Quản lý nhà nước về hạ tầng thương mại

Thương mại là một ngành kinh tế độc lập của nền kinh tế, chuyên đảm nhận chức năng lưu thông hàng hóa và cung ứng các dịch vụ cho xã hội thông qua việc mua bán nhằm sinh lời. Thương mại là một khâu cơ bản của tái sản xuất, là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, hay còn gọi là khâu lưu thông. Thương mại phát triển, lưu thông hàng hóa thông suốt là biểu hiện của nền kinh tế lành mạnh, thịnh vượng.

Để phát triển thương mại, kết cấu hạ tầng [KCHT] đóng vai trò quan trọng. Kết cấu hạ tầng thuận tiện, hiện đại, hợp l‎ý là điều kiện tiên quyết để hoạt động mua bán được thông suốt, giúp phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Kết cấu hạ tầng thương mại [KCHTTM] có thể được phân chia thành các loại như sau: kết cấu hạ tầng thương mại phục vụ xuất-nhập khẩu: trung tâm logistics, kho bãi thương mại, sàn giao dịch hàng hóa, …; kết cấu hạ tầng thương mại phục vụ bán buôn gồm: Chợ bán buôn và chợ đầu mối, Tổng kho phân phối hàng hoá theo mô hình cash & carry, Trung tâm bán buôn hiện đại; kết cấu hạ tầng thương mại phục vụ bán lẻ: Các loại hình bán lẻ truyền thống: chợ truyền thống, cửa hàng, cửa hiệu, sạp hàng, … Các loại hình bán lẻ hiện đại gồm siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi; kết cấu hạ tầng phục vụ xúc tiến thương mại: Các trung tâm hội chợ triển lãm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Trong đó có những loại kết cấu hạ tầng thương mại phục vụ nhiều hoạt động thương mại, như TT logistics, chợ bán buôn và bán lẻ, …

Có thể nói, kết cấu hạ tầng chính là cơ sở vật chất quan trọng để phục vụ mô hình đổi mới, tái cơ cấu, tái cấu trúc ngành thương mại. Đồng thời, hội nhập thị trường dịch vụ phân phối khu vực và thế giới cũng đặt ra những đòi hỏi về trình độ phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ngang tầm khu vực và thế giới, qua đó đảm bảo điều kiện tiền đề để Việt Nam nói chung và thương mại nói riêng hội nhập vào nền kinh tế quốc tế.

Ở Việt Nam, đến nay, kết cấu hạ tầng thương mại đã hình thành một cách tự nhiên và khá hoàn chỉnh, đã đáp ứng khá tốt nhu cầu cơ bản của sản xuất và tiêu dùng. Thời gian qua, kết cấu hạ tầng thương mại ở Việt Nam đã được quan tâm xây mới, cải tạo và nâng cấp từ sự hỗ trợ của nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa. Do vậy, KCHTTM ngày càng đa dạng và phong phú về loại hình, gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ và lưu chuyển hàng hóa trong cả nước, bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ và thông suốt, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và cân bằng cán cân thương mại.

Tuy nhiên, KCHTTM vẫn còn những điểm chưa hợp lý và đòi hỏi cần có những chính sách để phát triển hiệu quả. KCHTTM của Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, với yêu cầu thực tế.Một số hạn chế chính như tính hữu dụng của một số công trình chưa cao, sự phân bố chưa hợp lý, cơ sở vật chất – kỹ thuật và phương thức kinh doanh còn lạc hậu, trình độ cán bộ trực tiếp quản lý chợ, siêu thị còn thấp, công tác bảo đảm ATTP, vệ sinh môi trường, phòng cháy chống cháy còn nhiều hạn chế; …Tình trạng trên là do một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là thực trạng chính sách của nhà nước tác động vào sự phát triển của KCHTTM tuy đã được quan tâm nhưng còn nhiều vấn đề bất cập về nội dung và quy trình.

Chính phủ và các Bộ ban ngành đã có sự quan tâm đáng kể đến việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách về phát triển KCHTTM. Theo đó, các nghị định về phát triển và quản lý chợ, các Thông tư, Chương trình phát triển chợ, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế xây dựng chợ; Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, … đã được ban hành và thực thi. Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của các Nghị định, Quyết định nói trên có sự lồng ghép với việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án như Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 đến 2015 và định hướng đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, Chương trình xây dựng nông thôn mới, …Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác Quy hoạch phát triển KCHTTM. Tại các địa phương, UBND tỉnh/thành phố đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển các loại hình KCHTTM chủ yếu. Những quy hoạch này là điều kiện để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với KCHTTM.

