Thân ngũ ấm là gì


Cập nhật, ngày 31/3/2020
Dẫn Nhập
Khi mới bước vào học kinh phật, chúng ta thường được nghe bài giảng đầu tiên về sự vô thường của tạo hóa, và 5 yếu tố để hợp thành con ngườ mà kinh phật gọi là 5 Ấm [Uẩn]. Có thể ai đó chỉ cần một ngày hay một tuần là hiểu ngay 5 ấm ấy là gì và sợi dây ràng buộc chúng trong sự cộng hưởng giữa con người và tự nhiên. Nhưng riêng chúng tôi thì mãi loay hoay trong những cụm từ "Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Lục nhập, Lục Trần, và Lục Thức", cũng như mối liên hệ của nó và sự nhận thức của con người; chỉ bấy nhiêu thôi mà phải mất hơn ... 1 năm trời!
Thân tứ đại và Ngũ Ấm, là bài học cơ bản để chúng ta bước vào thế giới của Đạo Phật, và cũng chỉ những cụm từ đơn giản như vừa kể trên, chúng ta sẻ đi theo nó cho đến trạm dừng chân cuối cùng của cuộc đời.

Ảnh Minh Họa - Nguồn: Twitter

II. Thân Tứ Đại Và 5 Ấm
Triết lý đạo phật nói rằng, thân con người là do duyên hợp của Danh và Sắc:
Sắc Thuộc về vật chất, là sự hợp thành của tứ đại và sắc do tứ đại hợp thành:
Tứ đại: Địa [Đất], Thủy [Nước], Phong [Gió], Hỏa [Lửa].
Đặc tính:
- Địa "chất rắn": Xương, da, tóc, lông của con người; các vật thể ở trạng thái rắn trong tự nhiên;
- Thủy "chất lỏng": Máu, mủ, dịch bên trong cơ thể con người; nước, không khí bên ngoài tự nhiên;
- Hỏa "hơi ấm": Nhiệt độ trong và ngoài cơ thể;
- Phong "chất khí": Hơi thở của con người, gió ở ngoài tự nhiên
Danh Thuộc về tinh thần, là sự hợp thành của: Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Tư Uẩn [Hành Uẩn], Xúc và Tác ý

Lời kinh:Chư Hiền, thế nào là danh sắc, thế nào là tập khởi của danh sắc, thế nào là đoạn diệt của danh sắc, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của danh sắc?
Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý, chư Hiền, như vậy gọi là danh; bốn đại và sắc do bốn đại tạo thành, chư Hiền, như vậy gọi là sắc
Danh, Sắc- Trung Bộ Kinh
Vậy câu hỏi ở đây là: Danh sắc từ đâu mà có?
Phật ngôn: "Thức duyên cho Danh sắc"

Thân Tứ Đại
Chư Hiền, thế nào là sắc uẩn? Bốn đại và sắc khởi lên từ bốn đại. Chư Hiền, thế nào là bốn đại? Chính là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới. Đầu tiên là nhóm tập hợp về vật chất hay Uẩn về sắc, được gọi là Sắc Uẩn [Rupa-khandha].
[Ðịa giới]
Chư Hiền, thế nào là địa giới? Có nội địa giới, có ngoại địa giới. Chư Hiền, thế nào là nội địa giới? Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thô phù, kiên cứng, bị chấp thủ, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thô phù, kiên cứng, bị chấp thủ. Chư Hiền, như vậy gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới. Cần phải như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với địa giới, tâm từ bỏ địa giới.
[Thủy giới]
Chư Hiền, thế nào là thủy giới? Có nội thủy giới, có ngoại thủy giới. Chư Hiền thế nào là nội thủy giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ, như mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ. Chư Hiền, như vậy gọi là nội thủy giới. Những gì thuộc nội thủy giới và những gì thuộc ngoại thủy giới, đều thuộc về thủy giới. Cần phải như thật quán sát thủy giới với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát thủy giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với thủy giới, tâm từ bỏ thủy giới.
[Hỏa giới]
Chư Hiền, thế nào là hỏa giới? Có nội hỏa giới, có ngoại hỏa giới. Chư Hiền, thế nào là nội hỏa giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc về cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ. Như cái gì khiến cho hâm nóng, khiến cho hủy hoại, khiến cho thiêu cháy; cái gì khiến cho những vật được ăn uống, nhai, nếm, có thể khéo tiêu hóa, hay tất cả những vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ. Chư Hiền, như vậy gọi là nội hỏa giới. Những gì thuộc nội hỏa giới và những gì thuộc ngoại hỏa giới, đều thuộc về hỏa giới. Cần phải như thật quán sát hỏa giới với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi như thật quán sát hỏa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với hỏa giới, tâm từ bỏ hỏa giới.
[Phong giới]
Chư Hiền, thế nào là phong giới? Có nội phong giới, có ngoại phong giới. Chư Hiền, thế nào là nội phong giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc động tánh, bị chấp thủ, như gió thổi lên, gió thổi xuống, gió trong ruột, gió trong bụng dưới, gió thổi ngang các chi tiết [tay chân], hơi thở vô, hơi thở ra, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ. Chư Hiền, như vậy gọi là nội phong giới. Những gì thuộc nội phong giới và những gì thuộc ngoại phong giới đều thuộc về phong giới. Cần phải như thật quán sát phong giới với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Sau khi thấy như thật phong giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với phong giới, tâm từ bỏ phong giới.
[Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya ,28. Ðại kinh Dụ dấu chân voi [Mahàhatthipadopama sutta]]

