Trái phiếu Tổng công ty Xây dựng số 1

Tổng Công ty Xây dựng số 1 [Mã chứng khoán: CC1] đã công bố kết quả đợt phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn ba năm, lãi suất cố định 10%/năm.

Theo đó, ngày phát hành là 1/10/2021, ngày đáo hạn là ngày 1/10/2024. Đâylà loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng quyền sở hữu, quản lý vận hành khai thác Cao ốc Sailing Tower [Quận 1, TP HCM]. Cao ốc này hiện cũng đangđảm bảo cho khoản vay 350 tỷ đồng của CC1 tại Ngân hàng TMCP Nam Á.

Trái chủ tham gia mua lô trái phiếu của CC1 là ba nhà đầu tư tổ chức trong nước,gồm một tổ chức tín dụng, một công ty chứng khoán và tổ chức khác.

Bên đứng ra sắp xếp thương vụ là CTCP Chứng khoán Bảo Minh và Ngân hàng TMCP Nam Á.

Về mục đích, CC1 sẽ sử dụng 1.000 tỷ đồng thu được từ đợt huy động trên nhằm đầu tư vào các dự án, cụ thể là 400 tỷ đồng sử dụng cho đầu tư dự án Điện gió Hàm Kiệm 2; và số tiền còn lại để đầu tư dự án Chung cư lô số 2 - Giai đoạn 1 - Khu dân cư Hạnh Phúc.

Theo BCTC đã công bố, tính đến 30/6/2021, CC1 đi vay tổng cộng 4.379 tỷ đồng, hầu hết là vay từ ngân hàng chiếm, vượt 126% vốn chủ sở hữu. Dư nợ trái phiếu cuối quý 2 ghi nhận 298 tỷ đồng.

Theo phương án công bố trước đó, CC1 dự kiến sẽ phát hành tổng 2.650 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đều được bảo đảm bằng quyền sở hữu, quản lý vận hành khai thác Cao ốc Sailing Tower, chia thành 3 đợt là 1.000 tỷ đồng, 800 tỷ đồng [đợt 2] dự kiến vào ngày 31/10/2021 và 850 tỷ đồng [đợt 3] dự kiến vào ngày 30/11/2021.

Ngày 14/10 vừa qua, CC1 đã chốt danh sách cổ đông phát hành gần 4,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 4%. Giá trị phát hành theo mệnh giá gần 44 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC tổng hợp đã kiểm toán năm 2020.

Trên thị trường, cổ phiếu CC1 chốt phiên 22/10 đạt 17.200 đồng/cổ phiếu.

Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP [mã CK: CC1] từ ngày 27/10 - 1/12/2021 đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu mã CC1H2124002, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 10%/năm.

Trái chủ là một nhà đầu tư tổ chức. Đơn vị tham gia thu xếp phát hành trái phiếu là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Minh và Ngân hàng TMCP Nam Á - chi nhánh Hàm Nghi.

Mục đích huy động để đầu tư dự án tổng thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 [550 tỷ đồng] và thi công xây lắp dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng qua địa bàn TP Hải Phòng và 9km qua địa bàn tỉnh Thái Bình [250 tỷ đồng].

Tài sản đảm bảo là quyền sở hữu, quản lý vận hành, khai thác cao ốc Sailing Tower của Tổng Công ty Xây dựng số 1. Trong đó, một phần tài sản bảo đảm kể trên được dùng để đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Nam Á. Theo chứng thư thẩm định giá số 61/2021/CT-VALID do Công ty TNHH Thẩm định giá VALID lập, tài sản kể trên có mức định giá hơn 3.650,4 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 10/2021, Tổng Công ty Xây dựng số 1 cũng đã hút thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu mã CC1H2124001. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10%/năm và cũng được đảm bảo bằng cao ốc Sailing Tower.

Trái chủ là một tổ chức tín dụng, một công ty chứng khoán và một nhà đầu tư tổ chức khác. Chứng khoán Bảo Minh, Ngân hàng TMCP Nam Á - chi nhánh Hàm Nghi cũng là những bên tham gia thu xếp phát hành trái phiếu.

