Sau nhà đinh là nhà gì

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, nhà Đinh có vai trò đặc biệt quan trọng, đã dẹp loạn 12 sứ quân chấm dứt tình trạng cát cứ, hình thành nhà nước độc lập tự chủ, xây dựng đất nước và đã đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực.

Đinh Tiên Hoàng, tên thật là Đinh Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư (Gia Viễn, Ninh Bình) là con trai Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, Thứ sử Châu Hoan (Nghệ An). Năm 968, sau khi dẹp yên loạn 12 sứ quân, thống nhất quốc gia, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, sử quen gọi là Đinh Tiên Hoàng. Đinh Tiên Hoàng sau khi xưng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, dựng Kinh đô ở Hoa Lư, đặt niên hiệu Thái Bình, sáng lập Vương triều Đinh (968 - 980). Vương triều Đinh tuy chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 12 năm, nhưng có vị trí hết sức quan trọng và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.


Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở quê hương Gia Phương - Gia Viễn - Ninh Bình

Trước tiên là việc Đinh Tiên Hoàng thống nhất quốc gia, xưng đế hiệu, tiếp nối quốc thống của các vua Hùng dựng nước. Vấn đề này đối với sử gia phong kiến được coi là vấn đề có tính chất quan trọng bậc nhất. Chính vì coi Vương triều Đinh là mở nền chính thống cho thời đại phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc ta, cho nên trong các bộ chính sử kể từ Đại Việt sử ký toàn thư, thế kỷ XV, Đại Việt sử ký tiền biên, thế kỷ XVIII, đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thế kỷ XIX, triều đại này, đều được các tác giả lấy làm mốc mở đầu phần Bản kỷ, hoặc Chính biên. Tiếp đến, việc xưng đế hiệu Đại Thắng Minh Hoàng đế mang ý thức tự tôn, tự cường dân tộc, có hàm ý so sánh với các Hoàng đế Trung Hoa. Năm 973, sau khi Nam Việt vương Đinh Liễn đi sứ Trung Quốc về nước, nhà Tống sai sứ sang cũng chỉ phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương vì nhà Tống vẫn coi nước ta là một Quận (Quận Giao Chỉ). Có hiểu rõ chủ trương xưng Đế (hay Hoàng đế) của Đinh Tiên Hoàng, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa sâu sắc của câu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, tương truyền của Lý Thường Kiệt vào thế kỷ XI sau này. Vì vậy, với việc xưng Đế của Đinh Tiên Hoàng ta càng nhận thức được cách sử dụng chữ nghĩa của Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo: "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần xây nền dựng nước/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên xưng Đế một phương".

Sau nhà đinh là nhà gì

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư-Ninh Bình

Cùng với việc thống nhất quốc gia, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt (968), tức “Nước Việt to lớn”, là có ý phủ nhận các tên gọi nước ta trước đó như: An Nam, Giao Châu… của triều đình phong kiến phương Bắc. Hơn thế nữa, quốc hiệu Đại Cồ Việt, do Đinh Tiên Hoàng đặt ra còn có ý đối sánh với tinh thần Đại Hán của Trung Quốc. Người Hán coi nước họ là Trung tâm của thiên hạ (Trung Quốc), là văn minh và gọi các nước xung quanh Trung Quốc là Địch - Di - Nhung - Man, đều hàm nghĩa: man di, mọi rợ, kém phát triển. Trong các Chiếu, Dụ của Hoàng đế Trung Hoa thường gọi nước ta là Nam Man, hoặc An Nam, gọi dân tộc Việt là “Man dân” đều với hàm ý nghĩa ấy. Qua đó, ta thấy việc Đinh Tiên Hoàng tự xưng quốc hiệu là Đại Cồ Việt, một mặt thể hiện sự tự tin ở sức mạnh dân tộc Việt đã trở thành hùng mạnh; mặt khác, vị Đại Thắng Minh Hoàng đế họ Đinh, còn muốn đối chọi lại cái tinh thần Đại Hán của các Hoàng đế Trung Hoa.

Sau khi đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt được 2 năm, năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ không dùng niên hiệu của các Hoàng đế Trung Hoa nữa, đặt niên hiệu mới là Thái Bình, biểu hiện ý chí độc lập, tự chủ, không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc.

Hội thảo Nhà Đinh với sự nghiệp xây dựng và thống nhất đất nước tại Ninh Bình ngày 7-1-2012

Năm 972, lần đầu tiên Đinh Tiên Hoàng sai Nam Việt vương Đinh Liễn và Nguyễn Tử Du đi sứ sang nhà Tống để kết mối hòa hiếu. Với sự kiện ấy đã mở ra một kỷ nguyên bang giao mới của Nhà nước phong kiến tập quyền ở nước ta. Đinh Tiên Hoàng cũng đã hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử lớn là xây dựng nền móng đầu tiên cho chính sách quân sự, quốc phòng và hệ thống ngạch binh của quốc gia thống nhất. Thành tựu này góp phần cho thế nước vững vàng và tạo nên sức mạnh dân tộc bảo vệ vững chắc nền độc lập tự chủ. Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng một mặt "sai sứ sang giao hảo với nhà Tống, đem biếu các sản vật địa phương", thường xuyên theo dõi mọi động tĩnh của thế lực hiếu chiến; mặt khác, đặc biệt chú ý xây dựng lượng quân sự hùng hậu, sẵn sàng đánh giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập vừa giành lại được. Dựa trên quan điểm truyền thống của dân tộc và xuất phát từ điều kiện thực tế lúc đó, nhà Đinh đã thi hành chính sách quốc phòng nhằm đảm bảo yêu cầu vừa "kiến quốc" vừa "thủ quốc" bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa "việc binh" và "việc nông". Điểm nổi bật nhất trong tổ chức quân sự phòng giữ đất nước thời Đinh là tổ chức "Thập đạo quân", là một biểu hiện cụ thể của chính sách quốc phòng Đại Cồ Việt mà mỗi đạo hành chính là một đạo quân sự. Đó là hệ thống biên chế tổ chức quân sự đầu tiên của quốc gia, dân tộc Việt trong kỷ nguyên độc lập tự chủ, bảo đảm sự thống nhất và toàn vẹn đất nước. Quân đội nhà Đinh là một quân đội mạnh, đã đảm nhiệm tốt chức trách là bảo vệ vương triều. Chỉ đến khi Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại, Đinh Toàn mới 6 tuổi lên nối ngôi, là cơ hội để nhà Tống cất quân sang xâm lược. Tuy vậy, sức mạnh quân sự, quốc phòng của Đại Cồ Việt đã được biểu hiện mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến do Lê Đại Hành lãnh đạo (năm 981).

Sau nhà đinh là nhà gì

Nơi phát tích nhà Đinh-Gia Phương - Gia Viễn – Ninh Bình

Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước, đó là những thành tựu lớn lao không dễ gì có thể phản ánh hết được, chỉ xin mượn lời sử gia Ngô Thì Sĩ để thấy được vị trí của một vương triều trong lịch sử dân tộc: “Tiên Hoàng dấy lên từ một người áo vải, một lần nổi lên dẹp được 12 sứ quân. Rồi dựng nước, dựng Kinh đô, đổi niên hiệu, chính ngôi vua. Võ công vang khắp, văn hóa đều đổi mới. Trị vì 3 năm, mới bắt đầu thông hiếu với nhà Tống, điển chương nhà vua, tước trật của quân đội, rất mực đáng khen. Con là Liễn lại được trao chức Quận vương. Sự nghiệp mở mang, có thể nói là rất lớn”./.

Bài, ảnh: Hồng Ánh