Thi đầu vào là gì

Điểm đầu vào đại học: Giá trị quyết định hay là điểm khởi đầu?

7/26/2021 3:30:03 PM
Về nguyên tắc, bất cứ cơ sở giáo dục đại học nào cũng đều mong muốn đón nhận những ứng viên thực sự ưu tú xuất sắc vào trường.

Và bất cứ thí sinh nào với những đánh giá xuất sắc về học lực ở cấp THPT cũng đều mong muốn được vào những trường đại học mơ ước của mình! Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để xác định cho được giá trị thực giữa điểm số và năng lực thực của thí sinh?

Điểm số nói lên điều gì?

Trước hết cần phân biệt 2 khái niệm rất khác nhau nhưng hiện nay lại hay được dùng như nhau: học lực và năng lực [điểm cao và sự giỏi]. Trong khi học lực chỉ liên quan đến sức học, khả năng chịu tải và đạt được những thành tích [điểm số qua các kì kiểm tra và thi] trong học tập thì năng lực lại bao trùm hơn và thể hiện khả năng thực hiện hành động đa dạng hơn rất nhiều.

Không ai phủ nhận: để có thể có được sức học tốt, có bộ sưu tập điểm số ấn tượng trong quá trình học tập, người học phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng, bỏ ra công sức miệt mài, rèn luyện liên tục. Với những mục tiêu và phạm vi của chương trình giáo dục phổ thông, điều này là hoàn toàn hợp lí khi yêu cầu những nỗ lực cần có này ở học sinh. Nhưng một khi bước chân vào trường đại học, trở thành sinh viên thì những yếu tố trên là chưa đủ! Một minh chứng rõ ràng cho việc này là trong thực tế, phần đông học sinh của chúng ta có thể giải các bài tập phức tạp của các môn học rất nhanh nhưng lại tỏ ra lúng túng khi đối mặt với các bài toán đơn giản của cuộc sống!

Trong những năm học ở nhà trường phổ thông, học sinh liên tục phải thực hiện các nhiệm vụ [mà chủ yếu là bài tập có sẵn, bài thi theo mẫu chứ chưa phải là các vấn đề đa dạng trong thực tế] và nhận được điểm số thông qua sự đánh giá của thầy cô. Như vậy, điểm số cao trong trường hợp này là kết quả đánh giá kĩ năng giải bài tập mà đôi khi cứ làm theo mẫu, thành thói quen, theo công thứchoặc thuộc lòng key, cộng thêm một chút chăm chỉ là có thể đạt được!

Điểm số thường chỉ là giá trị được đo lường tại một giai đoạn, thời điểm nhất định trong khi việc đánh giá khả năng nhận thức, kĩ năng, năng lực lại là công việc thường xuyên liên tục trong sự phát triển của mỗi cá nhân. Điều này càng khẳng định điểm số không phải là minh chứng duy nhất và thuyết phục nhất về năng lực của người học.

Chỉ số IQ thường được coi là yếu tố liên quan trực tiếp đến thành tích học tập của học sinh, nhưng sự thành công trong cuộc sống lại rơi vào những trường hợp có chỉ số EQ [chỉ số cảm xúc], AQ [chỉ số vượt khó], AQ [chỉ số thích ứng] mà những giá trị để đo lường những chỉ số này lại khó có thể cho điểm!?! Như vậy khái niệm điểm cao, học giỏi không hẳn đã phản ánh đúng năng lực thực tế của người học, nhất là khi học tập ở đại học rất chú trọng theo hướng phân hóa cao, phát triển năng lực người học và khả năng thích ứng với thị trường lao động, xử lí các tình huống đa dạng của cuộc sống. Chính vì vậy các nhà trường sử dụng điểm đầu vào của thí sinh chỉ như một chỉ số để tham chiếu [Theo báo cáo của OECD năm 2017, chỉ khoảng một phần ba quốc gia có sử dụng điểm số đầu vào trong tuyển sinh vào các trường đại học công lập và xu hướng này ngày càng giảm].

