Những điểm khác biệt giữa chương trình môn giáo dục the chất so với chương trình thể dục hiện hành

Môn học bắt buộc

Theo TS Đặng Ngọc Quang, GDTC là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Môn học này góp phần thực hiện mục tiêu GD phát triển phẩm chất và năng lực của HS, trọng tâm là: Trang bị cho HS kiến thức và kĩ năng chăm sóc sức khoẻ; kiến thức và kĩ năng vận động; hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao (TDTT), khả năng lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực và tố chất vận động; trên cơ sở đó giúp HS có ý thức, trách nhiệm đối với sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, thích ứng với các điều kiện sống, sống vui vẻ, hoà đồng với mọi người.

Nội dung GDTC được phân chia theo hai giai đoạn: Giai đoạn GD cơ bản và giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp.

Ở giai đoạn GD cơ bản: Môn GDTC giúp HS biết cách chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện TDTT; hình thành các kĩ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện. HS được lựa chọn nội dung hoạt động TDTT phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.

Giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp: Môn GDTC được thực hiện thông qua hình thức CLB TDTT. HS được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường để tiếp tục phát triển kĩ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, đồng thời giúp những HS có năng khiếu thể thao tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Mục tiêu chung, môn GDTC giúp HS hình thành, phát triển kĩ năng chăm sóc sức khoẻ, kĩ năng vận động, thói quen tập luyện TDTT và rèn luyện những phẩm chất, năng lực để trở thành người công dân phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam; đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao.

Tăng thời lượng, đa dạng nội dung

Kế thừa là một nguyên tắc, đồng thời là một trong các cơ sở khoa học quan trọng để thiết kế CT mới. TS Đặng Ngọc Quang chia sẻ, CT GDTC mới kế thừa CT Thể dục hiện hành về mục tiêu, nhằm phát triển sức khỏe và thể lực HS; giúp HS có những kiến thức, kĩ năng cơ bản và hình thành thói quen tập luyện TDTT thường xuyên; có nếp sống lành mạnh, tác phong nhanh nhẹn, kỉ luật, tinh thần tập thể và các phẩm chất đạo đức, ý chí; giúp HS biết vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học vào các hoạt động ở nhà trường và trong đời sống hằng ngày.

CT GDTC kế thừa các mạch nội dung cốt lõi: Đội hình đội ngũ, rèn luyện tư thế và kỹ năng vận động cơ bản, bài tập thể dục, trò chơi vận động và thể thao tự chọn, nhưng được cấu trúc lại theo những mạch nội dung đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống từ lớp 1 đến lớp 9 đáp ứng yêu cầu GD cơ bản (giai đoạn GD cơ bản), phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý lứa tuổi HS.

Các phương pháp dạy học truyền thống và hiện hành đều được kế thừa đó là vận dụng linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp GD phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh. Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống quen thuộc mà cần bắt đầu bằng việc cải tiến, sáng tạo, linh hoạt vận dụng cho từng đối tượng cụ thể để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng.

Tính kế thừa thể hiện ở chỗ, dù mục tiêu kiểm tra đánh giá hướng tới năng lực và phẩm chất, nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở hệ thống kiến thức, kĩ năng cơ bản thông qua các nội dung môn học. Các hình thức và công cụ đánh giá như: Kiểm tra miệng, câu hỏi trắc nghiệm, kiểm tra khả năng thực hiện bài tập, kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ… đều được kế thừa trong CT GDPT mới, kết hợp và bổ sung thêm những hình thức và công cụ mới nhằm đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của HS.

Về những khác biệt, TS Đặng Ngọc Quang cho biết: CT GDTC được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực với tất cả các yêu cầu về: Mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá; được biên soạn theo mẫu mới chung cho các CT môn học. CT GDTC giúp cho HS phát triển năng lực đặc thù như: Chăm sóc sức khoẻ; vận động cơ bản; hoạt động TDTT. Bên cạnh đó, CT còn góp phần GD HS phát triển các năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực thẩm mỹ…

Về thời lượng, số tiết ở lớp 1 tăng từ 35 tiết/năm lên thành 70 tiết/năm. CT xây dựng các mạch nội dung kiến thức bao gồm: Kiến thức chung; vận động cơ bản; thể thao tự chọn xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.

