Quê gốc của lý thường kiệt ở đâu

Thứ tư, 15/02/2012 08:50

Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt họ Ngô tên Tuấn, tự là Thường Kiệt, sinh năm Kỷ Mùi 1019, quê ở phủ Thái Hoà, thành Thăng Long [Hà Nội].

Từ nhỏ, Ông đã có chí hướng, ham đọc sách, say sưa nghiên cứu binh thư, luyện tập võ nghệ. Ông có tài văn, võ; Năm 23 tuổi được bổ nhiệm làm quan theo hầu vua Lý Thái Tông. Trải qua 3 triều vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Ông có nhiều công lao trong việc chống Tống bình Chiêm, đóng góp xây dựng đất nước phồn vinh.

Tượng Lý Thường Kiệt

Năm 1061, các tù trưởng ở miền Thanh Hoá, Nghệ An nổi lên quấy rối, chống lại triều đình. Vua Lý Thánh Tông cử Ông giữ chức Kinh phòng sứ, sau một thời gian Ông đã đem lại trật tự yên vui cho miền này. Vua rất quý Ông và ban cho Quốc tính. Từ đó, Ông mang họ Lý. Lịch sử cũng đã lưu lại tư tưởng quân sự vô cùng táo bạo và thần tốc của Ông: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Ông đã chỉ huy quân đội nhanh chóng đánh chiếm hai Châu Khâm, Liêm, rồi hạ thành Ung Châu của giặc Tống, phá tan các vị trí tập kết quân và lương thảo chuẩn bị xâm lược nước ta.

Tháng 4 năm 1076 , Ông rút quân về lập phòng tuyến sông Cầu. Tại khúc sông Như Nguyệt thuộc phòng tuyến này, ở vào lúc gay go nhất, Ông đã làm một bài thơ bất hủ, cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta. Bài thơ khẳng định quyền độc lập dân tộc tự chủ thiêng liêng của Tổ quốc. Bài thơ đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất :

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,

Như hà nghịch lỗ, lai xâm phạm,

Nhữ đẵng hành khan thủ bại hư”.

Năm 1164, nhà Tống thừa nhận nước ta là một nước riêng biệt.

Năm Ất Dậu 1105, Lý Thường Kiệt mất, Ông thọ 86 tuổi, đựơc truy tặng Kiểm hiệu Thái Uý Việt Quốc Công.

Nguồn lythuongkietdn.edu.vn

Tên tuổi và sự nghiệp Thái úy Lý Thường Kiệt sáng mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc.
[Ảnh: Tượng đài Lý Thường Kiệt ở Tam Giang [Yên Phong] bên phòng tuyến Như Nguyệt lịch sử].
 

