Nhất đại tông sư nghĩa là gì

"Nhất đại tông sư"

Trong vòng chung khảo của giải Ô-xca [Oscar] dành cho phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất năm 2014, Vương Gia Vệ lần đầu tiên xuất hiện với Nhất đại tông sư, bộ phim về cuộc đời võ sư huyền thoại Diệp Vấn.

Đó không phải là một đặc ân quá lớn cho vị đạo diễn 55 tuổi đến từ Hồng Công [Hongkong], Trung Quốc: Người vốn đã sở hữu quá nhiều giải thưởng danh giá. Họ Vương đã đoạt giải đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Can-nơ [Cannes] từ tận năm 1997, với tác phẩm Xuân quang xạ tiết [cũng được đề cử giải Cành cọ vàng năm đó]. Tính cả các đề cử, ông đã có không dưới 80 lần được vinh danh bởi các tổ chức điện ảnh và báo chí uy tín. Nhưng, Ô-xca dù sao vẫn là một điều gì đó rất đặc biệt, để con người đặc biệt ấy lại được nhắc đến một lần nữa.

Để hiểu hơn về Vương Gia Vệ, cần phân định rõ rằng, điện ảnh Hồng Công đã có những bước đi táo bạo hơn, và mang một phong cách riêng, có một tầm ảnh hưởng rất rộng lớn ở cả châu Á lẫn thế giới. Đó là nơi đã sản sinh ra ngôi sao điện ảnh châu Á nổi tiếng: Thành Long. Đây cũng là nơi xuất phát của Ngô Vũ Sâm - một trong những đạo diễn "khai sơn phá thạch", phả những màu sắc châu Á vào các siêu phẩm điện ảnh Mỹ.

Song, nếu phim của Ngô Vũ Sâm vẫn chủ yếu là phim Mỹ, với một phong cách hành động rất Hô-ly-út, tiêu biểu là Nhiệm vụ bất khả thi [Mission Impossible] phần 2; nếu Lý An - một đạo diễn châu Á rất thành công khác đến từ Đài Loan - cũng đã tương đối "Mỹ hóa", khi lấy bằng đạo diễn điện ảnh tại nước này, thì Vương Gia Vệ chinh phục thế giới bằng thứ "khí chất châu Á" toàn diện.

Rất nhiều khán giả Việt Nam đã cực kỳ thất vọng lúc rời rạp sau khi xem Đông tà tây độc, hay mới đây là chính Nhất đại tông sư, bởi họ mong chờ những màn trình diễn võ thuật thuần túy. Vương Gia Vệ phớt lờ những mong muốn ấy. Nhân vật của ông mang nhiều nội tâm, diễn biến tâm lý phức tạp, đối thoại nhiều và không thiên về hành động. Thông điệp của Vương Gia Vệ cũng không mang tính "mì ăn liền", để có thể được cảm nhận qua những bước tư duy đơn giản. Phim của ông đậm chất Á Đông, vốn có một nền nghệ thuật đề cao tính ẩn dụ, "ý tại ngôn ngoại", với những nét chấm phá đầy dụng ý trong ngôn ngữ điện ảnh. Thậm chí, như những mảnh ký ức còn ghi lại, hai tác phẩm "tâm đắc" của ông giai đoạn những năm 2000 là Tâm trạng khi yêu [In the mood for love] và 2046còn không thu hút nổi khán giả tới rạp, bất chấp sự xuất hiện của những ngôi sao như Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc, khi tỏ ra quá "hàn lâm", thậm chí đối với chính những người đồng hương Trung Quốc.

"Lầu cao gió lạnh"

Tuy nhiên, ít người biết rằng vị "đại sứ điện ảnh" của Hồng Công ấy lại đến với phim ảnh vì... không hòa nhập được với xã hội Hồng Công. Vương Gia Vệ sinh năm 1958 tại Thượng Hải, và đến năm 1963 ông mới chuyển tới Hồng Công cùng gia đình. Ở Thượng Hải, cậu bé Vương sống cùng một đại gia đình với 40 anh chị em họ. Nhưng tới Hồng Công, cậu hoàn toàn cô độc. Cậu còn không biết nói tiếng Quảng Đông, thứ ngôn ngữ được sử dụng tại vùng này.

