So sánh sự khác nhau giữa các biến thể âm đầu trong các vùng phương ngữ tiếng Việt

Đặc trưng NGÔN NGỮ _ VĂN HOÁ của từ địa phương NAM BỘ qua các dạng BIẾN THỂ NGỮ ÂM trong THƠ CA DÂN GIAN

12/10/201916/12/2019

TRẦN ĐỨC HÙNG
[ThS, Trường Đại học Đồng Tháp]

1. Mở đầu

Phương ngữ là một thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng biến thể của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể. Biến thể ấy diễn ra trên các phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tuy nhiên, sự biến đổi rõ nhất, nhanh nhất là ở phương diện ngữ âm. Vì thế, để phân biệt phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân thì phần lớn các nhà nghiên cứu thường xem xét nó ở mặt ngữ âm. Đây là mặt phản ánh nét khác biệt nổi bật nhất trên bề mặt nhằm khẳng định nét riêng của phương ngữ trong dòng chảy ngôn ngữ dân tộc.

Trong các sáng tác thơ ca dân gian Nam Bộ [TCDGNB], có một bộ phận không nhỏ các lớp từ địa phương được tạo ra do hiện tượng biến đổi ngữ âm. Hay nói cách khác, đó là những từ có sự tương ứng ngữ âm với từ toàn dân. Lớp từ này là kết quả của sự biến đổi ngữ âm trong lịch sử tiếng Việt ở vùng đất Nam Bộ nên nó có mối quan hệ chặt chẽ với từ toàn dân và các vùng phương ngữ khác.

Lớp từ địa phương trong các sáng tác TCDGNB có sự khác biệt về hình thức âm thanh so với từ toàn dân. Sự khác biệt này cho chúng ta thấy bức tranh ngữ âm của phương ngữ Nam Bộ [PNNB] và là sự phản ánh sinh động trong việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của người dân Nam Bộ. Trong bài viết này, chúng tôi khái quát những đặc điểm nổi bật về ngữ âm của từ địa phương Nam Bộ để tìm ra những nét riêng về ngôn ngữ văn hoá được thể hiện qua cách phát âm của người dân nơi đây.

2. Từ ngữ địa phương trong thơ ca dân gian Nam Bộ với các dạng biến thể ngữ âm

Để tìm hiểu các dạng biến thể ngữ âm, chúng tôi tiến hành khảo sát vốn từ địa phương có trong các tác phẩm chính là Ca dao dân ca Nam Bộ [TL1], Ca dao dân ca Nam Kì lục tỉnh [TL2] và Ca dao dân ca đồng bằng sông Cửu Long [TL3].

Qua các tư liệu, chúng tôi thống kê được 259 từ địa phương có hiện tượng tương ứng ngữ âm với từ toàn dân. Đối chiếu với từ toàn dân, lớp từ này có sự biến đổi ngữ âm diễn ra ở nhiều bộ phận của từ, cụ thể: phụ âm đầu, vần, thanh điệu và biến thể nhiều hơn một bộ phận của âm tiết. Kết quả phân loại các nhóm được thể hiện ở bảng sau:

Bảng phân loại lớp từ biến thể ngữ âm

Lớp từ biến âmBiến thể âm đầuBiến thể vầnBiến thể thanh điệuBiến thể hơn một bộ phận của âm tiếtTổng
Số lượng46196134259
Tỉ lệ %17,875,75,01,5100

Qua bảng thống kê, chúng ta có thể thấy, số lượng từ biến âm giữa các lớp từ có sự chênh lệch rất rõ, trong đó, lớp từ biến âm ở phần vần có số lượng từ nhiều nhất là 196 từ [chiếm 75, 7%], lớp từ biến âm nhiều hơn một bộ phận âm tiết có số lượng từ ít nhất là 4 từ [chiếm 1, 5%]. Hai lớp từ còn lại chiếm số lượng từ không nhiều. Tuy nhiên, xét về biểu hiện cụ thể, trong sự so sánh với từ toàn dân, mỗi loại từ lại có sự thể hiện rất phong phú. Điều này cho chúng ta thấy sự đa dạng của các lớp từ trong TCDGNB không chỉ thể hiện trên phương diện ngữ âm mà còn cho thấy sự đa dạng về biểu hiện ngôn ngữ văn hoá trong cách phát âm của người dân nơi đây.