Sử sách ghi chép, Lý Thường Kiệt [1019-1105], tên thật là Ngô Tuấn, người phường Thái Hòa, thành Thăng Long [Thủ đô Hà Nội ngày nay]. Từ nhỏ, ông đã có chí hướng, ham đọc sách, say sưa nghiên cứu binh thư, luyện tập võ nghệ. Ông tinh thông cả văn lẫn võ. Sự nghiệp của ông bắt đầu bằng chức “Kỵ mã hiệu uý” là một chức quan nhỏ trong quân đội. 23 tuổi, ông được bổ nhiệm làm quan theo hầu vua Lý Thái Tông, giữ chức “Hoàng môn chi hậu”. Trải qua ba triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, ông luôn là một trọng thần được triều đình tin tưởng, nể trọng. Chiến công lớn đầu tiên của Lý Thường Kiệt là năm 1061, ông được cử đi bình định vùng đất Thanh Nghệ và nhờ tài nghệ của mình, ông đã khiến cho một dải non sông được yên bình. Đến năm 1069, Lý Thường Kiệt lại theo Vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành, ông là tướng tiên phong và bắt được Vua Chiêm là Chế Củ. Sau sự kiện này, bờ cõi Đại Việt được mở rộng đến tận ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chánh [thuộc vùng Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay]. Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, Hoàng tử Lý Càn Đức lên ngôi kế vị, lúc đó nhà vua mới được 7 tuổi. Vốn sẵn dã tâm dòm ngó, giặc phương Bắc xem đây là cơ hội tốt và ráo riết tiến hành mưu đồ xâm lược nước ta. Khi ấy, Nguyên Phi Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính, Lý Thường Kiệt với cương vị như Tể tướng nắm toàn quyền cả văn lẫn võ. Gánh vác trách nhiệm lớn và nặng nề với vận mệnh giang sơn xã tắc, Lý Thường Kiệt nhận sứ mệnh thiêng liêng, trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Năm 1075, ông chủ trương dâng kế sách táo bạo chưa từng có-đánh châu Khâm, Liêm, Ung của nhà Tống để ngăn chặn trước một cuộc tiến đánh nước Việt và chủ trương ấy đã giành thắng lợi rực rỡ. Giới sử gia sau này đánh giá: “Thắng lợi của Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống lại quân Tống trên đất Trung Hoa năm 1075 không chỉ là một chiến thắng về quân sự, mà còn là một thắng lợi về chính trị, về ngoại giao”. Như vậy, trong lịch sử Việt Nam, Lý Thường Kiệt là người đầu tiên đem quân sang Bắc phạt. Một trận thủy chiến vang dội, hào hùng nhất gắn liền với tên tuổi vị tướng chỉ huy tài ba lỗi lạc Lý Thường Kiệt là cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Tống diễn ra trên phòng tuyến Như Nguyệt thuộc địa phận Bắc Ninh ngày nay. Sử sách chép, Lý Thường Kiệt chọn lựa xây dựng phòng tuyến có nhiều chỗ núi ăn sát bờ sông, rừng cây có mật độ dày đặc với đồng trũng, ruộng lầy kéo dài hơn 10 km đường đê qua các xã Tam Giang, Tam Đa huyện Yên Phong đến Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh. Chiến lũy được xây dựng bằng đất có đóng cọc tre dày mấy tầng làm dậu. Dưới bãi sông được bố trí các hố chông ngầm tạo thành một phòng tuyến rất vững chắc. Quân của nhà Lý đóng thành từng trại trên suốt chiến tuyến, tập trung quan trọng ở ba trại Như Nguyệt, Phấn Động, Thị Cầu. Nhờ vị trí đắc địa của phòng tuyến Như Nguyệt mà chỉ sau vài tháng, quân dân nhà Lý dưới sự chỉ huy của dũng tướng Lý Thường Kiệt đã chặn đứng 10 vạn quân xâm lược nhà Tống, mang lại thắng lợi toàn diện cho Đại Việt. Cũng chính trên chiến trường phòng tuyến sông Cầu, giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra vô cùng quyết liệt, vào một đêm, Lý Thường Kiệt sai người tâm phúc đọc vang bài thơ Nam Quốc Sơn Hà trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Bài “thơ thần” truyền đi đã có một sức mạnh kỳ lạ, làm nao núng tinh thần quân địch, làm tăng nhuệ khí và thêm sức chiến đấu cho quân ta, trực tiếp góp phần làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến, tạo điều kiện cho cuộc phản công chiến lược của quân ta giành thắng lợi quyết định. Sau đó, Lý Thường Kiệt gửi thư cho Quách Quỳ [tướng nhà Tống] mở đường giảng hòa để giặc giữ thể diện lui ngay về nước. Như vậy, Lý Thường Kiệt đã tài tình kết hợp giữa đấu tranh quân sự với công tác chính trị và hoạt động ngoại giao. Ông được lịch sử ghi nhận là anh hùng kiệt xuất, một con người hiến dâng cả tâm hồn sức lực cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc ở buổi đầu thời tự chủ. Tài năng quân sự kiệt xuất của ông làm kẻ thù khiếp phục. Với muôn dân, ông đối đãi khoan hòa, nhân từ nên được trăm họ yêu mến, kính trọng. Về văn học, ông để lại cho đời bài thơ bất hủ Nam Quốc Sơn Hà và bài hịch hùng tráng Phạt Tống lộ bố văn [Lộ bố-một tên gọi khác của văn hịch, thuộc thể loại văn học mang tính chiến đấu. Có tài liệu cho rằng, Lý Thường Kiệt là người viết hịch, viết văn lộ bố đầu tiên của Việt Nam-PV].

Lý Thường Kiệt mất năm 1105, được truy tặng tước hiệu Việt Quốc công Thái úy, nhân dân lập đền thờ ông ở nhiều nơi. Tên tuổi và sự nghiệp của Lý Thường Kiệt vẫn sáng chói mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Để tôn vinh, tri ân công lao của Việt Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt và vương triều Lý đối với sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu Đền thờ Lý Thường Kiệt tại xã Tam Giang, huyện Yên Phong gồm 20 hạng mục, tổng vốn đầu tư hơn 254 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, công trình Tượng đài Thái úy Lý Thường Kiệt cao 9m, trọng lượng 16 tấn, chất liệu đồng, được dựng vị trí trung tâm di tích đền thờ ông tại xã Tam Giang [Yên Phong], phía sau là phòng tuyến Như Nguyệt lịch sử. Công trình là biểu tượng thể hiện cho tình cảm, sự tôn kính của quê hương Bắc Ninh đối với những đóng góp vĩ đại của Thái úy Lý Thường Kiệt - bậc đại danh thần nhà Lý với những chiến công vang dội trong công cuộc phò Vua phá Tống, bình Chiêm.

