Năng động và hoạt náo so sánh năm 2024

Lửa trại là hình thức sinh hoạt hấp dẫn của các bạn trẻ hay là các thành viên trong 1 tổ chức, một đơn vị hay một nhóm bạn… Đây là hình thức hoạt động lồng ghép trong một chương trình Hội trại, một cuộc cắm trại dã ngoại, một chương trình picnic hay một buổi sinh hoạt giao lưu, dạ hội…

Trong một cuộc cắm trại, sẽ không trọn vẹn nếu thiếu lửa trại. Lửa trại không phải là một buổi trình diễn văn nghệ cho trại sinh có dịp giải trí sau một ngày hoạt động, hay để giúp vui cho dân chúng trong vùng, hoặc để phô diễn tài nghệ cá nhân… mà chúng ta phải lưu ý đến tính chất giáo dục và mục đích rèn luyện của lửa trại. Lửa trại không dành cho các tài tử hay diễn viên chuyên nghiệp mà dùng cho các trại sinh. Ở đây, họ được giao lưu kết bạn, xây dựng tình đồng đội, thân hữu… được cùng vui chơi, ca hát, nhảy múa, đóng kịch… giúp các em phát triển năng khiếu nghệ thuật, lòng tự tin, mạnh dạn, óc quan sát, trí tưởng tượng… Ngoài ra, lửa trại còn để lại trong tâm hồn trại sinh những dấu ấn sâu sắc, khó quên, nhất là những buổi lửa tĩnh tâm, lửa dặm đường.

Ngày nay, tuy những tiện nghi văn minh đã có nhiều nhưng mỗi khi trở về sống giữa thiên nhiên và chiều xuống, khi bóng tối tan dần, dường như tất cả mọi người đều chờ đón ánh lửa với biết bao điều kỳ diệu của nó. Vì vậy lửa trại đã trở thành một sinh hoạt không thể thiếu trong những lần đi cắm trại hay hội trại. Bạn sẽ thực sự cảm thấy ấm lòng khi nhìn ánh lửa trại thật lớn đang bập bùng.

Năng động và hoạt náo so sánh năm 2024

Nội dung chính

MỤC ĐÍCH LỬA TRẠI

Hoạt động lửa trại nhằm tới việc giáo dục và huấn luyện ngay trong lúc vô tư vui chơi và nghỉ ngơi thư giãn. Nó chẳng những tạo sự giao hòa giữa con người và vạn vật, mà còn là dịp nhằm làm phát triển trí tưởng tượng, óc quan sát, năng khiếu nghệ thuật, khả năng giao tiếp, ứng xử…

Bên ánh lửa bập bùng kỳ ảo của đêm lửa trại, tất cả mọi người, từ người năng động đa năng hay người quen sống khép kín, còn mặc cảm kém tài, đều có thể hòa nhập với nhau trong những trò chơi nhỏ lý thú, hát những bài ca sinh hoạt, hoặc trình diễn những tiết mục văn nghệ bỏ túi đôi khi hết sức buồn cười nhưng lại thấm thía sâu xa…

Thật là sung sướng sau mỗi ngày hoạt động hoặc họp bạn vui chơi hết mình, giờ đây, cá nhân mỗi người cũng như cả tập thể đội, nhóm được cười đùa ca hát thoải mái.

Còn gì hơn quanh đống lửa trại được nghe những mẩu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc, những truyền thống tự hào của quê hương, đoàn thể và của đội nhóm mình thông qua lời kể rưng rưng cảm động của những người đi trước.

Cũng có khi nhân bầu khí khoáng đạt bên đống lửa, anh em có thể đóng góp thẳng thắn cho nhau trong tinh thần yêu thương và cảm thông, qua những vở hài kịch châm biếm dí dỏm.

Như vậy, những đêm lửa trại vừa giúp phát triển các khả năng tự nhiên, lại vừa gợi mở và nuôi dưỡng một cách âm thầm một chiều sâu nhân bản trong lòng tất cả mọi người.

Tùy từng lứa tuổi, các đêm lửa trại được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu tinh thần và thích hợp với điều kiện tâm sinh lý của từng đối tượng.

NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA LỬA TRẠI

Lửa trại vốn là tổng hợp của 3 yếu tố:

– Lửa – khung cảnh – con người, cũng là mang ý nghĩ giáo dục theo tinh thần nguyên thủy: Văn minh – thiên nhiên – chiến thắng – ấm cúng – tâm sự – nghỉ ngơi (tránh các hoạt động phi văn hóa, phản giáo dục).

– Lửa trại cần tránh nơi đông đúc, ồn ào để mọi thành viên có thể tự do bộc lộ khả năng, ý kiến…

– Lửa trại phải tổ chức cho các thành viên đều được tham gia, tránh sự thụ động chỉ ngồi xem, hưởng thụ.

– Lửa trại có những nguyên tắc thực hành để đảm bảo được ý nghĩa: diễn tả được những tình cảm, công việc của những người cùng quây quần xung quanh đống lửa. – Lửa trại không phải là sân khấu văn nghệ mà là cuộc hội họp, gặp gỡ, trao đổi quanh lửa của các bạn bè vào buổi tối. (Ngoại trừ trường hợp tổ chức Lửa trại nghệ thuật). – Nên tập trung tới lửa trại toàn bộ những người chung sống ở đất trại, trong cùng đội nhóm, nếu không lửa trại sẽ mất đi ý nghĩa của nó, hoặc biến thành một cuộc biểu diễn văn nghệ đơn thuần.

– Tôn trọng tinh thần của khung cảnh. Đừng làm điều gì không ăn nhịp với cảnh sắc tinh thần của tập thể để mất đi phần thích thú, bổ ích, tao nhã.

– Lửa trại phải diễn ra vào ban đêm, không phải vào lúc còn sáng và cũng không bắt đầu còn tranh tối tranh sáng. Lửa trại là chỗ sáng nhất của đêm tối, qui tụ mọi nhãn quang của những người ngồi chung quanh bởi tối trời, bởi giá lạnh, bởi nỗi hãi sợ hay tình thân ái.

– Lửa trại phải là công việc chung cuối cùng trong ngày hoạt động và cũng là công việc cá nhân cuối cùng. Tham gia lửa trại chính là lúc mỗi người nghỉ ngơi, di dưỡng tinh thần, bù lại mọi cố gắng trong ngày làm việc đầy đủ, sinh động, đây cũng là lúc tĩnh tâm tưởng niệm, lúc tâm tình cởi mở.

– Có thể dùng những phút cuối cùng của đám than hồng trong đêm tối để làm lễ tĩnh tâm cho một vài trại sinh sau lễ lửa tàn.

NGUYÊN TẮC THỰC HÀNH – Chuẩn bị địa điểm đốt lửa trại thật chu đáo; lối đến vòng lửa, lối ra về, củi lửa, chỗ ngồi, chương trình… Hãy kiểm tra chặt chẽ, có phương án dự trù cũng như cần tập

dợt, tổng duyệt một số các tiết mục quan trọng trong đêm lửa trại

– Luôn luôn tìm tòi sáng tạo những cái mới nhằm giúp cho người tham gia cảm thấy háo hức trông chờ những điều mới lạ và vì vậy họ sẽ nhập cuộc một cách sôi nổi hào hứng. – Hòa hợp nhịp điệu toàn cuộc với sức lửa cháy. Bắt đầu với sự im lặng triệt để, rồi cường độ của các hoạt động tăng dần cùng sức lửa cháy và nhiệt lượng của lửa. Lên đến độ cao nhất bắt đầu giảm dần hoạt động ăn khớp với sức lửa tàn. Gần cuối không còn những kịch hùng khí, những trường hùng ca, những tiếng reo hò náo động mà phải là những gì thúc giục gợi trầm suy tưởng.