Hiểu về Địa, Thủy, Hỏa, Phong có thể tóm tắt như sau:
- Địa: Có tính rắn, hổ trợ cho sự liên kết tránh sự tác động từ bên ngoài;
- Thủy: Có tính nhu, hổ trợ cho sự liên đới không bị phân chia;
- Hỏa: Có tính ấm, hổ trợ cho sự phát triển;
- Phong: Có tính linh hoạt, khiến cho muôn vật được trưởng thành trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh.

Luận Về 5 Ấm
Trong Đại Kinh Mãn Nguyệt [Mahàpunnama Sutta] , Trung Bộ Kinh, Đức Phật định nghĩa về các Ấm [Uẩn] như sau:
- Bốn đại là nhân, này Tỷ-kheo, bốn đại là duyên được chấp nhận gọi là Sắc uẩn;
- Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là thọ uẩn;
- Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là tưởng uẩn;
- Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là hành uẩn;
- Danh sắc là nhân này Tỷ-kheo, danh sắc là duyên được chấp nhận gọi là thức uẩn.
Như Vậy:
a] SắcẤm[Uẩn]:Bất cứ pháp nào có đặc tính bị quấy nhiễu [ruppana] bởi lạnh, nóng, v.v. đều được bao gồm trong sắc uẩn [Thanh Tịnh Đạo]
Sắc ấm, Chính là do duyện hợp của Địa + Thủy + Hỏa + Phong mà thành, và cũng gồm cả những thể sắc phái sinh [upadaya-rupa] do bốn yếu tố Tứ Đại đó tạo ra.
Với con người: những thể sắc phái sinh bao gồm 5 giác quan thuộc về vật chất của chúng ta: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi Thân cùng các đối tượng của giác quan gọi là 5 trần [sắc, thanh, hương, vị, xúc].
Sắc là vô thường, chịu sự biến dạng thay đổi theo thời gian.
Lời kinh: Thế nào gọi là sắc? Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc. Bị thay đổi bởi cái gì? Bị thay đổi bởi lạnh, bị thay đổi bởi nóng, bị thay đổi bởi đói, bị thay đổi bởi khát, bị thay đổi bởi sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng và rắn. Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc.

