Thư viện thân thiện trong trường tiểu học

Thư viện thân thiện ở Trường tiểu học Hiệp Cường

Bài trí màu sắc bắt mắt, không gian thoáng đãng, bàn ghế được thiết kế độc đáo, học sinh tìm đến không chỉ đọc sách mà còn chia sẻ kiến thức thông qua các hoạt động nhóm, phát triển các kỹ năng khác như: Vẽ, chơi cờ vua, tìm hiểu và tra cứu thông tin... Đó là nét độc đáo của mô hình thư viện thân thiện Trường tiểu học Hiệp Cường [Kim Động].
 

Học sinh trường Tiểu học Hiệp Cường được thư giãn, sáng tạo tại thư viện thân thiện

Thư viện thân thiện Trường tiểu học Hiệp Cường được thành lập năm 2020 do Tổ chức Room to read tại Việt Nam [một tổ chức phi chính phủ] hỗ trợ. Đúng như tên gọi “Thư viện thân thiện”, nơi đây đã tạo được sự thoải mái, ham thích cho các học sinh mỗi khi đến đọc sách. Không gian thư viện được thiết kế đẹp mắt, sắp xếp khoa học, ngăn nắp, hợp lý để học sinh dễ dàng di chuyển chọn sách. Thư viện có trên 3.000 cuốn sách và điểm nhấn đó là sách được phân loại bằng bảng màu, dán mã màu tương ứng với từng loại sách và theo các khối lớp khác nhau, nhằm giúp học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc và tự lấy được sách. Nội quy của thư viện không còn là những từ cứng nhắc, nguyên tắc như “cấm”, “không được” mà được thay bằng những câu nói nhẹ nhàng như “lấy sách nơi nào, trả sách nơi đó”, “đừng vẽ lên sách”, hay những quy định bắt buộc không được mang dép vào thư viện, giữ gìn trật tự được chú thích ở ngay ngoài cửa là “những điều em cần nhớ”. 


Tại đây còn thiết kế, bố trí các góc hoạt động khác nhau như: Góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo. Những góc trò chơi, sáng tạo này đã lôi cuốn học sinh tìm đến với thư viện nhiều hơn, khuyến khích các em tham gia các hoạt động tại thư viện, qua đó, tạo thói quen đọc sách và phát huy tính sáng tạo của học sinh. Nhờ vậy, thư viện đã dần trở thành nơi các em muốn đến để thư giãn, để tìm hiểu sau những tiết học. Cô giáo Phạm Thu Huyền, giáo viên trực tiếp quản lý thư viện nhà trường chia sẻ: Từ khi có “Thư viện thân thiện”, cứ mỗi giờ ra chơi, rất nhiều học sinh chạy ngay đến thư viện, nhanh tay chọn cho mình những cuốn sách yêu thích, rồi tìm chỗ ngồi đọc. Chúng tôi rất vui và mong muốn thông qua hoạt động thư viện sẽ ươm mầm văn hóa đọc cho học sinh ngay từ nhỏ. Em Nguyễn Thị Hoa, học sinh khối lớp 4 vui vẻ cho biết: Thư viện trường là điểm đến mà chúng em không thể bỏ lỡ trong giờ ra chơi. Bởi nó không chỉ đẹp, có không gian mở, gần gũi, giúp chúng em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học, mà còn là kho tàng kiến thức phong phú ẩn trong những cuốn sách luôn thu hút chúng em dành thời gian để đọc.


Cô giáo Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh trong trường rất hứng thú được tham gia các hoạt động của thư viện thân thiện, phong trào đọc sách của học sinh sôi nổi. Cùng với việc xây dựng mô hình thư viện thân thiện, nhà trường đã quan tâm xây dựng kho sách. Hằng năm, nhà trường phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức luân chuyển, trao đổi sách; vận động, kêu gọi các phụ huynh, học sinh tham gia xây dựng kho sách với  tinh thần “góp một cuốn sách để đọc nhiều cuốn sách”. Ngoài ra, để thư viện trường nâng cao cả chất lượng hoạt động, nhà trường mở cửa thư viện trước giờ vào học 30 phút và đóng cửa sau khi tan học 30 phút để các em học sinh có nhiều thời gian đọc sách. Hàng năm, thư viện còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực về sách như, ngày hội đọc sách, hội thi kể chuyện theo sách. Đồng thời, nhà trường sắp xếp thời khóa biểu học tại thư viện 1 tiết/lớp/tuần. Trong tiết học tại thư viện, giáo viên hướng dẫn các em hoạt động đọc, giúp phát triển thói quen đọc sách của học sinh. Từ đó, hình thành kỹ năng đọc sách, văn hóa đọc, góp phần phát triển tư duy ngôn ngữ cho học sinh.        