– Trong đêm lửa trại, những gì lôi cuốn nên để vào lúc khởi đầu, những gì nhộn nhịp huy hoàng vào giữa cuộc và những gì mang lại cảm xúc sâu lắng vào lúc lửa gần tàn. – Những hoạt động trong đêm lửa trại cần hướng đến những giá trị chân thiện mĩ, vui vẻ, hứng khởi về tinh thần.

– Trong sinh hoạt lửa trại nên nói đến điều tốt, cái đẹp; nêu lên những gương sáng, có ích lợi về giáo dục hơn là nêu những gương xấu, tính xấu. Tránh những loại âm nhạc hoặc trò chơi không phù hợp.

– Giữ bí mật chương trình cả về nội dung và hình thức để gây ấn tượng cho người người tham gia. Không ai có thể đoán biết lễ khai mạc sẽ là hình thức nào, lửa sẽ được châm theo kiểu nào, các đội sẽ trình bày những tiết mục nào, tiếng reo gì..

QUI TRÌNH TỔ CHỨC LỬA TRẠI
  1. Phần chuẩn bị:

– Địa điểm tổ chức lửa trại, địa điểm phóng lửa.

– Nội dung hay chủ đề của lửa trại (lửa vui, lửa kết thân, lửa truyền thống hay lửa trại chính thức).

– Nội dung tham gia sinh hoạt lửa trại của các đơn vị (phải nắm chắc).

– Chuẩn bị là tập dợt cho đội nhảy lửa có thể chọn bài hát lửa trại vui của Nguyễn Văn Hiên.

– Quy định hình thức hóa trang của đội nhảy lửa.

– Chuẩn bị lời mở lửa và tàn lửa.

– Qui định quản trò, quản ca, quản lửa.

– Chuẩn bị: Củi, dầu, dụng cụ phóng lửa.

– Chương trình lửa trại phải được soạn trước nhiều ngày. Nhưng hình thức lẫn nội dung của chương trình cần được giữ kín để tạo sự ngạc nhiên, lý thú… không ai biết sẽ khai mạc lửa trại với hình thức nào (ngoại trừ những người được phân công). Các đội hình sẽ trình bày những tiết mục gì, hoạt cảnh hóa trang ra sao…

– Sửa soạn đốt lửa trại, củi lửa, lối đến vòng lửa của các đội, các phương tiện tạo lửa màu, bông lửa.

– Chuẩn bị các trò chơi mới, băng reo, bài hát sinh hoạt mới để tạo không khí trong lửa trại là trách nhiệm quan trọng của 3 nhân vật: quản trò, quản lửa, quản ca.

– Vai trò của quản trò: Là linh hồn của đêm lửa trại, nó bắt buột bạn phải chuẩn bị vai trò của mình thật kỹ. Bạn cần luôn sinh động, có óc hài hước và xử trí linh hoạt các công việc trong đêm lửa trại… nói chung là lúc sôi nổi cũng như khi tàn lửa, bạn luôn biết hành động phù hợp và biết kích thích mọi thành viên tham gia chương trình.

Nếu bạn là quản trò thật sự của đêm lửa trại, bạn sẽ cùng quản ca, quản lửa để trở thành một sợi dây thân ái nối kết toàn vòng tròn.

– Vai trò của quản ca: Đặc tính của quản ca là hay hát chứ không cần hát hay. Bạn ấy biết tất cả các bài hát sinh hoạt được các thành viên tham dự lửa trại yêu thích và biết bắt nhịp chiếm lĩnh khi cần thiết.

Nếu bạn là người mới của tập thể bạn cần tìm hiểu những bài ca, điệu múa tập thể mà tập thể đó đã biết để không lạc lỏng khi bắt lời.

Nghệ thuật quản ca là đáp ứng những bài hát phù hợp với tiết mục đang trình diễn để đẩy mạnh cao trào hay gọi về sự êm dịu cần thiết, để cả vòng tròn không cảm thấy lúng túng ở những khoảng dừng. Biết cọn những bài ca ngắn, dài phù hợp và biết ngừng khi quản trò cần. Nếu là sân khấu thì quản ca là dàn nhạc phụ họa cho các tiết mục hay kéo màn.

– Vai trò của quản lửa: Là người làm cho ngọn lửa bùng lên khi khai mạc và tối thiểu 10 đến 15 phút cho lửa cháy mà không cần ra sửa hoặc dựng thêm củi (vì lúc này là lúc thủ tục khai mạc lửa). Do đó, người quản lửa phải biết kỹ thuật chất củi cho lửa cháy đều, kể cả đặc tính của cây và số lượng củi cần xếp để đoán được thời gian lửa cháy hết.

Khi cần thiết thì xuất hiện để khơi hay hãm bớt ngọn lửa hoặc điều khiển tạo lửa màu hay bông lửa, còn nếu không thì nên hạn chế ra vòng lửa.

* Ghi chú: Nếu vòng lửa khá lớn, số lượng quá đông thì chúng ta phải cần nhiều quản trò, quản ca, quản lửa phụ tá để hỗ trợ cho đêm lửa trại thành công.

  1. Địa điểm nơi tổ chức lửa trại:

– Địa điểm phải rộng, thoáng, tránh những tàn cây tấp phía trên, lửa sẽ làm khô cây hay cháy, gây nên phiền phức cho tổ chức. Lửa trại được đốt ở điểm quy tụ được mọi tầm nhìn ở các lều.

– Chứa đủ số lượng trại viên của trại.

– Khu vực được dọn sạch đá, sỏi lớn hoặc các ổ côn trùng nhỏ đề tránh tai nạn cho trại sinh hay làm bẩn quần áo.

– Nếu là đất xi măng hay đường nhựa thì phải xin phép trước. Để bề mặt của sân không bị nứt. Cần tìm cát to, trãi đầy tối thiểu 20 cm, sau đó đặt tấm cách nhiệt lên để giảm nhiệt, đồng thời chuẩn bị những xô nước, để thỉnh thoảng tưới nhẹ vào nhằm giảm sức nóng.

  1. Tiến trình đêm sinh hoạt lửa trại:

* Củi được xếp sẵn, bộ phận phụ trách lỹ thuật phóng lửa chuẩn bị sẵn sàng.

–Quản ca xuất hiện tại sân lửa trại, dùng tiếng vọng mời gọi các đơn vị tham gia. Các đơn vị đáp lại bằng những băng reo, rồng rắn xuất hiện và cùng sinh hoạt vòng tròn để tạo không khí vui ban đầu.

– Đọc lời mở lửa và gọi lửa.

