Orthotropics là gì

Phong trào Mewing trở nên nở rộ trong thời gian gần đây trên mạng xã hội, đặc biệt là các video Youtube của các vlogger. Họ chia sẻ về việc thực hành phương pháp này giúp tạo đường nét khuôn mặt trở nên góc cạnh, hút hồn hoàn toàn tự nhiên, không đụng dao kéo chỉ bằng tư thế đặt lưỡi.

Mewing là gì?

Mewing là tư thế đặt lưỡi được cho là giúp cải thiện hình dáng khuôn mặt. Phương pháp Mewing được lấy tên theo tên bác sĩ John Mew, một nha sĩ người Anh, người đã tạo ra phương pháp orthotropics hay còn gọi là phương pháp Mewing. Mewing vào những năm 1970 là một phương pháp hoàn toàn khác biệt và và đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi về tác động của nó có thể thay đổi tích cực lên hình dáng khuôn mặt mà không cần phẫu thuật.

Điều cốt lõi của phương pháp Mewing chính là việc người tập đặt lưỡi mình ở phần vòm miệng trên [theo ngôn ngữ nha khoa là vòm khẩu cái]. Duy trì liên tục phương pháp này bất cứ khi nào bạn muốn trong một thời gian dài sẽ có những tác động chậm rãi mà đáng kể lên xương mặt. Phần xương quai hàm trở nên thon gọn, rõ nét, khuôn mặt cân đối và có chiều sâu, quyến rũ hơn.

Mewing rộ lên trên MXH

Gần đây, Mewing trở nên phổ biến hơn trên MXH, đặc biệt là Youtube khi những người tập Mewing và ủng hộ phương pháp này đăng rất nhiều video ảnh trước - sau khi tập. Những thay đổi rõ rệt, kỳ diệu và gần như khó tin ở xương quai hàm, mũi, gò má mà không cần phẫu thuật thẩm mỹ khiến rất nhiều người phấn khích, muốn bắt đầu thực hiện Mewing ngay.

Thực ra Mewing không phải là một phương pháp mới. Thói quen đặt lưỡi ở một vị trí phù hợp được các nha sĩ và các chuyên gia sức khoẻ khác khuyên làm để định hình phần hàm, cải thiện khả năng phát âm không chính xác và xoa dịu các cơn đau liên quan đến phần xương hàm, cải thiện tình trạng ngáy khi ngủ.

Hiệu quả của Mewing

Những người ủng hộ phương pháp Mewing cho rằng không phải Mewing giúp khuôn mặt trở nên đẹp hơn, mà chính việc người ta không đặt lưỡi đúng cách dẫn đến sự phát triển, định hình sai lệch của xương hàm nói riêng và xương mặt nói chung.

Các bức ảnh chụp bình thường và chụp X-quang của người trước và sau khi tập Mewing một thời gian cho thấy Mewing giúp:

  • Làm chắc khoẻ cấu trúc xương mặt
  • Cải thiện hình dáng khuôn mặt
  • Xương hàm và xương gò má chắc khoẻ hơn
  • Cải thiện vị trí khớp cắn
  • Giúp thở dễ dàng hơn
  • Cải thiện vấn đề khó phát âm ở một số người

Bản chất của Mewing

Xương hàm mặt con người không phải là cấu trúc nguyên khối cố định. Xương mặt được cấu tạo từ các phần xương và sụn nhỏ, liên kết với nhau bằng đường khớp đầu. Vậy nên nếu như bạn hình thành các thói quen xấu trong thời gian dài như ăn uống, nhai nuốt sai cách, nằm nghiêng sai tư thế, hít thở không đúng,... sẽ khiến khuôn mặt bạn thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Đó cũng là lý do tại sao khuôn mặt bạn thay đổi theo thời gian, có người dậy thì thành công và người khác thì thất bại.

Và theo như bác sĩ Mew, con người ngày nay có phần hàm nhỏ hơn tổ tiên đáng kể do các yếu tố về lối sống như các vấn đề sức khoẻ khiến người ta thở bằng miệng nhiều hơn, thức ăn đa phần được nấu và chế biến mềm, dễ nhai nuốt. Hàm nhỏ đi đồng nghĩa với việc răng mọc nhau chen chúc, mọc không thẳng hàng, đồng thời khiến khuôn mặt không cân xứng.