Tuy nhiên, hiện có ít tài liệu về lý thuyết cũng như thực tế đề cập về KCHTTM và chính sách phát triển KCHTTM, chủ yếu mới chỉ có những chính sách phát triển đối với từng loại hình mà chưa có nhiều chính sách phát triển KCHTTM như một tổng thể các loại hình KCHTTM trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Điều này là do:

– Nhận thức về khái niệm, vai trò, vị trí của thương mại nói chung, của KCHTTM nói riêng của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp còn hạn chế, nên dẫn tới quan tâm chưa đủ đến công tác phát triển và quản lý KCHTTM.

– Hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, chưa cập nhật tình hình thực tế, thiếu thông tư, văn bản hướng dẫn … Những khái niệm về kết cấu hạ tầng thương mại và nội dung của kết cấu hạ tầng thương mại còn chưa rõ ràng, chưa thống nhất.

– Chưa có chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tổng thể mà mới chỉ có những chính sách phát triển từng loại kết cấu hạ tầng thương mại riêng lẻ. Bên cạnh đó, ngoại trừ Chợ, các loại hình khác hầu như chưa có chính sách phát triển một cách cụ thể và hiệu quả, hoặc đa số các chính sách mới chỉ được lồng ghép trong các đề án.

Chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để phát triển một số loại hình và phân hạng kết cấu hạ tầng thương mại đã được đề cập trong một số văn bản. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này chưa được thực hiện hiệu quả. Chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại còn hạn chế và chưa phù hợp. Ngay cả với loại hình Chợ, việc thực thi hàng loạt chính sách cho phát triển như ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý, cơ chế thu chi, … còn chậm và chưa hiệu quả.

– Các quy hoạch được ban hành hợp lý, có căn cứ khoa học, song thực thi quy hoạch chưa tốt, vai trò của Sở Công Thương trong thẩm định các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại chưa cao.

– Các chính sách về chế độ lương bổng, về bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn đối với cán bộ làm công tác quản lý nhà nước ở địa phương, cán bộ quản lý công trình kết cấu hạ tầng thương mại chưa cụ thể và chưa phù hợp ….

Những điểm hạn chế này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở nước ta trong hiện tại cũng như về lâu dài. Trong khi đó, trên thực tế, một cách tự nhiên, các loại hình đã liên kết với nhau để hình thành kết cấu hạ tầng thương mại và trong bản thân từng loại hình cũng có mối liên hết với nhau. KCHTTM vẫn đang phát triển, các cơ sở bán lẻ hiện đại của nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường, các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại mới ra đời, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế … Từ đó, đòi hỏi phải có những giải pháp hoàn thiện chính sách hợp lý, khả thi, hiệu lực hơn để phát triển hiệu quả KCHTTM, phát huy giá trị của kết cấu hạ tầng thương mại nhằm thỏa mãn được nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, phục vụ sự phát triển của ngành thương mại và đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Trong thời gian qua, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều loại hình KCHTTM mới, hiện đại với vai trò và công năng hữu ích, phục vụ phát triển ngành thương mại như TT logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, sàn giao dịch hàng hóa, đồng thời phải kể đến sự phát triển của hình thức thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiện nay và dự báo trong thời gian tới, các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại là chợ và siêu thị, trung tâm thương mại vẫn chiếm số lượng lớn và có những tác động trực tiếp đến đời sống và kinh doanh của đa số người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TT logistics là một loại hình KCHTTM có vai trò khá quan trọng và được quan tâm phát triển.

Chính vì những lý do trên, nghiên cứu sinh đã chọn đề tài luận án là “Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở nước ta thời kỳ đến năm 2020” nhằm có một cái nhìn tổng quát, khách quan và rõ ràng hơn về chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của Việt Nam, trong đó tập trung vào phân tích nội dung và quy trình chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nói chung và với các loại hình chợ, siêu thị và TTTM, TT logistics nói riêng của Việt Nam thời gian qua.

Từ đó, rút ra những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế để đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách phát triển KCHTTM ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xem thêm: Khái niệm kết cấu hạ tầng

2. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

2.1. Mục tiêu nghiên cứu

Luận án hướng tới mục tiêu: nghiên cứu cơ sở lý thuyết và phân tích thực trang chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở Việt Nam giai đoạn 2003-2016 nhằm làm rõ luận cứ khoa học cho việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở nước ta thời kỳ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Xuất phát từ những mục tiêu nói trên, nhiệm vụ cụ thể của Luận án là:

Thứ nhất: Hệ thống và làm rõ thêm những vấn đề lý luận liên quan đến chính sách của nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này và rút ra bài học hữu ích cho Việt Nam.

