Nguyên nhân của bệnh bạch biến

Bệnh bạch biến thuộc nhóm các bệnh da liễu thường gặp. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tế bào sắc tố da bị phá hủy từ đó làm thay đổi màu da, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.

Tổng quan về bệnh

Bệnh bạch biến có tên khoa học là vitiligo - căn bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh rối loạn sắc tố. Đây là một rối loạn sắc tố trên da và niêm mạc, việc mất tế bào hắc tố hoặc sắc tố khiến da xuất hiện các đốm trắng hoặc mảng trắng không đều màu. Ban đầu là những đốm trắng hoặc mảng trắng này chỉ có kích thước nhỏ nhưng lại có xu hướng to dần theo thời gian.

Khoảng 1 đến 2% dân số thế giới mắc bệnh bạch biến, tương đương với 40-50 triệu người. Một số báo cáo khoa học đã cho rằng tỷ lệ mắc bệnh bạch biến ở Ấn Độ, Ai Cập và Nhật Bản cao hơn hẳn so với những nơi khác.


Người mẫu nổi tiếng Winnie Harlow cũng mắc chứng bạch biến

Bệnh bạch biến xảy ra độc lập với tuổi tác và chủng tộc, với cả hai giới đều bị ảnh hưởng như nhau. Trong khoảng một nửa số trường hợp, bệnh xuất hiện ở trẻ em, người trước 20 tuổi và 70-80% bệnh nhân sẽ phát triển bệnh trước khi chạm mốc 30 tuổi.

Bệnh bạch biến được chia làm hai dạng chủ yếu: khu trú và lan tỏa.

Dạng khu trú:

  • Bạch biến từng điểm: Chỉ có 1 hay nhiều dát giảm sắc tố tại một khu vực nhất định.
  • Bạch biến thể đoạn: Chỉ có 1 hay nhiều dát giảm sắc tố, chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh. Dạng bạch biến này xuất hiện chủ yếu ở trẻ em.
  • Bạch biến niêm mạc: Các đốm trắng hoặc mảng trắng chỉ xuất hiện ở niêm mạc.

Dạng lan tỏa:

  • Bạch biến ở các cực: Các tổn thương xuất hiện ở ngón tay, ngón chân và các hốc tự nhiên trên khuôn mặt.
  • Bạch biến thông thường: Các mảng da bị giảm sắc tố xuất hiện riêng rẽ, phân tán rộng rãi.
  • Bạch biến hỗn hợp: Các tổn thương xảy ra ở các cực toàn thân.
  • Bạch biến toàn thể: Người bệnh bị giảm sắc tố da toàn cơ thể kết hợp cùng hội chứng nội tiết. Đây là dạng bạch biến thường gặp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Cả hai yếu tố di truyền và không di truyền đều được các nhà khoa học cho là có liên quan đến sự khởi phát của bệnh bạch biến. Mặc dù một số giả thuyết về nguyên nhân của bệnh bạch biến, cơ chế chính xác gây ra sự phá hủy các tế bào hắc tố đã được đưa ra nhưng vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Các giả thuyết đã được thảo luận tích cực trong các nghiên cứu khác nhau về bệnh bạch biến bao gồm di truyền, miễn dịch, độc tế bào, nội tiết tố thần kinh, sinh hóa và stress oxy hóa. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh bạch biến rất khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Tuy nhiên, do các bệnh tự miễn dịch thường liên quan đến sự tương tác qua lại giữa các yếu tố nguy cơ di truyền và các yếu tố kích hoạt môi trường, lý thuyết tự miễn dịch trong tình huống này dường như là hợp lý nhất.

Một số yếu tố kích hoạt tiềm ẩn của bệnh bạch biến sẽ bao gồm:

  • Dinh dưỡng kém.
  • Căng thẳng cảm xúc.
  • Chấn thương (Hiện tượng Koebner).
  • Thuốc.
  • Nhiễm trùng.
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và hóa chất.
  • Độc tố và nhiễm trùng huyết.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết

Bạch biến là một loại bệnh rất dễ nhận biết thông qua những dấu hiệu xuất hiện trên da. Cụ thể:

  • Bệnh nhân có những mảng da hồng nhạt hoặc trắng khác biệt hẳn so với phần da ở xung quanh.
  • Lông và tóc ở trên các mảng da nhạt bị bạc màu.
  • Ở vùng da bị bạch biến không đau, không có vẩy, không sưng ngứa,...
  • Những vùng da nhạt màu do bạch biến thường nhạy cảm với tia UV. 


Sự bất thường trên da thường khiến người bệnh bạch biến cảm thấy tự ti, mặc cảm

Vị trí da thường bị giảm hắc, sắc tố là vùng da lộ ra ngoài, tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời như mặt, tay, hoặc chân. Ngoài da, các đốm, mảng trắng trên da cũng có thể nằm rải rác ở vài vị trí trên cơ thể, lan rộng hoặc nằm đối xứng tùy theo dạng bạch biến.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Bệnh bạch biến có thể xuất hiện ở tất cả các nhóm chủng tộc và sắc tộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bệnh thường được thấy rõ hơn ở những người có màu da sậm.

Bạch biến cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào,. Tuy nhiên, gần một nửa các trường hợp mắc này biến thường xảy ra ở những người nhỏ hơn 20 tuổi.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch biến:

  • Yếu tố di truyền: Người có thành viên trong gia đình bị bạch biến có nguy cơ cao mắc bệnh này.
  • Những yếu tố khác bao gồm: Người mắc các loại bệnh tự miễn dịch, như bệnh viêm tuyến giáp tự miễn có nguy cơ bị bạch biến cao hơn những người có sức khỏe bình thường.