Thiết thực kỷ niệm 1000 năm sinh Thái úy Lý Thường Kiệt [1019-2019], huyện Yên Phong tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như Lễ kỷ niệm, biểu diễn nghệ thuật, biên soạn sách “Thái úy Lý Thường Kiệt với quê hương Yên Phong”… Đặc biệt là hoàn thiện các hạng mục công trình phụ trợ của Dự án xây dựng khu đền thờ tại xã Tam Giang… Qua đó, thể hiện sự tri ân đối với bậc tiền nhân, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, tưởng nhớ đến công đức của Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đã tài tình chỉ huy quân và dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến quân Tống xâm lược năm 1077, mở ra giai đoạn phát triển cường thịnh của quốc gia Đại Việt thế kỷ XI, là tiền đề phát triển rạng rỡ của nền văn hóa Việt Nam; tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đoàn kết trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng, hành động trong sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.
Bài, ảnh: Việt Thanh

Tượng Lý Thường Kiệt trong Đại Nam Quốc Tự

Lý Thường Kiệt1 [chữ Hán: 李常傑; 1019 – 1105] là nhà quân sự, nhà chính trị thời nhà Lý nước Đại Việt, làm quan qua 3 triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Ông nổi bật với việc chinh phạt Chiêm Thành [1069], đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống [1075-1076], rồi đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy [1077]. Ông đã làm tể tướng hai lần dưới thời Lý Nhân Tông và là một trong 3 người phụ chính khi vua này còn nhỏ tuổi. Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể và Du lịch liệt ông vào trong những 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.

Thân thế

Thông tin phổ biến hiện nay, dựa theo "Phả hệ họ Ngô Việt Nam" [đến nay vẫn không rõ nguồn gốc uy tín của phả hệ này[cần dẫn nguồn]], nguyên danh của ông là Ngô Tuấn [吳俊], biểu tự Thường Kiệt [常傑], sau được ban quốc tính nên có tên là Lý Thường Kiệt. Ông là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Ngô Ích Vệ, chắt của sứ quân Ngô Xương Xí và cháu 5 đời của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập – hoàng tử trưởng của Ngô Quyền2 , người phường Thái Hòa, thành Thăng Long [Hà Nội ngày nay].

Tuy vậy, bia "An Hoạch Báo Ân tự bi" [lập năm 1100] và bia "Cồ Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tính tự" [lập năm 1159] thì Lý Thường Kiệt vốn họ Quách, tên Tuấn, biểu tự Thường Kiệt, quê ông là làng An Xá, huyện Quảng Đức [Cơ Xá, huyện Gia Lâm ngày nay]. Cha ông làm Thái úy đời Lý Thái Tông, có hai tên khác nhau, theo Đại Việt sử lược chép là Thái úy Quách Thạch Ích, còn An Nam chí lược thì chép là Thái úy Quách Thịnh Dật, quê ở huyện Câu Lậu, Tế Giang [nay thuộc huyện Mỹ Văn, Hưng Yên], được Hoàng đế ban quốc tính, vì mới có tên là Lý Thường Kiệt. Theo văn bia của Thái úy đời Lý Anh Tông là Đỗ Anh Vũ, thì cha của Anh Vũ gọi Lý Thường Kiệt là cậu ruột3 . Sử sách Trung Quốc thường chép tên ông là Lý Thường Cát hoặc Lý Thượng Cát4 . Trong nhà ông có một người em trên tên Lý Thường Hiến [李常憲], có lẽ như anh, Thường Hiến là biểu tự chứ không phải tên thực, thông lệ từ xưa thì biểu tự có ý nghĩa tương đồng hoặc trái nghĩa với tên thực, và dùng để gọi bên ngoài như một hiểu hiện của sự lịch sự, chỉ có trong nhà mới gọi tên thực.

Theo nhận xét của Đại Việt sử ký toàn thư, nhà của ông nối đời làm quan, trú ở phường Thái Hòa của thành Thăng Long. Từ nhỏ Lý Thường Kiệt đã tỏ ra người có chí hướng và nghị lực, chăm học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ, từng nghiên cứu về binh pháp5 .

Cơ Xá Linh Từ - đền thờ Lý Thường Kiệt - ở phố Nguyễn Huy Tụ phường Bạch Đằng [đất làng Cơ Xá cũ] quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Năm 1041, Lý Thường Kiệt còn ít tuổi, vì vẻ mặt tươi đẹp được sung làm Hoàng môn chi hậu - chức thái giám theo hầu Lý Thái Tông.

Trong mười hai năm làm nội thị trong triều, danh tiếng của Lý Thường Kiệt ngày càng nổi. Năm 1053, ông được thăng dần đến chức Nội thị sảnh đô tri khi 35 tuổi.

Năm 1054, Thái tử Lý Nhật Tôn kế vị, sử gọi là Lý Thánh Tông. Thánh Tông phong ông chức Bổng hành quân hiệu uý. Ông thường ngày ở cạnh vua, thường can gián. Vì có công lao, ông được thăng làm Kiểm hiệu thái bảo.

Năm 1061, người Mường ở biên giới quấy rối. Lý Thánh Tông sai ông làm Kinh phỏng sứ vào thanh tra vùng Thanh Hóa, Nghệ An, được toàn quyền hành sự. Ông phủ dụ dân chúng, lấy được lòng người. Tất cả năm châu 6 huyện, 3 nguồn, 24 động đều quy phục.

Tháng hai năm 1069, ông theo vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành. Lý Thường Kiệt làm tiên phong đi đầu, truy bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Cuối cùng Chế Củ phải chịu hàng, dâng 3 châu để được tha về nước.

