Sách mac 12 1-5

Mác 1:1-13

   Trong hành trình Tìm Hiểu Thánh Kinh, hôm nay chúng ta đến sách Tin Lành Mác, thường khi chúng ta gọi Phúc âm Mác. Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên được viết trong Kinh Thánh Tân ước. Rất có thể Tin lành Mác được viết từ Rô-ma (La-mã) vào năm 63 sau Công Nguyên.

   TÁC GIẢ.

   Ông Mác là một trong những tác giả của Kinh Thánh Tân ước mà không phải là sứ đồ. Trong khi Ma-thi-ơ và Giăng là sứ đồ. Tương tự như Lu-ca không phải là sứ-đồ, nhưng là bạn thân, người đồng hành với sứ đồ Phao-lô.

   Giăng-Mác, Giăng là tên của ông theo tiếng Do-thái, còn Mác là họ viết theo chữ La-tinh, như trong sách Công vụ 12:12 ký thuật sau khi Phi-e-rơ ra khỏi tù: Người suy nghĩ lại điều đó, rồi đến nhà Ma-ri, mẹ của Giăng, cũng gọi là Mác, là nơi có nhiều người đang nhóm lại cầu nguyện.

   Đây là câu đầu tiên liên hệ về ông Mác trong Kinh Thánh. Còn mẹ của Mác là cơ đốc nhân giàu có nổi bật ở Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, và bằng cớ là Hội Thánh nhóm lại trong nhà bà.

   Mác là một trong những người đi với Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất. Mác là cháu của Ba-na-ba, Phao-lô nói trong Cô-lô-se 4:10. Cũng có bằng chứng chi tiết Mác là con tinh thần của Si-môn Phi-e-rơ, bởi ông viết trong I Phi-e-rơ 5:13 như sau: Hội Thánh của các người được chọn, tại thành Ba-by-lôn, chào anh em, con tôi là Mác cũng vậy. Sách Tin lành Mác có khi còn được gọi là Tin Lành Phi-e-rơ, tôi thấy có nhiều bằng chứng về việc đó, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm sau này.

  Giăng-Mác cùng đồng hành với Phao-lô và Ba-na-ba trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, như được chép trong Công Vụ 13:5 Đến thành Sa-la-min, hai người giảng đạo Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Giu-đa; cũng có Giăng cùng đi để giúp cho. Nhưng sau đó Mác quay trở về đang khi đi nửa hành trình, Công vụ 13:13 Phao-lô với đồng bạn mình xuống thuyền tại Ba-phô, sang thành Bẹt-giê trong xứ Bam-phi-ly. Nhưng Giăng lìa hai người, trở về thành Giê-ru-sa-lem. Có lẽ giống như ngày nay, chúng ta thường nói “gà chết nhát.” Chúng ta không biện hộ cho việc quay trở lại của Mác. Có thể Mác có lý do nào đó. Nhưng Phao-lô không chịu đem Mác theo trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, dầu vậy Ba-na-ba muốn đem Mác theo, Ba-na-ba rộng mở hơn nên tha thứ cho Mác sớm hơn, nhưng Phao-lô không như vậy, cho nên có sự tranh cãi với nhau giữa Phao-lô và Ba-na-ba về việc Mác, như sách Công vụ 15:37-38

 Ba-na-ba muốn đem theo Giăng cũng gọi là Mác. Nhưng Phao-lô không có ý đem Mác đi với, vì người đã lìa hai người trong xứ Bam-phi-ly, chẳng cùng đi làm việc với. Nhơn đó có sự cãi lẫy nhau dữ dội, đến nỗi hai người phân rẽ nhau, và Ba-na-ba đem Mác cùng xuống thuyền vượt qua đảo Chíp-rơ.  

  Sau việc đó Mác xuống tàu ra đi, từ đó chúng ta biết rất ít về công tác của Giăng-Mác. Nhưng có điều chúng ta biết Mác là người tốt. Mãi đến sau này khi Phao-lô viết thơ cho Ti-mô-thê có đề cập đến Mác: Chỉ có một mình Lu-ca ở với ta. Hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm. (II Ti-mô-thê 4:11)

  Chúng ta được nói cho biết là ông Mác, có được các dữ kiện về Tin lành từ nơi Phi-e-rơ. Có người khác nói thêm, có thể Phao-lô giải thích cho Mác biết thêm về Tin Lành. Tôi chấp nhận ý kiến này.

