Uông bí ở đâu

Một góc của TP Uông Bí.

1- Vị trí địa lý:

Uông Bí nằm cách Thủ đô Hà Nội 130km, cách thành phố Hải Dương 60km, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 30km, cách thành phố Hạ Long 45km; có mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy rất thuận tiện cho việc giao lưu, tiêu thụ hàng hóa. Uông Bí nằm trong vùng tam giác động lực phát triển miền Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, do đó rất thuận tiện cho việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt trên địa bàn thị xã có khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp Quốc gia Yên Tử [Kinh đô Phật giáo - Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam], Đình Đền Công; các khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Hang son, Ba Vàng, Chùa Phổ Am và các khu du lịch sinh thái như: Hồ Yên Trung, Lựng Xanh... Uông Bí có nguồn tài nguyên khoáng sản than rất lớn [khu vực có trữ lượng than lớn nhất Quảng Ninh] đang được khai thác; đây là ngành công nghiệp quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp điện, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các khu công nghiệp tập trung tại Vàng Danh, khu vực phía Nam Quốc lộ 18A, ven Quốc lộ 10 và khu đê Vành Kiệu... Thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Phía Bắc giáp huyện Lục Ngạn [tỉnh Bắc Giang]; Phía Nam giáp huyện Thủy Nguyên [thành phố Hải Phòng]; Phía Đông giáp huyện Hoành Bồ và huyện Yên Hưng [tỉnh Quảng Ninh]; Phía Tây giáp huyện Đông Triều [tỉnh Quảng Ninh].

2- Địa hình, địa mạo:

Uông Bí nằm trong dải cánh cung Đông Triều - Móng Cái, chạy dài theo hướng Tây – Đông; kiến tạo địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam. Phía Bắc cao nhất là núi Yên Tử với độ cao 1.068km, núi Bảo Đài cao 875km, phía Nam thấp nhất là vùng bãi bồi, trũng ngập nước ven sông Đá Bạc. Thành phố Uông Bí với 2/3 diện tích là đồi núi dốc nghiêng từ phía Bắc xuống phía Nam và được phân tách thành 3 vùng rõ rệt:

Vùng cao: chiếm 65.04% tổng diện tích tự nhiên của Thành phố, bao gồm các xã Thượng Yên Công, phường Vàng Danh và phần diện tích nằm ở phía Bắc Quốc lộ 18A thuộc các phường Nam Khê, phường Bắc Sơn, Thanh Sơn, Quang Trung, Trưng Vương và xã Phương Đông.

Vùng thung lũng: nằm giữa dãy núi cao phía Bắc và dãy núi thấp phía Nam có địa hình thấp, chạy dọc theo đường 18B từ Nam Mẫu đến Vành Danh thuộc xã Thượng Yên Công và phường Vàng Danh - có diện tích rất nhỏ, chiếm 1,2% diện tích tự nhiên Thành phố.

Vùng Thấp: bao gồm các xã, phường nằm ở phía Nam Quốc lộ 18A như xã Phương Nam, Phương Đông, phường Nam Khê, phường Quang Trung, Trưng Vương, xã Điền Công. Vùng này địa hình bằng phẳng, chủ yếu là các cánh đồng phù sa ven sông có độ dốc cấp I [0÷80] nằm xen giữa các kênh rạch, ruộng canh tác ở độ cao từ 1÷5m so với mặt nước biển  với diện tích 7.700 ha chiếm 26,90% diện tích tự nhiên Thành phố.

3- Khí hậu:

Do vị trí địa lý và địa hình nằm trong cánh cung Đông Triều - Móng Cái, có nhiều dãy núi cao ở phía Bắc và thấp dần xuống phía Nam đã tạo cho Uông Bí một chế độ khí hậu đa dạng, phức tạp vừa mang tính chất khí hậu miền núi vừa mang tính chất khí hậu miền duyên hải.

Dãy núi Bình Hương với độ cao 384-358m nằm giữa vùng núi Yên Tử và núi Bảo Đài đã tạo nên dải thung lũng dài, hẹp và vùng đất thấp làm cho khí hậu Uông Bí phân thành nhiều tiểu vùng khác nhau: vùng núi cao phía Bắc đường 18B có khí hậu miền núi lạnh và mưa vừa; vùng núi cao dọc đường 18B có khí hậu thung lũng, ít mưa, mùa hè nóng, mùa đông lạnh; vùng núi nằm giữa phía Nam đường 18B và phía Bắc đường 18A kéo dài đến hạ lưu sông Đá Bạc có tích chất khí hậu miền duyên hải.