Phụ chính Lý Nhân Tông

Ủng hộ Nguyên phi Ỷ Lan

Năm 1072, Lý Thánh Tông qua đời. Thái tử Càn Đức mới bảy tuổi lên ngôi, sử gọi là Lý Nhân Tông. Thái sư Lý Đạo Thành [李道成] tôn Hoàng hậu Dương thị làm Thượng Dương hoàng thái hậu [上楊皇太后], buông rèm cùng nghe chính sự. Mẹ đẻ của Nhân Tông là Thái phi Ỷ Lan không được dự vào việc triều đình, bèn dựa vào Lý Thường Kiệt để nắm lấy quyền nhiếp chính. Lý Thường Kiệt khi đó làm Thái uý, chức vụ ở dưới Lý Đạo Thành.

Tháng 6, năm 1072, tức là 4 tháng sau khi Nhân Tông lên ngôi, Nhân Tông ra chỉ phế truất Thượng Dương thái hậu, giam Thái hậu cùng bảy mươi hai thị nữ trong lãnh cung và bắt chôn theo Thánh Tông. Có thể thấy, ngoài tác động của Ỷ Lan ở bên trong với Nhân Tông, có sự vai trò của võ tướng Lý Thường Kiệt.

Sau đó Lý Đạo Thành bị giáng chức làm tả gián nghị đại phu, ra trấn thủ Nghệ An. Ỷ Lan được tôn làm Hoàng thái hậu, buông rèm nhiếp chính, điều khiển chính sự. Theo ý kiến của Hoàng Xuân Hãn, việc xử chết Dương thái hậu và giáng chức Đạo Thành, một mình Ỷ Lan không thể thực hiện mà có vai trò của Lý Thường Kiệt, người nắm quân đội trong tay, trong khi Lý Đạo Thành vốn là quan văn và tuổi tác đã cao6 .

Từ đó Lý Thường Kiệt giữ vai trò phụ chính trong triều đình Đại Việt.

Chiến tranh với Tống

Tiên phát chế nhân

Năm 1075, Vương An Thạch cầm quyền chính nhà Tống, tâu với vua Tống là Đại Việt bị Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với Đại Việt.

Thái hậu Ỷ Lan biết tin, sai ông và Tôn Đản đem hơn 100.000 quân đi đánh. Quân bộ gồm 60.000 người do các tướng Tôn Đản, Thân Cảnh Phúc7 , Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An chỉ huy, tổng chỉ huy là Tôn Đản. Bộ binh tập trung ngay ở các châu Quảng Nguyên, Môn [Đông Khê], Quang Lang, Tô Mậu rồi tràn sang đánh các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, châu Tây Bình, Lộc Châu. Một cánh quân khác đóng gần biên giới Khâm châu cũng kéo tới đánh các trại Như Hồng, Như Tích và Đề Trạo, "quân ta tới đâu như vào nhà trống không người"8 .

Lý Thường Kiệt chỉ huy 40.000 quân thủy cùng voi chiến đi đường biển từ châu Vĩnh An [Quảng Ninh] đổ bộ lên đánh các châu Khâm, Liêm; Tông Đản vây châu Ung. Ngày 30 tháng 12 năm 1075, quân Đại Việt tiến chiếm thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân nhà Tống mà không phải giao chiến một trận nào. Ba ngày sau, 2 tháng 1 năm 1076, Liêm Châu cũng thất thủ9 .

Khi được tin hai châu Khâm, Liêm đã mất, nhà Tống rất hoang mang, lo ngại, các tướng ở địa phương bối rối. Ty kinh lược Quảng Nam tây lộ vội vã xin viện binh: 20.000 quân, 3.000 con ngựa, xin thêm khí giới, đồ dùng và một tháng lương, và xin được điều động các dân khê động, tất cả lấy dọc đường từ Kinh châu đến Quảng Tây. Để điều khiển quân được mau chóng, ty ấy cũng xin dời đến thành Tượng, gần phía bắc Ung Châu10 .

Trong lúc bối rối, triều đình Tống đối phó rất lúng túng. Vua Tống cách chức Lưu Di và sai Thạch Giám thay coi Quế Châu và làm kinh lược sứ Quảng Tây.

Trên các mặt trận, quân Đại Việt hoàn toàn làm chủ. Lý Thường Kiệt cho đạo quân ở Khâm và Liêm Châu tiến lên phía Bắc. Đạo đổ bộ ở Khâm Châu kéo thẳng lên Ung Châu. Đường thẳng dài chừng 120 cây số, nhưng phải qua dãy núi Thập Vạn. Còn đạo đổ bộ ở Liêm Châu tiến sang phía đông bắc, chiếm lấy Bạch Châu, dường như để chặn quân tiếp viện của Tống từ phía đông tới. Hẹn ngày 18 tháng 1 năm 1076, hai đạo quân sẽ cùng hội lại vây chặt lấy Ung Châu.

Ung Châu là một thành lũy kiên cố, do tướng Tô Giám cùng với 2.800 quân cương quyết cố thủ.

Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Lý Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn [nay thuộc thành phố Nam Ninh, khu tự trị Quảng Tây] phá tan được, chém Trương Thủ Tiết tại trận.