Nội dung thể thao tự chọn được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, với nội dung đa dạng hơn và được thực hiện theo hướng mở, để các địa phương có nhiều lựa chọn hơn. Đối với CT GDTC cấp THPT, HS được lựa chọn học các môn thể thao. Các môn thể thao được xây dựng theo 3 mức: Nhóm kĩ thuật cơ bản; nhóm kĩ thuật nâng cao; nhóm vận dụng, thi đấu.

CT môn học được xây dựng trên cơ sở của yêu cầu cần đạt cụ thể cho từng cấp học, lớp học, nhưng linh hoạt trong thực hiện. Các nhà trường được tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương. Ngoài ra, CT môn học được xây dựng theo hướng mở và đa dạng tài liệu hướng dẫn thực hiện môn học.

Những điểm khác biệt giữa chương trình môn giáo dục the chất so với chương trình thể dục hiện hành
Cơ sở vật chất vẫn là tiền đề để phát triển GD thể chất từ lớp 1 

Đổi mới cách đánh giá kết quả

Đánh giá kết quả GDTC là hoạt động thu thập thông tin và so sánh mức độ đạt được của HS so với yêu cầu cần đạt của môn học, nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự tiến bộ của HS, mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của CT để trên cơ sở đó điều chỉnh hoạt động dạy học và cách tổ chức quản lí nhằm không ngừng nâng cao chất lượng GD.

Lưu ý của TS Đặng Ngọc Quang, đánh giá kết quả GD phải căn cứ vào mục tiêu và các yêu cầu cần đạt đối với từng lớp học, cấp học trong CT môn GDTC, theo các tiêu chuẩn đánh giá thể lực HS do Bộ GD&ĐT ban hành, chú trọng kĩ năng vận động và hoạt động TDTT của HS; Đánh giá phải bảo đảm toàn diện, khách quan, có phân hoá; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kì; kết hợp giữa đánh giá của GV, tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của HS, đánh giá của cha mẹ HS. HS được biết thông tin về hình thức, thời điểm, cách đánh giá và chủ động tham gia quá trình đánh giá.

 

CT GDTC mới được xây dựng dựa trên việc tham khảo nhiều CT của các nước có nền giáo dục tiên tiến như Đức, Hàn Quốc, Scotland, Nga, Nhật... Tuy nhiên không hoàn toàn dựa vào CT của một nước cụ thể nào mà chỉ tham khảo, học tập những điểm tích cực có thể áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

 

Đánh giá phải coi trọng sự tiến bộ của HS về năng lực, thể lực và ý thức học tập; có tác dụng thúc đẩy, hỗ trợ HS phát triển các phẩm chất, năng lực; tạo được hứng thú, khích lệ tinh thần tập luyện của HS, qua đó khuyến khích HS tham gia các hoạt động TDTT ở trong, ngoài nhà trường.

Đánh giá thường xuyên: Bao gồm đánh giá chính thức (thông qua các hoạt động thực hành, tập luyện, trình diễn...) và đánh giá không chính thức (bao gồm quan sát trên lớp, đối thoại, HS tự đánh giá...) nhằm thu thập những thông tin về quá trình hình thành, phát triển năng lực của từng HS.

Đánh giá định kì: Nội dung đánh giá chú trọng đến kĩ năng thực hành, thể lực của HS; phối hợp với đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin để phân loại HS và điều chỉnh nội dung, phương pháp GD.

Đánh giá định tính: Kết quả học tập được mô tả bằng lời nhận xét hoặc biểu thị bằng các mức xếp loại. HS có thể sử dụng hình thức này để tự đánh giá sau khi kết thúc mỗi nội dung, mỗi chủ đề, hoặc GV sử dụng để đánh giá thường xuyên (không chính thức). Đánh giá định tính được sử dụng chủ yếu ở cấp tiểu học.

