Phong cách dân chủ quần chúng

Phong cách quần chúng, dân chủ và nêu gương trong tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Phong cách quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin: Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Hồ Chí Minh luôn có lòng tin vô tận với quần chúng, Người luôn luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ máu thịt với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh to lớn tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh thể hiện bằng sự quan tâm, sâu sát quần chúng, vì lợi ích của quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, của những người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người…

Trước hết, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và chính bản thân Người là tấm gương sáng về phong cách gần dân, sát cơ sở. Sự gần gũi đó được thể hiện ngay từ phút đầu tiên Người ra mắt quốc dân. Khi vừa đọc một đoạn Tuyên ngôn Độc lập, Người đã dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Chỉ là một câu hỏi thôi, một câu hỏi bình dị, tự nhiên mà thực sự đã làm xúc động trái tim hàng chục triệu đồng bào. Đó là một điển hình mẫu mực về mối quan hệ gần gũi, thân thiết hiếm có giữa lãnh tụ với quần chúng, ngay ở những giây phút lịch sử trang trọng quan trọng nhất…

Chủ tịch Hồ Chí Minh với người dân Hải Phòng. Ảnh tư liệu

Năm 1957, Bác Hồ về thăm tỉnh Quảng Bình. Nói chuyện tại cuộc mít tinh được tổ chức tại sân vận động thị xã Đồng Hới, Người nhắc nhở nhiều điều, trong đó có việc phải chú ý chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình đồng bào miền Nam tập kết. Người đọc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Bác đọc đến đâu, đồng bào đọc theo đến đó. Một âm thanh hòa quyện vang lên tỉnh cảm thân thiết giữa lãnh tụ và quần chúng. Các thành viên của Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế đóng tại Đồng Hới, có mặt tại cuộc mít tinh đã hết sức ngạc nhiên. Họ nói với cán bộ ta: “Trong đời chúng tôi chưa bao giờ được thấy một thủ lĩnh quốc gia nào gần gũi, thân thiết với Nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở nước chúng tôi, Tổng thống cũng đọc diễn văn rất hay, rất tiếc cái hay đó chỉ có một số ít người trong dân chúng hiểu. Còn ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn thì hàng vạn người đều hiểu được và đọc theo, như cha đọc cho con nghe, thầy đọc cho trò nghe…, thật là gần gũi và thân thiết!”.

Trong đời sống hằng ngày, Người thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương, để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Điều đó đã trở thành một nhu cầu, một nếp sống, thành điều tâm niệm suốt đời của Người, từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, từ việc lớn đến việc nhỏ của Người đều thể hiện sự quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Người thường nhắc câu ca: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Giữ được chân lí quý báu này thì sự nghiệp dù khó khăn mấy cũng thành công. Xa rời chân lí này thì cơ đồ ông cha có đồ sộ mấy rồi cũng sẽ ngả nghiêng, sụp đổ.

Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tác phong sâu sát. Theo một thống kê chưa thật đầy đủ, chỉ tính trong vòng 10 năm [1955-1965], không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác đã thực hiện trên dưới 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, bộ đội… từ miền núi đến hải đảo, từ thành thị đến nông thôn để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra, mỗi năm có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần Người gặp gỡ quần chúng.

Hồ Chí Minh yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải đi đúng đường lối quần chúng, đồng thời bản thân Người nêu cao tấm gương về lòng yêu mến và tin tưởng rất mực vào khả năng và sức mạnh của Nhân dân. Bác nói: “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, và phải luôn thể hiện tinh thần phục vụ Nhân dân. Chính phong cách của Người đã có sức hút kì lạ, làm cho quần chúng đến với Người bình dị, tự nhiên, không chút e ngại. Tác phong ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc nhất. Nhờ vậy, mọi người có thể nói hết những suy nghĩ, trăn trở của mình, còn Người thì lắng nghe để có thể hiểu được nhịp đập của đời sống xã hội.

Phong cách quần chúng không chỉ là phong cách cần thiết của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với dân, mà còn cần thiết trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo, quản lí với cán bộ, đảng viên bình thường. Đối với người lãnh đạo, quản lí cấp trên, hiểu dân và hiểu cấp dưới đều có tầm quan trọng đặc biệt. Hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân được đầy đủ hơn. Càng hiểu dân và càng hiểu cấp dưới, người lãnh đạo, quản lí càng hiểu chính mình và càng rút ra được những điều bổ ích để bổ sung chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với cuộc sống.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời, không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới, không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân… Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”. Vì vậy, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, kính dân, phải thân dân, gần dân để hiểu dân.

Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải biết phấn đấu, hi sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của Nhân dân. Bác nói: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng… Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại…”.

Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “làm quan cách mạng”, “quan Nhân dân”, không thấy mình là đầy tớ, người học trò của Nhân dân. Bác đã nêu ra một quan điểm rất rõ: Không phải cứ viết lên trán hai chữ “Cộng sản” thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng. Quần chúng Nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự Nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Nếu cứ ỷ vào quyền lực chỉ có thể làm cho người ta sợ, ngại, xa lánh và khinh ghét chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của người khác. Nhân dân từ già đến trẻ thuộc mọi tầng lớp, dân tộc, mọi thế hệ đều gọi Hồ Chí Minh bằng hai tiếng: Bác Hồ. Bác đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Mọi nghi thức đối với Người đều trở thành không cần thiết.

Phong cách quần chúng dân chủ và nêu gương của Bác, một lần nữa khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức “suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của Nhân dân”.

Chủ Đề