Tri châu Ung là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân Đại Việt đánh đến hơn 40 ngày. Sau cùng quân Việt dùng hỏa công, bắn các chất cháy như nhựa thông vào thành, trong thành thiếu nước, không thể chữa được cháy. Cuối cùng quân Đại Việt bắt dân Tống chồng bao đất cao đến hàng trượng để họ trèo lên thành. Ngày thứ 42, thành bị hạ, tướng chỉ huy Tô Giám tự thiêu để khỏi rơi vào tay quân Đại Việt11 . Người trong thành không chịu hàng, nên bị giết hết hơn 58.000 người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 100.00011 , tuy nhiên quân Đại Việt cũng tổn thất đến 10.000 người và nhiều voi chiến10 .

Lý Thường Kiệt làm cỏ xong thành Ung, lại lấy đá lấp sông ngăn cứu viện rồi đem quân lên phía Bắc lấy Tân Châu. Viên quan coi Tân Châu, nghe thấy quân Đại Việt kéo gần đến thành, liền bỏ thành chạy trốn12 . Mục tiêu hoàn thành, Lý Thường Kiệt cho rút quân về.

Lý Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về nước. Nhà Lý cho những người phương bắc đó vào khai phá vùng Hoan - Ái [Thanh - Nghệ].

Phòng thủ sông Như Nguyệt

Do tiền đồn ở Ung châu là căn cứ tập trung quân để nam tiến bị phá tan, nhà Tống phải điều động thêm nhân lực và lương thảo để thực hiện chiến tranh với Đại Việt.

Tháng 3 năm 1076, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hẹn với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn Đại Việt, nhưng quân Chiêm Thành và Chân Lạp không dám tiến vào Đại Việt13 . Quân Tống viễn chinh lên đến 10 vạn quân, một vạn ngựa và hai mươi vạn dân phu, khí thế rất mạnh mẽ, nhất là kỵ binh Tống, nhưng quân Tống muốn phát huy kỵ binh thì phải làm sao qua khỏi vùng hiểm trở, tới chỗ bằng, thì ngựa mới tung hoành được.

Tuyến phòng thủ của quân Đại Việt, Lý Thường Kiệt dựa vào sông núi, các đèo hiểm trở, các sông rộng và sâu. Từ trại Vĩnh Bình vào châu Lạng, phải qua dãy núi rậm, có đèo Quyết Lý, ở trên đường từ tỉnh Lạng Sơn đến Đông Mô ngày nay, vào khoảng làng Nhân Lý, ở phía bắc châu Ôn. Rồi lại phải qua dãy núi lèn [đá không phá đất], đá đứng như tường, ở giữa có đường đi rất hiểm: đó là ải Giáp Khẩu, tức là ải Chi Lăng, ở phía bắc huyện Hữu Lũng thuộc Lạng Sơn ngày nay. Về đường thủy, để chặn địch qua sông, quân Nam chỉ cần đóng thuyền ở bến Lục Đầu thì đi đường nào cũng rất tiện và chóng10 .

Các tướng lĩnh thuộc Man Động như: Nùng Quang Lãm, Nùng Thịnh Đức coi ải Hà Nội, Hoàng Kim Mãn và Sầm Khánh Tân giữ châu Môn, Vi Thủ An giữ châu Tô Mậu, Lưu Kỷ coi Quảng Nguyên khi quân Tống sang đã đầu hàng10 . Duy có phò mã Thân Cảnh Phúc giữ châu Quang Lang [Lạng Sơn] không những không chịu hàng mà còn rút vào rừng đánh du kích, giết rất nhiều quân Tống. Những tướng lĩnh này trước kéo quân qua đất Tống, đánh rất giỏi. Nhưng sau quân Tống tràn sang đánh báo thù, lúc đầu họ cự chiến, sau vì thất trận và vì sự dụ dỗ, nên đã đầu hàng, thậm chí như Hoàng Kim Mẫn còn chỉ đường bày mưu cho Tống. Sách Quế Hải Chí kể: "Viên tri châu Quang Lang là phò mã, bị thua, bèn trốn vào trong rừng Động Giáp, rồi du kích hậu phương quân Tống. Rình lúc bất ngờ đánh úp quân địch làm chúng rất sợ hãi"10 .

Quân Tống tràn xuống, theo đường tắt qua dãy núi Đâu Đỉnh, tới phía tây bờ sông Phú Lương; trong khi đó, một cánh quân tách ra, vòng sang phía đông đánh bọc hậu quân Nam ở Giáp Khẩu [Chi Lăng] và thẳng tới sông Cầu.