b] Thọ Ấm [Uẩn]:Bất cứ gì có đặc tính được cảm thấy, cần được hiểu là Thọ ấm [uẩn].
Lời kinh: Thế nào gọi là thọ? Ðược cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ. Cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ phi khổ phi lạc. Ðược cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ.
Thọ ấm, chính là nhóm yếu tố tạo cho con người có một cảm giác khi các giác quanbên trong [mắt, tai, mũi, lưỡi, thân]tiếp xúc với các trần cảnh bên ngoài [sắc, thanh, hương, vị, xúc], sinh ra Thức. Từ ba pháp này [căn+trần+thức] sinh ra Xúc, từ Xúc sinh ra Thọ, đây chính là Thọ ấm.
- Lạc Thọ: Là những cảm thọ như, mừng vui, thích thú, hoan hỷ được thể hiện trên thân và tâm;
- Khổ Thọ: Đau khổ, giận hờn, oán ghét được thể hiện trên thân và tâm;
- Bất Khổ Bất Lạc Thọ: Không cảm thấy buồn, vui hay đau khổ hoặc hạnh phúc. Do vậy, "Có Trí là lạc Vô Trí là khổ".
Lời kinh:
Thưa Ni sư, có bao nhiêu thọ?
Hiền giả Visakha, có ba thọ này, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
Thưa Ni sư, thế nào là lạc thọ, thế nào là khổ thọ, thế nào là bất khổ bất lạc thọ?
- Hiền giả Visakha, cái gì được cảm thọ bởi thân hay tâm, một cách khoái lạc, khoái cảm, như vậy là lạc thọ.
- Hiền giả Visakha, cái gì được cảm thọ bởi thân hay tâm, một cách đau khổ, không khoái cảm, như vậy là khổ thọ.
- Hiền giả Visakha, cái gì được cảm thọ bởi thân hay tâm không khoái cảm, không đau khổnhư vậy là bất khổ bất lạc thọ.
- Thưa Ni sư, đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Ðối với khổ thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Ðối với bấtkhổ bất lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ?
- Hiền giả Visakha, đối với lạc thọ, cái gì trú là lạc, cái gì biến hoại là khổ.
- Ðối với khổ thọ, cái gì trú là khổ, cái gì biến hoại là lạc.
- Ðối với bất khổ bất lạc thọ, có trí là lạc, vô trí là khổ.
[Tiểu kinh Phương Quãng - Trung Bộ Kinh].
Có thể nói đây là đoạn kinh về Thọ Ấm hay nhất do đệ tử cùng thời của Đức Phật hiểu được và giãng giãi.
Chúng ta hảy giãi thích đoạn kinh này:
- Cái gì trú là lạc: Trú ở đây có nghĩa là được giử lại. Chúng ta biết rằng, năm giác quan [Thị giác, Thính giác, Vị giác, Khứu giác và Xúc giác] có các trú xứ khác nhau, có những địa phận khác nhau, và chúng không tham dự vào trú xứ và địa phận của nhau, nên đối với chúng tâm chính là nơi nghỉ và tâm thì tham dự vào địa phận của chúng.
Cái gì "trú" là lạc, cái gì "biến hoại" là khổ, cả hai đều hỏi ý kiến của "Tâm", và tâm chỉ biết thông qua Chánh niệm. Vì chánh niệm chính là sự thanh lọc tâm ý. Hành giả đừng bao giờ đánh mất chánh niệm có nghĩa là như vậy.
Người tu theo Phật giáo đứng trước các cảm thọ tâm không hề dao động: Thọ lạc không tham đắm, thọ khổ không sợ hãi, thọ bất khổ bất lạc không quan tâm, có nghĩa là gì?
- Thọ lạc không tham đắm, vì họ đã nhận ra cái lẻ vô thường của cuộc đời;
- Thọ khổ không sợ hải, vì họ không giử lại nềm đau sẳn có của riêng mình;
- Thọ bất khổ bất lạc thọ không quan tâm, vì người có trí biết cách phân biệt sự đúng sai.
Vì thế, đứng trước các khổ, lạc, tâm không hề lay động một mảy may nào. Tâm bất động nghĩa là xả lạc, xả khổ.

c] Tưởng Ấm [Uẩn]:Tưởng Uẩn là một tập hợp nhóm "tưởng" của con người bao gồm: Tưởng thức, Tưởng tri. Nói chung, Tưởng uẩn chính là sự nhận rỏ đối tượng thông qua tri giác [5 giác quan].
Nói đúng ra, tất cả những cảm xúc, cảm thọ được lĩnh hội từ thọ uẩn đều chảy vào "Ý" thì đó chính là "Tưởng".
Theo Nāgasena « Con mắt với hình sắc gặp nhau thì thần động, thần động sinh ra khổ lạc, khổ lạc sinh ra ý, ý sinh ra niệm ». Ở đây, chúng tôi hiểu rằng, tất cả những cảm xúc, cảm thọ được lĩnh hội từ thọ uẩn đề sinh ra khổ lạc, khổ lạc sinh ra ý tưởng mà đúng hơn là "tưởng".Bởi vì, sự nhận biết này còn bị dính mắc vào tham ái, dính mắc vào tham, sân, si. Cho nên mọi hiện tượng trong cuộc sống ta cảm nhận được qua tri giác, nhiều khi là tưởng [không thật].
Lời kinh:Thế nào gọi là tưởng? Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng. Nhận rõ gì?
Nhận rõ màu xanh, nhận rõ màu vàng, nhận rõ màu đỏ, nhận rõ màu trắng. Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng.
Sự nhận rỏ này nhiều khi không thật bởi vì con người vẫn còn dính mắc các lậu hoặc, chẳng hạn sự phản xạ của các ánh sáng đơn sắc, Móng cầu vồng: sắc, đỏ, tím, xanh ... trên bầu trời; hoặc tưởng người giống người...
Trong Tưởng Ấm, ta có thể chia thành hai sự nhận biết:
- Cái nhận biết không rỏ ràng như ở trên được gọi là tưởng tri,
- Cái nhận biết trong giấc mơ được gọi là tưởng thức. Tưởng thức hoạt động khi tưởng tri không có mặt. Do vậy, cái biết trong tưởng thức là cái biết trong "giấc mơ".
[Tưởng Tri - Thức Tri - Tuệ Tri]