Thứ hai: Đánh giá thực trạng về nội dung chính sách, quy trình chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Rút ra những điểm thành công, những hạn chế bất cập và nguyên nhân trong nội dung chính sách, quy trình chính sách để làm căn cứ cho việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chính sách.

Thứ ba: Đề xuất các quan điểm, giải pháp và kiến nghị hoàn thiện chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nước ta đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Chính sách của nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

– Phạm vi về không gian: Chính sách của nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở Việt Nam.

– Phạm vi về thời gian: Phân tích thực trạng từ năm 2003 đến năm 2016 và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

– Về nội dung: Phân tích chính sách của nhà nước, không bao gồm các chính sách cụ thể của địa phương, về phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, gồm chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, chính sách về hoạt động kinh doanh, chính sách hỗ trợ về đào tạo nhân lực, thông tin, xúc tiến thương mại. Trong đó, tập trung phân tích nội dung chính sách và quy trình chính sách.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng thương mại là một khái niệm rộng, do vậy, Luận án ưu tiên đi sâu vào phân tích chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu phục vụ kinh doanh bán buôn, bán lẻ truyền thống là chợ [bán lẻ, chợ đầu mối] và KCHTTM bán lẻ hiện đại chủ yếu là siêu thị, trung tâm thương mại. Cùng với đó, phân tích chính sách phát triển với KCHTTM đang được quan tâm và ngày càng phát triển là TT logistics.

Việc chỉ lựa chọn phân tích loại hình KCHTTM bán lẻ và KCHTTM bán buôn với loại hình chủ yếu là Chợ [chợ bán lẻ và chợ đầu mối/ bán buôn], siêu thị, TTTM; và TT logistics, một loại hình KCHTTM đa chức năng, là do: [i] Đây là những loại hình KCHTTM phục vụ chủ yếu, có vai trò chi phối đến thị trường trong nước, có những tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội của dân cư, trực tiếp phục vụ cho hoạt động mua bán trên thị trường; Theo thống kê của Bộ Công Thương, giá trị hàng hóa, dịch vụ qua chợ chiếm khoảng 40% tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường cả nước [riêng khu vực nông thôn khoảng 50-70%], thu hút khoảng 2 triệu người kinh doanh buôn bán; [ii] đây là những loại hình KCHTTM chủ yếu hiện nay với số lượng lớn, phân bố rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ hàng hóa lưu chuyển qua các loại hình này chiếm tỷ trọng lớn và trong tương lai xa, hàng hóa vẫn sẽ lưu chuyển chủ yếu qua những loại hình này; [iii] TT logistics có vai trò quan trọng và ngày càng được quan tâm phát triển ở Việt Nam; [iv] đối với những loại hình KCHTTM khác, do thống kê là chưa đầy đủ, hạn chế về dung lương luận án, khả năng thu thập số liệu còn hạn chế nên không lựa chọn phân tích sâu. Tuy nhiên có đánh giá trong phần Tổng quan tình hình phát triển KCHTTM của Việt Nam và điểm những chính sách cơ bản liên quan.

Bên cạnh đó, mặc dù mới chỉ chiếm lượng hàng hóa lưu chuyển khá nhỏ [khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa] nhưng là xu hướng phát triển trong tương lai nên hạ tầng Thương mại điện tử [TMĐT] cũng là một loại hình hạ tầng thương mại quan trọng. Tuy nhiên, do tính chất của TMĐT rất khác biệt so với phương thức kinh doanh thương mại truyền thống nên đề cập đến hạ tầng TMĐT là phải đề cập đến những mảng nội dung rộng và chuyên biệt, gồm Hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực; hạ tầng cơ sở bảo mật thông tin; Hạ tầng viễn thông và internet; hạ tầng thanh toán điện tử. Do hạn chế về dung lượng Luận án, về khả năng thu thập thông tin và tài chính, để thống nhất với phạm vi xác định từ ban đầu là đề cập đến phương thức kinh doanh thương mại truyền thống/ hữu hình, nên NCS không đề cập đến hạ tầng TMĐT như một nội dung chính mà xin phép được đề cập tại một tiểu mục về “Xu thế phát triển KCHTTM hiện đại” làm cơ sở cho việc đề xuất đổi mới quản lý chính sách.

Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện luận án, các phân tích ưu tiên trên được xem xét với mức độ cần thiết trong mối quan hệ với KCHTTM nói chung.