Hoàng đế Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, lập chiến lũy sông Như Nguyệt để chặn quân Tống. Sông Cầu từ địa phận Cao Bằng chảy đến Lục Đầu, hợp với sông Bạch Đằng. Từ Lục Đầu ra đến biển, là một cái hào tự nhiên sâu và rộng, che chở cho đồng bằng nước Việt để chống lại tất cả mọi cuộc ngoại xâm đường bộ từ Lưỡng Quảng kéo vào. Đối với đường sá từ châu Ung tới Thăng Long, thì sông Bạch Đằng không can hệ, vì đã có sông Lục Đầu, là cái hào ngăn trước rồi. Trái lại, sông Cầu rất quan trọng. Thượng lưu sông Cầu qua vùng rừng núi rất hiểm. Chỉ có khoảng từ Thái Nguyên trở xuống là có thể qua dễ dàng, và qua rồi thì có đường xuôi. Nhưng sau sông, ở về phía tây có dãy núi Tam Đảo, là một cái thành không thể vượt. Chỉ có khoảng từ huyện Đa Phúc đến Lục Đầu là phải phòng ngự bờ nam mà thôi. Trong khoảng ấy, lại chỉ khúc giữa, từ đò Như Nguyệt đến chân núi Nham Biền, là có bến, có đường qua sông để tiến xuống miền nam một cách dễ dàng thẳng và gần10 .

Lý Thường Kiệt đem chủ lực chặn con đường từ trại Vĩnh Bình đến sông Nam Định [sông Cầu] bằng cách đặt những doanh đồn và phục binh ở hai ải tiếp nhau: ải Quyết Lý ở phía bắc châu Quang Lang và ải Giáp Khẩu [Chi Lăng] ở phía nam châu ấy. Nếu hai phòng tuyến ấy bị tan, thì phải cố thủ ở phòng tuyến thứ ba, tức là nam ngạn sông Nam Định. Để cản quân Tống qua sông, Lý Thường Kiệt sai đắp đê nam ngạc cao như bức thành. Trên thành, đóng tre làm giậu, dày đến mấy từng. Thành đất lũy tre, nối với dãy núi Tam Đảo, đã đổi thế sông Nam Định và bờ nam ngạn ra một dãy thành hào, che chở cả vùng đồng bằng Giao Chỉ. Thành hào ấy dài gần trăm cây số, khó vượt qua và nhưng lại dễ phòng thủ hơn là một thành lẻ như thành Thăng Long.

Cùng lúc đó thuỷ binh Tống do Hòa Mân và Dương Tùng Tiểu chỉ huy đã bị thủy quân Đại Việt do Lý Kế Nguyên điều động, chặn đánh ngoài khơi lối vào Vĩnh An. Quân Tống có kỵ binh mở đường tiến công quyết liệt, có lúc đã chọc thủng chiến tuyến quân Đại Việt tràn qua sông Như Nguyệt, nhưng quân Nam đều kịp thời phản kích, đẩy lùi quân Tống. Lý Thường Kiệt còn dùng chiến tranh tâm lý để khích lệ tinh thần quân Nam chiến đấu. "Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ, táng đảm, không đánh đã tan"14 .

Quân Tống tiến không được, thoái không xong, hao mòn vì chiến sự và khí hậu, không được thủy quân tiếp viện. Quân Đại Việt lại tập kích, doanh trại của phó tướng Triệu Tiết bị phá, dù quân Tống cũng giết được hai tướng Đại Việt là Hoàng Chân và Chiêu Văn11 . Quân Tống 10 phần chết đến 6, 7 phần.

Lý Thường Kiệt biết tình thế quân Tống đã lâm vào thế bí, mà người Việt bị chiến tranh liên miên cũng nhiều tổn thất, nên sai sứ sang xin "nghị hoà" để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng hòa và rút quân. Sách Việt Sử kỷ yếu của Trần Xuân Sinh dẫn cổ sử nói về nội tình của nhà Tống về sự kiện này: Triều thần nhà Tống cho rằng "Cũng may mà lúc đó địch lại xin giảng hoà, không thì chưa biết làm thế nào".

Hoàng Xuân Hãn, tác giả sách Lý Thường Kiệt đã bình phẩm: "Giả như các mặt trận đầu có quân trung châu, thì thế thủ xếp theo trận đồ của Lý Thường Kiệt đã dàn ra, có lẽ đánh bại Tống từ đầu.

Chiến tranh với Chiêm Thành

Xem thêm: Chiến tranh Việt-Chiêm 1069‎

Nhà Lý màu vàng, Chiêm Thành màu xanh lá cây, Nhà Tống màu xám, AngKor màu tím.

Dưới thời Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt đã tham gia cuộc tấn công Chiêm Thành năm 1069. Ông cầm quân truy đuổi và bắt được vua Chiêm là Chế Củ [Rudravarman 4].

Dưới thời Lý Nhân Tông, ngoài việc cầm quân đánh Tống, ông còn tiến công Chiêm Thành vào năm 1075 nhưng không thu được thắng lợi.

Những năm cuối đời, ông còn cầm quân đi đánh Lý Giác ở Diễn Châu [1103]. Năm 1104, vua Chiêm Thành là Chế Ma Na [Jaya Indravarman 2, 1086-1113] đem quân đánh và lấy lại 3 châu Địa Lý v.v. mà vua Chế Củ đã cắt cho Đại Việt. Đến đây, Lý Thường Kiệt một lần nữa kéo quân đi đánh, phá tan quân Chiêm, Chế Ma Na lại nộp đất ấy cho Đại Việt.