Sinh viên Khoa Quốc tế được học tập trong môi trường quốc tế, năng động, được thể hiện quan điểm và cá tính của mình.

Các trường đại học trên thế giới đã từ lâu đều có xu hướng tuyển sinh dựa trên các minh chứng đánh giá toàn diện thí sinh chứ không chỉ dựa trên học lực thuần túy [điểm số qua các kì thi], kể cả năng lực tiềm ẩn của họ. Các nhà trường khi tuyển sinh đều có quan điểm khá giống nhau khi cho rằng dù có học lực tốt nhưng thí sinh cần chứng minh khả năng chủ động, sáng tạo và có tố chất lãnh đạo. Sự thành công của sinh viên trong cuộc sống sau này không những chỉ vì lợi ích của cá nhân họ mà còn mang lại danh tiếng cho nhà trường, thu hút thêm các thế hệ thí sinh tài năng vào trường trong tương lai.

Theo thống kê chưa chính thức, trong vài năm trở lại đây yếu tố điểm cao trong hồ sơ của học sinh châu Á đã không còn là ưu thế vượt trội khi họ nộp đơn vào các trường đại học danh tiếng ở Hoa Kì [nhiều học sinh Việt Nam và Trung Quốc có điểm học tập ở THPT rất cao, điểm SAT ấn tượng nhưng không vào được các trường top của Hoa Kì]. Thậm chí nhiều trường còn đưa thêm hệ thống các bài kiểm tra đầu vào riêng để khẳng định lại chất lượng thực của thí sinh một lần nữa. Các bài kiểm tra tuyển sinh đầu vào được thiết kế theo định hướng tham chiếu tiêu chí hơn là tham chiếu theo tiêu chuẩn [quan trọng không phải là so sánh thí sinh với những người khác mà là liệu người đó đã chuẩn bị, sẵn sàng trong việc học đại học hay chưa]; mang tính chẩn đoán, dự báo khả năng kết nối giữa kiến thức và kĩ năng cần thiết; giảm thiểu nhu cầu chuẩn bị kiểm tra [và các tác động không bền vững của dịch vụ luyện thi, hỗ trợ tư vấn, môi giới học thuật...].

Việc học tập cùng các bạn sinh viên quốc tế giúp các bạn sinh viên Việt Nam trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ.

Công thức cho thành công: Điểm số +

Kinh nghiệm và quan sát của cá nhân cho thấy, ở đại học sức học [điểm số] của sinh viên thường được đánh giá thấp hơn sức chịu tải của họ. Sức chịu tải của sinh viên trong quá trình học tập được tạo nên bởi nhiều yếu tố như khả năng tư duy, vận dụng sáng tạo, nghiên cứu, hợp tác, thích ứngvới những cơ hội đa dạng để thể hiện năng lực và phẩm chất cá nhân. Môi trường học tập, cách thức học tập [mà chủ yếu dựa trên tự nghiên cứu, tự học cường độ cao] hoàn toàn khác so với phổ thông sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, bắt buộc người học phải có những điều chỉnh nhất định. Cách mà người học đã quen để có được điểm số tốt ở phổ thông chưa chắc đã phù hợp với môi trường đại học.

Trong một diễn biến khác, xu hướng chọn người hơn chọn điểm số ngày càng trở nên phổ biến trong công tác tuyển sinh của giáo dục đại học nói chung. Nhiều trường đã cải cách công tác tuyển sinh phù hợp hơn cho việc đánh giá đúng năng lực của thí sinh theo sứ mệnh, tầm nhìn và uy tín của đơn vị [sát hạch đánh giá năng lực bổ sung, sơ tuyển, đánh giá hồ sơ, phỏng vấn, xét học bạ và quá trình học tập, thành tích học tập và cống hiến, đóng góp hoạt động xã hội].