Thông tin phát hành trái phiếu của Tổng Công ty Xây dựng số 1

Với nguồn tiền huy động từ lô trái phiếu này, Tổng Công ty Xây dựng số 1 sẽ đầu tư dự án Điện gió Hàm Kiệm 2 [400 tỷ đồng] và dự án Chung cư lô số 2, giai đoạn 1, KDC Hạnh Phúc [600 tỷ đồng].

Theo phương án công bố trước đó, Tổng Công ty Xây dựng số 1 dự kiến sẽ phát hành 2.650 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, chia thành 3 đợt là 1.000 tỷ đồng, 800 tỷ đồng [đợt 2] dự kiến vào ngày 31/10/2021 và 850 tỷ đồng [đợt 3] dự kiến vào ngày 30/11/2021.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Tổng Công ty Xây dựng số 1 tiền thân là Tổng Công ty Xây dựng số 1 - TNHH MTV, một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1979. Đến ngày 1/11/2016, tổng công ty đã cổ phần hóa chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng năm 2021, Tổng Công ty Xây dựng số 1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.962 tỷ đồng, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái; Lợi nhuận sau thuế 140,3 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 93 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lỗ 51,9 tỷ đồng.

Nợ ngập đầu và mối lo vượt vốn sở hữu

Đáng nói, mặc dù ghi nhận lãi nhưng dòng tiền kinh doanh 9 tháng năm 2021 của Tổng Công ty Xây dựng số 1 âm 646,8 tỷ đồng [cùng kỳ năm ngoái âm 986,9 tỷ đồng], dòng tiền đầu tư cũng âm 90,3 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Trong đó, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ để đánh giá "sức khỏe" tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, với những doanh nghiệp đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả… thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.

Tuy nhiên, về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông. Nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.

Tòa cao ốc Sailing Tower. [Ảnh: Internet]

Theo phân tích, việc dòng tiền âm nhiều năm của các doanh nghiệp có thể là tín hiệu cảnh báo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề. Chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ảo [có nghĩa là chỉ trên danh nghĩa sổ sách chứ thực tế không thu được tiền về]. Các ngân hàng và chủ nợ có thể siết chặt các khoản vay, thậm chí không cho vay, dễ đẩy doanh nghiệp đối mặt với nhiều nguy cơ.

Các chuyên gia cho rằng, trong các báo cáo tài chính mà các công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là quan trọng nhất. Nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.

Tại thời điểm ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Tổng Công ty Xây dựng số 1 ở mức 10.261 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm tới 4.000 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.426 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm ngày 30/9/2021, Tổng Công ty Xây dựng số 1 đang gánh khoản nợ phải trả 8.271 tỷ đồng, cao gấp 4,1 lần vốn chủ sở hữu mà doanh nghiệp đang có là 1.990 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, việc nợ phải trả cao gấp 4 vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của công ty hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng cao.

Nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá [nếu vay ngoại tệ] và lạm phát.

Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và ban lãnh đạo chỉ giỏi phân bổ vốn trong rất ít ngành nghề, không lường trước rủi ro sụt giảm.

Thủ tướng, Bộ Tài chính yêu cầu thắt chặt phát hành trái phiếu vì rủi ro

Thời gian qua, nhiều công ty bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nhằm huy động tiền vay, trong bối cảnh việc vay vốn tín dụng ngày càng khó khăn do các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục, đặc biệt là việc các ngân hàng đang kiểm soát chặt dòng vốn vào bất động sản do đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trong đó, các công ty bất động sản chưa niêm yết và đã niêm yết chứng khoán liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn như Tập đoàn Nam Long, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt...

Từ đầu năm đến nay, ít nhất 5 lần Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo rủi ro về việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu, ảnh hưởng đến tài chính quốc gia.

Mới đây nhất, ngày 3/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp tục có văn bản yêu cầu Ủy Ban chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Trước đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành, bước đầu đã ghi nhận và triển khai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp phát hành, 1 công ty chứng khoán.

Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.

Trước sự tăng trưởng nóng của trái phiếu doanh nghiệp, ngày 3/12, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2021.

Bộ Tài chính cũng được yêu cầu khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.

Lãnh đạo Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật [nếu có] để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Video liên quan

Chủ Đề