– Khi lửa xuất hiện, toàn bộ vòng tròn đều làm 1 băng reo vui hoặc hát bài hát: Lửa trại vui của Nguyễn Văn Hiên. Đồng thời đội nhảy lửa sẽ xuất hiện. Các trại sinh (không nằm trong đội nhảy lửa) cùng tham gia nhảy kết thúc bài nhảy lửa. Trại trưởng xuất hiện khai mạc lửa trại (ngắn gọn, truyền cảm) và trao quyền điều hành cho quản trò.

– Quản trò xuất hiện bất ngờ và theo lời mời gọi của vòng tròn rồi điều khiển chương trình sinh hoạt lửa trại.

– Khi nhận ra cuộc vui đã kết thúc, bạn mời tất cả mọi người khép vòng, ngồi quanh đống lửa và hát những bài trầm lắng.

–Trại trưởng phát biểu tâm tình gắn với đôi điều nhắn nhủ trại sinh. Sau đó, tất cả cùng hát bài ca tàn lửa và chia tay trở về lều trong im lặng.

– Bộ phận chuẩn bị dập tắt lửa thật kỹ để tránh cháy, nhất là ở trong rừng, đồng cỏ.

* Mở đầu buổi lửa trại:

– Tùy theo loại hình lửa trại mà cấu tạo chương trình, tuy nhiên chúng ta có thể thực hành theo quy trình sau: Xin được giới thiệu với các bạn một ví dụ:

  1. Gọi lửa:

Bằng những băng reo để cuốn hút sinh hoạt sôi động của tất cả các thành viên và tiếp theo với các bài hát. Người gọi lửa: “Hỡi những người con can đảm của núi rừng cùng về đây mừng lửa”. Các đội cùng đáp: “A…” kéo dài và chạy đến theo lối đi đã thống nhất, tạo thành một vòng tròn khép kín.

2. Nhảy lửa:

Mọi người cùng múa theo bài “Nhảy lửa” mà đa số thành viên đã biết.

3. Lời kai mạc lửa trại:

Khi ngọn lửa đã bùng sáng, vòng tròn im lặng tuyệt đối. Trại trưởng sẽ phát biểu khai mạc lửa trại. Lời phát biều cần ngắn gọn, nhưng tạo được sức truyền cảm nêu cao tinh thần của chủ đề hoạt động trại. Sau đó, trại trưởng sẽ giới thiệu quản trò, quản ca, quản lửa (từ đó chương trình lửa trại do quản trò điều hành).

  1. Chương trình lửa trại:

Phần này quan trọng nhất của đêm lửa trại. Đó là kết quả của nghệ thuật sáng tạo và tinh thần hợp tác. Xin gửi đến các bạn một số gợi ý thực hành như sau:

Tìm mọi cách để đạt mục đích hoặc đề tài đã định cho buổi lửa trại. Vì thế cần chú ý đến ý thích, sự hiểu biết, trình độ học vấn của người tham dự, kể cả những đặc điểm phong tục tập quán của địa phương.

Quản trò đừng nên bắt buộc mọi người luôn phải đứng lên, ngồi xuống, hô reo mà nên linh hoạt, khéo léo, tạo nhịp điệu hấp dẫn cho cuộc họp, chiếm khắp không gian và khoảng đất của vòng họp bằng sự thông minh và tao nhã. Người quản trò phải duyệt chương trình của các đội, nhóm để làm chủ thời gian và quyết định đội nhóm nào sẽ trình diễn trước, sau. Thông thường các tiết mục hấp dẫn được xếp ở phần mở đầu và kết thúc.

Kịch ở lửa trại không là kịch trên sân khấu, kịch lửa trại bộc lộ ý nghĩa như một tinh thần chung của người tham dự và tìm được sự thông cảm nơi người xem cũng như từ chính giá trị đó. Kịch ở lửa trại thường giản lược, ít lời đối thoại nhưng rất phong phú động tác diễn cảm. Người diễn và người xem đôi lúc có cả những giao tiếp trực tiếp.

Câu chuyện sinh hoạt ở lửa trại là một sinh hoạt quan trọng ở lửa trại. Với một câu chuyện hay một đoạn văn được sáng tác hoặc được chọn lọc từ sách báo, trong một mục đặc sắc. Dĩ nhiên, loại hình này đòi hỏi nơi bạn một sự tự tin và khả năng diễn đạt tài nghệ… nhưng mong bạn hãy cứ bắt đầu.

Nhảy múa reo hát: Những loại này nội dung rất phong phú nhưng không phải hiếm khi bạn bỗng nhiên quên, không biết cần xướng lên bài hát nào. Để tránh không bị rơi vào hoàn cảnh tương tự, bạn nên tự soạn một tập ghi các bài hát, điệu múa, băng reo… và thưởng mở ra xem lại trước giờ khai mạc lửa trại.

Hình dáng: Người quản trò bước ra vòng tròn với dáng điệu ngộ nghỉnh, duyên dáng cũng tạo sự thu hút, chú ý của vòng tròn.

  1. Tàn lửa:

Nếu lửa trại được khởi đầu trong không khí reo vang bằng âm thanh và sự tưng bừng của mọi tâm hồn, thì lửa trại cần được kết lại trong sự luyến tiếc và trào dâng nhưng cảm xúc cao cả.

Khi nhận ra rằng cuộc chơi đã kết thúc, bạn hãy mời tất cả mọi người tiến vào gần, ngồi vòng quanh khép kín vòng lửa và cùng cất lên những bài hát trầm lắng. Có thể trước đó, bạn hãy yêu cầu mọi người chuẩn bị sẵn một cây nến nhỏ. Và giờ đây chúng lung linh truyền đi thắp sáng cả vòng tròn. Trong im lặng thì mọi sự đùa giỡn, nghịch phá dù chỉ trong giây phút này thì thật vô duyên.

Trại trưởng sẽ nói đôi điều nhắn nhủ và chúc cho tình thân ái luôn ngự trị trong anh em. Sau đó, tất cả cùng hát bài ca tàn lửa và chia tay trở về trong im lặng.

Nên nhớ: Xin đừng vỗ tay hoặc hô giải tán lúc này.

  1. Lưu ý:

– Quản trò là người duy nhất được tự do trong vòng tròn lửa trại (nên tránh mặt khi các đơn vị trình diễn).

– Quản lửa coi lửa khi nào cần cháy bùng hay pha màu.

– Bạn nào muốn cho tiếng reo hay bài hát đều báo cho quản trò biết trước, sau đó mới được vào vòng tròn, tránh tình trạng vô tổ chức, gây rối trong lửa trại.

– Bài hát và trò chơi phải được mọi người đều biết nhưng không nên dài dòng gây nhàm chán cho lửa trại.

– Kể cả quản lửa cũng phải tránh vòng lửa để khỏi gây phiền cho các đơn vị trình diễn.

TRÌNH TỰ CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI
  1. Ổn định đội hình.

– Đội nhảy lửa vào vị trí quy định.

– Đội hình tham dự triển khai thành hình vòng tròn lớn quanh đống củi.

  1. Nghi thức gọi lửa.
  2. Nhảy lửa.

– Các bài nhảy lửa đã được tập.

– Dân vũ.

– Nhảy tự do theo điệu nhạc.