d] HànhẤm[Uẩn]:Bất cứ gì có đặc tính tạo tác, nói chung gọi là hành uẩn. Nói chung, mọi nghiệp chướng, nghiệp thiện hay nghiệp ác đều do sự tạo tác của con người mà ra.
Lời Kinh: Thế nào gọi là hành? Làm cho hiện hành nên gọi là hành. Làm cho hiện hành sắc với sắc tánh, làm cho hiện hành thọ với thọ tánh, làm cho hiện hành tưởng với tưởng tánh, làm cho hiện hành các hành với hành tánh, làm cho hiện hành thức với thức tánh. Làm cho hiện hành [pháp] hữu vi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là các hành.
Cách hiểu làm cho hiện hành pháp hửu vi, phải được hiểu như sau:
-Hành ở bên ngoài chính là hành tạo nghiệp Nghiệp ác hoặc nghiệp thiện;
- Hành ở bên trong chính là hành trao đổi chất Sự tác ý
Ví dụ: Nếu hành giả muốn tác ý cho thân và tâm được an lạc thì nên tác ý như thế này:
"Tất cả các hành trao đổi chất ở bên trong cơ thể, nếu phát hiện được căn bả hay tạp chất, thì nhanh chóng thải chúng ra bên ngoài để thân, tâm ta được thảnh thơi và an lạc."
Hành tạo nghiệp Nghiệp dẫn thức đi tái sinh.
Nói chung, Muốn hoàn thành cái áo hay cái quần thì phải cần có sự kết hợp của tợ lụa, nút áo, khuy cài và chỉ khâu. Nó chính là "sắc thọ, tưởng, thức". Nhưng chỉ có bấy nhiêu thôi thì cái quần và cái áo sẻ không được hoàn thiện. Điều kiện cần và đủ là phải có người thợ khâu [thợ may] để ráp lại thành một cái áo hoàn chỉnh. Người thợ may ấy chính là "Hành" vậy.
Như vậy, Hành liên kết các uẩn lại với nhau để thành cái ta, cái của ta [bản ngã]. Đây chính là cái mà con người nhầm tưởng. Cái áo của mình, cái quần của mình thật là xinh đẹp, không ai bằng!
Nếu hành hoạt động bên trong cơ thể gọi là sự trao đổi chất, nếu hành hoạt động bên ngoài gọi là sự tạo tác [hành động], và hành động này chính là sự tập khởi của "Nghiệp".