2.1. Hiện tượng biến thể phụ âm đầu

Trong TCDGNB, chúng tôi thống kê được 46 từ biến thể phụ âm đầu tương ứng ngữ âm với từ toàn dân [chiếm 17,8%]. Đó là các từ có sự tương ứng với các từ toàn dân thể hiện chủ yếu ở các cặp phụ âm sau:

+ s/ x: sui gia/ xui gia, sút/ xút, sá chi/ xá chi, xài/ sài,

+ r/ d/ gi: rộp/ dộp, rấp cá/ dấp cá/ giấp cá/ rương/ giương,

+ tr/ ch: trăn trối/ chăng chối, trùn/ chùn,

Đây là các hiện tượng biến âm mà người địa phương Nam Bộ sử dụng quen thuộc và có sự đồng nhất hoá rất cao. Trong quá trình giao tiếp, chúng ta có thể nhận thấy bất kì một người dân nào nơi đây cũng có thể phát âm các từ mà không phân biệt: s/x, r/d/gi, tr/ch. Điều này cho thấy, trong cách cấu âm, người dân Nam Bộ không có thói quen cấu âm bằng đầu lưỡi quặt [s, r, tr] mà thường cấu âm bằng mặt lưỡi [x, d/gi, ch]. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Nam Bộ có xu hướng phát âm mặt lưỡi như vậy mà đặc điểm chung của các âm này là thường phát âm nhẹ nên tạo ra cảm giác dễ nghe và nghe êm tai.

Làm giàn cho bí leo chơi,

Chẳng may bí dộp, mồng tơi leo cùng.

[5; 418]

Ngoài các hiện tượng biến thể phổ biến như trên, so với ngôn ngữ toàn dân, hiện tượng biến thể phụ âm đầu trong TCDGNB còn thể hiện rất đa dạng như: dĩa/ đĩa [d/đ]; khảy/ gảy [kh/g]; lạt/nhạt [l/nh]; nhành/ cành [nh/c]; vắn/ ngắn [v/ng]; thẹo/ sẹo [th/s],

Ở bên Phiên lấy chồng bên Tống,

Tay cầm dùi trống miệng thổi ống tiêu, tay khảy đờn liêu.

[4; 352]

Thương nhau đêm vắn tình dài,

Ghét nhau đừng có nhợt phai tấc lòng.

[11; 128]

Điều này chứng tỏ rằng trong PNNB, ngoài các trường hợp điển hình thì các phụ âm đầu còn có sự biến đổi rất phong phú và phức tạp. Do đó, nếu một người ở phương ngữ khác khi nghe người Nam Bộ phát âm sẽ rất khó nghe và khó hiểu, mặc dầu nghĩa của chúng giống nhau. Sự khó hiểu này còn thể hiện ở chỗ nhiều từ biến âm của PNNB bên cạnh việc mang nghĩa chung với từ toàn dân thì chúng còn mang những sắc thái nghĩa riêng trong cách sử dụng ở các tình huống cụ thể. Chẳng hạn:

Lạt nhạt là biến thể ngữ âm của nhau theo quy luật l/nh và cũng có những nghĩa giống nhau. Từ điển từ ngữ Nam Bộ [60; tr. 705] giải thích: lạt [nhạt] có bốn nghĩa: 1. Có hàm lượng muối ít, có độ mặn thấp so với khẩu vị; 2. [rượu] Có nồng độ không được cao, ý nói rượu không ngon; 3. Không đậm bằng màu bình thường; 4. Không còn nồng ấm mặn mà. Trong phương ngữ Trung Bộ và Nam Trung Bộ cũng có từ biến âm lạt. Ở các phương ngữ này, ngoài những nghĩa trên, chúng còn có ý nghĩa nhằm chỉ trạng thái của lưỡi cảm nhận không bình thường do bị bệnh. PNNB cũng có nghĩa này. Ngoài ra, từ biến âm lạt ở đây còn có nghĩa riêng nhằm chỉ cảm giác của lưỡi [vị giác] khi muốn ăn một thứ gì đó hoặc chỉ độ mặn của thức ăn, thức uống:

Tới đây lạt miệng thèm chanh,

Ở nhà cũng có cam sành chín cây.

[11; 117]

Thông thường, trong một số trường hợp, các từ biến âm của nhau thì có thể thay thế cho nhau.Tuy nhiên, trong bài ca dao trên, các tác giả dân gian không sử dụng từ nhạt mà sử dụng từ lạt vìchỉ có từ lạt mới mang sắc thái nghĩa chỉ cảm giác của lưỡi mà từ nhạt không thể thay thế được. Do đó, từ lạt là từ rất quen thuộc và nó trở thành thói quen trong hầu hết mọi tình huống giao tiếp của người dân Nam Bộ.

