Pháp quyền và pháp trị khác nhau thế nào

*. Luật sư Lê Công Định

"Nhà nước pháp quyền" là một khái niệm đề cập đến nh

Luật sư Lê Công Định
iều từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986. Về ngữ nghĩa, hai chữ "pháp quyền" đã không gợi ý nghĩa chính xác của cụm từ nhà nước pháp quyền, mà chúng ta thường hiểu là một thể chế nhà nước được điều hành và cai trị bằng luật pháp.

"Nhà nước pháp quyền" là khái niệm được du nhập từ nền văn minh pháp lý phương Tây. Truyền thống pháp lý Đông phương nói chung và Việt Nam nói riêng không có khái niệm này [dù rằng vào thời Xuân Thu Chiến Quốc tại Trung Hoa đã xuất hiện trường phái chủ trương áp dụng hình luật nghiêm khắc để trị dân – Pháp trị chủ nghĩa – với nhà tư tưởng tiêu biểu Hàn Phi Tử].

Nhà nước pháp quyền có nguồn gốc từ khái niệm "État de droit" [tạm dịch là "Nhà nước [cai trị bằng] luật pháp"] trong Pháp ngữ và "Rule of law" [tạm dịch là "sự cai trị bằng luật pháp" hoặc "sự thống trị của luật pháp"] trong Anh ngữ. Thật ra, chữ thích hợp để dịch hai thuật ngữ tương đồng này ở Âu-Mỹ đáng lẽ phải là nhà nước pháp trị thay vì nhà nước pháp quyền [chữ "quyền" trong Hán ngữ mang nghĩa "nắm tay, nắm đấm" hoặc "quyền lợi", hoàn toàn không liên quan đến ý nghĩa của hai thuật ngữ "État de droit" và "Rule of law"]. Do vậy, thiết tưởng nên sử dụng từ nhà nước pháp trị, vừa chính xác vừa dễ hiểu, lại tránh tình trạng diễn giảng sai lệch ý nghĩa.

Quan niệm về nhà nước pháp trị cùng với ý định soạn thảo một văn bản hiến pháp cho Việt Nam đã manh nha vào những năm 1920 và 1930 từ cuộc vận động thành lập thể chế quân chủ lập hiến do các nhà ái quốc đương thời khởi xướng nhằm tranh đấu chống lại ách cai trị của thực dân Pháp. Tuy nhiên cuộc vận động này sau đó đã thất bại. Phải đến năm 1946, bản hiến pháp đầu tiên mới được ban hành. Bản hiến pháp của nước Việt Nam mới này đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên tòa lâu đài nhà nước pháp trị trên thực tế.

Sự hiện hữu của một nhà nước pháp trị cần phải hội đủ tối thiểu những đặc điểm cơ bản sau đây:

1. Tam quyền phân lập

Đối với một nhà nước pháp trị, toàn bộ hệ thống chính trị và quản lý nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Quyền lực nhà nước, bao gồm các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, phải được phân chia thành ba bộ phận độc lập, riêng biệt và kiểm soát lẫn nhau. Sự phân quyền minh bạch ấy sẽ giúp tránh tình trạng lạm quyền và dân chủ hình thức.

Một thể chế vận hành trên nền tảng tam quyền phân lập một cách thực chất đòi hỏi những người hoạt động trong các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp phải hoàn toàn độc lập, chuyên nghiệp và hành xử công việc không kiêm nhiệm. Không thể có tình trạng một công chức thuộc bộ máy chính phủ hoặc thẩm phán thuộc ngạch tòa án lại kiêm nhiệm đại biểu quốc hội.

Ngoài quyền ban hành luật, quốc hội cũng thủ giữa vai trò "khắc chế" xu hướng lạm quyền của những quan chức nhiều quyền hành thuộc ngành hành pháp. Phàm là con người thì ai cũng có khuynh hướng tư lợi và lạm quyền một khi được trao quyền hành trong tay. Nếu chỉ "xử lý nội bộ" hoặc "phê và tự phê" thì không bao giờ diệt trừ tận gốc và ngăn ngừa sự tái diễn của thói quan liêu, tham nhũng cùng những thói hư tật xấu khác của các quan chức hủ hóa.

