Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trên Trái đất là bao nhiêu?

Những mức nhiệt kỷ lục liên tiếp được ghi nhận làm dấy lên mối lo sợ về những thay đổi sâu rộng đang diễn ra trong hệ thống của Trái Đất do khủng hoảng khí hậu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Thế giới vừa ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử lần thứ ba liên tiếp chỉ trong 4 ngày của tuần này, làm dấy lên mối lo sợ về những thay đổi sâu rộng đang diễn ra trong hệ thống của Trái Đất do khủng hoảng khí hậu.

Hãng tin CNBC dẫn số liệu không chính thức từ các nhà nghiên cứu của Mỹ cho thấy nhiệt độ bình quân toàn cầu tăng lên mức 17,23 độ C, tương đương 63,01 độ F, vào hôm thứ Năm tuần này. Mức nhiệt này vượt qua 2 kỷ lục nhiệt độ ghi nhận trước đó trong tuần.

Dữ liệu trên được đưa ra không lâu sau khi cơ quan phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu [EU] Copernicus Climate Change Service xác nhận Trái Đất vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận, với mức nhiệt chưa từng có tiền lệ trên bề mặt nước biển và độ dày băng thấp kỷ lục ở Nam Cực - thấp hơn 17% so với bình quân lịch sử.

“Tháng 6 vừa rồi là tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay, với nhiệt độ cao hơn 0,5 độ C so với mức bình quân của tháng 6 từ 1991-2020, phá vỡ kỷ lục cũ thiết lập tháng 6/2019 với một khoảng cách khá lớn”, báo cáo của Copernicus cho biết.

Cũng theo cơ quan này, khu vực Tây Bắc của châu Âu đã có tháng 6 nóng chưa từng thấy. Nhiệt độ tháng 6 vừa rồi ở một số khu vực của Canada, Mỹ, Mexico, châu Á và miền Đông Australia cũng cao hơn nhiều so với bình thường.

Các nhà khoa học về khí hậu đã bày tỏ lo ngại sâu sắc. Cơ quan khí hậu của Liên hiệp quốc gần đây cảnh báo rằng sự kết hợp giữa lượng khí thải gây ứng nhà kính không ngừng tăng lên và sự trở lại của hiện tượng El Nino đồng nghĩa điều tồi tệ nhất còn chưa tới.

“Nhiệt độ toàn cầu lại phá kỷ lục vào ngày hôm qua”, giáo sư danh dự Bill McGuire của trường University College London nhấn mạnh. “Xin chào mừng đến với tương lai, một tương lai nóng hơn trước nhiều”.

Climate Reanalyzer, một công cụ không chính thức của Đại học Maine dùng để đo nhiệt độ không khí toàn cầu ở độ cao 2 mét trên mực nước biển, đã ghi nhận các mức nhiệt kỷ lục trong những ngày gần đây. Dữ liệu từ công cụ này được ghi lại từ năm 1979, thường được các nhà khoa học khí hậu trên thế giới tham khảo để đánh giá về tình trạng của thế giới.

Hôm thứ Hai tuần này, nhiệt độ bình quân toàn cầu được phát hiện đạt mức 17,01 độ C, vượt ngưỡng 17 độ C lần đầu tiên kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thu thập cách đây 44 năm. Kỷ lục mới bị phá vỡ ngay vào ngày thứ Ba, khi nhiệt độ bình quân toàn cầu đạt 17,18 độ C, và mức nhiệt này duy trì trong ngày thứ Tư.

Kỷ lục nhiệt độ trước đó được ghi nhận vào năm 2016 - năm nóng nhất trong lịch sử. Vào tháng 8 năm ngoái, Climate Reanalyzer ghi nhận mức nhiệt bình quân toàn cầu 16,92 độ C.

“Nhiệt độ không khí toàn cầu chỉ có tăng lên!” nhà nghiên cứu khí hậu Leon Simons viết trên mạng xã hội Twitter, đề cập đến việc nhiệt độ Trái Đất liên tiếp lập kỷ lục trong tuần này.

Hiện tượng này diễn ra sau một loạt sự kiện thời tiết cực đoan gây lo lắng trong những tháng gần đây, như sóng nhiệt ở Trung Quốc, Bắc Phi, phía Tây Địa Trung Hải, Mexico và miền Nam nước Mỹ.

“Chúng ta đang ở vào một tình thế chưa từng có tiền lệ và có thể kỳ vọng sự xuất hiện của những kỷ lục nhiệt độ mới, khi El Nino phát triển mạnh mẽ hơn. Những ảnh hưởng này có thể lan sang cả năm 2024”, ông Chris Hewitt - Giám đốc phụ trách vấn đề khí hậu tại Tổ chức Khí tượng Thế giới [WMO] - nhận định trong một báo cáo công bố hôm 6/7. “Đây là thông tin đáng lo ngại đối với hành tinh này”.

Công viên Quốc gia Thung lũng Chết tại California, Mỹ, từ lâu đã giữ danh hiệu là nơi nóng nhất trên Trái Đất.

Lần lượt vào ngày 16/8/2020, và ngày 17/6/2021, nhiệt kế đã nhảy vọt lên 54 độ C trong công viên quốc gia này, thu hút rất đông khách du lịch đến chụp ảnh bên cạnh chiếc nhiệt kế điện tử đặt tại đây.

