, nguồn nhân lực theo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID - 19 đối với hoạt động du lịch; hướng dẫn các cơ sở chi tiết về công tác phòng, chống dịch COVID-19, linh hoạt thích ứng và đón khách an toàn... 

Cùng với việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện ra các dịch vụ du lịch kém chất lượng, Sở Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho người lao động trong ngành du lịch, đáp ứng phần nào những "hao hụt" nguồn nhân lực du lịch trong 2 năm đại dịch COVID-19 vừa qua.

Từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch đã phối hợp với các ngành, địa phương mở được 4 lớp với gần 200 học viên. Trong thời gian tới, Ninh Bình dự kiến sẽ đào tạo cho hơn 400 lao động của ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn. 

Ngoài ra, đối với lực lượng lao động quản lý ở các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, các khu du lịch và cả cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, ngành Du lịch cũng sẽ bổ sung những kiến thức về quản lý, về phòng, chống dịch COVID-19, công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc đào tạo những kiến thức về công nghệ số, chuyển đổi số trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và đại dịch Covid-19 toàn cầu là rất quan trọng. 

Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, các chuyên gia để có các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch với việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật; du lịch ẩm thực; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch MICE [du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện]; du lịch tâm linh...

Tuy nhiên, đồng chí Phó Giám đốc Sở Du lịch cũng cho rằng: Mở cửa du lịch là một đòi hỏi tất yếu trong chiến lược phục hồi nền kinh tế. Song, cũng không nên phục hồi và phát triển du lịch ồ ạt ngay khi mở cửa hoàn toàn, mà nên hướng tới sự chuyên nghiệp, nâng chất lượng từ việc cung cấp từng dịch vụ, sản phẩm để phát triển "ngành công nghiệp không khói" bền vững. 

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm-Minh Đường

Video liên quan

Chủ Đề