Mewing là phương pháp dùng lực đẩy tự nhiên của lưỡi để cải thiện các cấu trúc xương mặt, xương hàm về vị trí tự nhiên và khoa học. Bên cạnh những thay đổi khiến khuôn mặt đường nét, thon gọn hơn thì nó còn cải thiện các chức năng tiêu hoá tại khoang miệng, cũng như cách chúng ta thở bằng mũi.

Ai phù hợp với Mewing?

Tuy Mewing hấp dẫn mọi người bởi phương pháp không dao kéo, không mất tiền mà chỉ dùng duy nhất cơ lưỡi, phương pháp này bị các chuyên gia Răng - Hàm - Mặt chỉ trích. Bên cạnh thiếu bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của Mewing, nhiều người có vấn đề thật sự về xương hàm, cấu trúc mặt và răng bị kỳ vọng quá mức vào phương pháp này mà không tìm đến bác sĩ tư vấn, từ chối tiếp nhận phẫu thuật.

Mewing không phải là phương pháp trị liệu, nó chỉ là cách tạo thói quen tốt như cách bạn phải ngồi thẳng lưng, tập luyện thể thao để duy trì một sức khoẻ tốt. Nếu có vấn đề về sức khoẻ răng hàm mặt, bạn vẫn nên thăm khám các bác sĩ để có được tư vấn, chuẩn đoán và cách điều trị tốt nhất.

Mewing phù hợp với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi bởi nó hoàn toàn vô hại nếu bạn làm đúng hướng dẫn. Tuy nhiên, giống như niềng răng, bạn sẽ phải mất một khoảng thời gian dài [tính bằng năm] để có thể nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt.

Và bạn không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào phương pháp này, chỉ vì nhìn thấy những bức ảnh trước - sau của những người khác trên mạng.

Các bước tập Mewing

Để thực hiện phương pháp Mewing này, bạn cũng cần tuân theo hướng dẫn chính xác bởi nếu lưỡi bạn đặt không đúng vị trí sẽ không đem lại hiệu quả cũng như dễ dẫn đến các vấn đề khác như lệch xương hàm, đẩy răng về phía trước.

Các bước thực hiện Mewing như sau:

  1. Ngồi thẳng
  2. Mím môi lại, chặn ý định thở bằng miệng
  3. Ngậm hai hàm trên dưới một cách thoải mái và tự nhiên, không cần phải ngậm chặt hay dùng lực nghiến chặt lại
  4. Đưa toàn bộ lưỡi bạn [từ cuống lưỡi đến đầu lưỡi] áp lên phần vòm miệng trên [vòm khẩu cái] chứ không phải chỉ mỗi phần đầu lưỡi, không đẩy lưỡi ra chạm răng
  5. Giữ tư thế lưỡi này lâu nhất có thể. Nhớ rằng bạn phải mím môi và thở bằng mũi toàn bộ thời gian.

Một vài tips khi mới bắt đầu Mewing:

  • Khi đưa lưỡi lên, bạn đồng thời nuốt nước bọt để lưỡi dễ áp lên phần vòm miệng trên hơn.
  • Hoặc bạn có thể tặc lưỡi và giữ lưỡi ở vị trí trước khi tặc.

Mewing không có thời gian lý tưởng mà bạn nên thực hiện bất cứ khi nào trong ngày. Khi bắt đầu, bạn sẽ phải luyện tập đôi chút để đặt lưỡi cho đúng và thấy khó khăn, nhưng rồi bạn cũng sẽ làm được thôi.

Kết

Mewing vẫn đang được các bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu về các tác động của phương pháp này với xương hàm mặt, cải thiện các vấn đề sức khoẻ cũng như thẩm mỹ. Mewing không phải phương pháp nguy hiểm nếu bạn muốn thực hành, nhưng bạn không nên đặt quá nhiều kỳ vọng chỉ với những bức ảnh kết quả của người khác. Mỗi người có một cấu trúc xương mặt và tình trạng sức khoẻ khác nhau nên bạn cần gặp bác sĩ Răng - Hàm - Mặt để nhận được chẩn đoán phù hợp với mình nhất.

Tham khảo: Healthline

Video liên quan

Chủ Đề