2.2. Hiện tượng biến thể phần vần

Biến thể ở phần vần được thể hiện ở các bộ phận như: biến thể ở âm chính, biến thể ở âm cuối hoặc biến thể ở cả âm chính và âm cuối. Trong các sáng tác TCDGNB, hiện tượng biến âm ở bộ phận vần có số lượng nhiều nhất với 196 từ [chiếm 75,7%].

Hiện tượng biến thể ở phần vần thể hiện trước hết là các từ có biến thể ở âm chính. Trong âm chính lại được chia thành hai dạng biến thể. Trước hết là dạng biến thể giữa nguyên âm đơn với nguyên âm đơn như: ba sanh/ ba sinh [a/i]; chánh/ chính [a/i]; bực/ bậc [ư/â]; bình bồng/ bềnh bồng [i/ê]; đờn/ đàn [ơ/a]; nộp tài/ nạp tài [ô/a]; thơ/ thư [ơ/ư]; Dạng biến âm này thể hiện đặc trưng rất riêng trong cách phát âm của người dân Nam Bộ:

Lỗi căn duyên như đờn lỗi nhịp,

Biết bao giờ cho hiệp phụng loan.

[4; 311]

Nước lên khỏi bực tràn bờ.

Thương thì thương vậy, biết chờ đặng không?

[11; 292]

Biến thể còn diễn ra giữa nguyên âm đơn với nguyên âm đôi: hường/ hồng [ươ/ô]; thiệt/ thật [iê/â]; hiệp/ hợp [iê/ơ]; đươn/ đan [ươ/a]; phụng/ phượng [u/ươ];

Chèo mau để thiếp gặp chàng,

Hai ta hiệp lại cho thành một đôi.

[5; 361]

Thương chi thương cũng uổng công,

Chừng nào thiệt vợ thiệt chồng hãy thương.

[4; 388]

So sánh quan hệ tương ứng về ngữ âm với ngôn ngữ toàn dân, vốn từ địa phương trong TCDGNB không chỉ có một dạng thức từ ngữ cùng tương ứng với một đơn vị từ ngữ toàn dân mà còn có hiện tượng hai hoặc ba đơn vị từ địa phương cùng tương ứng với một đơn vị từ toàn dân, nghĩa là bên cạnh quan hệ tương ứng 1/1, còn có quan hệ đối ứng 1/ hơn 1. Trong các sáng tác TCDGNB, chúng ta vẫn thường bắt gặp các đơn vị từ tương ứng theo quan hệ 1/1 rất quen thuộc như: bực bậc; dưng dâng; đươn đan; gành gềnh; Đây là loại biến thể chiếm số lượng rất lớn [chiếm 94,5% số lượng từ biến âm]. Số lượng từ có quan hệ đối ứng 1/ hơn 1 chiếm số lượng ít hơn. Nhưng đây lại là loại biến thể đặc biệt bởi chúng rất hiếm gặp vì có từ hai đơn vị biến thể trở lên có cùng một ý nghĩa tương ứng với một từ trong ngôn ngữ toàn dân như: chơn chưn chân; doan dươn duyên; dìa vìa về; hạp hiệp hợp; ngãi ngỡi nghĩa; Tuy sự tương ứng đa dạng như vậy nhưng tất cả đều nằm trong quy luật biến đổi ngữ âm của tiếng Việt trong lịch sử. Chính vì vậy, các trường hợp biến thể ngữ âm như vừa miêu tả ít nhiều có giá trị đối với nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt.

Hiện tượng biến thể phần vần của từ địa phương Nam Bộ trong thơ ca dân gian còn thể hiện rõ nét ở phụ âm cuối. Trước hết là hiện tượng biến âm điển hình mang đặc trưng trong cách phát âm của người Nam Bộ không phân biệt n/ng và t/c: kéc/ két; phứt/ phức/phắt; rặt ròng/ rặc ròng; lăn líu/ lăng líu; lươn khươn/ lương khương; Các trường hợp biến âm này trong PNNB là có quy luật. Nghĩa là bất kì một âm tiết nào có âm cuối được cấu âm bằng đầu lưỡi răng là n hoặc c thì đều được người dân nơi đây chuyển thành cấu âm cuối lưỡi là ng và c. Trong đó có những trường hợp từ địa phương biến âm của từ toàn dân và có trường hợp hai từ địa phương là biến âm của nhau. Đó là một nét đặc trưng mang sắc thái vùng miền rất rõ.

Chim quyên lăn líu nhành dâu,

Đêm nằm thăm thẳm canh thâu nhớ chàng.

[4; 345]

Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời,

Nội Nam Kì lục tỉnh, có mấy cây cầu, anh biết không?

