Quê hương của cuộc khởi nghĩa lam sơn ở đâu

ĐINH VĂN VIỄN

Ninh Bình là vùng đất cổ, có vị trí trọng yếu, là “cổ họng Bắc - Nam”, một địa bàn có thế hiểm yếu về quân sự, một vùng đất mang đầy dấu tích lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước từ thời Hai Bà Trưng đến ngày nay.

Dưới thời thuộc Minh, nước ta bị chia thành 15 phủ, gồm 36 châu, 181 huyện, ngoài ra còn 5 châu trực thuộc quận. Vùng đất Ninh Bình thời thuộc Minh có 2 châu là Trường An và Ninh Hóa. Theo Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng thì châu Trường An gồm 3 huyện là An Ninh (sau là Yên Khánh), Yên Mô, Lê Bình (sau là Gia Viễn); châu Ninh Hóa có 3 huyện là Xích Thổ, Xa Lai, Côi (nay đa phần thuộc Hòa Bình)(1). Còn Đại Nam nhất thống chí chép: “Phủ Kiến Bình lãnh một châu là Trường Yên và 6 huyện là Ý Yên, Đại Loan, Yên Bản, Vọng Doanh, Yên Ninh và Lê Bình” (tức là bao gồm cả một số huyện của Nam Định ngày nay)” (2). Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư chép: “Năm Vĩnh Lạc thứ 5 đời Minh (1407), châu Trường Yên nhập vào phủ Kiến Bình gồm 4 huyện Yên Mô, Uy Viễn, Yên Ninh và Lê Bình. Năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1408), nhập Uy Viễn vào châu Trường Yên. Năm 1415, nhập huyện Yên Mô vào huyện Yên Ninh. Năm 1419, nhập huyện Lê Bình vào châu Trường Yên” (3).


Trước khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, nhân dân vùng đất Ninh Bình ngày nay đã tích cực tham gia chống giặc Minh dưới sự lãnh đạo của Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng, Trần Nguyệt Hồ, Đỗ Cối, Nguyễn Hiên,…. Địa bàn Ninh Bình bấy giờ là trung tâm chỉ huy của Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng. Khi nghĩa quân của các tướng này nổi lên, “nhân dân các lộ không đâu không hưởng ứng” (4).  Mô Độ (nay thuộc Yên Mô, Ninh Bình) được Trần Ngỗi chọn làm nơi lập hành cung, lên ngôi hoàng đế (hiện nay, ở thôn La Phù, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) còn đền thờ và mộ vua Hậu Trần).
Mặc dù các cuộc khởi nghĩa này đều thất bại, nhưng nhân dân Ninh Bình vẫn nung nấu ý chí chống xâm lược. Khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa thì nhân dân Ninh Bình hăng hái tham gia, ủng hộ cuộc khởi nghĩa dưới nhiều hình thức khác nhau.


Nhiều người Ninh Bình khi biết Lê Lợi dấy quân đã đi theo khởi nghĩa. Tiêu biểu là Trịnh Lỗi, Mai Tuyên, Trần Dinh, Trần Kỳ. Ngay từ đầu năm 1418, khi khởi nghĩa Lam Sơn mới bùng nổ, Trịnh Lỗi đã dẫn người vào Lam Sơn tham gia khởi nghĩa. Suốt tiến trình khởi nghĩa Trịnh Lỗi là vị tướng có nhiều công lao, được Lê Lợi tin tưởng, giao cho cầm quân đánh nhiều trận lớn, góp phần vào chiến thắng chung của nghĩa quân Lam Sơn.