  TIN LÀNH MÁC ĐƯỢC VIẾT CHO AI.

  Tại sao có đến bốn sách Tin Lành? Một trong những lý do là vì ban đầu các sách Tin lành được viết cho nhiều nhóm người khác nhau. Ma-thi-ơ viết cho dân Do-thái và trực tiếp là những người lãnh đạo tôn giáo. Còn Mác viết đặc biệt cho người La-mã, và sách Mác rất thích hợp cho người La-mã trong thời đó. Người La-mã thống trị thế giới cả ngàn năm. Tin lành Mác được viết cho những người này. Người La-mã đã góp phần trong việc phát triển thế giới, họ đã mang lại hòa bình, công lý, xây dựng đường lộ, ban hành luật pháp và bảo vệ trật tự xã hội. Nhưng họ luôn dùng sức mạnh để giữ hòa bình. Những đôi giầy sắt của người La-mã đến với con người, và sau đó họ phải trả một giá. Người La-mã rất là độc tài. Họ luôn dùng luật pháp và bạo lực. Người La-mã biểu tượng cho quyền lực con người trong thời thượng cổ, và nó dẫn đến chủ nghĩa độc tài. Quyền lực này được ban cho một người, dĩ nhiên nó rất là nguy hiểm vì lạm quyền. Cũng như ngày nay, nó rất là nguy hiểm nếu chúng ta đi theo chiều hướng độc tài.

  Sứ đồ Phao-lô viết cho người La-mã (hay còn gọi là Rô-ma) Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin. (Rô-ma 1:16-17)

  Quyền phép cứu chuộc của Đức Chúa Trời chính là ân điển mở rộng. Trong những ngày mà Hoàng đế La-mã cai trị, thế giới trông đợi sự nhơn từ, thương xót, nhưng họ lại gặp toàn là quyền lực khắt khe. Trong những ngày đó không ai dám chống lại quyền lực cai trị, vì nếu chống lại sẽ gặp sự nguy hiểm tánh mạng. Đồng thời không ai có thể chạy trốn khỏi. Trong bối cảnh đó, sứ điệp của Đức Chúa Trời được gởi cho những dân tộc dưới sự cai trị của La-mã, người viết là Giăng-Mác.

  Giăng Mác được Si-môn Phi-e-rơ kể cho biết về câu chuyện Tin Lành. Hội Thánh đầu tiên tin tưởng điều đó là đúng. Chẳng hạn như Papias một trong những giáo phụ của Hội Thánh đầu tiên ký thuật rằng, Giăng Mác có được câu chuyện Tin lành từ Si-môn Phi-e-rơ: “Mác, diễn đạt lại những gì từ Phi-e-rơ, và viết lại một cách kỹ lưỡng những điều ông thu nhặt, nhưng không ký thuật theo đúng thứ tự những gì Đấng Christ giảng hay làm.” Vì thế chúng ta có được câu chuyện Tin lành của Si-môn Phi-e-rơ qua sự ký thuật bởi Giăng Mác.

  ĐẶC ĐIỂM CỦA TIN LÀNH MÁC.

  Đây là một Tin lành của hành động, bởi vì Si-môn Phi-e-rơ là một trong những người rất hoạt bát. Và Tin lành của hành động được viết cho người La-mã họ cũng là những người đầy tính năng động.