Đánh giá định lượng: Kết quả học tập được biểu thị bằng điểm số theo thang điểm 10. GV sử dụng hình thức đánh giá này đối với đánh giá thường xuyên chính thức và đánh giá định kì. Đánh giá định lượng được sử dụng chủ yếu ở THCS, THPT.

__________________________

Bài 2. Giải pháp về giáo viên và điều kiện dạy học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và 27 Chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới có một số điểm kế thừa và nhiều điểm khác so với chương trình giáo dục hiện hành. 

Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông mới kế thừa chương trình hiện hành một số điểm sau: 

Thứ nhất, về mục tiêu giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu giáo dục phổ thông là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ. 

Thứ hai, về phương châm giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông mới kế thừa các nguyên lí giáo dục nền tảng như “Học đi đôi với hành”, “Lí luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”. 

Những điểm khác biệt giữa chương trình môn giáo dục the chất so với chương trình thể dục hiện hành
Chương trình giáo dục phổ thông mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Thứ ba, về nội dung giáo dục, bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn. 

Thứ tư, về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là: Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở; Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp Trung học phổ thông; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. 

Việc đổi tên môn Kĩ thuật ở cấp tiểu học thành Tin học và Công nghệ là do chương trình mới bổ sung phần Tin học và tổ chức lại nội dung phần Kĩ thuật.

Những điểm khác biệt giữa chương trình môn giáo dục the chất so với chương trình thể dục hiện hành
Chương trình mới cấp tiểu học thay đổi thế nào?

Tuy nhiên, trong chương trình hiện hành, môn Tin học đã được dạy từ lớp 3 như một môn học tự chọn. Ngoại ngữ tuy là môn học mới ở cấp tiểu học nhưng là một môn học từ lâu đã được dạy ở các cấp học khác; thậm chí đã được nhiều học sinh làm quen từ cấp học mầm non.

Ở cấp Trung học cơ sở, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lí, hóa học, sinh học và khoa học Trái Đất; môn Lịch sử và Địa lí được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lí.

Học sinh đã học môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học, không gặp khó khăn trong việc tiếp tục học các môn này. Chương trình hai môn học này được thiết kế theo các mạch nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên dạy đơn môn hiện nay nên cũng không gây khó khăn cho giáo viên trong thực hiện.   

Hoạt động trải nghiệm hoặc Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cả ba cấp học cũng là một nội dung quen thuộc vì được xây dựng trên cơ sở các hoạt động giáo dục tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các hoạt động tham quan, lao động, hướng nghiệp, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng,… trong chương trình hiện hành.

Thứ năm, về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.

Thứ sáu, về phương pháp giáo dục, chương trình mới định hướng phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều.

Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới (như mô hình trường học mới, phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục STEM,…); do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen, nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo các phương pháp giáo dục mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì khác so với chương trình hiện hành: 

Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn.

Theo mô hình này, kiến thức vừa là “chất liệu”, “đầu vào” vừa là “kết quả”, “đầu ra” của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế. 

Những điểm khác biệt giữa chương trình môn giáo dục the chất so với chương trình thể dục hiện hành
Thừa, thiếu giáo viên được giải quyết thế nào trong chương trình mới?

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng. Theo cách tiếp cận này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân.

Nói cách khác, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học.

Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

Thứ hai, Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh; việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp trung học phổ thông chưa được xác định rõ ràng. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). 

Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 và Quyết định 404, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học;

Đồng thời thiết kế một số môn học (Tin học và Công nghệ, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. 

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình. 

Thứ ba, trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, sự kết nối giữa chương trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học chưa chặt chẽ; một số nội dung giáo dục bị trùng lặp, chồng chéo hoặc chưa thật sự cần thiết đối với học sinh phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng Chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này. 

Thứ tư, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả sách giáo khoa và giáo viên.

Chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội. 

Thùy Linh