Trịnh Lỗi quê ở thôn Cự Lại, xã Sơn Dược, huyện Gia Viễn (nay là thôn Đồng Dược, xã Sơn Thành, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) là một trong 51 tướng đầu tiên của cả nước đứng dưới cờ nghĩa quân Lam Sơn. Lê Quý Đôn chép về sự kiện này:

“Ngày mồng 2 là ngày Canh Thân, tháng giêng năm Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Lạc triều Minh thứ 16, Hoàng đế (Lê Lợi) dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định vương, phong chức Đại tướng và Thừa tướng cho Lê Khang, Lê Lễ,… Trịnh Lỗi, Trịnh Hối… chia nhau đốc suất quân Thiết Đột ra đối địch với quân Minh” (5). Trịnh Lỗi đã chiêu mộ binh sĩ, dẫn quân vào đất Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa. Từ khi về dưới trướng của Lê Lợi, Trịnh Lỗi tham gia nhiều trận đánh, trước sau chống giữ, trải qua nhiều gian lao nguy hiểm, mấy lần phong lên chức Thiếu úy(6).  


Tháng 12 năm Nhâm Dần (1422), Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn bị vây ở Quan Da. “Vua bèn bí mật lui về sách Khôi. Mới được bảy ngày giặc Minh lại đem đại binh đến vây. Vua bảo các tướng sĩ: Giặc vây ta bốn mặt, có muốn chạy cũng không có lối nào. Đây chính là tử địa mà binh pháp đã nói, đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết. Vua nói xong chảy nước mắt, các tướng sĩ đều xúc động, tranh nhau liều chết quyết chiến” (7).  
Sách Khôi theo nhiều nhà nghiên cứu thì phải gọi là huyện Khôi. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo cũng gọi là huyện Khôi: “Khi Khôi huyện quân không một lữ”. Huyện Khôi là khu vực thuộc huyện Nho Quan của Ninh Bình và một phần của huyện Thạch Thành, Thanh Hóa ngày nay(8).  Đây là quê hương của Trịnh Lỗi, nên ông có thế mạnh hiểu biết rõ địa thế. Ông tập hợp được lực lượng theo về với Lê Lợi.

Hơn nữa đây là vùng rừng núi hiểm trở. Thần tích xã Quỳnh Lưu (Nho Quan) nói biết khi Lê Lợi rút quân về huyện Khôi thì nhân dân ở vùng này đã giúp đỡ nghĩa quân đánh giặc phá vây bảo toàn lực lượng(9). Huyện Khôi cách Quan Da (nay là huyện Quan Hoá tỉnh Thanh Hoá) – nơi xuất phát của nghĩa quân lui khoảng 60 km. Tại huyện Khôi, với sự giúp sức của nhân dân địa phương, nghĩa quân đã anh dũng chiến đấu, “chém được tướng Minh là Phùng Quý và hơn nghìn thủ cấp giặc, bắt được trăm con ngựa. Mã Kỳ, Trần Chính chỉ thoát được thân mình chạy về Đông Quan” (10).


Chiến thắng huyện Khôi là chiến thắng vang dội của nghĩa quân Lam Sơn trên đất Ninh Bình. Nó không chỉ thể hiện tài năng, sức chiến đấu của nghĩa quân mà còn nói lên địa thế hiểm yếu và sự ủng hộ của nhân dân Ninh Bình cũng như vai trò của Trịnh Lỗi trong chiến thắng này.
Sau trận thắng ở huyện Khôi, Trịnh Lỗi còn cầm quân, làm nên nhiều chiến thắng quan trọng khác. Tháng 8 năm 1426, Lê Lợi cho quân tấn công ra Bắc. “sai bọn Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo, Thái úy Lê Triện … đem 3000 quân, 1 thớt voi đi tuần các xứ Thiên Quan,… Quy Hóa, Tuyên Quang để cắt đường viện binh của giặc từ Vân Nam sang” (11).  Tháng Giêng năm 1427, Lê Lợi cho quân bao vây thành Đông Quan, sai Lê Lễ, Thiếu úy Lê Sát, Lê Lý, Lê Lỗi (tức Trịnh Lỗi), Lê Chích đóng quân ở cửa Nam(12).  