  Trong Tin lành Mác mô tả Chúa Giê-xu để qua một bên chiếc áo nhà vua, và choàng vào chính Ngài chiếc áo phục vụ. Trong khi đó Chúa Giê-xu được mô tả là một vì vua trong Tin Lành Ma-thi-ơ. Chúa Giê-xu trong vai trò đầy tớ mà sách Tin Lành Mác ký thuật. Nhưng Chúa Giê-xu không phải là tôi tớ của con người, nhưng Ngài là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Mác diễn tả điều này trong chính lời của Chúa Giê-xu “Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45)

   Trong Tin Lành Mác, Chúa Giê-xu được trình bày như là Đầy Tớ của Đức Giê-hô-va. Điều này được ứng nghiện lời tiên tri Ê-sai 42:1-2

 Nầy, đầy tớ ta đây, là kẻ ta nâng đỡ; là kẻ ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt Thần ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công bình cho các dân ngoại. Người sẽ chẳng kêu la, chẳng lên tiếng, chẳng để ngoài đường phố nghe tiếng mình.

  Trở lại vào năm 1864, Ông Bernard nói về Tin Lành Mác như sau: “Sứ đồ Phi-e-rơ nói với Cọt-nây hãy chú ý cách chăm chỉ về Tin Lành này, Đức Chúa Trời xức dầu cho Chúa Giê-xu của Na-xa-rét với Thánh Linh và quyền năng, để đi ra làm nhiều việc tốt lành, chữa bịnh và đuổi quỷ ra khỏi những người bị ám.”

  Ngày hôm nay chúng ta có cơ hội đọc rất nhiều sách về những người cổ động, tranh đấu. Chúng ta nghe nói nhiều người làm việc tốt, cả trong chính trường và giáo hội. Họ nói nhiều về việc tốt, nhưng chưa làm được bao nhiêu việc tốt. Chúa Giê-xu đến trong thế gian mặc lấy Nhân tánh và Thần tánh làm nhiều việc tốt. Đây là cách mở đầu Tin Lành này. Chúa Giê-xu đã chết và sống lại, sau đó Ngài phán bảo với các môn đồ “Hãy đi giảng Tin lành” đó phần kết thúc Tin Lành Mác, mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu hôm nay.

  Văn thể của Mác ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, rõ ràng và dịu ngọt. Mác bỏ qua cách nói dài dòng và đi ngay vào trọng điểm. Vì thế Tin lành Mác được gọi là Tin Lành hành động và hoàn tất. Trong Tin lành Mác không có ghi nhiều về lời nói của Chúa Giê-xu, nhưng ghi lại rất nhiều việc làm của Ngài.

   Mác viết theo lối văn thể đơn giản, thể loại này thích ứng cho mọi người nhất là những người bình dân. Một điều chúng ta cần chú ý là chữ “và” dùng để nối kết nối, được dùng nhiều hơn bất kỳ sách Tin Lành nào khác, nếu các bạn có dịp đếm sẽ thấy rõ. Chữ “và” là chữ quan trọng khi chúng ta dùng nó cách đúng chỗ. Nó là một chữ hành động và có nghĩa là báo cho chúng ta biết những việc sắp xảy ra tiếp theo. Khi dùng chữ “và” không phải để kết thúc câu văn, nhưng để dẫn đến việc kế tiếp.

   Tôi tin rằng Mác viết sách Tin lành này tại La-mã (Rô-ma), vì trọng tâm cho đọc giả ban đầu là người La-mã, họ là những người bận rộn, và tin tưởng vào sức mạnh và hành động. Người La-mã muốn trả lời cho câu hỏi này “Chúa Giê-xu có đủ quyền năng hành động không?” Sách Tin lành Mác ngắn đủ cho một người bận rộn có thể đọc qua. Chỉ có một vài chỗ trích dẫn Kinh Thánh Cựu ước và phong tục Do-thái để giải bày thêm cho người ngoại quốc dễ hiểu.

  Trong khi Tin lành Ma-thi-ơ cho chúng ta biết gia phổ của Chúa Giê-xu, bởi vì một vị vua cần phải có gia phổ. Mác không có ký thuật gia phổ, bởi vì một người đầy tớ phục vụ không cần gia phổ, người ấy chỉ cần lời giới thiệu là đủ rồi. Người đầy tớ cần làm việc. Chúng ta sẽ thấy điều này trong Tin lành Mác, và đó là cách mà Chúa Giê-xu được trình bày.