  1. Giao lưu văn nghệ hoặc biểu diễn thời trang vui.
  2. Các trò chơi sinh hoạt lửa trại.
  3. Câu chuyện lửa tàn (lời tịnh tâm).
CÁC DẠNG KHAI MẠC LỬA TRẠI

Có nhiều hình thức khai mạc lửa trại và việc này cũng tùy thuộc thời tiết, chất lượng củi (khô, ướt, lớn, nhỏ). Có khi phải đốt lửa trước khi tập họp toàn trại, có khi ngược lại.

  1. Dùng đuốc châm lửa.
  2. Rước đuốc châm lửa truyền thống (trong các trại họp mặt truyền thống)
  3. Xây dựng hoạt cảnh.

Thông dụng nhất và hay được sử dụng trong các chương trình lửa trại hiện nay là “Thần bóng tối và thần ánh sáng”:

– Thần bóng tối: Mặc đồ đen, khoe khoang, khoác lác, chống lại thần ánh sáng, tìm cách dập tắt nguồn sáng, nhưng cuối cùng rồi cũng phải bị thua và thần ánh sáng làm chủ đêm lửa trại.

– Thần ánh sáng: Đem ánh sáng tới và xua đuổi thần bóng tối, đem yêu thương, vui tươi cho mọi người.

  1. Dùng hình thức hỏa tiễn bay hay chuột lửa:

Căng dây từ trên cao xuống đống lửa. Trên dây kẽm có buộc chuột lửa, tất cả im lặng ngồi vào chỗ và từ trên cao có tiếng hát vui của thần lửa, quản lửa điều khiển nghi lễ cầu thần lửa ban cho ánh sáng, rồi đột nhiên con chuột lửa theo đà dốc chạy xuống đống lửa. Có thể dùng một con chuột lửa từ một gốc nào đó có dây thun buộc để dùng lực đàn hồi bắn lên mồi cháy con ở trên.

  1. Dùng dây điện và dây “Maso” để dưới đống lửa: khi quản trò điều khiển cho mọi người chú ý cầu thần lửa thì người ngoài đóng cầu dao điện, lửa sẽ tự cháy lên trong sự ngạc nhiên của nhiều người.
GIỚI THIỆU MỘT SỐ KỊCH BẢN LỬA TRẠI

Đây là một số kịch bản lửa trại đã được sử dụng trong các hội trại, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, các bạn có thể ứng dụng một phần, hoặc cải biên thêm để xây dựng thành một chương trình Lửa trại phù hợp nhất với đơn vị mình.

CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI KHAI MẠC HỘI TRẠI TRUYỀN THỐNG HÙNG VƯƠNG

* NHÂN VẬT

– Lạc Long Quân

– Âu Cơ

– 30 diễn viên múa

* ĐẠO CỤ

– Ngọn đuốc chính dành cho Lạc Long Quân

– 10 ngọn đuốc lồ ô (dành cho đại biểu cùng châm lửa)

– 30 ngọn đuốc

Cảnh nhà Rông Tây Nguyên, phía trước là đống củi lửa trại. Ánh sáng lung linh, khói tỏa nhẹ, không gian im lặng. Đội múa đứng trước nhà sàn; phía trước là vòng tròn của các đơn vị tham dự lửa trại (chưa đốt lửa).

Tiếng hú dài, tiếng trống chiêng nổi lên.

Tiếng gọi vọng: Ơ này anh em ơi! Về đây ta cùng đốt lửa hồng! Để đền bù những lúc sương khuya, trong đêm đen bầu trời mịt mùng.

Đáp: Trong đêm đen bầu trời mịt mùng.

Tiếng gọi: Ơ này anh em ơi! Về đây cùng nhau ta quây quần, nào cùng hát ca, cao cao bên lửa hồng bập bùng.

Đáp: Cao cao bên lửa hồng bập bùng (tiếng hú)

Tiếng trống chiêng nổi lên 3 hồi. Lạc Long Quân và Âu Cơ xuất hiện (Lạc Long Quân đứng bên dưới và Âu Cơ ngồi trên nhà sàn). Âm nhạc Tây Nguyên nổi lên, tốp múa thể hiện trên nền tiết tấu khỏe mạnh thể hiện sức sống của núi rừng và cuộc sống của thời nguyên sơ. Lạc Long Quân nói trên nền nhạc:

Hỡi con Rồng cháu Tiên

Từ mọi miền Tổ quốc

Của xứ sở Long Quân – Âu Cơ muôn đời rộng mở

Các thần dân ta về đây từ núi non hiểm trở

Từ biển xa, biên đảo, sóng thần

Đã không quản đường dài, sóng dữ

Cùng về đây góp bàn tay dựng nước Văn Lang

Gọi: Hỡi những thần dân đất Việt! Hu ra…

Đáp: Hu ra, hu ra, hu ra…

(nhạc múa bài Đêm Lam Sơn)

(Đọc trong nền nhạc):

Đất của ta rừng vàng biển bạc

Vương quốc của ta hoa nở bốn mùa

Trai gái của ta vui sống bên nhau

Giữa đất trời sáng bừng lên ngọn lửa

(Ngọn đuốc được thiết kế từ trên cao chạy ngay xuống tầm tay của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân hô to: Ta truyền giao hùng khí Văn Lang của 4000 năm dựng nước và giữ nước cho tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh, để tiếp tục nâng cao đuốc trí tuệ soi đường cho sự nghiệp lập thân kiến quốc, cho Việt Nam dân cường nước thịnh song hành với cường quốc năm châu (mời đại diện lên châm ngọn đuốc truyền thống).

Lạc Long Quân: Nổi trống lên hỡi những chàng trai cô gái con Lạc cháu Hồng. Hỡi những bộ tộc Bách Việt kiên cường bất khuất.

Lúc này 4 diễn viên cùng đánh trống, đánh chiêng, tù và… và mọi người cùng reo vang.

Âu Cơ: Hỡi những bộ tộc Việt

Những con yêu của mẹ Âu Cơ

Các con về đây để tế cáo đất trời cầu cho quốc thái dân an

Để chào mừng cho hào khí Văn Lang

Thiên vạn niên trường tồn vĩnh cửu

Các thần dân hãy mau về đây, mau về đây!

Nhạc nổi lên.

Lúc này toàn trại cùng nhảy múa theo bài hát “xưa mẹ Âu Cơ” (Đội múa làm mẫu, toàn bộ trại sinh múa theo).

Kết thúc bài múa, Âu Cơ truyền dạy: Các bộ tộc Việt hãy lắng nghe lời huấn dụ của Tổ phụ Long Quân.

Long Quân: Bên ngọn lửa rực cháy đêm nay, trong niềm tự hào của hồn thiêng sông núi, các thần dân về đây trong tình yêu Tổ quốc, dệt những bài ca cho đất nước nở hoa. Mỗi con dân nước Việt hãy nhớ những ngày đấu tranh gian khổ dựng nước và giữ nước của cha ông để nung lên ngọn lửa tâm hồn.

Giữ đỏ thắm trong lòng dân nước Việt

Lửa trái tim, của chân lý niềm tin

Lửa nghìn đời bất diệt thiêng liêng

Hãy bái lạy tổ tiên sông núi

(tất cả cùng cúi lạy và hô: hu ra)

Hãy hát mừng Tổ quốc nở hoa

Hãy hát mừng lửa hồng soi sáng.