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận án là:

– Phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và hệ thống

Phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và hệ thống được sử dụng trong toàn bộ luận án. Qua đó, nghiên cứu sinh tiếp cận đối tượng nghiên cứu, đối tượng khảo sát của đề tài luận án một cách có căn cứ khoa học xác đáng. Đó là xem xét, tiếp cận đối tượng nghiên cứu, đối tượng khảo sát trong quan hệ vận động đa dạng, đa chiều, có tính lịch sử, nằm trong hệ thống lớn, nhỏ, chi phối, tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

– Phương pháp tổng hợp, phân tích số liệu

Sô liệu được thu thập qua nhiều kênh thông tin khác nhau như: Tham khảo các công trình nghiên cứu khoa học, bài viết liên quan đến luận án nghiên cứu; đọc sách, báo, tạp chí, giáo trình chuyên ngành; tra cứu thông tin về chính sách phát triển KCHTTM và các tài liệu liên quan tại doanh nghiệp có liên quan đến luận án nghiên cứu … Qua đó, thu thập các thông tin để hệ thống lý luận chung về nội dung chính sách phát triển KCHTTM; thực trạng quy trình chính sách và thực trạng KCHTTM của Việt Nam.

– Phương pháp điều tra xã hội học

Phương pháp này được triển khai dựa trên việc tổ chức khảo sát về chính sách phát triển KCHTTM tại Việt Nam thông qua phiếu điều tra.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu Luận án, Nghiên cứu sinh đã phát hai mẫu phiếu điều tra thu thập thông tin, trong đó [i] Mẫu 1: thu thập thông tin từcác nhà hoạch định chính sách [cấp Trung ương/Bộ], các nhà quản lý [cấp Sở/ngành và địa phương], các cán bộ tại Hiệp hội và các nhà nghiên cứu liên quan; và [ii] Mẫu 2: thu thập ý kiến từ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ, mua sắm hàng hóa tại các KCHTTM. Mục đích của phương pháp này nhằm giúp tác giả có được số liệu thực tế về vấn đề nghiên cứu.

Phạm vi không gian trưng cầu ý kiến ở một số tỉnh, thành phố của Việt Nam [Miền Bắc: TP. Hà Nội, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hưng Yên; Miền Trung: tỉnh Quảng Bình; Miền Nam: TP Hồ Chí Minh. …], gồm khu vực nông thôn và thành thị.

Do hạn chế về điều kiện địa lý và kinh phí thực hiện, số lượng phiếu thu về nhiều nhất là từ TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm thuận lợi vì hai khu vực này cũng có khá đầy đủ các loại hình KCHTTM, qua đó, ý kiến của người được điều tra sẽ đầy đủ và khách quan hơn khi đánh giá với KCHTTM nói chung.

Số lượng phiếu phát ra và thu về là mẫu 1: phát ra 80 phiếu, thu về 60 phiếu và mẫu 2: phát ra 400 phiếu, thu về 362 phiếu.

Nội dung của phiếu thu thập thông tin gồm:

Mẫu phiếu số 1 là các câu hỏi trắc nghiệm để người được hỏi đánh giá về thực trạng nội dung và việc thực thi chính sách phát triển KCHTTM nói chung và với từng loại hình [chợ, siêu thị, TTTM] nói riêng, nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại trong nội dung và triển khai thực thi chính sách.

Mẫu phiếu số 2 là các câu hỏi trắc nghiệm để người được hỏi đánh giá về hiện trạng phân bố, cơ sở vật chất, hàng hóa, dịch vụ của những KCHTTM chủ yếu là chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; mức độ hài lòng của người được hỏi với KCHTTM nói chung và với từng loại hình KCHTTM chủ yếu nói riêng. Đồng thời, góp ý về những ưu điểm, hạn chế của KCHTTM và đề xuất giải pháp.

Kết quả phân tích số liệu được trình bày dưới dạng bảng, biểu và phân tích chi tiết được sử dụng để minh họa cho đánh giá về nội dung và quy trình [chủ yếu là hoạt động thực thi] chính sách phát triển KCHTTM cũng như chính sách đối với loại hình cụ thể như chợ, siêu thị, TTTM.

Riêng đánh giá về hoạch định chính sách, Nghiên cứu sinh dựa trên các đánh giá định tính thông qua phỏng vấn chuyên gia và tổng hợp, phân tích tài liệu, số liệu thứ cấp.

– Phương pháp khảo sát thực địa, phỏng vấn chuyên gia

Phương pháp phỏng vấn được thực hiện thông qua phỏng vấn trực tiếp hoặc phỏng vấn qua điện thoại một số nhà quản lý cũng như những người trực tiếp thực hiện công tác liên quan đến chính sách phát triển KCHTTM.