  Tiếp theo xin các bạn cùng tôi, chúng ta tìm hiểu sách Tin Lành Mác đoạn thứ nhất từ câu 1 đến 13 nói về chức vụ mở đường của Giăng Báp-tít và việc Chúa Giê-xu chịu Báp-tem và bị cám dỗ. Đây là thời kỳ năm đầu tiên chức vụ của Chúa Giê-xu. Mác trở lui trích dẫn lời tiên tri Ê-sai và Ma-la-chi. Sau đó Mác ký thuật một ngày Sa-bát bận rộn (ngày thứ bảy). Và Mác kết thúc đoạn này qua việc chữa bịnh cho người bị phung. Ngài để thời giờ cầu nguyện

   Trong đoạn một này nói về nhiều điều, nhưng bỏ qua việc đề cập đến gia phổ của Chúa Giê-xu, trong khi gia phổ là một phần nổi bật trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ. Chúng ta biết tại sao một vị vua cần có gia phổ, còn một đầy tớ chỉ cần một lời giới thiệu, ngay cả cũng không có “giấy khai sanh.” Vì không cần biết nhiều về tổ tiên của Chúa Giê-xu, nhưng chỉ cần biết hành động, việc làm của Ngài là đủ rồi. Ngài có thể làm việc được không? Tôi tớ của Đức Giê-hô-va được ghi nhận là đã làm xong công việc của Ngài. Cho nên người La-mã hay những người khác không cần phải quan tâm về gia phổ của Chúa Giê-xu.

   Trước khi chúng ta khởi sự đọc đến Tin lành Mác, chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Trời cho chúng ta có được mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-xu, và biết được Ngài rõ hơn.

  Mác 1:1-3

1 Đầu Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ, là Con Đức Chúa Trời. 2 Như đã chép trong sách tiên tri Ê-sai rằng: Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt ngươi, Người sẽ dọn đường cho ngươi. 3 Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng: Hãy dọn đường Chúa, Ban bằng các nẻo Ngài;

  Đây không phải là khởi đầu của Giăng hay của Chúa Giê-xu, mà đây là khởi đầu của Tin lành khi Chúa Giê-xu đến thế gian, chết trên thập tự giá và sống lại. Các bạn thân mến, đó là Tin Lành.

  Có ba sự khởi đầu được ký thuật trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy cùng sắp đặt lại theo thứ tự lịch sử.

 1-“Ban đầu có Ngôi Lời..” (Giăng 1:1). Đây đi trở về những ngày đầu tiên khi chưa bắt đầu có thời gian. Điều này có thể làm cho tâm trí các bạn hơi lờ mờ, nhưng nó hợp lý theo phương diện lịch sử. Theo tôi nghĩ, tôi phải có cái móc thời gian nào đó trong quá khứ để khởi sự. Thí dụ như khi tôi thấy chiếc phi cơ bay trên không trung, tôi nghĩ rằng có một phi trường cho nó cất cánh. Dầu rằng tôi không biết là phi cơ đó cất cánh từ nơi nào, nhưng tôi chắc chắn rằng nó cất cánh từ một địa điểm nào đó trên trái đất. Nhưng tôi không biết về lúc ban đầu. Đức Chúa Trời đến từ cõi đời đời để gặp chúng ta. Tôi đặt cái móc vào thời điểm Ngài gặp chúng ta, vào những ngày xa nhất mà chúng ta có thể nhận thức, và chúng ta cần nhận thức rằng Đức Chúa Trời có trước đó.

 2– “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất” (Sáng thế ký 1:1). Đây là nơi chúng ta đi từ cõi đời đời vào thời gian, dầu vậy có nhiều người lại cố xác định ngày mà vũ trụ này được thành lập, không một ai biết rõ được, hầu hết chỉ là dự đoán mà thôi. Chúng ta biết rất ít, nhưng khi chúng ta đến trong sự hiện diện của Ngài, và bắt đầu biết như chúng ta được biết, nhưng sau đó chúng ta nhận thức rằng, mình chỉ thấy qua cái kiếng mờ tối. Tôi tin chắc là chúng ta sẽ thấy sự ngu dại của mình, và sự thiếu hiểu biết. Đức Chúa Trời là Đấng vĩ đại, Ngài hằng có đời đời.