Con đường vinh quang đang đón chờ tất cả chúng ta (lúc này nhạc nổi lên những bài múa nhảy lửa, tất cả cùng tham gia theo hướng dẫn của Long Quân, Âu Cơ và nhóm múa).

Khi nhảy lửa xong, tất cả cùng ngồi quanh vòng lửa, im lặng.

Sau đó chuyển sang phần nghi lễ khai mạc Hội trại truyền thống Hùng Vương (có chương trình riêng, phần này do Ban tổ chức trại điều hành).

CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI “BỐN THẾ HỆ CÙNG HÒA CHUNG BƯỚC TIẾN”

– Phân công: Quản trò, quản ca, quản lửa và người đọc lời vọng

– Một số người cùng tham gia công tác thi đua

– Số lượng tham gia múa lửa là 50 người, có đuốc và tự hóa trang.

– Thành phần: Các tiểu trại đều tham gia và chọn cho đơn vị mình một tiếng reo thật ý nghĩa.

* BỐ TRÍ:

Xếp củi theo mô hình nón.

Thiết kế 4 dây lửa từ 4 hướng chạy về nơi đống củi (có 4 người phụ trách chuột lửa của 4 hướng).

* CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT

– Khi có lệnh tập họp của BTC, toàn thể trại sinh tập trung, đội hình múa lửa cầm đuốc (chưa châm lửa) quì vòng tròn bên trong đống củi.

– Chuẩn bị tiến hành lửa trại đèn điện đều được tắt hết.

– Ngay sau khi bóng tối bao trùm, tiếng reo của các đơn vị cùng hòa nhịp. Sau đó tất cả cùng im lặng.

– Lúc này người thuyết minh bắt đầu đọc lời gọi lửa (xem sau phần chương trình). Khi đọc đến đoạn “cờ tự do… thắm đỏ”, 4 người phụ trách chuột lửa từ 4 hướng dẫn lửa cho chạy xuống đống củi cùng một lúc; ngọn lửa bừng cháy lên.

– Tất cả cùng reo vang, lúc này đội hình múa lửa đứng lên cầm đuốc đi theo hình xoắn ốc, đi vào đống lửa đã bừng sáng và khi đến hết lời gọi lửa thì đội hình này đã tự châm đuốc và đi trở ra đứng thành vòng tròn như cũ (có người hướng dẫn đi).

– Quản trò và quản ca bắt nhịp những bài hát gọi lửa, nhảy lửa.

– Mời đại biểu lên phát biểu khai mạc lửa trại.

– Tiếp theo là nội dung chính của lửa trại:

Thi hoạt cảnh bốn thế hệ.

Thi văn nghệ

Kịch vui

Múa hát sinh hoạt cộng đồng

– Sau khi hoàn tất nội dung chính, quản trò làm công tác khen thưởng và linh hoạt mời đại diện lãnh đạo lên trao đổi câu chuyện lửa tàn.

Lúc này toàn bộ trại sinh ngồi quây quần bên nhau tay trong tay, vai kề vai, im lặng. Khi kết thúc câu chuyện lửa tàn những bài hát chia tay được quản ca bắt nhịp vang lên. Các trại sinh lần lượt về đơn vị mình.

+ Lời gọi lửa

“Ôi Tổ quốc, vinh quang Tổ quốc

Ngàn muôn năm dân tộc ta ơi!”.

Đất nước Việt Nam đã trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, bom đạn, khói lửa bao phủ khắp xóm làng. Bao gian khổ hiểm nguy vẫn không thể nào ngăn cản được người dân Việt Nam đứng lên cầm súng giết giặc với ngọn lửa căm hờn rực cháy trong tim.

“Từ khi có Đảng cuộc đời bừng sáng”

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã liên tiếp lập nên nhiều chiến công hiển hách, phi thường mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là một sự kiện quan trọng đánh dấu một bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam – mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập – tự do – ấm no – hạnh phúc.

Cách mạng tháng Tám là kết tinh những truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Biết bao xương máu đã đổ xuống tô thắm màu cờ Tổ quốc. Hàng triệu đồng bào chiến sĩ đã nằm lại trên mảnh đất thân yêu này để đem lại cuộc sống yên bình cho dân tộc hôm nay.

“Ôi tiếng của ông cha thuở trước

Xin hát cùng non nước hôm nay”.

Ngày 30/4/2019, mừng 44 năm đất nước thống nhất, tận trong sâu thẳm trái tim của mỗi chúng ta, hãy thắp sáng lên ngọn lửa quật cường mà cha ông đã một thời hun đúc. (Lúc này lửa chạy từ 4 phía vào bừng sáng đống củi khi đọc xong 4 câu thơ sau).

“Cờ tự do bay rợp chiến đài

Bốn phương trời đỏ rực tương lai

Dậy lên hỡi những linh hồn trẻ

Máu của con tim nhuộm thắm đời”.

(Tiếp theo đội hình nhảy lửa theo hình xoắn ốc tiến vào thắp lửa vào đuốc).

Hôm nay đây nhân kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta hãy cùng thắp sáng lên ngọn lửa cách mạng – ngọn lửa của những năm tháng không thể nào quên. Chúng ta tự hỏi phải làm gì cho đất nước tươi đẹp hơn, để sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Phải làm gì đất nước ta vươn lên trên tầm thời đại, xứng đáng con Lạc cháu Hồng?

“Nếu được làm hạt giống của mùa sau

Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa

Vui gì hơn làm người lính đi đầu

Trong đêm tối tim ta là ngọn lửa”.

(Quản ca bắt những bài hát nhảy lửa, đội hình múa lửa nhảy lửa)

+ Câu chuyện lửa tàn:

Toàn bộ trại sinh im lặng, tay trong tay, vai kề vai cùng quây quần bên lửa tàn. Quản trò có thể mượn một câu chuyện từ các tuyển tập sống đẹp, tâm hồn cao thượng… để nói về giá trị của tình đoàn kết keo sơn, giá trị của tình bạn… trong cuộc sống.

CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI “HỘI QUÂN”

Phân công đóng các vai

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dẫn chương trình

Quản lửa

Quản ca

Quản trò

Trưởng Trạm một

Trưởng Trạm hai

Trưởng Trạm ba

Trưởng Trạm bốn

* KỊCH BẢN

Bốn thành viên ban tổ chức đứng ở 4 trạm qui định trước.

Bốn đội chia làm 4 quân đoàn, mỗi quân đoàn chọn tên một vị anh hùng trong trận ĐBP, các đội hóa trang thành những người lính Điện Biên.

– Xuất phát.

– Quân đoàn được 4 thành viên BTC dẫn dắt chạy qua 4 trạm (trạm 1 lấy đuốc; trạm 2 lấy vải vụn, tìm đuốc; trạm 3 lấy dầu; trạm 4 lấy lửa châm đuốc) chạy về điểm tập kết.

– Trại trưởng đóng vai tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ chiến sĩ:

Phải nhận rõ vinh quang được tham dự vào trận lịch sử này.

Phải có một quyết tâm giết giặc rất cao.

Phải nắm phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

Phải vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn.

Hợp đồng chặt chẽ.

