Năng lực hình thành và phát triển như thế nào

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe nhiều đến năng lực, về sự đánh giá năng lực giữa người này, người kia trong các lĩnh vực như công việc, học tập, lãnh đạo… Đặc biệt, chắc hẳn ai cũng từng nghe đến khẩu hiệu: Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Vậy năng lực thực chất là gì?

  • Năng lực là gì?
  • Đăc đặc điểm của năng lực là gì?
  • Các yếu tố cấu thành năng lực gồm những gì?
  • Năng lực gồm những dạng nào?
  • Vai trò của năng lực gồm những gì?
  • Các yếu tố khi đánh giá bản chất của năng lực là gì?

Năng lực là gì?

Theo từ điển tiếng Việt: Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hành động nào đó. Năng lực là phẩm chất tâm lý và sinh lý tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao.

Từ điển năng lực của Đại học Harvard cho rằng, năng lực là những thứ mà một người phải chứng minh có hiệu quả trong:

- Việc làm

- Vai trò

- Chức năng

- Công việc

- Nhiệm vụ.

Còn theo từ điển tâm lý học, năng lực là tập hợp các tính chất hay phẩm chất của tâm lý cá nhân, đóng vai trò là điều kiện bên trong tạo thuận lợi cho việc thực hiện tốt một dạng hoạt động nhất định.

Theo từ điền này, năng lực thì không phải là một thuộc tính tâm lý duy nhất nào đó [ví dụ như khả năng tri giác, trí nhớ…] mà là sự tổng hợp các thuộc tính tâm lý cá nhân. Đó là sự thống nhất hữu cơ đáp ứng được những yêu cầu hoạt động và đảm bảo hoạt động đó đạt được kết quả mong muốn.

Như vậy có thể hiểu năng lực là một đặc tính có thể đo lường được của một người về kiến thức, kỹ năng, thái độ... cũng như các phẩm chất cần thiết để hoàn thành được nhiệm vụ. Năng lực là yếu tố giúp một cá nhân làm việc hiệu quả hơn so với những người khác, cũng là một trong những thước đo để đánh giá các cá nhân với nhau.

Năng lực bao gồm: Các hành vi phù hợp với việc làm, động cơ, kiến thức/kỹ năng và được xác định thông qua kết quả về việc làm và vai trò công việc.

Cần phân biệt rõ năng lực và tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Nếu như năng lực là một tổ hợp phẩm chất tương đối ổn định, tương đối cơ bản của cá nhân, cho phép nó thực hiện có kết quả một hoạt động thì tri thức chỉ là những hiểu biết thu nhân được từ sách vở, từ học hỏi và từ kinh nghiệm cuộc sống của mình. Còn kỹ năng là sự vận dụng bước đầu những kiến thức thu lượm vào thực tế để tiến hành một hoạt động nào đó. Kỹ xảo là những kỹ năng được lắp đi lặp lại nhiều lần đến mức thuần thục cho phép con người không phải tập trung nhiều ý thức và việc mình đang làm.

Đăc đặc điểm của năng lực là gì?

Năng lực có thể được hình thành do tư chất tự nhiên của cá nhân. Tuy nhiên, năng lực phần lớn được hình thành‚ bồi đắp và có được qua quá trình học tập‚ rèn luyện tại cơ sở giáo dục, công sở; qua những trải nghiệm thực tế, nỗ lực học hỏi, luyện tập, trau dồi kiến thức trong cuộc sống thường ngày.

Mức độ năng lực là hoàn toàn khác nhau giữa mỗi người và phụ thuộc vào vốn sống‚ sự tiếp thu kiến thức, sự hiểu biết trong từng lĩnh vực của từng cá nhân.

Năng lực gắn liền với từng hoạt động cụ thể, được biểu hiện qua cách giải quyết công việc‚ học tập, thực hiện nhiệm vụ của mỗi người. Năng lực của một người khi trong các hoạt động là khả năng tự điều khiển, tự quản lý, tự điều chỉnh ở mỗi cá nhân, và nó được hình thành trong quá trình sống cũng như giáo dục của mỗi người.

Ngoài ra, năng lực cũng chịu sự chi phối‚ sự ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố như: con người‚ gia đình, môi trường làm việc‚ môi trường giáo dục…

Các yếu tố cấu thành năng lực gồm những gì?

Năng lực thường bao gồm các yếu tố: Thái độ, kỹ năng, khả năng, kiến thức.