Tổ chức Khí tượng Thế giới [WMO] xác nhận nhiệt độ 54 độ C vào năm 2020 là mức nhiệt độ cao nhất được ghi lại một cách đáng tin cậy từ trước tới nay.

Còn trong quá khứ, vào ngày 10/7/1913, nhiệt kế thủy nhân tại khu vực Furnace Creek ở Thung lũng Chết đã tăng vọt lên mức 56 độ C.

Cho đến ngày hôm nay, đây vẫn là mốc nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trên Trái Đất, nhưng vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng khí tượng học. Một số người lập luận rằng các thiết bị đo lường vào thời điểm đó không đủ tin cậy để ghi lại nhiệt độ một cách chính xác.

Một kỷ lục khác là 58 độ C, được ghi nhận vào năm 1922 tại El Azizia, Libya, đã bị hủy bỏ 90 năm sau đó, theo Sách Kỷ lục Guinness Thế giới. Tổ chức này lưu ý rằng nhiệt độ đo được trước kia có thể bị sai lệch tới 7 độ, do loại bề mặt mà người ta dùng để đo nhiệt.

Tại sao Thung lũng Chết lại quá nóng?

Theo đại diện bộ phận Dịch vụ của Công viên Quốc gia Thung lũng Chết, nhiệt độ không khí ở khu vực này thường tăng lên khoảng trên 48,8 độ C, do vị trí địa lý và sự khô hạn.

Trung bình hàng năm, lượng mưa rơi xuống Thung lũng Chết chưa tới 51mm, khiến thực vật và động vật sống tại đây luôn phải chịu tình trạng khô hạn.

Những tia nắng Mặt Trời hàng ngày thiêu đốt thung lũng, nằm sâu 86m dưới mực nước biển, với địa hình bao bọc đều là những ngọn núi.

[Mùa Hè 2022 là nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử châu Âu]

Đó là lý do khiến Thung lũng Chết luôn nóng bức, ngột ngạt, và trở thành nơi nóng nhất trên Trái Đất.

Không khí nóng ở Thung lũng Chết bốc lên bị các dãy núi cao giữ lại. Khi nguội đi, phần không khí này rơi trở lại lòng thung lũng, nơi nó tiếp tục bị nén lại và làm nóng thêm một lần nữa.

Nhiệt độ bề mặt cao tới mức dường như có thể khiến mọi thứ bốc cháy. Nhiệt độ nóng nhất xuất hiện trên bề mặt Furnace Creek từng được ghi nhận là trên 93 độ C vào ngày 15/7/1972. Như vậy, người ta thực sự có thể nấu ăn được, nếu đặt chảo lên bề mặt Furnace Creek vào ngày hôm đó.

Tuy nhiên, nhiệt độ không khí cao nhất ghi nhận vào ngày hôm đó chỉ là 53 độ C. Sở dĩ có sự chênh lệch nhiệt cao là bởi không khí dẫn nhiệt rất kém.

Các điểm nóng khác trên Trái Đất

Thung lũng Chết có thể là nơi có nhiệt độ không khí nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất. Nhưng còn rất nhiều nơi khác có nhiệt độ cũng rất cao.

[Nguồn: Popular Mechanics]

Nói đến nhiệt độ bề mặt, có hai nơi khác trên thế giới cũng đạt tới mức cao kỷ lục gần như tại Thung lũng Chết.

Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu vệ tinh về nhiệt độ mặt đất trên khắp thế giới và phát hiện nhiệt độ bề mặt lên tới 80,7 độ tại sa mạc Lut, Iran vào mùa Hè năm 2018.

Một mức nhiệt tương tự cũng đã được phát hiện tại sa mạc Sonoran, nằm dọc biên giới Mexico-Mỹ vào mùa Hè một năm sau đó. Nó đủ nóng để làm bỏng tay bạn nếu chạm vào.

Các nhà khoa học chưa rõ liệu biến đổi khí hậu có phải nguyên nhân gây ra những mức nhiệt cao kỷ lục này không, nhưng cũng cho biết thêm rằng các tác động của La Nina khiến khu vực trung tâm Thái Bình Dương trở nên mát mẻ, cũng như khiến sa mạc khô hơn. Và đây cũng có thể là một nguyên nhân gây ra các hiện tượng cực nóng nêu trên.

Cần biết rằng, Mặt Trời không phải là yếu tố duy nhất có khả năng tạo nên các khu vực với nhiệt độ bề mặt rất cao trên Trái Đất. Nhiệt độ trong các hồ địa nhiệt rực rỡ sắc màu tại công viên quốc gia Yellowstone, Mỹ có thể tăng  vọt lên tới mức trên 121 độ C, theo thông tin trên website của công viên.

Còn theo tạp chí National Geographic, các lỗ thông thủy nhiệt nằm dưới đáy đại dương thường xuyên phun ra các dòng chất lỏng cực nóng, có thể đạt nhiệt độ lên tới 398,8 độ C.

Tuy nhiên, điều gây kinh ngạc hơn là vẫn có một số sinh vật thích nghi và tồn tại được trong các môi trường khắc nghiệt này./.

Chủ Đề