Chiến đấu liên tục.

Tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ giành đại thắng cho chiến dịch.

Giờ ra trận đã đến”.

– Các trại sinh hô to: “Quyết chiến, quyết thắng”.

– Đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Nào tất cả chúng ta cũng châm ngọn đuốc nhiệt tình của tuổi trẻ, ngọn đuốc của khí thế bừng bừng đang sục sôi cuồn cuộn”. (Trại trưởng và cả vòng tròn châm đuốc thổi bùng lên ngọn lửa trại).

– Trại phó bước ra thay lời trại trưởng: “Nào, hỡi các quân đoàn về đây hội quân, chúng ta hãy lần lượt giới thiệu về quân đoàn của mình để rồi sau đêm nay chúng ta sẽ lao vào cuộc chiến một mất một còn với quân xâm lược”.

– Tổ trưởng tổ một (dẫn toàn tổ tiến về vị trí trung tâm): “Tôi Phan Đình Giót đại diện toàn quân đoàn xin quyết tâm chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, nào các đồng chí, lên đường”.

Tổ 1 diễn hoạt cảnh xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng Phan Đình Giót.

– Tổ trưởng tổ hai: “Tôi Bế Văn Đàn đại diện toàn quân đoàn xin quyết tâm chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, nào các đồng chí, lên đường”.

Tổ 2 diễn hoạt cảnh xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng Bế Văn Đàn.

– Tổ trưởng tổ ba: “Tôi Nguyễn Hoàng Nô đại diện toàn quân đoàn xin quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nào các đồng chí, lên đường”.

Tổ 3 diễn hoạt cảnh xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng Nguyễn Hoàng Nô.

– Tổ trưởng tổ bốn: “Tôi Tô Vĩnh Diện đại diện toàn quân đoàn xin quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nào các đồng chí, lên đường”.

Tổ 4 diễn hoạt cảnh xây dựng hình tượng anh hùng Tô Vĩnh Diện.

– Trại phó bước ra: “Cám ơn tất các anh, các đồng đội thân yêu, các chiến sĩ can trường. Tất cả chúng ta đây, sau đêm nay ra trận, dầu có hi sinh xương máu thì chúng ta vẫn quyết tâm “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Quản trò, quản ca cho các bạn hát, múa, chơi trò chơi quanh đám lửa.

– Tàn lửa, phút tĩnh tâm. (Toàn bộ trại sinh tay trong tay quây quần bên nhau, lắng đọng. Trại trưởng nói vài lời kết thúc).

(Sau phút tĩnh tâm các bạn lần lượt im lặng trở về lều, chuẩn bị trò chơi đêm).

CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI “TIẾNG PHÁO MỪNG CÔNG”

Chuẩn bị các vật dụng:

– Chuẩn bị một số bong bóng trong hậu trường làm tiếng pháo.

– Căng dây chuột lửa theo hình phi đạn.

– Phục trang cho các nhân vật.

Phân vai:

Chọn 1 người đóng vai tướng Đờ Cát phục trang áo lính lê dương.

Chọn 1 người đóng vai chiến sĩ Điện Biên phục trang áo ghi lê trấn thủ.

Chọn 1 nữ đóng vai thiếu nữ Tây Bắc phục trang áo dân tộc.

Cùng các anh chị hỗ trợ âm thanh hậu trường.

* KỊCH BẢN CHI TIẾT

Tiếng gió lồng lộng (hậu trường) tướng Đờ Cát hoang mang đi qua lại trong phòng, chợt hét lên:

– Hãy tiến lên, hãy chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, (bần thần). Không, không, nước Pháp chúng ta không thể thua một quốc gia non yếu như Việt Nam thế này được.

Một tiếng pháo nổ vang (Hậu trường) Đờ Cát thất hồn nhìn về phía cửa. Bỗng có một giọng nói của một chiến sĩ kháng chiến:

– Hãy đầu hàng, các người đã bị bao vây.

Người chiến sĩ đi vào dẫn giải Đờ Cát, khí thế rất hồ hởi. (dẫn Đờ Cát ra sau hậu trường). Một thiếu nữ dân tộc chạy ra, hô to:

– Ôi thắng rồi, chúng ta thắng rồi phải không các anh.

(Hậu trường reo vang).

Thiếu nữ (giọng xúc động): “Vậy là bản mường Tây Bắc đã trở về những giây phút thanh bình rồi phải không các anh?”

Người chiến sĩ lúc nãy đi ra, vừa đi vừa nói giọng bồi hồi, lắng đọng:

– Đúng vậy, cuối cùng chúng ta đã lấy lại những gì thuộc về chúng ta, sau 56 ngày đêm gian lao khổ nhọc chúng ta đã thành công, chúng ta hãy ăn mừng chiến thắng này đi.

Người chiến sĩ đổi giọng, hồ hởi reo lên:

– Này anh em ơi.

– (Hậu trường): Ơi!

Người chiến sĩ: “Hãy thắp lên lên những ngọn pháo để mừng cho độc lập, mừng cho tự do, mừng cho ngày phá tan xiềng xích, thoát ách nô lệ, vì ngày mai tươi sáng hãy thắp lên đi các bạn ơi”.

Người chiến sĩ khoác vai cô thiếu nữ tay giơ cao thành hình tượng. Hậu trường làm tiếng nổ, đốt chuột lửa, chính thức bước vào đêm lửa trại. Sau đó chào khán giả đi vào hậu trường.

+ Lời dẫn

Quản trò xuất hiện và nói:

“Kính thưa các anh chị, đã 50 mươi năm trôi qua kể từ ngày giải phóng Điện Biên, nhưng âm vang của chiến thắng ấy vẫn còn mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam, thôi thúc chúng ta hành động. Thanh niên chúng ta hôm nay hãy góp sức cho đời để xây dựng đất nước ngày một đẹp tươi, giàu mạnh, sao cho xứng đáng với truyền thống của cha anh ta. Xin trân trọng kính mời – trại trưởng hội trại lên tuyên bố khai mạc đêm lửa trại”.

+ Tổ chức các hoạt động lửa trại: Theo phân công như bản kế hoạch tổ chức lửa trại.

+ Lửa trại: Sau khi kết thúc phần nội dung chính của lửa trại, quản trò đọc lời lửa tàn hoặc mời đại diện BTC lên tổng kết “câu chuyện lửa tàn”.

Kết thúc, trại sinh lần lượt về đơn vị mình.

+ Sơ đồ bố trí, thực hiện lửa trại.

CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI “HỘI CỒNG CHIÊNG”

* NỘI DUNG

  1. Gọi lửa
  2. Nhảy lửa.
  3. Sinh hoạt cộng đồng.
  4. Trò chơi nhỏ.
  5. Phút sinh hoạt lửa tàn.
  6. Chuyển lửa về từng tiểu trại, tổ chức sinh hoạt giao lưu.

* CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT

(trong suốt quá trình của đêm lửa trại, tiếng chuông trống luôn luôn vang lên theo hướng dẫn của Quản trò).

+ Gọi lửa:

Chọn 1 người hóa trang thanh già làng, 1 người hóa trang thành thần lửa.