1. Thái độ

 Là cách nhìn nhận về công việc, về nhiệm vụ, về đồng nghiệp, về xã hội, cộng đồng của mỗi người. Từ thái độ sẽ chi phối đến cách ứng xử, hành vi và tinh thần trách nhiệm của cá nhân.

2. Kỹ năng

Là những hành động, thao tác được thực hiện thuần thục, mang tính ổn định qua quá trình tập luyện, vận dụng kiến thức nhằm thực hiện, hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể được giao.

Ví dụ như kỹ năng đánh máy vi tính; kỹ năng trình bày văn bản; kỹ năng sử dụng phần mềm nhân sự hoặc kế toán; kỹ năng viết kế hoạch và báo cáo…

3. Khả năng

Mô tả những khả năng chuyên biệt của một cá nhân về một hoặc nhiều khía cạnh nào đó được sử dụng để giải quyết tình huống hay công việc phát sinh trong thực tế.

Đây cũng là những phẩm chất và tố chất cá nhân mà công việc yêu cầu người thực hiện công việc cần có.

Ví dụ: khả năng chịu áp lực công việc; khả năng đàm phán và xử lý xung đột; khả năng hùng biện, khả năng sáng tạo…

4.  Kiến thức

Là những thông tin, nội dung chuyên môn, phương pháp làm việc, quy định, quy trình, thủ tục… mỗi người cần hiểu và biết rõ để thực hiện tốt công việc được giao.

Ví dụ: kiến thức pháp luật về lao động, kiến thức về bảo hiểm xã hội, thủ tục hưởng chế độ ốm đau, quy trình tuyển dụng nhân sự...

Năng lực gồm những dạng nào?

Theo tâm lý học thì, năng lực có các dạng như năng lực chung và năng lực chuyên môn

- Năng lực chung: cần thiết cho nhiều ngành hoạt động khác nhau như năng lực phán xét tư duy lao động, khái quát hoá, tưởng tượng…

- Năng lực chuyên môn: là năng lực đặc trưng ở một trong những lĩnh vực nhất định của xã hội như năng lực tổ chức, năng lực kinh doanh, hội hoạ, âm nhạc, toán học...

Hai dạng năng lực chung và năng lực chuyên môn có mối quan hệ mật thiết. Năng lực chung chính là cơ sở là căn cứ của năng lực chuyên môn. Nếu năng lực chung phát triển thì càng dễ đạt tới năng lực chuyên môn.

Ngược lại, trong điều kiện nhất định, sự phát triển của năng lực chuyên môn sẽ tác động đến sự phát triển của năng lực chung.

Thực tế trong cuộc sống, đặc biệt là công việc, mỗi cá nhân đều có năng lực chung ở trình độ cần thiết, đồng thời có thêm năng lực chuyên môn tương ứng, phù hợp với công việc.
 

Vai trò của năng lực gồm những gì?

Người có năng lực thường được đánh giá rất cao trong các cơ quan, đoàn thể, trường lớp. Năng lực có vai trò rất quan trọng đối với một người gồm:

- Người nào có năng lực‚ có kiến thức‚ có kỹ năng cũng như trình độ chuyên môn trong công việc‚ trong một lĩnh vực nào đó thì sẽ giải quyết được những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện một cách nhanh chóng‚ dễ dàng và đạt hiệu quả cao.

- Người có năng lực thì sẽ được mọi người xung quanh kính trọng và dễ dàng được tuyển dụng, đánh giá cao.

Các yếu tố khi đánh giá bản chất của năng lực là gì?

Năng lực ở khía cạnh khác, còn được hiểu là việc tâm sinh lý của một người chi phối vào quá trình tiếp thu kiến thức, kỹ năng…người đó có thể dùng, vận dụng.

Việc tiếp thu nhanh hay chậm, nhiều hay ít trong bối cảnh như nhau giữa mỗi người là khác nhau.

Ví dụ, những loại hình nghệ thuật như thể thao, âm nhạc, hội họa…không phải ai cũng có năng lực giống nhau và chỉ những người có năng lực nhất định mới đạt được kết quả cao.

Như vậy, các yếu tố khi đánh giá bản chất năng lực như sau:

1. Có sự khác biệt giữa cá nhân mỗi người

2. Năng lực là sự khác biệt liên quan đến việc thực hiện cùng một hoạt động

3. Năng lực là cơ sở, nền tảng để việc tiếp thu các kỹ năng dễ dàng hơn

4. Năng lực được phát triển trong quá trình hoạt động, sinh sống, giao tiếp của con người

Trên đây là giải đáp về năng lực là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

Ngọc Thúy

Bài viết đã giải quyết được vấn đề của bạn chưa?

HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC

ĐỂ THÀNH NGƯỜI, LÀM NGƯỜI VÀ Ở ĐỜI

GS.TSKH Phạm Minh Hạc

Hội thảo “Tâm lý học và giáo dục học với phát triển phẩm chất và năng lực” sẽ là một đóng góp cụ thể và thiết thực vào việc triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện…nền giáo dục nước nhà. Đây là vấn đề lớn của tâm lý học và giáo dục học, bây giờ thành triết lý giáo dục ở ta thời nay, đông đảo các giới trong xã hội đang rất quan tâm. Hơn nữa, nói đến nhân sự đều nói tới “phẩm chất và năng lực”,  gần đây các bạn đều có nghe từ các đại hội ở các địa phương. Nói chung, muốn tồn tại trong xã hội, con người bằng cách này hay cách khác đều phải làm sao có “phẩm chất người” và “năng lực người”. Thường vẫn hiểu, phẩm chất là đức, năng lực là tài; đức và tài là hai tổ hợp của nhân cách. Cùng với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, giáo dục nhà trường nảy sinh và tồn tại trong nền văn minh nhân loại cũng như từng dân tộc luôn gắn liền với sứ mệnh cao cả phục vụ mục tiêu đó, tất nhiên, mỗi thời đại có dấu ấn riêng. Nước ta đang chuyển từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp, hội nhập và phát triển, với hai nhiệm vụ chiến lược tổng quát là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng cuộc sống hạnh phúc an bình. Không đi vào các vấn đề thật cụ thể, tôi xin đóng góp đôi điều cảm nghĩ chung về giáo dục phẩm chất và năng lực thông qua ba tư cách của con người “cá thể – cá nhân – nhân cách” để thành người, làm người và ở đời. Nhà trường dạy thành người, làm người và ở đời, nhưng trước hết và tập trung hơn cả là thực hiện chức trách dạy con trẻ thành người. Bài phát biểu của tôi cũng theo lô gích đó.

I

Con người sinh ra là một “cá thể” – một thành viên của loài người, có hình thể với bộ não của một con người chứa đựng các tiềm năng của loài người được mỗi người tiếp nhận, nhưng vốn vậy thì mới là “giá trị sinh thể”. Trong giá trị này mỗi người phải chuyển từ tiềm năng thành năng lực hình thành được “tính người” trong quan hệ người – nhóm người [thời cổ xưa mông muội, nhóm người thường gồm 30 – 50 người], trong sinh hoạt [hoạt động] của nhóm người [cộng đồng người], chủ yếu bảo tồn sự sống còn của nhóm, bằng lực lượng bản năng. Tách khỏi các quan hệ này, con người chỉ còn hình hài người, mất hết các bản năng loài người truyền cho mỗi cá thể người. Câu chuyện “Người rừng Rơ Chăm H’Pnhiêng” [Nguyễn Viết Sự, “Gặp lại “người rừng” Rơ Chăm H’Pnhiêng”, báo Tuổi trẻ, 22-4-2013] là một ví dụ. Rơ Chăm ở Oyaday tỉnh Rattnakiri, Cămpuchia, sinh năm 1975, bị lạc vào rừng lúc 13 tuổi, sau 18 năm [1989 – 2007], lúc 32 tuổi mới quay về sống với gia đình, làng xóm. Sau một thời gian mất quan hệ với gia đình, làng xóm, chị đi bằng bốn chân tay, bàn tay và ngón tay giống như của linh trưởng, tóc dài, bốn chi có lông, leo trèo rất nhanh, quần áo mặc vào xé nát, tay lóng ngóng không bưng được bát, không cầm được đũa. Chị giống như con khỉ. Về nhà rồi, nhưng chiều đến nghe thấy tiếng chim kêu vượn hót, chị toan vùng chạy về rừng. Mọi “tính người”, thậm chí “bản năng người” cũng chẳng còn. Như vậy, với tư cách là “cá thể người”, quá trình nảy sinh “tính người” gắn liền với quan hệ nhóm [quan hệ người – người trong nhóm người], sinh hoạt trong cộng đồng, dưới sự chi phối của đời sống bản năng nhóm: bản năng sinh tồn mỗi người nằm trong bản năng sinh tồn nhóm. Hình thức giáo dục sơ khai ban đầu là “nhìn theo” [bây giờ nói “làm gương”] hay “cầm tay chỉ việc” mà làm, qua hàng triệu năm, mãi cách đây 100.000 năm mới có “Người hiện đại” xuất hiện. Dấu mốc lịch sử mới của “tính người”, nhiều khi nói cả “tình người”, bắt đầu từ đó. Nhưng “tính người”, “tình người” không ghi sẵn trong não bộ, mà thế hệ trước phải giúp thế hệ trẻ hình thành: nhà trường như một thiết chế xã hội ra đời. Sứ mệnh cực kỳ quan trọng của nhà trường, của giáo dục là giúp con trẻ “thành người”.