Tác giả trực tiếp tới Sở Công Thương, một số chợ, TTTM, siêu thị để tham quan, phỏng vấn các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia và những người trực tiếp chịu sự tác động của các chính sách như các DN đầu tư kinh doanh KCHTTM, thương nhân kinh doanh tại các loại hình này.

Mục đích của các cuộc phỏng vấn là tìm hiểu những vấn đề liên quan mà phương pháp điều tra chưa đề cập hết. Nội dung các cuộc phỏng vấn được chuẩn bị trướccho phù hợp với từng đối tượng phỏng vấn khác nhau và xoay quanh nội dung và quy trình của chính sách phát triển KCHTTM. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện trong suốt quá trình thực hiện luận án.

Qua cách tiếp cận này, nghiên cứu sinh có thể hiểu hơn tác động của chính sách đến việc quản lý, vận hành và phát triển KCHTTM. Từ đó, hình thành được cơ sở cho việc nêu ra giải pháp nhằm hoàn thiện nội dung cũng như quy trình chính sách phát triển KCHTTM.

– Phương pháp xử lý dữ liệu

Nghiên cứu sinh sử dụng phần mềm Excel và SPSS [Statistical Package for the Social Sciences] để tính toán một cách chính xác những số liệu cần phân tích đã thu thập được từ kết quả điều tra, phỏng vấn, phương pháp nghiên cứu tài liệu, … giúp cho nghiên cứu sinh có kết quả chọn mẫu, thống kê, đưa ra kết quả phân tích được chính xác và được sử dụng chủ yếu vào chương 2 và chương 3 của luận án.

– Phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp

Thông qua phân tích nhằm đánh giá tổng hợp tình hình các chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và thực trạng KCHTTM tại Việt Nam; đánh giá những tác động của các chính sách đến sự phát triển của hệ thống KCHTTM của Việt Nam. Dựa vào số liệu đã thu thập được từ các đơn vị khảo sát, nghiên cứu sinh thống kê lại, chắt lọc dữ liệu, số liệu để đưa vào hoàn thiện báo cáo luận án.

5. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề liên quan đến chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Tuy nhiên, đa số đề cập đến chính sách phát triển KCHTTM trong phạm vi không gian hẹp hơn [ở khu vực nông thôn hoặc ở khu vực đô thị lớn, …] hoặc đối với một loại hình [chợ hoặc siêu thị, …]. Đồng thời, chưa chỉ ra được sự thiếu hụt trong lý luận hiện nay là chưa nhìn nhận làm rõ được khái niệm KCHTTM như một tổng thể, có mối quan hệ, liên kết với nhau trong từng loại hình KCHTTM và giữa các loại hình KCHTTM với nhau, do vậy, chưa có được chính sách phát triển KCHTTM phù hợp, hiệu quả. Đây là lý do khiến đề tài này có tính cần thiết và khả năng ứng dụng thực tiễn cao hơn.

Luận án có đóng góp mới về mặt lý luận là bổ sung và làm sáng tỏ thêm lý luận về kết cấu hạ tầng thương mại và chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại [nội dung chính sách, quy trình chính sách], nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, rút ra bài học có thể áp dụng, bài học cần tránh cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Luận án có những đóng góp mới mang ý nghĩa thực tiễn là:

Thứ nhất là bằng việc tổng kết thực trạng chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của Việt Nam thời gian từ năm 2003 tới năm 2016, đánh giá những kết quả, hạn chếvà nguyên nhân thành công, hạn chế trong nội dung và quy trình chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở Việt Nam, Luận án sẽ giúp các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn.

Thứ hai là Luận án đã đưa ra được những quan điểm, định hướng và đề xuất 6 nhóm giải pháp hoàn thiện nội dung và quy trình chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nói chung và đối với một số chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại cụ thể,tới năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

6. KẾT CẤU CỦA LUẬN ÁN

Ngoài lời mở đầu, danh mục bảng biểu, danh mục sơ đồ hình vẽ, danh mục từ viết tắt, mục lục, tổng quan các công trình nghiên cứu tài liệu tham khảo, các phụ lục, kết luận và kiến nghị, luận án được kết cấu theo 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại

Chương 2: Thực trạng chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của Việt Nam

Chương 3: Quan điểm và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển hạ tầng thương mại của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

[button type=”danger” text=”TẢI XUỐNG 。◕‿◕。” url=”//drive.google.com/file/d/1SDE2ZdIapsGTF_T9raPpiuI4Ua4YuM4n/view” open_new_tab=”true”]

Video liên quan

Chủ Đề