Sau khi chương trình chính diễn ra: Công bố giải của các phần thi xong, Quản trò điều khiển tất cả các trại sinh tiến ra khu vực, sinh hoạt lửa trại. Các trại sinh chạy ra tập hợp thành một vòng quanh đống củi. Già làng ra dấu hiệu và hú một tràng dài (đã được báo trước) tất cả các tiểu trại đều hú theo:

– Già làng: “Hỡi dân làng ơi!”

– Các bạn đáp theo: “Ơi”

– Già làng: “Hỡi trai làng ơi, thôn nữ ơi!”

– Các bạn đáp theo: “Ơi”

– Già làng: ”Trong không khí tưng bừng lễ hội, mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên. Ta già làng người đứng đầu buông làng Điện Biên, kêu gọi các con về cùng mừng vui. Ồ ô! Ồ ô”.

– Các bạn đáp theo: “Ồ ô! Ồ ô”

Già làng đi quanh đống củi, làm điệu bộ cầu khấn:

– Già làng: “Giàng ơi! Giàng ơi”

– Các bạn đáp theo: “Giàng ơi! Giàng ơi”

– Già làng: “Ô hô! ô hô” hoặc “À ha! à ha”…

– Già làng: “Lửa ơi! Lửa ơi! Hãy mau xuất hiện”

– Các bạn đáp theo: “Lửa ơi! Lửa ơi! Hãy mau xuất hiện”

– Già làng: “Lửa mang cho ta sức mạnh”

– Các bạn đáp theo: “Sức mạnh”

– Già làng: “Lửa mang cho ta hơi ấm”

– Các bạn đáp theo: “Hơi ấm”

– Già làng: “Lửa cho ta xích lại gần nhau”

– Các bạn đáp theo: “Xích lại gần nhau”

– Già làng: “Thần Lửa! Thần Lửa”

– Các bạn đáp theo: “Thần Lửa! Thần Lửa”

– Già làng: “Hãy mau xuất hiện”

– Các bạn đáp theo: “Hãy mau xuất hiện”

Thần Lửa xuất hiện, tay cầm ngọn đuốc sáng, cất tiếng to rõ: “Ha, ha, ha. Ta đã đến rồi đây!”

– Già làng: “Ô hô! ô hô” hoặc “À ha! à ha”…

– Các bạn đáp theo: “Ô hô! ô hô” hoặc “À ha! à ha”…

– Thần Lửa: “Ta là thần Lửa, ta đến và đem văn minh cho loài người đây. Lửa… Lửa… Lửa hãy cháy lên”

(lúc này thần Lửa châm lửa vào củi).

“Cháy mãi… cháy mãi… để muôn loài được gần nhau hơn”

(lúc này vòng tròn hú lên một hồi dài và ngồi sát lại bên nhau).

“Ngọn lửa của ta… ánh sáng của ta sẽ sưởi ấm muôn loài. Hỡi loài người hãy cùng ta vui múa hát đêm nay”.

+ Hát – Múa:

– Vòng tròn cùng hát cùng múa bài: (làm theo động tác của già làng, thần Lửa)

“Lửa cháy, cháy lên…”

“Lửa trại đêm nay lung linh…”

– Khi bài múa hát kết thúc thì ném đuốc vào đống lửa.

+ Sinh hoạt cộng đồng và múa hát các bài múa hát tập thể:

– Lúc này quản trò, quản ca cho chơi những trò chơi nhỏ.

– Quản lửa phải lưu ý thiết kế lúc nào cần bùng lửa để tạo hiệu ứng ánh sáng

– Quản trò lưu ý trò chơi cuối cùng phải tập hợp lại vòng tròn.

+ Phút sinh hoạt lửa tàn:

– Tất cả phải im lặng và tịnh tâm lại, nắm chéo tay, cùng hát bài “giờ chia tay” sau lời vọng.

– Lời vọng: “Lửa đã tàn dần, tàn dần. Nhưng ngọn lửa ấy vẫn sáng và cháy mãi mãi trong lòng chúng ta. Ngày hôm nay được sống trong hòa bình, được cầm tay nhau bên ánh lửa thiêng liêng, chúng ta hãy cùng nhớ đến những người anh hùng đã hy sinh cho mảnh đất này, cho quê hương này”.

– Bắt bài hát cuối cùng: Giờ chia tay.

– Chú ý: Trong suốt quá trình diễn ra đêm lửa trại, quản lửa và quản ca phải thường xuyên chủ động và để ý tới ngọn lửa, cũng như tâm trạng của các trại sinh trong lúc đang sinh hoạt, để có thể đẩy lên cao trào hoặc hạ xuống.

CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI “VUI ÁNH LỬA THIÊNG”

* CHUẨN BỊ

– Chuẩn bị củi, các vật dụng tạo lửa màu, tiếng động…

– Dây thép, vải vụn và các vật dụng khác… (hóa trang thần Bóng Đêm, thần Ánh Sáng).

– Xăng, dầu hôi, dây điện và dây điện trở để thắp lửa

– Âm thanh, ánh sáng, micro…

– 40 đuốc, chuẩn bị vật dụng múa sạp, nhạc, rượu cần…

Các tiểu trại:

– Theo hướng dẫn của Ban tổ chức: tập hợp đầy đủ, đúng giờ, chọn 1 tiếng reo cho tiểu trại mình.

– Mỗi tiểu trại cử người tham gia đội múa lửa.

– Mỗi tiểu trại chuẩn bị 1 tiết mục hóa trang vui mang chủ đề “Tình bạn” (không quá 3 phút – có thuyết minh).

* CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI

  1. Hoạt cảnh ánh sáng của lửa
  2. Nhảy lửa
  3. Sinh hoạt cộng đồng
  4. Trò chơi nhỏ, hóa trang
  5. Phút sinh hoạt lửa tàn

– Thông báo cho toàn thể trại sinh chuẩn bị tập trung. Đội hình nhảy lửa chuẩn bị theo hướng dẫn (tất cả các khâu phải được kiểm tra trước).

– Quản trò hô tiếng vọng: “ớ này anh em ơi”, toàn thể trại sinh đồng loạt hô vang đáp lại “ơi…”, nhạc nổi lên bài “Nối vòng tay lớn”.

– Khi đã hình thành 1 vòng tròn quanh đống lửa, quản trò lại hô: “ớ này anh em ơi!”, tất cả cùng đáp lại “ơi!…” sau đó im lặng. Người quản ca bắt đầu lời vọng: “Nếu thế gian không có ánh mặt trời thì cả vũ trụ này sẽ sống ra sao? Ôi! Kinh khủng quá…”.

– Thần Bóng Đêm xuất hiện: “(hahaha)! Ta là thần Bóng Đêm (hahaha!). Nơi nào có ta nơi đó mãi mãi sẽ sống trong màn đêm u tối, nơi đó sẽ lạnh lẽo chết chóc, bầu trời sẽ đen tối và loài người sẽ mãi mộng mị, ngu si (hahaha!); thế gian này là của ta, bóng đêm là của ta, không ai có thể xua đuổi ta được… (hahaha!). Ta chính là chúa tể của muôn loài!”