Và đó là lúc cậu bắt đầu viết thư, rất nhiều lá thư cho anh chị em ở đại lục - để rồi sau này thói quen đó tham gia vào quá trình khởi nghiệp với tư cách một biên kịch. Thời gian rảnh khác, Vương Gia Vệ đến rạp chiếu phim cùng mẹ. Người mẹ cũng không có bạn bè và họ hàng ở mảnh đất này, nên rạp chiếu phim trở thành thế giới riêng của cả hai mẹ con. Mỗi ngày, họ ngồi nhiều giờ trong rạp, và điện ảnh bắt đầu trở thành "máu thịt" của Vương Gia Vệ từ đó.

Cậu bé Thượng Hải cô độc trong các rạp chiếu phim ở Hồng Công ấy không coi điện ảnh là một công việc đơn thuần. Để thấy được niềm đam mê của ông, phải kể lại quá trình sản xuất Trùng khánh sâm lâm, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của họ Vương, cũng như của nền điện ảnh châu Á.Ông đã quyết định sử dụng thời gian trong lúc biên tập Đông tà tây độc trước khi trình chiếu, để làm một bộ phim nữa. "Cứ vác cái chân máy theo và chúng ta sẽ làm việc kiểu phóng viên truyền hình!" - ông bảo người quay phim thân thiết như vậy. Buổi sáng, ông dạy viết kịch bản, đến tối thì đi quay, cứ thế trong hai tháng, hoàn toàn "bản năng".

Nhân vật của Vương Gia Vệ sinh ra là để yêu và suy tưởng. Thập kỷ 80, nhà sản xuất đến hỏi họ Vương, khi đó là biên kịch: "Cậu có muốn làm phim xã hội đen không?". Hồng Công thời đó ai cũng làm phim xã hội đen. Vương gật đầu. Thế mà rồi Vượng giác tạp môn, phim đầu tay của ông lại vẫn trở thành phim tình cảm lấy bối cảnh xã hội đen. Về sau này, vẫn thế! Cảnh sát và tội phạm chìm đắm trong những cuộc độc thoại nội tâm, chứ chẳng mấy khi rút súng.

Nhiều nhà làm phim lớn của Mỹ thần tượng Vương Gia Vệ, trong số đó có đạo diễn "khét tiếng" Ta-ran-tinô [Quentin Tarantino]. Nhưng đôi lúc, sẽ rất khó khăn cho khán giả để tiếp cận với những gì mà Vương Gia Vệ truyền tải. Đó có lẽ là điều đáng quý nhất, và càng khiến ông giống một viên ngọc của điện ảnh châu Á.Ở một nền điện ảnh nổi tiếng vì phim võ thuật và xã hội đen, trong một thế giới của tốc độ, nơi mà những thông điệp cần được truyền tải nhanh gọn và ấn tượng, vẫn có một người cương quyết chơi một cuộc chơi nghệ thuật rất riêng, dù "lầu cao càng lên càng lạnh".

Vì bản chất của ông là một kẻ cô độc, hay vì cảnh cô độc thật sự là mảnh đất màu mỡ bồi đắp bao nhiêu miên man ý tình?

ĐỨC HOÀNG

Vào tuần tới, trong khuôn khổ của liên hoan phim châu Á tại Deauville, diễn ra từ ngày 6 đến 10 tháng Ba năm 2013, đạo diễn Vương Gia Vệ là một trong những vị khách mời danh dự. Ban tổ chức liên hoan Deauville đã dành cho Vương Gia Vệ hai xuất chiếu phim quan trọng nhất vào những ngày cuối tuần để ông giới thiệu với khán giả bộ phim The Grandmaster.

Cuộn phim Nhất Đại Tông Sư kể lại cuộc đời và sự nghiệp của võ sư Diệp Vấn [do Lương Triều Vỹ thủ vai], người đã giúp cho môn phái Vịnh Xuân nổi tiếng sau này trong làng võ thuật. Một trong những đệ tử chân truyền của ông là ngôi sao Lý Tiểu Long, huyền thoại phim quyền cước võ thuật mà cho tới nay vẫn chưa ai có thể sánh bằng. Vịnh Xuân Quyền gồm ba chiêu thức cơ bản [Than, Bàng, Phục], triển khai thành 108 thế võ. Nhờ vào môn phái này mà võ sư Diệp Vấn lưu danh hậu thế.