Năm 1428, Trịnh Lỗi được phong làm Nhập nội thị trung(13).  Ngày mồng 3 tháng 5 năm 1429, vua Lê Thái Tổ  ban biển ngạch công thần cho 93 viên, Trịnh Lỗi được ban tước Đình thượng hầu(14).
Năm 1432, vua Lê Thái Tổ thăng ông làm Nhập nội đại hành khiển tả bộc xạ, tham dự triều chính(15).  Ngày mồng 7 tháng 11 năm 1434 thời Lê Thái Tông, Trịnh Lỗi qua đời, được truy tặng Bảo chính công thần phụ quốc thượng tướng quân nhập nội trung thư lệnh hương hầu, tên thụy là Trung Giản(16).  Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng ông là Tuyên Hy Hầu, lại gia tặng là Thái úy, tước Đạo quốc công(17).  Trịnh Lỗi dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và triều đình Lê sơ đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng, phục hưng dân tộc ở thế kỷ XV.


Mai Tuyên, Trần Dinh, Trần Kỳ là người ở xã Quỳnh Lưu (nay thuộc xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Truyền thuyết, Gia phả, Ngọc phả họ Trần ở Quỳnh Lưu, Nho Quan đặc biệt là bản Hoàng triều công thần tam vị đại vương ngọc phả lục còn lưu giữ ở địa phương ghi rõ về sự kiện các ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Bản Hoàng triều công thần tam vị đại vương ngọc phả lục do Nguyễn Bính soạn, Nguyễn Hiền sao chép lại vào năm 1736, gồm 19 trang chữ Hán, hiện lưu giữ tại đình làng Đồi xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Qua bản Ngọc phả này cho biết nhiều thông tin về khởi nghĩa Lam Sơn, về 3 nhân vật người Quỳnh Lưu đã tham gia vào nghĩa quân Lam Sơn là Mai Tuyên, Trần Dinh, Trần Kỳ.


“Cuối triều Trần, Họ Hồ tranh quyền. Người nước Minh gây loạn, khắp nơi lâm cảnh lầm than, cực khổ, không biết trông dựa vào ai. May nhờ Thái tổ Cao hoàng đế ta ngầm ẩn núi rừng, để tâm vào nghiệp lớn, tập hợp đông đảo kẻ sĩ có mưu lược, chiêu tập dân ly tán, tích trữ binh lương, đợi thời cơ nổi dậy ” (“Trần triều mạt tạo. Hồ thị tranh quyền. Minh nhân tiếm loạn. Nguyên nguyên đồ thán, vô sở y thụ. Hồng duy ngã quốc Thái tổ Cao hoàng đế hối tích sơn lâm, tiềm tâm đại nghiệp, diên lãm trí mưu chi sĩ, chiêu tập lưu tán chi dân, súc tích binh lương, đãi thời nhi phát”) (18).


Trần Kỳ, Trần Dinh là con ông Trần Quảng, bà Trần Thị An ở Quỳnh Lưu. Hai ông mồ côi cha mẹ từ lúc 8 tuổi. Trong xã có ông Mai Khánh đã rước Trần Kỳ, Trần Dinh về làm con nuôi. Ông bà Mai Khánh có con đẻ là Mai Tuyên. Hai ông bà Mai Khánh nuôi ba con ăn học. Khi quân Minh sang xâm lược đất nước, các ông chiêu mộ dân luyện tập võ nghệ, khai khẩn đồng ruộng. Mai Tuyên đóng đồn ở làng Quỳnh, Trần Kỳ đóng quân ở làng Đồi, Trần Dĩnh đóng quân ở làng Sải (cả ba làng nay đều thuộc xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Trai tráng trong vùng theo về với các ông ngày càng đông. Năm 1418, ba ông đã dẫn 1000 quân vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược(19). 

Trong quá trình 10 năm đánh giặc Minh, Mai Tuyên, Trần Dinh, Trần Kỳ có đóng góp to lớn, cầm quân, giết giặc. Trong một lần Lê Lợi bị quân Minh bao vây, Trần Kỳ đã anh dũng phá vòng vây, cứu Lê Lợi vượt sông chạy thoát về Lam Sơn. Năm 1428, đất nước thanh bình, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, ban thưởng cho ba quân. Mai Tuyên được phong là Huyện Doãn huyện Quảng Đức (phủ Hoài Đức, thành Thăng Long). Trần Kỳ được phong là Tiến quốc đại phu. Trần Dĩnh được phong là Hùng Dũng đại tướng quân kiêm Trưởng thị vệ coi giữ kinh thành.