– Thần Ánh Sáng xuất hiện: (lúc này dây điện được cắm vào và ngọn lửa tự nhiên bùng lên). “Này! Thần Bóng Đêm kia, nhà người đã đến giờ đền tội (thần Bóng Tối làm động tác run sợ, mệt mỏi dần và nằm xuống một chỗ). Ta là thần Ánh Sáng, ta đem văn minh đến cho loài người đây. Lửa, lửa, lửa, hãy cháy lên, cháy mãi, cháy mãi để muôn loài được gần gũi nhau hơn (vòng tròn càng lúc càng ngồi gần lại). Ngọn lửa của ta, ánh sáng của ta sẽ sưởi ấm lòng người. Hỡi loài người! Hãy cùng ta múa hát thâu đêm bên ánh sáng bập bùng của ngọn lửa. (Đội hình múa lửa đã sẵn sàng – tay cầm đuốc tiến vào, tất cả đều có lửa).

– Hát múa lửa trại.

– Khi ngọn lửa đã thắp lên, đội hình múa lửa đã múa xong, quản trò tiếp tục hô tiếng reo. Cả vòng tròn đáp lại. Nhạc nổi lên những bài hát sinh hoạt cộng đồng. (múa theo quản trò).

– Quản trò hô: “ánh lửa” – Trại sinh đáp: “tình bạn”

– Quản trò hô: “tay đâu” – Trại sinh đáp: “tay đây”.

– Quản trò cho chơi trò chơi “ánh lửa tình bạn”.

– Múa sạp và uống rượu cần.

– Chương trình hóa trang theo chủ đề “Tình bạn” của các đơn vị.

– Xen kẽ là các trò chơi nhỏ.

– Lời lửa tàn (do quản trò nói. Tất cả trại sinh ngồi xuống tại chỗ).

“Các bạn thân mến! Lửa đã tàn dần, nhưng ánh sáng của ngọn lửa vẫn mãi soi trong tim chúng ta. Tiếng hát nồng nàn, tiếng cười hồn nhiên vô tư của đêm nay không còn nữa. Chỉ còn chăng là ánh sáng bập bùng của ngọn lửa soi trên những gương mặt bạn bè.

Trong giây phút sâu lắng này, chắc rằng bạn cũng như tôi, ai ai cũng đều xúc động, luyến tiếc, nhớ nhung và ai cũng muốn nói với nhau rằng: Hãy nhớ mãi, hãy trân trọng, hãy khắc sâu trong tim chúng ta những kỷ niệm khó quên tại trại.

– Múa chia tay. Kết thúc đêm lửa trại.

CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI “LẠC LONG QUÂN – ÂU CƠ”

* CHUẨN BỊ

60 đuốc nhỏ, 1 cây đuốc lớn, dây kẽm chuột lửa, củi, xăng dầu, dây điện, dây mayso, âm thanh.

Ổn định đội hình tập trung thành chữ S (đội hình 60 thành viên 30 nam, 30 nữ được hóa trang theo con rồng cháu tiên).

* CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI

+ Lời dẫn truyện

(Bài hát: “Đất nước lời ru”)

“Từ ngàn xưa có một vùng đất hoang sơ lượn mình bên bờ biển Đông, quanh năm có ánh mặt trời sưởi ấm, một vùng đất trù phú bao la với những dòng sông hiền hòa, những ngọn núi cao ngất trời. Nhưng cuộc sống thật sự bắt đầu khi Lạc Long Quân và nàng Âu Cơ kết duyên vợ chồng, kỳ diệu thay Mẹ Âu Cơ thai nghén. Từ Mẹ một bọc trứng nở thành 100 con, 100 người con cùng dòng máu Lạc Rồng, trăm con nên nghĩa đồng bào.

Đất nước trù phú bao la khai phá dựng xây là ước vọng của cha, là niềm tin của mẹ, là khát vọng của con cháu Lạc Rồng “50 con xuống biển, 50 con lên rừng”, người miền ngược kẻ miền xuôi nhưng anh em một nhà mãi mãi khắc ghi dòng giống Lạc Hồng.

Hơn 4000 năm với bao thăng trầm lịch sử, lúc thiên thuận nhân hòa, lúc thiên tai địch họa, nhưng máu Lạc Hồng vẫn thắm trang sử vẻ vang.

Đêm nay hội lớn những người con đất Việt từ khắp mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ về đây, cùng thắp lên ngọn lửa của dòng máu Lạc Hồng.

Nào, hãy thắp lên ngọn lửa của con cháu Lạc Hồng; nào, hãy đem ngọn lửa từ biển khơi nối với đất liền như tình anh em ta ngàn đời bền vững”.

– Chuột lửa được thắp sáng và bắn ra ghe để đốt vào ngọn đuốc lớn.

– Đội hình chữ S múa theo động tác kéo lưới bài hát “Hồ trên núi” để ghe chở đuốc vào bờ.

– Bài hát “Hồ trên núi”

– Chấm dứt bài hát và ghe chở đuốc vào bờ. Đánh 3 hồi trống giục.

– Sau 3 hồi trống thì bài hát “Xưa mẹ Âu Cơ” được nổi lên.

– Đội hình chữ S múa động tác chuyền đuốc, cho đến người cuối cùng và bài hát “Xưa mẹ Âu Cơ” chấm dứt, thì một hồi trống nổi lên.

– Nhạc tiếp tục nổi lên bài “Việt Nam minh châu trời Đông”.

– Đội hình chữ S chuyển thành hình xoắn ốc cho đến hết bài hát.

– Bài hát chấm dứt

Đội hình xếp thành vòng tròn quanh đống củi.

* LỜI GỌI LỬA

Hãy sáng lên cho ấm thêm tình bạn. Hãy sáng lên cho những đôi vai xích lại gần nhau, cho những nhịp tim cùng chung nhịp đập bạn bè

Hãy rực lên lửa ơi. Cho bạn bè biết rằng nơi đây bên bờ biển Đông ngàn đời sóng vỗ có triệu triệu con người sinh ra từ dòng máu Tiên Rồng. Nơi đây đã thấm bao máu đào và nước mắt vì “nhân nghĩa” vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

(Lúc này đội hình vòng tròn ngồi xuống, đuốc đưa ra phía trước).

Hãy bùng lên lửa ơi, hãy sáng lên lửa ơi. Những người con của Thành phố hôm nay đang dang tay chào đón các bạn, những người con từ khắp mọi miền tổ quốc cùng hội tụ, về đây với sức mạnh của niềm tin.

(Lúc này dùng dây điện châm qua dây điện trở cho lửa được thắp sáng lên).

Hãy cháy, cháy mãi ngọn lửa đêm nay như tâm hồn Việt Nam nhân nghĩa tự tin, như tình bạn của trại hè thanh niên đời đời bền vững.

– Ơi này anh em ơi!

(Vòng tròn đồng thanh đáp lớn “Ơi” và nhảy lên)

– Bài hát nhảy lửa nổi lên. Đội hình nhảy lửa múa theo 2 bài hát.

– Khi bài hát múa lửa chấm dứt các trại sinh nối thành vòng tròn lớn. Hát “thanh niên tình nguyện” và hát múa một số bài hát tập thể. Các trại chuẩn bị lồng đèn, lúc này lồng đèn được và nến được phát cho toàn bộ trại sinh, thắp sáng lên theo nhạc của bài hát.