Khai quốc công

Vì có công, ông được ban "quốc tính", mang họ vua [do đó có họ tên là Lý Thường Kiệt], và phong làm Phụ quốc thái phó, dao thụ chư trấn tiết độ, đồng trung thư môn hạ, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công. Sau lại có công nữa, ông được phong làm Thái úy. Ông là vị thái giám đầu tiên của nền quân chủ Việt Nam có công đức và đóng góp cho đất nước.

Cuối đời

Non sông sạch bóng quân thù. Lúc này vua mới 12 tuổi. Lý Thường Kiệt lại tiếp tục gánh trách nhiệm lớn của triều đình trong công cuộc xây dựng đất nước, chăm lo đời sống nhân dân. Ông đã cho tu bổ đê điều, đường sá, đình chùa hư hỏng trong chiến tranh và tiến hành nhiều biện pháp nhằm cải tổ bộ máy hành chính trong toàn quốc.

Năm 1082, ông thôi chức Tể tướng và được cử về trị nhậm trấn Thanh Hóa. Làm việc ở đây suốt 19 năm trời, đến năm 1101 thì vua Lý Nhân Tông lại mời ông trở lại về triều giữ lại chức Tể tướng. Lúc này ông đã 82 tuổi. 

Già rồi, nhưng ông vẫn tình nguyện cầm quân đi đánh giặc Lý Giác ở Diễn Châu [năm 1103], dẹp giặc Chiêm Thành quấy nhiễu ở Bố Chính [năm 1104]. Ông còn tổ chức lại quân đội, duyệt đổi lại các đơn vị từ cấm binh đến dân quân.

Tháng 6 năm Ất Dậu [1105], Thái úy Lý Thường Kiệt mất, thọ 86 tuổi. Lý Nhân Tông ban cho ông chức Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái úy bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, thực ấp một vạn hộ, cho người em là Lý Thường Hiến [李常憲] được kế phong tước hầu.

Bài thơ Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà là bài thơ chưa rõ nguồn gốc tác tác giả mà nhiều tài liệu dân gian cho là của ông đang đêm sai người tâm phúc đọc vang trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát [thuộc địa phận sông Như Nguyệt, khúc sông Cầu, huyện Yên Phong, lộ Bắc Ninh, nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh]. Bài thơ như một bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt chống lại quân Tống lần thứ 2.

Bản gốc

Nguyên bản chữ Hán:南國山河南 國 山 河 南 帝 居截 然 定 分 在 天 書如 何 逆 虜 來 侵 犯汝 等 行 看 取 敗 虛 Bản phiên âm Hán-Việt:Nam quốc sơn hàNam quốc sơn hà Nam đế cư,Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Dịch thơ: Sông núi nước NamSông núi nước Nam, vua Nam ởRành rành định phận tại sách trờiCớ sao lũ giặc sang xâm phạm?Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Nhận định

Trong Bài bia ký chùa Báo Ân núi An Hoạch, Chu Văn Thường – một quan chức ở quận Cửu Chân, trấn Thanh Hóa đời Lý Nhân Tông ca ngợi Lý Thường Kiệt

Nay có Thái uý Lý công, giúp vua thứ tư triều Lý... Ông đứng trước tiết lớn, vâng mệnh phù nguy, là người có thể gửi gắm đứa con côi, uỷ thác mệnh lệnh ngoài trăm dặm. Rồi đó ông thề trước ba quân: phía Bắc đánh quân Tống xâm lược, phía Tây đánh bọn không lại chầu, giỏi thắng địch bằng sách lược bảy lần bắt bảy lần đều thả. Đâu phải riêng nhà Hán có công huân Hàn, Bành, nước Tề có sự nghiệp Quản, Án. Riêng ông giúp vua thì nước nhà giàu thịnh nhiều năm. Đó chính là công tích rực rỡ của đạo làm tôi có thể để lại nghìn đời sau vậy.

— Chu Văn Thường

Bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn cũng ca ngợi ông:

Làm việc thì siêng năng, điều khiển dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng uy vũ để trừ gian ác, đem minh chứng để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết rằng dân lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để nỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang. Nuôi dưỡng đến cả những người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ thế mà được yên thân. Phép tắc như vậy có thể là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả.

— Bia chùa Linh Xứng

Sử thần nhà Lê trung hưng Ngô Thì Sĩ, trong sách Việt sử tiêu án, đã đề cao Lý Thường Kiệt qua việc so sánh chiến công đánh Tống của ông với các chiến thắng của Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo:

Nước ta đánh nhau với quân nước Trung Hoa nhiều lần, từ vua Nam Đế trở về trước, việc đã lâu rồi, sau này vua Ngô Tiên Chúa đánh Bạch Đằng, vua Lê Đại Hành đánh trận Lạng Sơn, vua Trần Nhân Tôn đánh đuổi được Toa Đô, Thoát Hoan, những trận được vẻ vang đó là câu chuyện hãnh diện của nước ta, nhưng đều là giặc đến đất nước, bất đắc dĩ mà phải ứng chiến. Còn đến đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo, như trận đánh Ung Liêm này thật là đệ nhất võ công, từ đấy người nước Tầu không dám coi thường chúng ta, đến những đồ cống, hình thức thơ từ, không dám hà trách, chỉ sợ lại sinh ra hiềm khích. Đến thơ từ của nước ta đưa cho Trung Hoa chỉ dùng có hai tấm ván sơn đen, liệt tên vài vị đại thần dùng ấn tín Trung thư môn hạ mà đóng vào, thế thì triều Lý được trịch với Tống nhiều lắm.