Kim Lâu Bắc Quyền thỉnh giáo Nam Truyền

Trong phim, Diệp Vấn được cử làm người đại diện cho các tỉnh phương nam Trung Hoa để thi đấu với võ sư Cung Bảo Sơn, người sáng lập môn phái Bát Quái, lừng danh ở phương bắc theo truyền thống của Lưỡng Quản Quốc Thuật. Trước khi rửa tay gác kiếm và nhường ngôi vị lại cho đại đệ tử Mã Tam, võ sư Cung Bảo Sơn muốn ít nhất một lần dùng Bắc Quyền để thỉnh giáo Nam Truyền.

Màn tỷ thí giữa các anh hùng diễn ra tại Kim Lâu, hóa ra là đấu trí nhiều hơn là đấu võ, qua cái màn hai võ sư bẻ gẫy một chiếc bánh bột. Cung Bảo Sơn khâm phục Diệp Vấn tuổi trẻ mà tài cao, không những giỏi võ mà còn có tư chất, am tường triết lý tinh hoa võ học.

Thế nhưng, Cung Nhị [do Chương Tử Di thủ vai], con gái ruột của võ sư phương bắc không chịu thua. Bất chấp lời khuyên của thân phụ, cô gái trẻ đến tận Kim Lâu để thi đấu với Diệp Vấn. Bên tám lạng người nửa cân, Bát Quái Quyền linh hoạt uyển chuyển, mềm mại cương nhu, dùng Lục Thập Tứ Thủ để hoá giải các thế võ Vịnh Xuân Thính Kiều. Thoạt nhìn thì không bên nào thắng, nhưng thật ra cô gái đã lấn luớt chàng trai. Cũng từ lúc gặp mặt này, mà Cung Nhị ngã lòng yêu Diệp Vấn.

Hai người hẹn gặp lại nhau, người thư qua kẻ thư lại, chữ ân tình chờ đợi hồi âm. Nhưng rốt cuộc, Diệp Vấn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội lên tận Phật Sơn ở phương bắc. Giao tranh bùng nổ, xung đột đẫm máu, sau thời kỳ quân đội Nhật hoàng xâm chiếm Trung Hoa, lại đến nội chiến giữa hai phe Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông.

Lục Thập Tứ Thủ, Vịnh Xuân Thính Kiều

Hầu hết các nhân sĩ trí thức Trung Hoa thời bấy giờ đều tham gia kháng chiến chống Nhật, tiêu biểu qua nhân vật Nhất Tuyến Thiên [do Trương Chấn thủ vai]. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những kẻ hợp tác với quân Nhật, điển hình là Mã Tam. Mã Tam là đệ tử của môn phái Bát Quái, sinh lòng phản phúc, sát hại chưởng môn Cung Bảo Sơn. Làm phận con, Cung Nhị buộc phải tròn chữ hiếu, cô thề nguyện sẽ không bao giờ lấy chồng để giữ nguyên họ Cung, và chỉ sống để hạ gục Mã Tam, báo thù cho thân phụ.

Về phía gia đình Diệp Vấn, chiến tranh xung đột làm cho họ Diệp tan gia bại sản, từ chỗ giàu có ba đời rốt cuộc lại đành trắng tay. Dù vậy, Diệp Vấn nhất quyết trung thành với quy tắc con nhà võ, ông đưa vợ con sang Hồng Kông [Hương Cảng] làm lại cuộc đời, sống qua ngày nhờ nghề dạy võ từ đầu những năm 1950 trở đi. Diệp Vấn qua đời vào năm 1972, gần hai thập niên sau cái chết của Cung Nhị.

Bộ phim Nhất Đại Tông Sư có thể nói là dự án đầy tham vọng nhất của Vương Gia Vệ. Đạo diễn Hồng Kông đã mất hơn mười năm trời để hoàn tất một tác phẩm đầy mồ hôi và nước mắt. Theo lời kể của chính đạo diễn, thì ông đã từ lâu có ý tưởng thực hiện một bộ phim về võ sư Diệp Vấn. Vào năm 1996, trong lúc quay bộ phim Happy Together [Hạnh phúc bên nhau – tựa tiếng Hoa là Xuân Quang Xạ Tiết] với hai diễn viên Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ, tại thủ đô Achentina, thì ông tình cờ thấy chân dung của Lý Tiểu Long trên các sạp báo. Khi tìm hiểu thêm, Vương Gia Vệ mới biết rằng Lý Tiểu Long là đệ tử chân truyền của võ sư Diệp Vấn.