Nhiệt độ trung bình năm là 22,2oC. Mùa hè nhiệt độ trung bình 22-30oC, cao nhất 34-36oC. Mùa đông nhiệt độ trung bình 17-20oC, thấp nhất 10-12oC. Số giờ nắng trung bình mùa hè 6-7 giờ/ngày, mùa đông 3-4 giờ/ngày, trung bình số ngày nămg trong tháng là 24 ngày.

Tổng lượng mưa trung bình năm là 1.600mm, cao nhất 2.200mm. Mưa thường tập trung vào các tháng 6,7,8 trong năm, chiếm tới 60% lượng mưa cả năm. Lượng mua trung bình giữa các tháng trong năm là 133,3mm, số ngày có mưa trung bình năm là 153 ngày.

Hướng gió chủ đạo trong năm là hướng Đông Nam thổi vào mùa hè và Đông Bắc thổi vào mùa đông. Trong các tháng mùa hè thường chịu ảnh hưởng của mưa bão với sức gió và lượng mưa lớn.

Độ ẩm tương đối trung bình năm là 81%, độ ẩm tương đối thấp nhất trung bình là 50,8. Gió bão: Uông Bí chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là gió Đông - Nam vào mùa hè và gió Đông - Bắc vào mùa đông.

Cũng như các huyện thị khác ven biển Bắc Bộ, trung bình mỗi năm có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Uông Bí.

Nhìn chung, khí hậu ở khu vực Uông Bí thuận lợi cho phát triển kinh tế, đời sống và môi sinh. Do địa hình khu vực có nhiều dạng khác nhau nên đã tạo ra nhiều vùng khí hậu thích hợp cho phát triển đa dạng sản xuất nông, lâm, thủy sản và tạo ra các tour du lịch cuối tuần khá tốt cho du khách.

4- Thủy văn:

Thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ chật triểu vịnh Bắc Bộ, biên độ giao thông thủy triệu trung bình 0,6m. Thành phố có 3 con sông chảy qua là sông Đá Bạc, sông Uông, sông Sinh. Hệ thống sông suối phần lớn là sông nhỏ, diện tích lưu vực hẹp, nguồn nước và lưu lượng không đáng kể.

Sông Đá Bạc đoạn chạy qua thành phố [thuộc địa phận xã Phương Nam, Phương Đông, phường Quang Trung] chiều dài 12km, rộng trung bình 400m, độ sâu lúc thủy triều lên đảm bảo cho tàu 5.000 tấn và xà lan 400 - 500 tấn ra vào cảng là đường thủy liên tỉnh, tàu bè và thuyền lớn có thể đi lại vận chuyển vật tư, hàng hóa đi Hải Dương, Hải Phòng và ngược lại.

Sông Uông được tiếp nối từ sông Vàng Danh, kết thúc ở phần đất phường Quang Trung, là ranh giới nước ngọt và nước mặn, có đập tràn để lấy nước làm mát cho nhà máy điện Uông Bí. Sông Sinh chạy qua trung tâm Thành phố dài 15km, có khả năng cung cấp nước cho nông nghiệp và nuôi thủy sản.

Uông Bí với địa hình khá phức tạp, rừng bị tàn phá nên mùa mưa gây úng lụt ở các xã, phường phía Nam, mùa khô sông suối bị can kiệt, nước triều lấn sâu vào nội địa làm nhiễm mặn đồng ruộng ở các xã, phường phía Nam, khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư.

Thành phố có hai hồ: Hồ Yên Trung 50ha và hồ Tân Lập 16ha, hai hồ lớn này cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở các khu vực xung quanh, ngoài ra còn là những địa điểm hấp dẫn khách du lịch tới vui chơi, giải trí.

5- Diện tích tự nhiên:

Tổng diện tích đất tự nhiên là 25.630,77 ha. Trong đó đất nội thành là 17.623,5 ha [có 2650,83 ha đất XD đô thị], đất ngoại thị là 8.007,27 ha. Bao gồm: Đất ở đô thị: 737,42ha; Đất ở nông thôn: 51,61 ha; Đất chuyên dùng: 2.831,27 ha; Đất tôn giáo, tín ngưỡng: 21,19 ha; Đất nghĩa địa, nghĩa trang: 57,18 ha; Đất sông suối, mặt nước chuyên dùng: 2.069,79 ha; Đất nông nghiệp: 17.620,1 ha; Đất chưa sử dụng: 2.242,21 ha.