— Việt sử tiêu án

Sử gia đời Nguyễn Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, quyển IX, có nhận xét về vị trí của Lý Thường Kiệt so với các nhà chính trị, quân sự khác của Đại Việt thời Lý:

Danh tướng triều Lý chỉ có Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt là hơn cả. Công dẹp nạn, mở mang bờ cõi của hai người rõ rệt đáng ghi, không hổ là bậc tướng có tiếng và tài giỏi. Còn như Đào Cam Mộc giúp vua lên ngôi, Tông Đản đánh giặc, dẫu có công lao một thời, nhưng mưu lược không rõ rệt; công việc trong lúc làm quan không thấy gì cho nên không chép.

— Phan Huy Chú15

Xem thêm

Tham khảo

  • Hoàng Xuân Hãn [1996], Lý Thường Kiệt, Nhà xuất bản Hà Nội
  • Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, bản điện tử
  • Lý Tế Xuyên, Việt Điện U Linh, Bản điện tử
  • James Anderson [2007]. The rebel den of Nùng Trí Cao. Univ of Washington Press. ISBN 0295986891. 

Chú thích

  1. ^ Theo Tạ Chí Đại Trường trong sách Sử Việt đọc một vài quyển, về xuất xứ của tên gọi Lý Thường Kiệt, ông cho biết trong sách Tàu, viên tướng chỉ huy quân Nam đánh Ung Châu là Lý Thượng Cát. Tên này vốn có hàm nghĩa không đẹp, nên người ta gọi chệch đi là Lý Thường Kiệt [dẫn theo sách Mộng khê bút đàm của Thẩm Hoạt]
  2. ^ //www.hanoi.gov.vn/hanoiwebs1/vn/huongtoi1000nam/group6/page6_12.htm
  3. ^ Theo văn bia "Cồ Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tính tự" [大瞿國太尉李公石碑銘并序 - Văn bia về Thái úy Lý công nước Cồ Việt] trên bia mộ của Đỗ Anh Vũ [niên đại phỏng đoán là 1159] tại làng Yên Lạc, tỉnh Hưng Yên
  4. ^ Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr 76-77
  5. ^ ĐVSKTT: Thường Kiệt người phường Thái Hoà, thành Thăng Long, nối đời làm quan, nhiều mưu lược, có tài làm tướng.
  6. ^ Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr 75-76
  7. ^ Họ Thân vốn là tù trưởng Giáp động, mang họ Giáp, nhưng vì mấy đời kết sui gia với nhà Lý, cưới công chúa nhà Lý nên đổi họ sang họ Thân
  8. ^ Việt Sử Lược
  9. ^ Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr 174
  10. ^ a ă â b c d Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt
  11. ^ a ă â Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược
  12. ^ Việt sử kỷ yếu - Trần Xuân Sinh, Nhà xuất bản Hải Phòng, 2004
  13. ^ Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr 221-222
  14. ^ Sách Việt Điện U Linh
  15. ^ Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, các trang 367-368.

[Nguồn: Wikipedia]

x

1 ^ Theo Tạ Chí Đại Trường trong sách Sử Việt đọc một vài quyển, về xuất xứ của tên gọi Lý Thường Kiệt, ông cho biết trong sách Tàu, viên tướng chỉ huy quân Nam đánh Ung Châu là Lý Thượng Cát. Tên này vốn có hàm nghĩa không đẹp, nên người ta gọi chệch đi là Lý Thường Kiệt [dẫn theo sách Mộng khê bút đàm của Thẩm Hoạt]

2 ^ //www.hanoi.gov.vn/hanoiwebs1/vn/huongtoi1000nam/group6/page6_12.htm

3 ^ Theo văn bia "Cồ Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tính tự" [大瞿國太尉李公石碑銘并序 - Văn bia về Thái úy Lý công nước Cồ Việt] trên bia mộ của Đỗ Anh Vũ [niên đại phỏng đoán là 1159] tại làng Yên Lạc, tỉnh Hưng Yên

4 ^ Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr 76-77

5 ^ ĐVSKTT: Thường Kiệt người phường Thái Hoà, thành Thăng Long, nối đời làm quan, nhiều mưu lược, có tài làm tướng.

6 ^ Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr 75-76

7 ^ Họ Thân vốn là tù trưởng Giáp động, mang họ Giáp, nhưng vì mấy đời kết sui gia với nhà Lý, cưới công chúa nhà Lý nên đổi họ sang họ Thân

8 ^ Việt Sử Lược

9 ^ Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr 174

10 ^ a ă â b c d Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt

11 ^ a ă â Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược

12 ^ Việt sử kỷ yếu - Trần Xuân Sinh, Nhà xuất bản Hải Phòng, 2004

13 ^ Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr 221-222

14 ^ Sách Việt Điện U Linh

15 ^ Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, các trang 367-368.

Video liên quan

Chủ Đề