II

Từ “cá thể” thành “cá nhân” là một tiến trình phát triển người diễn ra rất công phu, lâu dài, phức tạp, trong đó giáo dục nhà trường giữ vai trò quyết định. Tâm lý học thường nhìn nhận vấn đề phát triển người gắn tiến hoá loài với phát triển cá thể. Chẳng hạn, xem xét con người trong phạm trù “cá nhân” nảy sinh từ quan hệ “nhóm người” chuyển sang quan hệ “gia đình”, quan hệ “người – người” tồn tại dưới các dạng cụ thể: quan hệ vợ – chồng, mẹ – con, cha – con, anh chị em, “cá thể” dần trở thành “cá nhân”: tách sự gắn quyện giữa mỗi người với nhóm người trên cơ sở bản năng nhằm mục tiêu sinh tồn, nhưng “phẩm chất người” và “năng lực người” chủ yếu trong phạm vi gia đình. Một mốc cực kỳ quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển “cá nhân” trong quá trình “thành người” là khi con người tồn tại trong quan hệ “con người – xã hội”: con người tồn tại như một thành viên của cộng đồng, xã hội, tức là trong phạm trù “cá nhân”. Tính người nảy sinh và phát triển trong mối quan hệ xã hội, từ các quy chuẩn của xã hội [có gia đình trong đó], phong tục, tập quán đến pháp luật, thông qua giáo dục và tự giáo dục chuyển vào thành các phẩm chất của từng con người – đó là quá trình xã hội hoá con người. Khi các mối quan hệ xã hội nảy sinh trong tộc người, thị tộc, thành quốc, phạm trù “cá nhân” xuất hiện, nhà trường đặt ngay vấn đề giáo dục phẩm chất và năng lực. Khổng Tử [551 – 497 TCN] đề ra 5 phẩm chất và năng lực [giá trị] phải dạy mọi người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín [một cách máy móc có thể gọi “trí” là năng lực, 4 điều còn lại là phẩm chất], và “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm”: bao quát là chí hướng, lĩnh hội tri thức, suy nghĩ chân thành, hành động ngay thẳng [vừa là phẩm chất vừa là năng lực], thường đặt “đức” trước “tài” con người phải có trong xã hội. Aristốt [384 – 322 TCN] đề ra 10 phẩm chất và năng lực cần dạy con người: [1] rộng rãi trong quan hệ “nhận – cho”; [2] hào hiệp, [3] hoài bão, [4] lịch thiệp, [5] hữu nghị, [6] lương thiện, [7] tế nhị, [8] xấu hổ, [9] công lý và chơi đẹp, [10] các năng lực trí tuệ: nghệ thuật, tri thức, phán đoán thực tiễn, thông thái, trí tuệ, làm chủ bản thân, cũng nhấn “phẩm chất”, nhưng cũng đặt yêu cầu cao với “năng lực” của con người trong xã hội. Bác Hồ trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ dân chủ cộng hoà đã nêu bật yêu cầu giáo dục tinh thần công dân cùng các năng lực khác, hợp thành tổng lực đưa nước nhà sánh vai cùng các nước trên thế giới là mục tiêu giáo dục của một nước độc lập. Hệ thống giáo dục quốc dân nước nhà đã đào tạo thế hệ thanh niên đóng góp xứng đáng vào công cuộc giành độc lập và thống nhất đất nước, và 29 năm qua [1986 – 2015] tiếp tục giáo dục “thế hệ cách mạng” [Hồ Chí Minh, Di chúc] đóng góp lớn vào công cuộc đổi mới đất nước. Giáo dục phải thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả là giáo dục thế hệ trẻ lĩnh hội các giá trị xã hội [giá trị dân tộc] thành các “giá trị cá nhân” có đủ phẩm chất và năng lực thực hiện trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc.