Khi xảy ra loạn Lê Nghi Dân, ba ông có công cùng Nguyễn Xí dẹp loạn, đưa Lê Tư Thành lên ngôi(20).  Về già cả ba ông về quê tại xã Quỳnh Lưu sinh sống. Khi các ông mất, triều đình ban cho đất thờ tự, lệnh cho dân lập đền thờ cúng. Dân Quỳnh Lưu tôn thờ các ông là những thành hoàng làng che chở cho dân. Trần Kỳ được tôn làm thành hoàng, được thờ tại đình làng Đồi(21).  Trần Dĩnh được tôn làm thành hoàng, được thờ tại đình làng Sải(22).  Mai Tuyên được tôn làm thành hoàng, được thờ tại đình làng Quỳnh(23). Cả ba làng này hiện nay đều thuộc xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Hiện nay đình làng Sải còn lưu giữ được 3 đạo sắc(24) của các triều vua ghi nhận công lao của tướng quân Trần Dĩnh.  


Sắc phong ngày 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7 (1913) có ghi: Sắc cho thôn Ngọc Lễ xã Quỳnh Lưu, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình phụng thờ Đương cảnh Uy Dũng Cương nghị chính thần. Vị thần linh ứng đã được dự phong. Bèn nay nối tiếp mệnh sáng, nghĩ sâu xa đến ơn thần trứ phong vị Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần. Chuẩn cho phụng thờ như cũ. Thần hãy bảo vệ, che chở cho dân.
Sắc ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917) ghi: Sắc cho thôn Ngọc Lễ xã Quỳnh Lưu, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình phụng thờ Đương cảnh Uy Dũng Cương nghị Hùng tráng chính thần. Vị thần bảo vệ nước, che chở cho dân đã từng linh ứng. Bèn nay nối tiếp mệnh sáng, nghĩ sâu xa đến ơn thần trứ phong là Đoan Túc Dực bảo Trung hưng tôn thần. Chuẩn cho phụng thờ như cũ. Thần hãy bảo vệ, che chở cho dân.


Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) ghi: Sắc cho thôn Ngọc Lễ xã Quỳnh Lưu, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, từ trước đến nay phụng thờ nguyên tặng Linh phù Đoan túc Dực bảo Trung hưng Đương cảnh Cương nghị Uy dũng Hùng tráng. Vị thần bảo vệ nước, che chở cho dân đã từng linh ứng đã được ban sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Bèn nay gặp đúng dịp đại khánh trẫm tròn 40 tuổi ban cho chiếu đàm ân, nghi lễ tốt đẹp, gia tặng thêm là Quang Ý trung đẳng thần. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như cũ để tỏ rõ ân điển và nghi lễ tế tự của nước nhà.   Ngoài những tướng lĩnh nổi bật, còn lưu danh thì nhân dân Ninh Bình đã ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn dưới nhiều hình thức khác nhau.

“Cuối năm 1423 được nhân dân Yên Lạc, Thiên Quan (tức Nho Quan ngày nay) giúp đỡ, chi viện, nghĩa quân Lam Sơn trong một trận đánh đã giết được 1100 tên địch và 100 ngựa, nhiều tướng nhà Minh bị bắt” (25).  


Câu chuyện kể về Nguyễn Chánh Dư người Yên Mô, tỉnh Ninh Bình có công cứu Lê Lợi là minh chứng cho sự ủng hộ kháng chiến của nhân dân Ninh Bình. “Một lần khi chiến đấu ở huyện Khôi, Lê Lợi bị quân Minh đuổi, chạy đến núi Sậu (nay  thuộc xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Quân giặc đuổi sát đến nơi, Lê Lợi bèn chạy xuống ruộng ven đường, nơi có người nông dân đang tát nước. Người nông dân thấy vậy liền bảo Lê Lợi cởi áo, cùng tát nước, nhổ mạ. Khi quân Minh đuổi đến nơi, hỏi người nông dân: Các ngươi có thấy ai chạy qua đây không? Người nông dân trả lời: Tôi vừa thấy một chiến tướng chạy trốn vào núi kia.