Nếu sự tồn tại của một chính phủ tuỳ thuộc vào sự tin tưởng trao phó quyền hạn từ dân chúng, mọi động thái hành xử quyền hành đều đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt từ phía đại biểu của dân trong quốc hội hay nghị viện, thì tự khắc một chính phủ đương quyền sẽ có nhu cầu tự thân và ý chí đủ mạnh để thiết lập nên một hệ thống đề kháng nội tại, nhằm tận diệt mọi mầm mống phát sinh những tệ đoan và thanh lọc nhanh chóng hàng ngũ quan chức của mình.

Nếu sự phân quyền không minh bạch, mà chỉ đơn thuần là phân công, phân nhiệm trong khi mọi quyền hành thực sự lại tập trung vào một định chế duy nhất thì đấy chỉ là sự phân quyền nửa vời. Điều này tất nhiên không thể được định danh là nhà nước pháp trị. Triết gia Montesquieu, cha đẻ của thuyết tam quyền phân lập, và những nhà tư tưởng hậu duệ của ông ngày xưa chắc không thể nào ngờ rằng sẽ có ngày học thuyết của mình lại được điều chỉnh thành "tam quyền phân nhiệm" như vậy!

2. Thượng tôn luật pháp

Trong một nhà nước pháp trị, tinh thần thượng tôn pháp luật là lẽ đương nhiên. Thượng tôn pháp luật được thể hiện ở chỗ cả bộ máy công quyền lẫn công dân cùng "quy ước" với nhau chỉ tuân thủ và áp dụng các đạo luật và văn kiện lập pháp tương đương khác do quốc hội hay nghị viện ban hành một cách minh bạch.

Tất nhiên khi hành xử quyền hành pháp, chính phủ và các cơ quan trực thuộc có thể soạn thảo những văn kiện lập quy để những viên chức trong bộ máy công quyền dễ dàng thực hiện công việc thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Nhưng, người dân không cần biết đến những văn kiện này, đặc biệt những loại có đóng dấu "mật". Họ chỉ phải tuân thủ những gì do chính cơ quan mà họ trực tiếp bầu nên soạn thảo và ban hành.

Nếu thực hiện nguyên tắc thượng tôn luật pháp thì khó có thể chấp nhận việc một văn kiện lập pháp, chẳng hạn Bộ luật Dân sự hay Luật Đất đai, tuy đã được ngành lập pháp ban hành nhưng còn phải chờ sự hướng dẫn thi hành của những văn kiện lập quy [nghị định, thông tư] của ngành hành pháp. Đó là chưa kể một thực tế vẫn thường diễn ra là các cơ quan công quyền, đặc biệt chính phủ và các bộ, khi ban hành văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thi hành một đạo luật của mình hoặc đặt ra các thủ tục mà luật không minh định nhằm hạn chế hoặc tước bỏ quyền lợi của người dân vốn đã được đạo luật ấy công nhận.

Trong một nhà nước pháp trị, cơ quan lập pháp và các thành viên của nó phải chủ động soạn thảo dự án luật chứ không chỉ thụ động ngồi chờ các bộ trình sẵn để tranh luận và biểu quyết. Chính những đại biểu dân cử sẽ chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia trong lĩnh vực đối tượng của đạo luật. Thực thi quyền soạn thảo luật như vậy cũng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng "nghị gật" trên diễn đàn quốc hội.

Thượng tôn luật pháp còn đòi hỏi mọi văn kiện lập pháp và lập quy đều phải tuân thủ hiến pháp. Công dân được quyền thách thức tính hợp hiến của luật và các văn bản dưới luật bằng việc khởi kiện trước tòa bảo hiến. Tòa bảo hiến – dù được tổ chức như một định chế riêng biệt hay là một bộ phận của tòa án tối cao - sẽ đảm đương công việc bảo vệ hiến pháp và có thể đưa ra phán quyết hủy bỏ các đạo luật, nghị định, thông tư hay quyết định vi hiến.

Tình trạng thông tư và nghị định của ngành hành pháp mâu thuẫn với các đạo luật của cơ quan lập pháp như hiện nay chắc chắn không thể tồn tại nếu có tòa bảo hiến. Quốc hội khi đó sẽ nghiêm túc hơn khi soạn thảo luật, cơ quan công quyền sẽ cẩn thận hơn khi điều hành quốc gia. Không ai có thể tiếp tục tại vị để đùa với dân khi mà hôm nay ban hành quyết định này, ngày mai lại sửa đổi, thậm chí hủy bỏ chính quyết định đó!

