Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa trào ngược thực quản

Rối loạn tiêu hóa thường gặp ở người lớn, trẻ em; có thể do ăn uống không hợp vệ sinh, bệnh lý; gây đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy…

Đường tiêu hóa bao gồm miệng, dạ dày và ruột. Cùng với gan, túi mật và tuyến tụy, các cơ quan này làm việc cùng nhau để hấp thụ chất dinh dưỡng và đào thải chất thải ra ngoài. Khi quá trình này bị xáo trộn có thể gây ra một loạt các triệu chứng về tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa.

Bác sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, rối loạn tiêu hóa không phải là một bệnh lý đơn thuần mà là hậu quả của nhiều bệnh khác gây ra. Rối loạn tiêu hóa cũng có trường hợp không phải do bệnh lý mà từ lối sống, chế độ ăn uống chưa lành mạnh... Các rối loạn tiêu hóa phổ biến như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng...

Mặc dù rối loạn tiêu hóa không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu tình trạng kéo dài có thể gây phiền toái, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu rối loạn tiêu hóa do hậu quả từ các bệnh lý khác thì chúng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh hiện có.

Triệu chứng

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là ở trẻ em, người già, người có bệnh đường tiêu hóa, phụ nữ mang thai. Các triệu chứng thường gặp như đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, ợ chua, ợ nóng, đau, buồn nôn và nôn, đi ngoài ra máu...

Đau bụng: đây là một trong những triệu chứng đầu tiên khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề. Các cơn đau thường xuất hiện ở vùng thượng vị hoặc bụng dưới hoặc dọc theo khung đại tràng, đau âm ỉ từng cơn nhưng cũng có khi dữ dội.

Rối loạn đại tiện: người bị rối loạn tiêu hóa có thể gặp tình trạng tiêu chảy nhiều lần trong ngày (có thể từ 3 lần trở lân) hoặc táo bón (dưới 3 lần mỗi tuần). Một số người có thể gặp tình trạng vừa tiêu chảy vừa táo bón.

Đầy hơi: tình trạng tích tụ khí trong hệ tiêu hóa có thể dẫn đến khó chịu ở bụng. Đầy hơi khiến người mắc cảm thấy khó chịu vùng bụng, ăn không ngon miệng.

Nôn: người bị rối loạn tiêu hóa có thể bị nôn mửa, có cảm giác muốn nôn hoặc nôn nhưng không nôn được.

Người bị rối loạn tiêu hóa thường xuyên cũng có cảm giác ăn uống không ngon miệng, chán ăn, nhanh no... Trẻ nhỏ thường có biểu hiện không chịu ăn uống, quấy khóc... Tình trạng này kéo dài, nhất là tiêu chảy sẽ khiến người bệnh mất nước, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, sút cân, kém phát triển, suy dinh dưỡng. Việc học tập của trẻ, công việc của người lớn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Rối loạn tiêu hóa gây khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy... Ảnh: Shutterstock

Rối loạn tiêu hóa gây khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy... Ảnh: Shutterstock

Nguyên nhân

Theo bác sĩ Khanh, nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa có thể xuất phát từ bệnh lý hoặc do chế độ ăn uống, lối sống. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp.

Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng... hoặc thức ăn không được chế biến sạch sẽ cũng khiến người lớn, trẻ em bị đau bụng, khó chịu, tiêu chảy... Chế độ ăn uống cay, nóng, chua, thực phẩm chế biến sẵn, dầu mỡ... cũng làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như môi trường vệ sinh kém, nguồn nước không sạch, nhiễm khuẩn...

Uống nhiều rượu bia: sau khi uống rượu bia, nhiều người thường gặp triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng.... Rượu bia là thức uống gây hại cho gan, hệ tiêu hóa, làm chết các hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột, khiến đường ruột mất cân bằng. Uống rượu bia quá nhiều có thể khiến tổn thương niêm mạc ruột, lâu ngày có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng...

Stress kéo dài: căng thẳng kéo dài có thể khiến hệ thần kinh trung ương (nơi kiểm soát quá trình tiêu hóa) bị rối loạn ảnh hưởng tới nhu động đường tiêu hóa và ảnh hưởng tới bài tiết dịch của hệ tiêu hóa gây ra các triệu chứng.Do đó, những người thường xuyên bị căng thẳng thì hệ tiêu hóa cũng không hoạt động tốt.

Lạm dụng thuốc kháng sinh: những người uống thuốc kháng sinh lâu ngày dẫn đến hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng, suy giảm sức đề kháng. Lạm dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý mua thuốc kháng sinh ở các quầy thuốc mà không có hướng dẫn, thăm khám từ bác sĩ.

Bệnh lý: các bệnh lý mắc phải và việc sử dụng thuốc điều trị bệnh... cũng ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn, khiến hệ tiêu hóa dễ bị rối loạn.

Điều trị, phòng bệnh

Theo bác sĩ Khanh rối loạn tiêu hóa thường có thể cải thiện được bằng cách thay đổi lối sống, ăn uống và dùng thuốc. Nếu tình trạng tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó tiêu, ợ chua, ợ nóng... kéo dài, diễn ra nhiều lần trong ngày thì người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và có chỉnh định phù hợp. Phụ huynh nên chú ý khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, môi khô, mất nước... cần cho con uống nhiều nước và đưa đến bệnh viện. Nếu tình trạng rối loạn tiêu hóa do có các bệnh lý nền gây ra, tùy theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc phù hợp.

Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, người bệnh nên có chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh. Người lớn không nên uống rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều, hạn chế các thực phẩm chua, cay... Ăn chín, uống sôi, thức ăn được đậy kín, tránh bụi bẩn, hạn chế dùng các thực phẩm bán ở lề đường... sẽ giúp phòng tránh tình trạng này. Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn cũng là thói quen tốt mà cha mẹ cần hình thành cho trẻ khi còn nhỏ.

Ăn nhiều rau quả có chất xơ có lợi cho đường tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock.

Ăn nhiều rau quả có chất xơ có lợi cho đường tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock.

Bổ sung lợi khuẩn cho đường tiêu hóa qua chế độ ăn uống hàng ngày cũng rất có ích. Một số loại sữa bổ sung lợi khuẩn, sữa chua, đậu nành lên men (natto)... là nguồn cung cấp lợi khuẩn cho cơ thể. Chế độ ăn nhiều chất xơ như rau củ, trái cây sẽ là nguồn thức ăn nuôi các vi khuẩn có lợi. Chất xơ có trong khoai lang, rau dền, đu đủ.... có tác dụng nhuận tràng tốt, hạn chế táo bón. Mỗi ngày, người trưởng thành nên uống đủ nước khoảng 2-3 lít mỗi ngày. Trẻ nhỏ uống theo nhu cầu của cơ thể.

Bên cạnh lựa chọn thực phẩm hợp vệ sinh, mọi người cũng nên chú trọng cách ăn uống như ăn chậm nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa việc, xem tivi, xem điện thoại, đọc báo. Không nên nằm khi vừa ăn xong, tránh ăn quá khuya, ăn quá no hay để bụng quá đói. Tạo thói quen đi vệ sinh đúng giờ, đều đặn sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa.

Tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên (ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần tối thiểu 30 phút), tránh căng thẳng kéo dài...là một trong những cách để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, phòng nhiều bệnh tật.

Ngọc An