III

Nếu với tư cách là “cá thể người”, quan hệ con người còn gắn quyện trong các quan hệ loài; với tư cách là “cá nhân”, các quan hệ xã hội qua giáo dục chuyển thành phẩm chất và năng lực của từng thành viên, thì với tư cách là “nhân cách” con người từ “giá trị cá thể”, “giá trị cá nhân” tạo lập “giá trị nhân cách” –  “vốn liếng riêng” của mỗi người, còn gọi là “nội lực”, “bản sắc” của từng người, khái quát rộng hơn, gọi là “giá trị bản thân”.  Phạm trù “Nhân cách” biểu hiện tập trung giai đoạn cuối của tiến trình “thành người”. Giáo dục toàn diện là hình thành ở người học phẩm chất và năng lực – hình thành nhân cách. Đến tuổi thành niên vào đời nhân cách là cái nền thể hiện bản thân mình, lấy hệ giá trị dân tộc – giá trị xã hội làm thước đo. Nhân cách là khoảng cách giữa giá trị bản thân và giá trị dân tộc – giá trị xã hội, khoảng cách càng nhỏ nhân cách càng lớn [tâm lý học một số nước định nghĩa nhân cách là sự khác biệt về nhận thức, tình cảm, hành động giữa người này và người khác]. Hết sức coi trọng kết quả và hiệu quả của nhân cách với bản thân con người, cũng như gia đình và cộng đồng, xã hội, quốc gia – dân tộc, và cả loài người. Nhân cách là con người sống động, các phẩm chất người, như tính người, tình người, tinh thần trách nhiệm với chính mình, với gia đình, với dân tộc…phải gắn với các năng lực người, như năng lực nhận thức, năng lực tình cảm, năng lực hành động [năng lực nghề nghiệp: tay nghề và lương tâm nghề]. Giáo dục học thế giới mấy thập kỷ nay rất chú trọng giáo dục phẩm chất và năng lực “giải quyết vấn đề”: có ý định giải quyết vấn đề và quyết tâm giải quyết vấn đề [phẩm chất], đặt kế hoạch giải quyết vấn đề, có kỹ năng giải quyết vấn đề [năng lực]. Hai thập kỷ gần đây khắp nơi tiến hành giáo dục “kỹ năng sống”, nhiều khi thiên về năng lực hành động. Thực ra, trong hành động, theo tâm lý học hoạt động, không thể thiếu vai trò của động cơ, mục đích, như vậy, năng lực người và phẩm chất người thường gắn bó với nhau. Phải đặt phạm trù “giá trị sống” làm cơ sở cho “kỹ năng sống”. Chúng tôi phản ảnh quan điểm đó vào một tập hợp “tâm lực, trí lực, thể lực” hợp thành “giá trị bản thân”. Có “trí” mà không có “chí” làm sao có thành đạt. Có “tài” mà thiếu sức mạnh tâm lý cũng chẳng đạt đỉnh cao. Các cháu nhỏ hỏi tôi bí quyết thành công, tôi nói: có thể gói gọn trong 8 chữ “chăm học, chăm làm” và “có chí tiến thủ”. Đó là hai bánh xe giúp chúng ta thành người, làm người và ở đời. Có gì phải nói thêm, đó chính là quan hệ người – người chân thành, trung thực, và quan hệ xã hội: chia sẻ, đóng góp, cống hiến, tri ân – đó chính là giá đỡ mỗi chúng ta thành người, làm người, ở đời. Gần đây tâm lý học giao tiếp lên ngôi. Hội chúng ta là hội của những người giao tiếp quý mến nhau!

Chúc tất cả các bạn cuộc sống tươi đẹp! Cảm ơn các bạn!

GS.TSKH Phạm Minh Hạc

Chủ tịch danh dự Hội KHTL-GD Việt Nam

[Bài đã được công bố trong Tuyển tập công trình khoa học Hội thảo quốc gia mang tên “Tâm lý học và Giáo dục học với phát triển phẩm chất và năng lực người học” do Hội Khoa học Tâm Lý-Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 26 tháng 12 năm 2015 tại Hà Nội, NXB Thế Giới 2015, tr.14-17].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Minh Hạc, 1994. Vấn đề con người trong công cuộc đổi mới
  2. Phạm Minh Hạc, 2010, 2013. Giá trị học – cơ sở lý luận góp phần đúc kết, xây dựng giá trị chung của người Việt Nam thời nay. NXB. Giáo dục VN; Anphabook và NXB. Dân trí
  3. Phạm Minh Hạc, 2015. Tìm hiểu các giá trị dân tộc Việt Nam với tâm lý học và giáo dục học. NXB. Chính trị quốc gia.

Video liên quan

Chủ Đề