Tại sao tiền điện tăng gấp đôi

Công nhân Công ty Điện lực Gò Vấp ghi điện tại một nhà dân trên đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhiều hộ sử dụng điện liên tục phản ảnh tình trạng tiền điện tăng đột biến mà "không hiểu lý do vì sao". Anh Tuấn [Thanh Xuân, Hà Nội] cho biết từ ngày 15-4 đến 14-5, gia đình anh sử dụng 623 kWh với tổng số tiền thanh toán 1,6 triệu đồng. Thế nhưng từ ngày 15-5 đến 14-6, lượng tiêu thụ điện của gia đình anh đột ngột tăng lên tới 1.111 kWh, tổng số tiền thanh toán là 3,2 triệu đồng.

Đóng cửa hàng 20 ngày, tiền điện vẫn tăng!

Anh Nam [Thanh Hóa] đang kinh doanh hàng ăn cho biết liên tiếp nhận bất ngờ khi cầm hóa đơn tiền điện. Trong tháng 4 khi thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 15-4, anh Nam phải đóng cửa hàng ăn uống tới 20 ngày, dừng hết hoạt động. Thế nhưng khi kiểm tra hóa đơn, số tiền điện anh phải thanh toán của tháng [được tính vào tháng 5] cũng tương đương với tháng trước.

Cụ thể, lượng điện tiêu thụ trong tháng 5 của hai côngtơ là 567 kWh và 456 kWh với tổng số tiền điện phải thanh toán lên tới 2,8 triệu đồng. Đây là số không có nhiều chênh lệch so với tháng trước là 555 kWh và 379 kWh, với tổng số tiền phải thanh toán là hơn 2,7 triệu đồng. 

"Tôi băn khoăn là nghỉ tới 20 ngày mà tiền điện vẫn không thay đổi, trong khi các thiết bị tiêu tốn điện như tủ lạnh, điều hòa, tủ mát... đều không sử dụng" - anh Nam nói và nêu thêm bất ngờ là vừa nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng gấp đôi so với tháng 5.

Trước những bức xúc của người dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam [EVN] cho rằng việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài. "Đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao. Đó là chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao nên tiền điện tăng" - EVN giải thích.

Không đồng tình với EVN

Phần lớn người dân không đồng tình với phản hồi, giải thích của EVN. Anh Tuấn cho rằng nếu so sánh với cùng kỳ thời gian năm trước [cũng là lúc nắng nóng kỷ lục], gia đình anh sử dụng hết 567 kWh điện với tổng số tiền thanh toán 1,8 triệu đồng. Trong khi năm nay số tiền phải thanh toán tăng gấp đôi. Đó là chưa kể việc gia đình anh Tuấn cũng được giảm tiền điện và con anh vẫn đi học hằng ngày ở trường do dịch COVID-19. 

"Chúng tôi có 2 côngtơ điện, trong đó 1 côngtơ chỉ dùng cho điều hòa, thời gian này chỉ bật buổi tối, chưa bao giờ lên tới 1.000 số. Do đó tôi rất thắc mắc không hiểu vì lý do gì mà tiền điện tăng cao như vậy" - anh Tuấn bức xúc.

Một chuyên gia trong ngành điện cho hay việc khách hàng bức xúc về hóa đơn tiền điện tăng sốc có nguyên nhân từ việc ngành điện đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Đó là cách tính không còn phù hợp. Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc [bậc cao nhất là 401 kWh].

"Do đó nếu khách hàng sử dụng lượng điện từ bậc 6 trở lên phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh. Chính bởi điều này mà hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho việc sửa biểu giá tính tiền điện" - vị chuyên gia giải thích.

Cùng chung ý kiến, GS Trần Đình Long - phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng cần phải sửa ngay biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Bởi biểu giá này đang bộc lộ quá nhiều bất cập. Ông dẫn chứng: hiện EVN đang áp dụng biểu giá 6 bậc, trong đó hai bậc đầu là từ 0-50 kWh và 50-100 kWh, thì sự khác biệt không có nhiều. Số lượng hộ gia đình tiêu thụ điện dưới 100 kWh cũng không lớn. 