Thấy Lê Lợi ngẩng đầu lên, người nông dân quát: Nhổ mạ đi, nghe ngóng gì? Nhổ thế thì cả ngày không kịp cho người ta cấy! Tướng giặc Minh thấy thế, không nghi ngờ, đốc quân nhằm phía núi Sậu đuổi gấp. Thế là Lê Lợi thoát nạn. Quân Minh đi rồi, Lê Lợi xưng danh. Người nông dân sụp lạy thưa: Thần là Nguyễn Chánh Dư, quê làng Tây Yên thôn, Đồng Phú thất xã (nay thuộc xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã nghe tiếng nghĩa quân nhưng cha mẹ còn yếu nên chưa vào theo được. Nay được gặp Chúa thượng thì quả là điềm trời, xin cho được tòng chinh phò tá. Lê Lợi cả mừng, phong cho ông làm tướng rồi cho đi theo đánh giặc. Trong suốt quá trình đánh giặc Minh, Nguyễn Chánh Dư luôn là đi đầu giết giặc, được phong là Thượng tướng quân. Khi Nguyễn Chánh Dư mất, Lê Thái Tổ ban sắc phong là Dực vận Lê triều, Phụ quốc Đại tán tôn thần Thượng tướng quân, Phù Đông hầu” (26).


Đinh Thẩng, Phạm Trước (còn gọi là Phạm Chòm) ở làng Chòm (nay là làng Ngọc Động, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) tập hợp lực lượng chống quân Minh ngay từ sớm. Và khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa thì các ông đã dẫn quân vào Lam Sơn theo Lê Lợi kháng chiến. Theo cuốn "Gia phả Họ Đinh" ở làng Ngọc Động, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cho biết Đinh Thổng và Phạm Chòm đều là Đại tướng quân của Lê Lợi. Khi giặc Minh xâm chiếm nước ta, hai ông dấy binh tụ nghĩa chống giặc. Khi Lê Lợi khởi nghĩa, hai Ông đem hàng trăm quân tụ nghĩa tại Lam Sơn. Hai Ông cầm hai đạo quân, chiến đấu tung hoành khắp vùng, tiêu diệt nhiều quân Minh. Sau chiến thắng Quân Minh, Phạm Chòm được phong Hùng binh Đại tướng quân Mưu trí thao lược Chiến tặc Đại thắng. Đinh Thẩng được phong Dũng binh Đại tướng quân, trí mưu thao lược, Chiến tặc Đại thắng. Hai ông được triều đình ban tước tòng nhị phẩm. Khi về quê, các ông giúp dân khai hoang, mở chợ Chòm, xây thêm chùa và đình. Khi các ông mất đi, được nhân dân ghi nhớ công ơn. Tên ông Phạm Chòm được nhân dân lấy để đặt tên cho làng nơi ông có công khai khẩn, mở mang đồng ruộng. Hiện nay, ngôi mộ hai ông vẫn còn (trước đình làng Ngọc Động), có khắc hàng chữ: “Trí mưu thao lược dũng binh. Chiến tặc đại thắng đại tướng quân” (27).


Nhận xét
Qua một số nhân vật, sự kiện trên đây cho thấy, vùng đất Ninh Bình nhất khu vực phía tây của vùng đất Ninh Bình hiện nay là nơi tiếp giáp với Thanh Hóa, nơi có đường thiên lý Bắc – Nam đi qua, có vai trò quan trọng đối với khởi nghĩa Lam Sơn. Đây là vùng cửa ngõ để nghĩa quân tiến ra bắc tiêu diệt đầu não của chính quyền đô hộ nhà Minh. Địa bàn Ninh Bình là nơi diễn ra nhiều chiến sự quan trọng trong tiến trình khởi nghĩa, nhất là giai đoạn đầu của nghĩa quân Lam Sơn.