Biến chứng của bệnh

Bệnh bạch biến không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khỏe thể chất và hoàn toàn không truyền nhiễm. Tuy nhiên, do bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ nên đa số bệnh nhân phải chịu đựng sự tò mò, kì thị từ những người xung quanh. Từ đó, họ có thể khó hòa nhập với cộng đồng và có các mối quan hệ xã hội, công việc tốt. Tình trạng này kéo dài lâu khiến người bệnh bạch biến bị trầm cảm, xa lánh với mọi người.

Như vậy, sang trấn tâm lý, trầm cảm cũng được xem là biến chứng của bệnh bạch biến. Những phương pháp giúp phục hồi sắc tố da, làm da trở nên đồng màu là niềm hy vọng của những người mắc phải bệnh lý này.

Biện pháp chẩn đoán

Việc chẩn đoán bệnh bạch biến chủ yếu dựa trên kết quả khai thác tiền sử và những triệu chứng lâm sàng. Điều này cũng giúp bác sĩ loại trừ các bệnh lý khác như viêm da, vảy nến. Tiếp theo, chiếu đèn chứa tia UV lên da sẽ được áp dụng nhằm xác định xem ai đó có mắc bệnh hay không.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện thêm một số xét nghiệm liên quan để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất, chẳng hạn như:

  • Lấy mẫu sinh thiết da ở khu vực bị tổn thương.
  • Lấy máu để xác định xem có các nguyên nhân tự miễn như thiếu máu hay tiểu đường không.

Phương pháp điều trị

Hiệu quả điều trị bệnh bạch biến phụ thuộc vào mức độ xuất hiện các mảng da mất sắc tố. Nếu hơn 5–10% da trên cơ thể bị ảnh hưởng thì việc chữa trị tại chỗ chưa chắc sẽ mang lại tác dụng như mong muốn.

Cho tới nay, vẫn chưa có loại thuốc nào có thể loại bỏ hết các mảng da bạch biến. Những cách chữa bệnh hầu hết là ngăn chặn các mảng da mất sắc tố lan rộng, từ đó làm giảm sự chênh lệch màu sắc giữa vùng da bị bệnh và vùng da bình thường.

Do y học học chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân chính xác gây bệnh bạch biến nên vẫn biện pháp chữa trị đặc hiệu mà chỉ có thể giải quyết các triệu chứng. Tùy theo cơ địa và tình trạng bệnh ở mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp như dùng thuốc, quang trị liệu, cấy tế bào sắc tố da,...

  • Điều trị bằng thuốc: Áp dụng cho những trường hợp mắc bệnh nhẹ. Các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc để uống và dùng thuốc bôi ngoài da để cải thiện sắc tố da như meladinin, melagenin, corticosteroid. Ngoài ra, thuốc uống chống nắng cũng được áp dụng bởi ở bệnh nhân bạch biến, chất lượng cũng như số  lượng của tế bào sắc tố giảm sút, từ đó khả năng bảo vệ cơ thể trước tác hại của ánh sáng mặt trời cũng giảm theo. Điều này đã gây ra sự sụt giảm khả năng bảo vệ cơ thể dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Việc chống nắng lúc này sẽ làm giảm sự  tương phản màu sắc giữa vùng da lành và da bệnh, tránh gây mất thẩm mỹ hay hiện tượng Koebner làm tổn thương da.
  • Cấy tế bào sắc tố da: Đây là phương pháp chữa trị mới, hiện đại nhưng đi kèm với chi phí cao và kỹ thuật phức tạp nên chưa được áp dụng rộng rãi. Với cách chữa này, các bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép các tế bào khỏe mạnh vào vùng da bị bạch biến. Theo đó các tế bào sau khi cấy ghép có khả năng tạo sắc tố, phục hồi hiệu quả vùng da bị tổn thương.
  • Điều trị bằng quang trị liệu: Là phương pháp sử dụng tia tử ngoại, sóng ngắn tác động trực tiếp vào vùng bệnh để điều trị hiệu quả các tổn thương bên ngoài da, ngăn chặn bệnh lan rộng, kích hoạt tế bào sản sinh ra melanin.

Ngoài ra, bệnh nhân bạch biến cũng rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý, họ thường tự ti, ngại giao tiếp, từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Do đó việc hỗ trợ tư vấn tâm lý là vô cùng cần thiết đối với họ. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp người bệnh hiểu rằng bệnh chỉ ảnh hưởng đến vẻ thẩm mỹ chứ ít gây hại đến tính mạng.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Do bệnh bạch biến có liên quan tới yếu tố di truyền và hệ thống miễn dịch nên hoàn toàn không có biện pháp nào có thể phòng ngừa hiệu quả bệnh này. Tuy nhiên theo các chuyên gia, bác sĩ da liễu, việc thực hiện đồng thời những thói quen sinh hoạt dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh về da. Cụ thể:

  • Thăm khám da liễu thường xuyên, nhất là khi có dấu hiệu lạ trên da.
  • Đội nón, mặc áo dài tay và quần dài khi đi ra trời nắng, nhất là vào mùa hè.
  • Sử dụng kem chống nắng khi phải đi ra ngoài.
  • Ăn đầy đủ dưỡng chất, chú ý bổ sung thêm rau xanh, vitamin.

Tóm lại, bạch biến là một bệnh lý ngoài da lành tính, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy gây mất thẩm mỹ nhưng việc điều trị bệnh là một quá trình lâu dài cần phải có sự sự phối hợp kiên trì giữa bệnh nhân và bác sĩ. Do vậy người bệnh cần giữ vững tâm lý, tránh bi quan lo lắng khiến bệnh diễn tiến nặng hơn.