Sau hơn hai năm đọc sách và tham khảo tư liệu, Vương Gia Vệ bắt đầu giai đoạn tiền kỳ của bộ phim, đến tận những nơi mà ông muốn đặt ống kính, lựa chọn cảnh quay, với tiêu chí hàng đầu là thông qua hình tượng của Diệp Vấn nói lên được phẩm chất mà bất cứ bậc thầy võ thuật nào cũng cần phải có. Trong làng võ, người càng có tiếng tăm lại càng phải tu tâm, tích đức. Thầy giỏi không chỉ là dạy võ, mà còn phải biết rèn luyện nhân cách cho đệ tử nối nghiệp. Về điểm này thì Cung Bảo Sơn, tuy là chưởng môn phái lớn nhưng do không khéo chọn người kế thừa nên mới để xẩy ra hậu họa.

Phim Nhất Đại Tông Sư không đơn thuần là phim võ thuật mà còn luận bàn đến số phận của anh hùng giữa thời binh đao loạn lạc, nói về triết lý cuộc sống của từng nhân vật, họ chân chính với bản thân, họ trung thành với nguyên tắc dù phải trải qua bao khó khăn thời khắc : Cung Nhị không tự dối mình, Diệp Vấn thà chết đói, chẻ dụng cụ tập võ để lấy gỗ sưởi ấm còn hơn là ăn gạo Nhật.

Tác phẩm của Vương Gia Vệ đầy tham vọng vì đan xen ít nhất là bốn tầng lớp khác nhau. Đạo diễn Hồng Kông dùng những câu chuyện cá nhân để nói lên tính phổ quát : thành danh không bằng thành nhân, ông lồng ghép tiểu sử vào đại sự, chuyện nhà với chuyện nước, dựa theo phương châm thời thế tạo anh hùng. Vương Gia Vệ diễn đạt rất thành công vế thứ nhất, nhưng vế thứ nhì lại còn nhiều điều bất cập.

Thời kháng chiến chống Nhật chỉ được nói thoáng qua, với những cảnh phim như Diệp Vấn bồng con bên khung cửa sổ, bên ngoài vang ầm tiếng bom đạn. Nhân vật Mã Tam trắc trở phản phúc, nối giáo cho giặc khi thông đồng với quân đội Nhật Bản. Còn nhân vật Nhất Tuyến Thiên thì lại tham gia kháng chiến bằng cách ám sát các sĩ quan Nhật. Nhưng trong cả hai trường hợp hung tinh và anh hùng sinh từ thời cuộc chỉ ở dạng gợi ý, cho nên hạn chế rất nhiều cái bối cảnh lịch sử thời Trung Hoa Dân Quốc.

Nhất ước ký đỉnh, Vạn sơn vô trở

Đan xen vào đó, còn có mối tình giữa Cung Nhị và Diệp Vấn, cộng thêm câu chuyện báo thù cha. Ở cuối phim, Cung Nhị bị trọng thương sau khi đánh gục Mã Tam ở bến nhà ga, vì muốn trả thù cho thân phụ mà phải hy sinh hạnh phúc cá nhân. Mối tình giữa Cung Nhị và Diệp Vấn là chuyện tình đơn phương. Yêu trong lòng nhưng không bao giờ thổ lộ nói ra, đến khi nói ra thì đã quá muộn. Tình cảm mà Diệp Vấn dành cho Cung Nhị dường như chỉ dừng lại ở sự quý mến.

Nhất ước ký đỉnh, Vạn sơn vô trở. Một khi đã thề ước thì ngàn ngọn núi cũng không thể cản đường. Diệp Vấn hứa gặp lại Cung Nhị nhưng rốt cuộc lại không đến. Có lẽ vì vậy cho nên khi gặp mặt nhau lần cuối ở Đại Nam, Cung Nhị đem trả lại một chiếc nút áo mà Diệp Vấn đã từng tặng cho cô làm kỷ vật. Câu chuyện tình giữa Cung Nhị và Diệp Vấn làm cho ta liên tưởng đến mối tình đơn phương giữa Dương Tử Quỳnh và Châu Nhuận Phát trong bộ phim Ngọa Hổ Tàng Long, nhưng lối quay của Vương Gia Vệ không làm cho người xem cảm động đến bật khóc như cách thể hiện của đạo diễn Lý An.

Về ngôn ngữ hình ảnh, có thể nói là đạo diễn Vương Gia Vệ thuộc vào hàng bậc thầy. Màu sắc tuyệt đẹp, định sáng kỹ lưỡng, cận ảnh hoàn hảo, toàn cảnh trau chuốt. Vương Gia Vệ dùng nhiều thủ pháp quay gần và quay chậm để làm nổi bật các thế võ do Viên Hòa Bình [Yuen Woo Ping] chỉ đạo.