e] ThứcẤm[Uẩn]:
Bất cứ gì có đặc tính 'rỏ biết' đều được gọi là Thức uẩn.
Đây là khái niệm về "Thức ấm" trong Thanh Tịnh Đạo
Nói như vậy thì Thức ấm luôn cao hơn ý thức một bậc, còn tưởng thức thì không thể so sánh. Tưởng thức và Ý thức chỉ là cái biết của kẻ phàm phu, còn Thức ấm là cái biết của người đã thực hiện được quá trình thanh lọc tâm ý? Chúng tôi không đồng tình về cách hiểu chung chung như vậy.
Thức ấm có được là do quá trình tu tập và rèn luyện của bản thân ở mỗi người, Hành giả tu tập đạt đến mức độ nào thì Thức ấm của hành giả sẻ đạt được tới mức độ ấy. Điều này có nghĩa là, Thức ấm của một nhà Sư, Hòa thượng nghiên cứu kinh phật suốt mấy chục năm trời, sẻ khác so với Thức ấm của Hành giả mới tu luyện được vài năm. Ở một khía cạnh nào đó, có thể so sánh với các loại cây trong rừng có tuổi thọ cao thì lõi của nó sẻ có giá trị gấp bội phần theo thời gian
Ngược lại, phải hiểu là Thức ở đây là thức do quá trình tạo nghiệp [Hành ấm], nếu hành giả tạo nên nghiệp chướng thì hành giả sống càng lâu thì tội lỗi càng nhiều so với những người khác. Hai mặt đối lập của một vấn đề luôn luôn được tồn tại trong Thức ấm.
Bậc giác ngộ là người biết rỏ nghiệp chướng và tìm cách vượt qua trong quá trình tu tập, trong khi tu tập họ luôn rỏ biết: Thức nào tạo nghiệp tái sinh, Thức nào vượt qua nghiệp chướng, và Thức nào sẻ còn lẩn quẩn trong vòng luân hồi.
Kẻ phàm phu là người biết rỏ nghiệp chướng, nhưng vi tham, sân, si còn vướng bận, nên họ phải trả nghiệp cho những đời sau, Thức của họ còn lậu hoặc nghĩa là sự hiểu biết còn bị hạn chế.
Lời kinh:
Này các Tỷ-kheo, do duyên mà thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và các tiếng, thức sanh, và thức ấy có tên là nhĩ thức. Do duyên mũi và các hương, thức sanh, và thức ấy có tên là tỷ thức. Do duyên lưỡi và các vị, thức sanh, và thức ấy có tên là thiệt thức. Do duyên thân và các xúc, thức sanh và thức ấy có tên là thân thức. Do duyên ý và các pháp, thức sanh, và thức ấy có tên là ý thức.
Hành giả hảy ghi nhớ lời kinh: "Thức làm duyên cho Danh sắc".

Lời Bình
Đến đây, chúng ta nhận ra cái vô thường của 5 giác quan, và mối liên hệ của ngũ thức trong tâm ý con người. Mỗi giác quan đều có trú xứ của riêng nó và chúng không xâm phạm trú xứ của nhau; mỗi thức được sanh tùy duyên của thức ấy.
Có điều, Tâm không phải là nởi nghỉ của Thức, mà Tâm là nơi nghỉ của giác quan con người.
Nơi nghỉ của Tâm chính là Chánh Niệm. Hành giả hảy nhận ra bản chất của vấn đề mới mong tìm ra cốt lõi của Chánh Tri Kiến trong Bát Chánh Đạo.

Kết Luận
Thân tứ đại là 4 nhân tố có mặt trong tự nhiên [Đất, nước, Gió, Lửa] và Ngũ Ấm là 5 nhóm hình thành nên cơ thể con người, cho nên đạo phật thường nói thân Ngũ ấm là đủ rồi bởi vì trong sắc ấm nó có cả thân tứ đại kia mà. Thân Ngũ ấm chính là Danh và Sắc, mà Danh và Sắc có được không phải chỉ là sự hợp thành của đôi trai gái, nói đúng hơn là chông và vợ, mà nó phải thông qua một nhân tố thứ ba đó là Thức, hay còn gọi là hương ấm Gandhabba, chính hương ấm này hợp thành sự có mặt của 6 đại là: "Đất, Nước, Gió, Lửa, Không gian và Thức", đây chính là cấu trúc của vòng luân hồi hiện hửu mà chúng ta đã sống, đang sống ở trên thế gian này.
Thức ấm, là đỉnh cao trong lý thuyết phật học, nó bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau mà tự thân nó được sinh ra trong quá trình tạo nghiệp [nghiệp ác và nghiệp thiện] của một đời người.
Xin nhắc lại, không được nhầm lẫn ở chổ "thức dẫn sự tái sanh, luân hồi", mà nghiệp mới chính là nguyên nhân khiến cho con người mãi lặn lội ở bể khổ trần gian.

Đọc Thêm:
-Đạo Phật có Lục Thông Hay Ngũ Thông?
-Hiểu về Vô thường, Khổ, Vô Ngã
-Hiểu về Vô Ngã

Tài Liệu Tham Khảo:
- Kinh Nikaya, Trung Bộ Kinh, Tương ưng bộ kinh - ND: HT Thích Minh Châu
- Những điều Đức Phật đã dạy
- Thanh Tịnh Ðạo - Luận sư Bhadantacariya Buddhaghosa - ND: Ni sư Trí Hải
- Đường về xứ phật T9 - TL: Thích Thông Lạc

Video liên quan

Chủ Đề