Sách về khát vọng phát triển đất nước

Sách về khát vọng phát triển đất nước

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

1. Giá trị cốt lõi, mục tiêuvà khát vọng phát triển đất nước được Tổng Bí thư xác định đó là kiên quyết, kiên trì xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội (CNXH) với những giá trị bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới: “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”[1]. Khát vọng xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với những mục tiêu cụ thể: “1. Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; 2. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; 3. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[2]và “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[3].

Đây là mục tiêu, khát vọng phát triển hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, với mục tiêu xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩamà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn và phấn đấu thực hiện.

2. Để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước, xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam, Tổng Bí thưchỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các tổ chức, các cấp, các ngành, các lực lượng:

Thứ nhất, phải kiên định con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã chọn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[4].

Sách về khát vọng phát triển đất nước

Quang cảnh lễ ra mắt cuốn sách. Ảnh: Internet

Thứ hai, không ngừng xây dựng, đổi mới, phát huy vai trò của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời cần một phương thức, cách làm mới, bài bản, khoa học, với tinh thần như đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.

Đối với Đảng, để đảm đương vai trò lãnh đạo, thì “Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức, là văn minh”; chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo, xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững”[5]. Đối với Quốc Hội, “Cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại….; Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ,…; Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn…”[6]. Đối với Chính Phủ, “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá,... xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp…”[7]. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, “cần năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh”[8].

Thứ ba, xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự “là nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng”; “phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”[9].

Thứ tư, cần quan tâm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tổng Bí thư xác định: cần xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc, cụ thể: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam… Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”[10].

Thứ năm, cần xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, “đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta”[11]. Chú trọng xây dựng lực lượng công an thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, “mỗi cán bộ, chiến sỹ công an phải nêu cao ý chí chiến đấu, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo các yêu cầu về tư cách, phẩm chất… Phải coi đây là việc làm thường xuyên, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động thực tế trong công tác, chiến đấu hàng ngày của mình”[12].

Như vậy, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Cuốn sách ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là tổng kết lý luận về đường lối đổi mới và những bài học kinh nghiệm, những vấn đề có tính quy luật từ thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, nắm vững, quán triệt, tổ chức thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Lê Phục

Cuốn sách "Khát vọng Hồ Chí Minh - Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu" – của PGS.TS. Bùi Đình Phong được nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ra mắt vào dịp kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2021); Mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII; 

Đây cũng là món quà dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Người (1890 - 2021); 110 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2021) và 80 năm ngày Người trở về nước (1941 - 2021) thực hiện tâm nguyện giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.

Sách về khát vọng phát triển đất nước

Bìa cuốn sách

Tác phẩm là một công trình nghiên cứu tỉ mỉ, nghiêm túc, cẩn trọng của PGS. TS. Bùi Đình Phong, với gần 500 trang và được cấu trúc thành 3 chương: Chương 1: Khát vọng Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường - Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh. Chương 2: Khát vọng Hồ Chí Minh với Đại hội XIII của Đảng. Chương 3: Thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân dân tộc.

Theo tác giả Bùi Đình Phong, Đại hội XIII của Đảng vừa kết thúc thành công tốt đẹp. Những điểm mới, điểm nhấn của Đại hội là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, bảo đảm trên hết và trước hết là lợi ích quốc gia - dân tộc. 

Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cùng tiến bước và sánh vai với các cường quốc năm châu; kiên định những nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí độc lập, tự cường, tự chủ, niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Phát huy vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Đại hội khẳng định với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.

Xuất phát từ sự kiện cách đây 110 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành muốn đi ra nước ngoài "xem các nước họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào", và thành sợi chỉ đỏ, trục xuyên suốt đến tận cuối đời cùng với những điểm đột phá trong Đại hội XIII, chúng ta có thể nhận ra mong muốn, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng Việt Nam, ước vọng của toàn dân tộc hòa quyện, gắn bó với nhau.

Càng đi sâu vào nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp di sản Hồ Chí Minh, chúng ta càng có cơ sở khẳng định tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh vẹn nguyên giá trị, mở đường đổi mới, soi sáng tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại; "là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi" như Đảng ta ghi trang trọng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 2011.

Chính từ những phân tích, đánh giá và trình bày trên, tác giả Bùi Đình Phong muốn gửi tới bạn đọc tác phẩm "Khát vọng Hồ Chí Minh - Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu".

Công trình chuyển tải những nghiên cứu bước đầu về mối quan hệ khăng khít giữa khát vọng của Hồ Chí Minh với nội dung các văn kiện Đại hội XIII của Đảng về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu. Khát vọng - Kỳ vọng - Quyết tâm - Đồng tâm - Tín tâm - Sáng tạo - Đổi mới là những điểm nhấn trong di sản Hồ Chí Minh và Đại hội XIII của Đảng.