Nhân dân Ninh Bình ngay từ buổi đầu của khởi nghĩa Lam Sơn đã tích cực tham gia khởi nghĩa dưới nhiều hình thức khác nhau: Trực tiếp tập hợp lực lượng, vào tận Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa, tập hợp lực lượng, rèn luyện võ nghệ, khi Lê Lợi ra vùng Ninh Bình thì sát nhập với nghĩa quân Lam Sơn, xả thân cứu giúp nghĩa quân Lam Sơn, đóng góp lương thực thực phẩm cho nghĩa quân,… Đóng góp của nhân dân Ninh Bình đã có tác dụng lớn đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: góp phần tiêu diệt quân Minh, bao bọc, che chở nghĩa quân, vị thống soái Lê Lợi, làm gia tăng, củng cố thêm lực lượng cho nghĩa quân,…


Sự đóng góp của nhân dân vùng Ninh Bình đối với khởi nghĩa Lam Sơn đã thể hiện lòng yêu nước căm thù giặc ngoại xâm của cư dân Ninh Bình nói riêng, của nhân dân ta nói chung. Đồng thời qua đó cũng thể hiện tính chính nghĩa, sức lan tỏa, qui tụ, tính dân tộc, tính nhân dân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do vị thống soái Lê Lợi đứng đầu.


        Đ.V.V


    Chú thích: 1. Đào Duy Anh (1994), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 387, 418; 2. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3 (Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 274,275; 3. Dẫn theo Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, sđd tr. 275; 4. Ngô Sĩ Liên và các sử thần (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr. 240; 5. Lê Quý Đôn (1993), Đại Việt thông sử (Lê Mạnh Liêu dịch. Nguyễn Khắc Thuần chú thích và hiệu đính), Nxb Đồng Tháp, Đồng Tháp, tr. 23-24; 6 Lê Quý Đôn (1993), Đại Việt thông sử, sđd, tr. 272; 7. Ngô Sĩ Liên và các sử thần (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr. 265; 8. Đặng Công Nga (2002), Trở lại địa danh Khôi huyện// Viện Hán Nôm: Thông báo Hán Nôm học năm 2002, tr.377-383; 9. Đào Duy Anh (1994), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 140; 10. Ngô Sĩ Liên và các sử thần (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr. 265; 11. Ngô Sĩ Liên và các sử thần (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr. 274; 12. Ngô Sĩ Liên và các sử thần (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr. 283; 13. Lê Quý Đôn (1993), Đại Việt thông sử, sđd, tr. 273; 14. Ngô Sĩ Liên và các sử thần (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr. 319; 15. Lê Quý Đôn (1993), Đại Việt thông sử, sđd, tr. 273; 16. Ngô Sĩ Liên và các sử thần (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr. 344; 17. Lê Quý Đôn (1993), Đại Việt thông sử, sđd, tr. 273; 17. Sở VHTTDL Ninh Bình (2008),Tư liệu Hán Nôm đình, chùa và phủ làng Đồi xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình; 19. Sở VHTTDL Ninh Bình (2011), Hồ sơ di tích lịch sử đình, đền làng Sải xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình; Lịch sử đảng bộ xã Quỳnh Lưu, xb 2010 trang 11; 20. Sở VHTTDL Ninh Bình (2008), Lý lịch di tích đình, chùa làng Quỳnh, xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình; 21. Sở VHTTDL Ninh Bình (2008), Lý lịch di tích đình, chùa làng Đồi, xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình; 22. Sở VHTTDL Ninh Bình (2011), Lý lịch di tích đình và đền làng Sải, xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình; 23. Sở VHTTDL Ninh Bình (2008), Lý lịch di tích đình, chùa làng Quỳnh, xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình; 24. Sở VHTTDL Ninh Bình (2011), Lý lịch di tích đình và đền làng Sải, xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình; 25. BCH Đảng bộ huyện Nho Quan (2005), Lịch sử Đảng bộ huyện Nho Quan (1930- 2000), Ninh Bình., tr. 16; 26. Trương Đình Tưởng (cb) (2012), Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Nxb Thời Đại, HN, tr 708,709; 27.  Ban thường vụ huyện ủy Gia Viễn (2005), Gia Viễn – lịch sử, văn hóa; Công ty in Hoàng Đức, Ninh Bình, tr 124.