 3- “Đầu Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ, là Con Đức Chúa Trời” (Mác 1:1) Từ đây bắt đầu được định ngày. Đó là khi Chúa Giê-xu được sanh ra trên đất với hình thể con người. Chúa Giê-xu Christ là Tin Lành.

  Do đó, từ khi Chúa Giê-xu được sanh ra thì bắt đầu niên lịch năm thứ nhất của con người, khi chúng ta tính niên đại của lịch sử phải xác định, trước Chúa Giê-xu hay sau Chúa Giê-xu giáng sinh, hoặc thường khi trong các sách lịch sử ghi là trước Công nguyên hay sau Công nguyên. Thí dụ như tôi đề cập lúc đầu là sách Tin lành Mác được viết vào năm 63 sau Chúa Giê-xu.

   Mác trích dẫn vài câu trong Kinh Thánh Cựu ước, như hai lời tiên tri trong đoạn này. Người La-mã biết rất ít về các lời tiên tri, nhưng Mác trích vài lời tiên tri Cựu ước này để chỉ cho họ biết rằng, Đấng mà Mác đang nói không cần phải có gia phổ, nhưng chỉ cần lời giới thiệu. Vì thế Mác giới thiệu về Chúa Giê-xu khi đi trở ngược về tiên tri Ê-sai và Ma-la-chi. Cả hai sứ đồ Giăng và Mác công bố rằng sự đến của Giăng Báp-tít ứng nghiệm lời tiên tri về người dọn đường cho Đấng Christ.

  Mác 1:4 Giăng đã tới, trong đồng vắng vừa làm vừa giảng phép báp-tem ăn năn, cho được tha tội.

  Tôi muốn nói lại cho rõ điều này, Giăng Báp-tít giảng về sự ăn năn và làm bép-tem về sự ăn năn tội, chớ không phải cho được tha tội. Chức vụ của Giăng Báp-tít là để chuẩn bị con người chờ đợi sự đến của Chúa Giê-xu Christ. Chính Chúa Giê-xu mới là Đấng có quyền tha thứ tội lỗi.

  Mác 1:5-6

5 Cả xứ Giu-đê và hết thảy dân sự thành Giê-ru-sa-lem đều đến cùng người, xưng tội mình và chịu người làm phép báp tem dưới sông Giô-đanh. 6 Giăng mặc áo lông lạc đà, buộc dây lưng da ngang hông; ăn những châu chấu và mật ong rừng.

   Giăng Báp-tít là người rất khác lạ, không những qua sứ điệp của ông giảng, nhưng cũng khác lạ trong cách ăn và mặc nữa. Chính Giăng Báp-tít là người được biệt riêng ra cho chức vụ này. Ông ở trong thứ tự để làm thầy tế lễ, một người Lê-vi lẽ ra phải phục vụ trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nhưng Đức Chúa Trời kêu gọi ông làm người tiên tri, ông giảng dạy ở trong đồng vắng và dân chúng đến nghe Giăng giảng.

   Ngày nay, chúng ta xây dựng Hội Thánh, chúng ta tìm nơi nào có dân chúng ở hay nơi nào thuận tiện cho hội chúng đến nhóm họp. Còn Giăng không thực hiện theo phương cách đó. Giăng đi giảng trong đồng vắng và đám đông đến cùng Giăng.

   Mác 1:7 Người giảng dạy rằng: Có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta; ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài.

   Điều này làm cho chúng ta đáng chú ý về Giăng Báp-tít. Ông lôi cuốn số quần chúng rất đông lắng nghe. Ông là người nổi bật và mạnh dạn, và giọng nói của ông rất hùng hồn, nhưng ông lại là một người rất nhu mì.

   Mác 1:8  Ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; nhưng Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh-Linh.