                        
Vũ Huế
 

      Thời gian qua chương trình Thư viện thân thiện Trường Tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức Room to Read đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Chương trình nhằm xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học, hướng đến mục tiêu giúp các em trở thành người đọc độc lập trong tương lai, là người có kỹ năng đọc và thói quen đọc.

       Thư viện thân thiện và những điểm khác biệt

      Mặc dù thư viện là một trong những tiêu chí để công nhân một trường tiểu học đạt tiêu chuẩn Trường chuẩn quốc gia, nhưng thực tế ở nhiều trường học thư viện đóng vai trò là một kho sách hơn là thư viện phục vụ học sinh.

      Hiện nay tại các trường Tiểu học ở Việt Nam tồn tại 2 kiểu thư viện: Thứ nhất, thư viện không được đầu tư cả cơ sở vật chất và sách phục vụ học sinh. Mặc dù được gọi là thư viện, nhưng thực sự là nhà kho của trường. Thứ hai, thư viện được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, nhưng vẫn thiếu sách phục vụ học sinh. Sách trong thư viện này phần lớn là sách phục vụ giáo viên. Sách phục vụ học sinh được khóa trong tủ và học sinh tìm sách qua danh mục sách. Điều này cản trở học sinh tiếp cận với sách và lựa chọn cho mình quyển sách phù hợp. Ngoài ra, một không gian thư viện phục vụ chung cả giáo viên và học sinh cũng khiến học sinh không cảm thấy thoải mái khi đến thư viện.

     Như vậy, có thể nói rằng mô hình thư viện hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đọc sách và xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Việc có một mô hình thư viện thân thiện để khuyến khích học sinh đến thư viện đọc sách, hình thành và phát triển kĩ năng đọc cho học sinh là rất cần thiết.


Thư thiện thân thiện sau khi được thiết lập

     Mô hình thư viện thân thiện do Bộ GD& ĐT phối hợp với tổ chức Room to Read được đánh giá là phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi tiểu học, hỗ trợ thành công việc xây dựng thói quen đọc cho học sinh.

     Tại thư viện thân thiện sách được phân loại theo trình độ đọc và trưng bày trên kệ. Học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc của mình và tự lấy được sách để đọc. Tài liệu xây dựng môi trường văn bản cũng được trưng bày phù hợp, trang thiết bị trong thư viện được sắp xếp hợp lý, học sinh di chuyển dễ dàng để chọn sách và vật phẩm giáo dục.

     Thư viện thân thiện có đủ không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động: cá nhân, cặp đôi, nhóm; có đủ không gian phục vụ việc mượn trả sách. Đồng thời, có thời khóa biểu tiết đọc thư viện của tất cả các lớp. Tiết đọc thư viện được triển khai đúng thời khóa biểu. Có lịch mượn trả sách cho tất cả các khối lớp.

     Ngoài ra, còn có hệ thống hướng dẫn việc quản lý và sử dụng thư viện rõ ràng, có cán bộ thư viện chuyên trách hoặc kiêm nhiệm được tập huấn kỹ thuật để quản lý thư viện và đội ngũ giáo viên cũng được tập huấn về kỹ thuật dạy tiết đọc thư viện trước khi triển khai hoạt động này.


Bảng hướng dẫn học sinh tìm sách theo mã màu

     Điểm khác biệt lớn nhất ở thư viện thân thiện thể hiện ở đặc điểm về thái độ. Cán bộ thư viện và giáo viên giúp học sinh tìm sách phù hợp với trình độ đọc, làm mẫu thế nào là đọc tốt/hay và thể hiện sự thích thú khi đọc sách. Học sinh được khuyến khích tham gia vào hoạt động quản lý thư viện. Cán bộ quản lý tích cực khuyến khích việc sử dụng thư viện, hỗ trợ các hoạt động quản lý thư viện và đảm bảo môi trường học tập tích cực trong thư viện.