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

Pháp quyền hay Pháp trị

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

09:11 CH @ Thứ Tư - 31 Tháng Năm, 2017

Trong các văn bản chính thức, cái mà chúng ta đã lựa chọn là nhà nước pháp quyền. Còn một số học giả lại cho rằng nên lựa chọn mô hình nhà nước pháp trị. Vậy chúng ta nên xây dựng nhà nước pháp quyền hay nhà nước pháp trị?

Thực ra, nhà nước pháp quyền hay nhà nước pháp trị thì đều là những thứ do người nước ngoài nghĩ ra. Nhà nước pháp quyền có nguồn gốc tư tưởng từ Châu Âu. [Trong tiếng Pháp, đó là "Etat de droit"; trong tiếng Đức, đó là "Rechsstaat"]. Nhà nước pháp trị có nguồn gốc tư tưởng từ Trung Quốc cổ đại. Ngoài ra, lại còn có khái niệm pháp trị [Rule of law] theo cách hiểu của người Anh-Mỹ. Khái niệm pháp trị theo cách hiểu của người Anh-Mỹ rất gần với khái niệm nhà nước pháp quyền của người Châu Âu. Thế nhưng, khái niệm nhà nước pháp trị [hay cũng được gọi tắt là pháp trị] theo cách hiểu của người Trung Quốc cổ đại [tiêu biểu là của Hàn Phi Tử] thì lại hoàn toàn khác hẳn.

Khái niệm pháp trị trong cách hiểu của người Trung Quốc cổ đại đối lập với khái niệm đức trị. Pháp trị là dùng pháp luật để cai trị [Rule by law], chứ không phải dùng đạo đức để cai trị [Rule by moral]. Trong trường hợp này, pháp luật chỉ là công cụ của nhà nước, và nhà nước đứng trên pháp luật. Mà như vậy thì "may nhờ, rủi chịu", một nhà nước chuyên quyền, độc đoán có thể ban hành mọi thứ pháp luật, kể cả những thứ xâm phạm các quyền cơ bản của con người để cai trị.

Còn khái niệm pháp trị trong cách hiểu của người Anh-Mỹ thì đối lập với khái niệm nhân trị. Pháp trị là pháp luật cai trị [Rule of law], chứ không phải con người cai trị [Rule of person]. Trong trường hợp này, không ai có thể đứng trên pháp luật, kể cả nhà nước.

Với tư cách là một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước, nhà nước pháp quyền là không mang tính chất giai cấp. Bất cứ giai cấp nào muốn phụng sự nhân dân, muốn các quyền của mình không bị một nhóm những kẻ cầm quyền thật sự tước bỏ thì đều cần tổ chức quyền lực nhà nước theo mô hình nhà nước pháp quyền. Xây dựng đất nước theo mô hình nhà nước pháp trị [theo cách hiểu của người Trung Quốc cổ đại] không thể đưa chúng ta đi được đâu xa, ngoài việc trở về với thời quá khứ.

Theo cách hiểu như trên, pháp trị là một trật tự pháp lý độc lập [với chính trị, tôn giáo...]. Nó bao gồm ba ý nghĩa cơ bản. Pháp trị là công cụ để điều chỉnh nhà nước [điều chỉnh quyền lực]; Pháp trị có nghĩa là tất cả mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật; Pháp trị có nghĩa là bảo đảm công lý về thủ tục và về hình thức.

Với tư cách là công cụ điều chỉnh quyền lực, pháp trị có hai chức năng: một là hạn chế sự độc đoán của nhà nước và hạn chế sự lạm quyền; hai là làm cho nhà nước hành xử hợp lý, làm cho chính sách của nhà nước được anh minh. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hạn chế được sự độc đoán và sự lạm quyền của nhà nước?

Pháp trị trả lời câu hỏi này bằng cách đề ra những nguyên tắc cơ bản sau đây: Bảo đảm tính tối thượng của pháp luật. Pháp luật phải được đặt trên nhà nước và đảng phái; Nhà nước phải tuân thủ một hệ thống thủ tục được xác lập từ trước và được công bố công khai; Bảo đảm nguyên tắc người dân được làm mọi điều pháp luật không cấm, nhưng nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép.