Thấy em hỏi tức, anh đáp phức cho thông:

Nội Nam Kì lục tỉnh, có bảy cây cầu:

Cầu Phú, cầu Quới, cầu Ninh, cầu Lợi, cầu Tiền.

Cầu cho cha mẹ song tuyền,

Cầu cho anh với bạn kết nguyền trăm năm.

[5; 457]

Bên cạnh đó, các tác giả dân gian còn cho thấy trong cách phát âm của họ, các âm cuối không chỉ đơn thuần là một số âm điển hình như đã miêu tả mà còn có nhiều trường hợp biến âm khác như: chun/ chui [n/i]; mảng/ mải [ng/i]; mu soa/ mùi soa [?/i]; Các trường hợp này lại không cùng một hệ thống vì nó xảy ra giữa các âm cuối là bán nguyên âm và phụ âm. Tuy nhiên, các từ biến âm này cũng góp phần không nhỏ trong việc thể hiện bản sắc riêng trong cách phát âm của người Việt ở vùng đất Nam Bộ.

Ngoài các hiện tượng biến thể trên, từ địa phương trong TCDGNB còn thể hiện qua dạng biến thể ở âm đệm âm chính, âm chính âm cuối, hoặc cả âm đệm âm chính âm cuối: công bình/ công bằng [inh/ăng]; doan/ dươn/ duyên [oa/ươ/uyê]; rây/ rơi [ây/ơi];

Như vậy, sự khác biệt về ngữ âm trong các trường hợp này không chỉ khẳng định sự đa dạng trong cách phát âm của người dân Nam Bộ mà còn cho chúng ta thấy con người nơi đây còn lưu giữ những giá trị ngôn ngữ văn hoá của tiếng Việt lịch sử.

2.3. Hiện tượng biến thể thanh điệu

Đặc trưng chung của hệ thống thanh điệu trong PNNB thể hiện chủ yếu ở thanh hỏi và thanh ngã. Có nghĩa là người dân nơi đây chỉ phát âm thanh hỏi và do đó khi chúng ta nghe sẽ rất khó để phân biệt được đó là thanh hỏi hay thanh ngã. Tuy nhiên, trong TCDGNB, sự trùng lặp về hai thanh điệu này lại xuất hiện không nhiều: chổ/ chỗ; kỉ/ kĩ; lẩn đẩn/ lẫn đẫn; mảng cầu/ mãng cầu; Điều này cho chúng ta thấy các tác giả dân gian nơi đây đã rất ý thức trau chuốt về mặt ngữ âm.

Ngoài ra, hiện tượng biến âm trong TCDGNB còn được thể hiện ở các nhóm thanh điệu khác như: bợ ngợ/ bỡ ngỡ [. / ~]; dọ/ dò [. / \]; vầy/ vậy [\ /.];

Đang đi bợ ngợ giữa đàng,

Ngãi nhơn cũng tiếc, bạc vàng cũng thương.

[11; 52]

Điển hình trong cách phát âm của người dân Nam Bộ còn thể hiện ở chỗ các từ biến âm rútgọn từ các cụm từ ở ngôi thứ ba: ổng/ ông ấy, bả/ bà ấy, chỉ/ chị ấy, trển/ trên ấy, ngoải/ ngoài ấy,trỏng/ trong ấy, bển/ bên ấy, Đây là những từ được người dân Nam Bộ sử dụng phổ biến gắn liền với những tình cảm thân thuộc trong lời ăn tiếng nói hằng ngày:

Hồi hôm tôi có lại đình,

Ông thần ổng biểu hai đứa mình kết đôi.

[5, 278]

Anh về ở trển an bài,

Cháo cơm qua bữa ít ngày em ghé thăm.

[4; 174]

Từ các hiện tượng trên ta thấy, điều đáng chú ý ở đây là ngoài những từ có sự tương ứng thanh điệu giữa thanh hỏi và thanh ngã thì trong TCDGNB ta còn bắt gặp các từ có sự tương ứng ngữ âm ở các thanh điệu khác. Sự tương ứng này bên cạnh việc tạo ra sắc thái địa phương thì nó còn cho chúng ta thấy sự dân dã trong cách nói năng của người dân nơi đây. Như vậy, sự biến đổi thanh điệu trong PNNB diễn ra phức tạp hơn nhiều chứ không chỉ là ở hiện tượng có tính nhất loạt xảy ra ở thanh ngã.

2.4. Hiện tượng biến thể nhiều hơn một bộ phận của âm tiết

Trong PNNB, lớp từ biến âm còn có hiện tượng biến thể ở nhiều hơn một bộ phận của âm tiết như: ghiền/ nghiện; hẩng hờ/ hững hờ; nghe/ nhé; Các từ biến thể loại này chiếm số lượng ít nhất trong các nhóm từ. Tuy nhiên, chúng cũng góp phần không nhỏ trong việc thể hiện đặc trưng ngôn ngữ văn hoá của từ địa phương Nam Bộ.