    Cán bộ quản lý và giáo viên chủ động trao đổi với phụ huynh và cộng đồng nhằm giúp họ hiểu rõ về mục đích và cách sử dụng thư viện. Chủ động khuyến khích và hỗ trợ tất cả học sinh đọc sách, không phân biệt trình độ đọc của các em. Đồng thời khích lệ tất cả học sinh ở mọi trình độ đọc, giúp các em cảm thấy thư viện là một nơi thoải mái và không bị áp lực khi đọc.

Mô hình thư viện mở

    Để thiết lập thư viện thân thiện, Room to Read cung cấp cho mỗi trường 6 kệ sách, 6 bàn thấp, 14m2 thảm, 1 bộ vật phẩm giáo dục và sách để thiết lập thư viện. Sách được cấp làm 3 đợt, với tỉ lệ ít nhất là 5 quyển sách/học sinh/3 lần cấp.

    Thư viện được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện nhằm khuyến khích học sinh đến với thư viện, tạo điều kiện cho các em tiếp cận sách dễ dàng. Sách được trưng bày trên kệ mở, được phân loại theo trình độ đọc, và được dán mã màu. Thư viện được sắp xếp theo hướng mở tạo cơ hội cho học sinh tìm được quyển sách phù hợp với sở thích và khả năng đọc của mình. Kệ sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học, và sơn theo từng mã màu tương ứng. Các đồ vật khác như thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút học sinh.

    Ngoài ra, thư viện còn được bố trí các góc hoạt động khác nhau như Góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, Góc tra cứu, Góc sáng tạo để khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách khác nhau và phát huy tính sáng tạo của các em.


Tiết đọc thư viện được tổ chức trong thư viện

    Trong quá trình triển khai chương trình thư viện thân thiaanj, Room to Read cung cấp bốn khóa tập cho các trường tham gia với các nội dung: thiết lập và quản lý thư viện thân thiện; kỹ thuật tổ chức Tiết đọc thư viện; phương pháp huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng; phương pháp duy trì và phát triển bền vững dự án.

    Việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho trẻ cần sự chung tay giữa nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, phụ huynh chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc đọc sách. Rất nhiều phụ huynh xem việc đọc sách là mất thời gian và muốn con dành thời gian để học bài. Vì vậy, các hoạt động khuyến đọc của chương trình được thiết kế không chỉ hướng đến đối tượng học sinh, mà còn hướng đến các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Hoạt động nâng cao nhận thức cho phụ huynh về tầm quan trọng của việc đọc sách được lồng ghép trong ngày khánh thành thư viện và trong các cuộc họp phụ huynh. Ngày đọc sách được tổ chức hàng năm để khuyến khích học sinh, giáo viên và phụ huynh cùng đọc sách. Tiết đọc thư viện được tổ chức hàng tuần giúp học sinh có thời gian được nghe thầy cô giáo đọc sách và từ đó tạo sự yêu thích, niềm đam mê đọc sách cho các em.

    Để duy trì và phát triển bền vững thư viện sau 4 năm hợp tác, Room to Read chủ trương hợp tác với cơ quan quản lý giáo dục địa phương để triển khai Chương trình, đồng thời huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng vào các hoạt động dự án dự án ngay từ những ngày đầu triển khai. Kỹ thuật dự án cũng được chuyển giao cho đối tác thông qua các khóa tập huấn cho tập huấn viên, để đối tác có thể tự nhân rộng mô hình thư viện thân thiện theo khả năng của mình. Vào năm thứ 3 triển khai chương trình, nhà trường tự xây dựng kế hoạch phát triển bền vững và huy động các nguồn lực hỗ trợ để duy trì thư viện.

    Cho đến nay,  chương trình thư viên thân thiện đã được triển khai tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Bình Định, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đăklăk, Phú Thọ, Tây Ninh, Lâm Đồng … góp phần rèn kĩ năng đọc, xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học tại các trường tham gia chương trình.

    Mô hình thư viện thân thiện trường Tiểu học được các Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng đến các trường ngoài chương trình. Việc phát triển thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học với mục đích giúp học sinh trở thành người đọc độc lập sẽ góp phần thực hiện thành công cho việc nâng cao năng lực ngôn ngữ, khả năng giao tiếp cho học sinh Tiểu học.

Chủ Đề