   Tại đây có một sự phân biệt lớn giữa Giăng Báp-tít và Chúa Giê-xu. Lễ báp-tem thật sự là làm báp-tem trong Đức Thánh Linh. Còn nghi lễ báp-tem thì bởi nước. Ngày nay báp-tem bởi nước rất quan trọng, bởi vì nó là lời làm chứng tuyên xưng đức tin. Trong Tin lành Ma-thi-ơ mà chúng ta đã tìm hiểu học hỏi qua, lý do mà Chúa Giê-xu làm lễ báp-tem là vì Ngài muốn hiệp nhất, đồng nhất chính Ngài với con người.

   Mác 1:9 Vả, trong những ngày đó, Đức Chúa Jêsus đến từ Na-xa-rét là thành xứ Ga-li-lê, và chịu Giăng làm phép báp-tem dưới sông Giô-đanh.

  Mác nhấn mạnh đến tiêu đề “Đức Chúa Giê-xu đến.” Tại đây, Chúa Giê-xu đến từ một nơi không có tiếng tăm, trong 30 năm được huấn luyện tại Na-xa-rét. Giờ đây Ngài đến để hiệp nhất chính Ngài với gia đình loài người trong lễ báp-tem, các bạn có nhớ rằng, chính Chúa Giê-xu nói với Giăng Báp-tít, Ma-thi-ơ 3:15 Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài. Giăng nghĩ rằng ông không xứng đáng là Báp-tem cho Chúa Giê-xu. Chúng ta cũng hãy chú ý đến tên Giê-xu được dùng ở đây. Chúng ta thấy rằng danh xưng này được dùng trong Tin Lành Mác nhiều hơn cách danh xưng khác. (Ngày nay chúng ta thường gọi Chúa Giê-xu với sự tôn kính, trong thời đó họ chưa biết Giê-xu là Chúa, nên họ chỉ gọi với tên đơn giản “Giê-xu”)

  Mác 1:10-11

10 Vừa khi lên khỏi nước, Ngài thấy các từng trời mở ra, và Đức Thánh-Linh ngự xuống trên mình Ngài như chim bò câu. 11 Lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.

   Tại đây Đức Chúa Trời Ba Ngôi được bày tỏ cách đặc biệt. Chúng ta thấy Chúa Giê-xu là Ngôi Hai của Ba-Ngôi, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đáp xuống trên Chúa Giê-xu với hình của chim bồ câu. Đức Thánh Linh là ngôi thứ ba của Ba-Ngôi, tiếng phán từ trên trời “Ngươi là Con yêu dấu của ta” đó là tiếng của Đức Chúa Cha, là ngôi thứ nhất của Ba-Ngôi. Chúng ta được bày tỏ về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Trong phương cách này dấu ấn của thiên đàng được thể hiện qua Chúa Giê-xu.

   Mác 1:12-13

12 Tức thì Đức Thánh Linh giục Ngài đến nơi đồng vắng 13 Ngài ở nơi đồng vắng chịu quỉ Sa-tan cám dỗ bốn mươi ngày, ở chung với thú rừng, và có thiên sứ đến hầu việc Ngài.

   Đức Thánh Linh đưa Chúa Giê-xu vào trong đồng vắng để chịu sự cám dỗ. Đây là điều quan trọng chúng ta để ý đến. Chúng ta trở lại câu hỏi là “Ngài có thể chịu đựng nổi không?” Nhiều người đã sa ngã, họ không đứng nỗi trước cám dỗ, như chúng ta thấy A-đam và Ê-va sa ngã. Vua Đa-vít sa ngã v.v.. Sự cám dỗ đến với Chúa Giê-xu trước khi Ngài thi hành chức vụ, nhằm làm ngăn trở chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Trong lúc Chúa Giê-xu bị cám dỗ có thiên sứ hầu việc Ngài, thêm sức cho Ngài. Chúa Giê-xu thắng sự cám dỗ của ma quỷ.

  Các bạn thân mến, những ai muốn hầu việc Đức Chúa Trời đều bị ma quỷ tấn công, cám dỗ nhằm làm cho bước đường hầu việc Chúa bị thất bại. Tôi mong rằng các bạn đồng lao hãy dè giữ và cẩn thận, xin quý vị hãy nương cậy nơi sức lực của Chúa mà đứng vững.