Ngoài ra việc EVN áp dụng biểu giá bán lẻ điện đến 6 bậc thang là rất phức tạp. Chưa kể, mức tính tiền điện lũy tiến của EVN như hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Bùi Xuân Hồi - Đại học Bách Khoa, người thực hiện việc xây dựng đề án sửa biểu giá điện - cho hay cần phải sửa biểu giá điện ngay vì nó bộc lộ rõ nhiều bất cập. Theo ông Hồi, các bậc sử dụng điện liên tục thay đổi theo nhu cầu và quy mô của người tiêu dùng, nên trong xây dựng chính sách giá điện thì việc hoàn thiện cơ cấu biểu giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng là trách nhiệm người ban hành giá.

"Đề án sửa biểu giá điện đã được công bố từ tháng 10-2019. Thế nhưng mãi sau đó Bộ Công thương mới xây dựng, trình Chính phủ và lại tiếp tục xin hoãn vì dịch COVID-19. Tôi cho rằng việc sửa đổi biểu giá điện cần phải thực hiện sớm hơn và phù hợp hơn" - ông Hồi nói.

3,1 triệu khách hàng có mức dùng điện tăng 30%

Theo EVN, có tới hơn hơn 3,1 triệu khách hàng trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước [tương đương khoảng 11,92%] có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4-2020.

Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

EVN giảm 3.533 tỉ đồng tiền điện cho hơn 26 triệu khách hàng

NGỌC AN

Nếu hóa đơn tăng cao, người dân có thể phản ánh tới EVN và đề nghị kiểm tra độc lập côngtơ điện - Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo ngành điện, hóa đơn tiền điện thời gian tới có thể tiếp tục tăng tại miền Trung và miền Bắc khi rơi vào cao điểm nắng nóng.

Hơn 40% khách hàng "nhảy" bậc giá cao

Gia đình ông Phong, ngụ Q.7 [TP.HCM] đã nhận được hóa đơn tiền điện tháng 5 với số điện năng tiêu thụ 749kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay. Tiền điện phải trả gần 2,3 triệu đồng. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm ông Phong chỉ trả tiền điện mỗi tháng chừng 1 triệu đồng. 

Ông Phong băn khoăn tháng 5 số tiền điện tăng lên gần 130% dù chỉ số điện chỉ tăng chưa đến gấp đôi.

Đối chiếu chỉ số tiêu thụ mỗi ngày qua app, ông Phong phát hiện trong các tháng trước gia đình ông vượt lên bậc 6 chỉ vài số điện, trong khi tháng 5 số điện được tính ở mức giá cao này lên đến 394kWh. Riêng số tiền mà ông phải trả cho bậc 6 đã hơn 1,1 triệu đồng.

Tuy vậy, theo biểu đồ dùng điện hằng năm, phải đến kỳ tháng 6 gia đình ông Phong mới sử dụng điện đạt đỉnh với số tiền năm ngoái đạt ngưỡng gần 2,6 triệu đồng.

Tương tự, ông Trịnh Văn Kiên [ngụ Q.12] cũng cho biết tháng 4 gia đình ông nhận được hóa đơn tiền điện tăng cao. Theo ông Kiên, gia đình ông không lắp thêm thiết bị mới nhưng tiền điện tháng 4 vọt lên 1,5 triệu đồng, trong khi tháng 3 chỉ hơn 1 triệu đồng.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM [EVNHCMC] - cho biết trong mùa nắng nóng, người dân tiêu thụ điện nhiều hơn dẫn đến hơn 880.000 khách hàng trên địa bàn TP có hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng trên 1,3 lần so với tháng trước và 220.000 khách hàng có hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng trên 1,3 lần so với tháng 4. Trong đó, có đến 41,52% khách hàng sinh hoạt tại TP.HCM "nhảy" sang điện ở bậc thang giá cao từ bậc 5 trở lên [giá từ 2.834 - 2.927 đồng/kWh].

Nguyên nhân gộp làm tăng tiền điện

Số liệu thống kê của EVNHCMC cho thấy từ cuối tháng 4 đến nay, sản lượng điện tiêu thụ của TP duy trì ở mức cao, có thời điểm đạt 90,69 triệu kWh/ngày, vượt mốc kỷ lục vào tháng 4-2019. Bên cạnh đó, lượng điện tiêu thụ theo tuần từ ngày 10 đến 16-5 cũng cao nhất từ trước đến nay, bằng 153% bình quân tuần của tháng 2.

EVNHCMC cho hay việc tiêu thụ điện đạt mốc kỷ lục cộng với yếu tố "nhảy" bậc theo thang giá điện là nguyên nhân gộp khiến cho tiền điện các kỳ tháng 4, 5 tăng cao so với kỳ tháng 3. Trong đó, EVNHCMC cho biết các trường hợp tiêu thụ từ dưới 200 kWh/tháng đã tăng lên trên 200kWh/tháng ứng với các bậc thang giá cao từ bậc 4 - 6 có mức tăng hơn 150% với bậc 1.