Mặc dù những nguyên tắc nói trên hạn chế khả năng hành xử tùy tiện của nhà nước, nhưng chúng lại làm cho việc hành xử của nhà nước được dẫn dắt nên thường hợp lý và anh minh.

Với ý nghĩa bình đẳng trước pháp luật, tất cả các công dân đều ngang quyền với nhà nước. Không thể có chuyện, mọi vi phạm của người dân đều bị trừng trị, còn mọi vi phạm của nhà nước [hoặc của các quan chức nhà nước] đều được cho qua. Không thể có chuyện, cấm người dân đi xe máy để những người đi ô tô có đường đi thông thoáng hơn. Ngoài ra, khi tham gia các quan hệ pháp luật dân sự [mua hàng của các công ty chẳng hạn], nhà nước chỉ là một bên của quan hệ hợp đồng bình đẳng như các bên khác.

Công lý về thủ tục và về hình thức là thứ tương đối trừu tượng. Đại loại, công lý thì có công lý về nội dung và công lý về hình thức. Ví dụ, người phạm tội ác phải bị trừng trị là công lý về nội dung; còn, mọi bị cáo đều có quyền đòi hỏi được xét xử bởi một phiên tòa mà các thẩm phán là hoàn toàn độc lập và với những thủ tục tranh tụng công khai là công lý về hình thức. Người Anh-Mỹ rất coi trọng công lý về hình thức vì họ cho rằng khi các thủ tục được tuân thủ nghiêm ngặt thì công lý nội dung bao giờ cũng đạt được.


Cuốn Tinh thần Pháp luật[De l'Esprit des Lois] của Nam tước Pháp de Montesquieu được xuất bản năm 1748 đưa ra pháp minh về mô hình pháp quyền.

.

Với tư cách là công cụ bảo đảm công lý về thủ tục và về hình thức, pháp trị đòi hỏi: Hệ thống pháp luật phải có đầy đủ các quy định công bằng về việc ban hành quyết định và về thủ tục [không thể thích thế nào thì quyết thế ấy]; Các quy định về việc ban hành quyết định và về thủ tục phải được xác định từ trước và phải được công bố từ trước [không thể sửa luật chơi trong lúc đang chơi]; Các quy định về việc ban hành quyết định và thủ tục phải được áp dụng một cách công khai, minh bạch [không thể áp dụng các quy định mà không dẫn chiếu được, không lý giải được]; Các quy định về việc ban hành quyết định và thủ tục phải được áp dụng một cách nhất quán [không thể nay áp dụng thế này, mai áp dụng thế khác].

Khái niệm nhà nước pháp quyền của người Châu Âu rộng hơn khái niệm pháp trị của người Anh-Mỹ: về cơ bản nó bao gồm khái niệm pháp trị nói trên kết hợp với những tư tưởng và nguyên tắc của chủ nghĩa lập hiến tự do. Dưới đây là một vài tư tưởng và nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa lập hiến nói trên:

Một là, quyền lực giữa nhà nước và các công dân được phân chia theo kế ước xã hội [nhà nước không đương nhiên có quyền]. Bản kế ước đó chính là bản hiến pháp. Hiến pháp vì vậy phải do quốc hội lập hiến soạn thảo và phải được toàn dân phê chuẩn. Việc sửa đổi hiến pháp phải do toàn dân phúc quyết.

Hai là, quyền con người là những quyền hiến định. Các quyền này là không thể bị xâm phạm. Hơn thế nữa, trách nhiệm của nhà nước là phải bảo đảm các điều kiện để người dân có thể thực thi được các quyền của mình.

Ba là, quyền lực của nhà nước phải bị phân chia để trách lạm quyền và lộng quyền.

Bốn là, các quyền lực nhà nước phải được tổ chức theo quyền tắc kiểm tra và cân bằng lẫn nhau [check and balance]. Điều này vừa giúp cho việc tránh lạm quyền, vừa làm cho việc thực thi quyền lực được minh bạch và hợp lý...

Với những thông tin được trình bày trên đây, thiết nghĩ, việc lựa chọn mô hình nhà nước pháp quyền là điều chúng ta nên khẳng định.

Nguồn:Tia Sáng

LinkedInPinterestCập nhật lúc:09:13 CH @ 31/05/2017

pháp luậtluật phápNhà nướcpháp trịnhân trịNguyễn Sĩ Dũng

Video liên quan

Chủ Đề