Các thế võ ở đây rất quan trọng vì mỗi động tác thể hiện cho nguồn gốc và ý nghĩa từng môn phái võ học Trung Hoa : Ngoài Vịnh Xuân và Bát Quái, còn có các môn phái khác như Hình Ý, Thông Bối, Bảo Chùy, Yên Thanh, Bát Cực … Trong những đoạn này, Vương Gia Vệ dùng thủ pháp tỉnh lược để thu gọn rút ngắn các thế võ, tránh lặp đi lặp lại mà vẫn nói lên được tinh hoa võ học.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Vương Gia Vệ là sự hạn chế về mặt thời gian. Phim Nhất Đại Tông Sư gồm đến ba tuyến truyện, dựa theo ba nhân vật Diệp Vấn, Cung Nhị và Nhất Tuyến Thiên. Phim không tuân theo trình tự thời gian nhất định mà lại có nhiều đoạn flashback, ngược dòng ký ức, cho nên có nhiều chỗ hơi khó hiểu. Trong nửa phần đầu, phim có nhịp điệu lôi cuốn, nhưng trong nửa phần sau, tức là đến khi nhân vật Nhất Tuyến Thiên xuất hiện, nhịp phim lại trở nên khập khà khập khiễng.

Cung Nhị và Nhất Tuyến Thiên tình cờ gặp nhau trong chuyến xe lửa. Nhất Tuyến Thiên bị truy lùng sau khi ám sát sĩ quan Nhật, nhờ sự che chở của Cung Nhị mà anh không bị lộ tẩy. Nhưng sau đó, họ chẳng bao giờ gặp lại nhau, tình huống và bối cảnh do chỉ nói thoáng qua cho nên có vẻ khiên cưỡng : một cách hơi gượng ép, đạo diễn Vương Gia Vệ đã không đạt khi gắn chiếc toa cuối cùng vào đầu tàu xe lửa.

Tham vọng sâu rộng lỡ nhịp mênh mông

Dù có tài quay phim cách mấy, nhưng Vương Gia Vệ vẫn bị hạn chế bởi thời lượng tác phẩm. Dự án Nhất Đại Tông Sư đầy tham vọng, đòi hỏi hơn 10 năm đầu tư công sức, trong đó có gần bốn năm dành cho việc quay phim và làm phần hậu kỳ. Vương Gia Vệ chẳng những tham vọng mà còn tham lam. Thời lượng hình ảnh thu vào ống kính rất cao, cho nên đến khi dựng phim ông buộc phải cắt bỏ nhiều đoạn.

Từ bốn tiếng đồng hồ trong phần dựng phim ban đầu ông rút ngắn lại chỉ còn khoảng hơn hai tiếng. Phiên bản Anh Mỹ sắp được cho ra mắt, lại càng ngắn hơn khoảng 10 phút nữa so với phiên bản công chiếu ở Hoa Lục, hồi trung tuần tháng Giêng năm 2013.

Trước những ràng buộc về thời lượng, khiến ông phải cắt xén nhiều đoạn phim, thủ pháp tỉnh lược của Vương Gia Vệ có nhiều chỗ bị phản tác dụng, trở nên hơi khó hiểu. Tinh hoa của thế giới võ thuật theo cách nhìn của nhà đạo diễn Hồng Kông là một biển hồ mênh mông sâu rộng, nơi mà mỗi nhân vật là một châu lục hẳn hoi.

Võ nghệ dù có cao cũng không cao thấu trời, tư chất có thâm sâu cũng không sâu hơn đất : nếu như Vương Gia Vệ đã tạo được bề sâu và bề dày cho các nhân vật, thì ngược lại đạo diễn này như thể bơi lạc vào trong bể lớn, ông không bắt được nhịp cầu nối liền các châu lục để hội tụ tất cả các nhân vật chính thành một khối liền kết với nhau.

Chính cũng vì những điểm bất cập đó, mà đạo diễn Vương Gia Vệ không đáp ứng được hết tất cả các tham vọng bản thân, chưa thoả mãn đầy đủ sự trông chờ của người xem, dù là dễ tính. Nhất Đại Tông Sư là một tác phẩm khá, công phu nhưng chưa phải là tuyệt đỉnh thượng thừa, chiêu thức cao tay nhưng chưa đến mức độc nhất vô nhị.

Video liên quan

Chủ Đề