Trường hợp nghe và nhé là một điển hình. Nghe và nhé là những tình thái từ, trong đó nhé là từ toàn dân và nghe là biến âm của nhé trong PNNB. Từ này được dùng rộng rãi và khá phổ biến ở Nam Bộ. Nghe còn có biến thể ngữ âm là nghen, nhen và được dùng chủ yếu để dặn dò hay nhắc nhở một điều gì đó. Đặc điểm của tình thái từ này là khi đi kèm với ngữ điệu thì sắc thái biểu cảm được thể hiện ở mức độ cao.

Ví dụ: Em nhớ học bài nghe!

Trong TCDGNB, từ nghe cũng được dùng với sắc thái biểu cảm mang đặc trưng Nam Bộ rất rõ:

Tới đây xứ sở của người,

Tứ bề nhẫn nhục, em đừng cười anh nghe!

[5; 467]

3. Kết luận

Như vậy, hiện tượng biến âm của PNNB tạo nên sự khác biệt về hình thức so với từ toàn dân. Tuy nhiên, sự khác nhau của vỏ ngữ âm là không đáng kể và chủ yếu là ở một bộ phận nhất định nào đó của âm tiết. Những đặc trưng riêng của từ địa phương Nam Bộ trong TCDG đã được chúng tôi chứng minh qua 4 loại biến thể ngữ âm: âm đầu, vần, thanh điệu và nhiều hơn một bộ phận của âm tiết. Ở mỗi loại biến thể ngữ âm lại có những đặc trưng riêng không thể nhầm lẫn với các vùng phương ngữ khác cũng như với ngôn ngữ toàn dân. Đồng thời, các hiện tượng ngữ âm của từ như đã phân tích ở trên là một nguyên do không thể phủ nhận về cội nguồn lịch sử của các hình thức ngữ âm tiếng Việt diễn ra trong lịch sử PNNB. Sự xuất hiện nhiều về số lượng các loại biến thể ngữ âm trong các sáng tác TCDGNB cho thấy diện mạo và đặc trưng riêng của lớp từ địa phương trong PNNB. Mặt khác, sự biến đổi trên cũng cho ta thấy ngôn ngữ trong TCDGNB là sự phản ánh sinh động ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của người Nam Bộ.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Ái, Sổ tay phương ngữ Nam Bộ, NXB Cửu Long, 1987.

2. Hoàng Trọng Canh, Từ địa phương Nghệ Tĩnh, về một khía cạnh ngôn ngữ văn hoá, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009.

3. Hoàng Thị Châu, Phương ngữ học tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004.

4. Bảo Định Giang [chủ biên], Ca dao dân ca Nam Bộ, NXB TP Hồ Chí Minh, 1984.

5. Khoa Ngữ văn Đại học Cần Thơ, Ca dao dân ca, Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997.

6. Trần Thị Ngọc Lang, Phương ngữ Nam Bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.

7. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2000.

8. Trần Ngọc Thêm [chủ biên], Văn hoá người Việt vùng Tây Nam Bộ, NXB Văn hoá Văn nghệ, 2013.

9. Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007.

10. Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt [Trong sự so sánh với những dân tộc khác], NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2002.

11. Huỳnh Ngọc Trảng, Ca dao dân ca Nam Kì lục tỉnh, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2006.

Sự GIAO THOA VĂN HÓA đầu thế kỷ XX qua trường hợp NHÓM HÀN THUYÊN [Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,]

05/02/2020 Chức năng bình luận bị tắt ở Sự GIAO THOA VĂN HÓA đầu thế kỷ XX qua trường hợp NHÓM HÀN THUYÊN [Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,]

Văn hóa Việt Nam hiện nay một mặt luôn giữ gìn những tinh hoa truyền thống của dân tộc, một mặt vẫn có sự tiếp biến giao lưu với văn hóa khu vực và quốc tế. Vậy sự tiếp biến đó bắt đầu từ khi nào? Nó thăng hoa vào giai đoạn nào? Lịch sử dân tộc trải qua nhiều biến cố thăng trầm, song hành với những biến cố đó là nhiều sự dịch chuyển của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong đó, giai đoạn đầu thế kỷ XX từ 1930 đến 1945 có thể xem là thời kỳ có nhiều thay đổi lớn với sự du nhập của nhiều luồng tư tưởng khác nhau trong xã hội.

Video liên quan

Chủ Đề