Có tham gia tích cực vào các dự án môn học, hoạt động xã hội, thiện nguyện hay không là một trong các tiêu chí để đánh giá năng lực học tập của sinh viên Khoa Quốc tế.

Hiện nay, một số trường đại học lớn trên thế giới đã triển khai công tác tuyển sinh theo hướng sử dụng công nghệ cao để đánh giá lại các phép đo năng lực, phẩm chất của thí sinh. Dựa trên nền tảng AI [trí tuệ nhân tạo], Big Data [dữ liệu lớn] và BlockChain [chuỗi gắn kết], công nghệ đánh giá tác động đa điểm trong tuyển sinh tập trung vào việc phân tích tốt hơn các minh chứng, dữ liệu thu thập được từ ứng viên qua các kênh giao tiếp hay kết nối sử dụng công nghệ. Các thông tin đa chiều, đa dạng, từ nhiều nguồn được thu thập để phân tích hành vi, dự báo xu hướng chọn ngành nghề, khả năng đáp ứng các yêu cầu trong học tập trong tương lai của thí sinh... Các cuộc trao đổi, giao tiếp qua điện thoại, tin nhắn, phương tiện mạng xã hộivới thí sinh và các bên liên quan sẽ được công nghệ đa điểm phân tích và phác họa một bức chân dung khá đầy đủ. Các dữ liệu, thông tin này sau đó còn được tiếp tục lưu trữ, so sánh, phân tích với các hoạt động của sinh viên, từ đó tăng khả năng hỗ trợ dạy học thích ứng. Như vậy, có thể coi điểm số đầu vào chỉ là một trong các thông tin, chỉ số trong hệ thống tác động đa điểm diễn ra trong suốt vòng đời quá trình học tập của một sinh viên tương lai.

Điểm số mới chỉ là nét phác thảo về hình ảnh của bạn mà thôi. Bằng sự nỗ lực của bản thân, hãy hoàn thiện nốt bức chân dung của chính mình trong những bước đường tiếp theo! Không tự mãn, cũng không tự ti mà hãy tự tin trong học tập các bạn nhé! Chúc các bạn thành công!

* Bài viết độc quyền trên website Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS.GVCC Tôn Quang Cường

Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN

Sinh viên các khóa của Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn thường nói với nhau đầu vào học thì dễ nhưng đầu ra thì rất khó. Sinh viên theo học các chương trình bằng tiếng Anh nên cần cần được trang bị trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn đầu vào.

Vượt qua được rào cản ngôn ngữ vẫn chưa đủ, sinh viên Khoa Quốc tế còn phải thay đổi căn bản phương pháp tư duy, học tập theo kiểu tiếp thu và vận dụng kiến thức. Ở đây sinh viên học tập, nghiên cứu theo phương pháp tư duy sáng tạo, góp phần sản sinh ra tri thức mới đúng như sứ mệnh của giáo dục đại học. Điều đặc biệt, Khoa Quốc tế còn áp dụng hệ thống chọn lọc nâng cao chất lượng sinh viên thông qua công nghệ khảo thí của các trường đại học nước ngoài. Để có thể tốt nghiệp được đúng hạn và nhận tấm bằng tốt nghiệp đánh giá đúng thực chất quá trình học tập, sinh viên của Khoa phải cố gắng không ngừng. Nhờ vậy mà khoảng 90% sinh viên đều có việc làm ổn định, đúng ngành đào tạo, với thu nhập cao ngay sau ra trường.

Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, trên hành trình 19 năm thực hiện sứ mệnh của mình, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng khát vọng, tầm nhìn cho người học, tạo được nội lực mạnh mẽ cho mỗi sinh viên. Thông qua các hoạt động, chương trình học tại Khoa, sinh viên sẽ hiểu sứ mệnh của cuộc đời mình là gì, tốt nghiệp đại học xong mình sẽ trở thành người như thế nào, sẽ đóng góp gì cho cộng đồng và xã hội.


Video liên quan

Chủ Đề