Ông Bùi Trung Kiên cho biết thời tiết nắng nóng dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao. Trong đó, tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Theo ông Kiên, khi điện năng tiêu thụ tăng, kết hợp với cách giá điện tính theo bậc thang hiện hành khiến cho tiền điện của người dân càng tăng cao.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN [EVN], cũng cho hay cao điểm nắng nóng nên mức độ tiêu thụ điện tăng cao, nhiều khách hàng có chỉ số điện "nhảy" sang các bậc thang giá cao hơn dẫn đến hóa đơn tiền điện cũng tăng cao. 

Dù người dân sử dụng điện nhảy bậc tăng mạnh trong mùa nắng nóng song ông Lâm cho hay số lượng khách hàng dùng dưới 200kWh/tháng [từ bậc 1 đến bậc 3] chiếm đến 67%, còn số lượng người dân dùng trên 200kWh/tháng [bậc 3 đến bậc 6] chỉ chiếm 33%, tức chỉ bằng 1/3 trên tổng số 28 triệu khách hàng của EVN.

Nhanh chóng giảm số bậc thang lũy tiến

Từ năm 2020, Bộ Công thương đã đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng giảm số bậc hoặc áp dụng còn 5 thay vì 6 bậc như hiện hành, song đến nay các đề xuất này vẫn chưa có tiến triển.

TS Nguyễn Phúc Khải, phó chủ nhiệm bộ môn điện - điện tử [Trường ĐH Bách khoa TP.HCM] - cho rằng phải tính toán thời điểm để duy trì các bậc thang hợp lý hơn với mức 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay.

Ông Trần Đình Long, phó chủ tịch Hội Điện lực VN, cũng đồng tình cần thiết giảm bậc thang giá điện sinh hoạt. Bộ Công thương có đề xuất thay đổi là gộp 2 bậc đầu lại thành 5 bậc, song ông Long cho rằng thực ra không thay đổi gì nhiều.

Do đó, ông Long đề xuất chỉ duy trì 3 bậc với tiêu chí tổng doanh thu của EVN về điện thương phẩm không thay đổi. Theo ông Long, các chuyên gia tâm huyết rất nhiều lần đề xuất cần định kỳ 6 tháng xem xét lại giá điện để điều chỉnh và Bộ Công thương cần lắng nghe để giá điện có tăng, có giảm. "Việc điều chỉnh giá điện cứ ghìm lại, giữ lại càng lâu thì khi điều chỉnh càng đột biến. Nếu thay đổi giá thường xuyên, bước nhảy sẽ dễ chấp nhận hơn" - ông Long nhấn mạnh.

Ông Võ Quang Lâm cho hay việc xây dựng và ban hành biểu giá điện bán lẻ thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương và bộ đã xây dựng các phương án điều chỉnh, lấy ý kiến rộng rãi từ 2020, song do dịch COVID-19 nên tạm dừng lấy ý kiến. Theo ông Lâm, trước mắt vẫn phải duy trì biểu giá điện bán lẻ điện sinh hoạt theo 6 bậc.

Đã giảm ghi sai chỉ số

Ông Võ Quang Lâm cho biết năm ngoái côngtơ điện tử trên cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 52 - 54%, song đến nay số lượng côngtơ điện tử đã chiếm hơn 60%, riêng một số đơn vị tại TP.HCM, miền Trung và Hà Nội có số lượng côngtơ điện tử đã chiếm trên 90%. Do đó, việc ghi sai chỉ số đã giảm đáng kể.

Với việc lắp đặt côngtơ điện tử, ông Lâm khẳng định người dân có thể xem chỉ số thông qua các ứng dụng của ngành điện, giám sát lượng điện sử dụng điện hằng ngày để điều chỉnh mức sử dụng, giúp minh bạch chỉ số điện.

Ngoài ra, EVN cũng đã nghiên cứu mô hình các nước tiên tiến và cung cấp công cụ trực tuyến để người dân có thể tính toán, ước lượng sản lượng điện tiêu thụ so với thực tế tại //uoctinhdiennang.evn.com.vn.

Nhà đèn đưa cảnh báo theo dõi, không lo tiền điện tăng đột biến

NGỌC HIỂN

Video liên quan

Chủ Đề