Năm 2017: Tổng diện tích đất tự nhiên là 54.546 ha. Bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp [4.405 ha, chiếm 17,2%], đất lâm nghiệp [13.528 ha, chiếm 43%], đất chuyên dụng [2.923 ha, chiếm 11,4%], đất ở [588 ha, chiếm 2,3%]. [Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017].

6- Dân số:

Năm 2010: 107.100% người

Năm 2012: Tổng dân số là 174.678 người [bao gồm cả dân số thường trú và dân số quy đổi]. Trong đó dân số nội thành là 167.049 người, chiếm 95,6% tổng dân số toàn thành phố; dân số ngoại thành là 7.629 người, chiếm 4,4%.

Năm 2015: 114.200 người.

Năm 2017: 116.700 người, mật độ dân số trung bình là 456,8 người/km2.

[Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017].

7-Các đơn vị hành chính: Gồm 7 phường và 3 xã.

- Các phường: Vàng Danh, Bắc Sơn, Trưng Vương, Quang Trung, Trung Sơn, Nam Khê, Yên Thanh.

- Các xã: Thượng Yên Công, Phương Đông, Phương Nam.

8- Tài nguyên đất:

Nhóm đất mặn M [Salic Fluvisols: FLs]: hình thành từ những sản phẩm phù sa sông, biển được lắng đọng trong môi trường nước biển, diện tích 5427ha, chiếm 0,68% diện tích tự nhiên. Đây là loại đất tốt, độ phì thực tế cao, thích hợp với phần lớn rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên để đạt hiệu quả kinh tế cao khi bố trí nuôi trồng thủy sản cần có chính sách trồng rừng phòng hộ ven đê, giao rừng đến từng hộ quản lý. Giải quyết được việc này sẽ là tiền đề cho phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, bền vững về môi trường sinh thái.

Đất phèn mặn SM [Sali Thionic Fluvisols: FL ts]: DT 1.603,87ha, chiếm 6,67% diện tích tự nhiên. Phần lớn diện tích đất phèn hiện tại được sử dụng trồng 1-2 vụ lúa năng suất thấp. Để sử dụng tốt đất phèn cần giải quyết thuỷ lợi, chủ động tưới tiêu nước để ém phèn, thoát phèn, kết hợp với chọn các giống cây trồng chịu phèn, tăng cường thâm canh và bảo vệ thực vật. Nơi nào không chủ động được nước ngọt nên chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản.

Đất phù sa P [Fluvisols - FL]: diện tích 357,98 ha, chiếm 1,49% diện tích tự nhiên.

Đất xám X [acrisols: AC]: đất xám điển hình xẫm màu Xh-u [Umbric Haplic Acrisols: ACh-u]. Diện tích 413,27ha, chiếm 1,72% diện tích tự nhiên. Thích hợp cho trồng chuyên màu, lúa + màu hoặc chuyên lúa.

Đất vàng đỏ: [1] Đất vàng đỏ đá lẫn sâu Fv-sk2 [Endo Skeleti Ferralic Acrisols: ACf-sk2] 10.491,78ha chiếm 43,64% diện tích tự nhiên.

[2] Đất vàng nhạt đá sâu: FVv-đ2 [Endo lithi Ferralic Acrisols ACf-l2]. Diện tích 5351,28ha chiếm 22,26% diện tích tự nhiên, chiếm 32,79% diện tích đất vàng đỏ.

[3] Đất vàng nhạt đá lẫn sâu FVv-sk2 [Endo Skeleti Ferralic Acrisols: ACf-sk2] 478,21ha chiếm 1,99% diện tích tự nhiên, chiếm 2,93% diện tích đất vàng đỏ.

9- Tài nguyên rừng:

Năm 2010 diện tích rừng Thành phố Uông Bí là 11.888,7ha, chiếm 46,45% diện tích đất tự nhiên và được phân bố ở Thượng Yên Công, Vàng Danh, Bắc Sơn...

 Về trữ lượng: rừng Uông Bí chủ yếu là rừng nghèo [2.756ha với trữ lượng 124.020m3], rừng đạt tiêu chuẩn khai thác không đáng kể [666,46ha] trong đó 528 ha rừng giàu với trữ lượng 52.200m3. Ở đây  chủ yếu là các loại rừng gỗ, tre, nứa hỗn giao và có nhiều loại quý hiếm như lát hoá, lim xanh, sến, táu, thông nhựa... [riêng Yên Tử có 8 loại cây có giá trị quý]. Ngoài ra rừng Uông Bí [đặc biệt là rừng Quốc gia Yên Tử] còn cung cấp nhiều loại đặc sản khác có giá trị làm đồ thủ công mỹ nghệ như các loại song, mây, hèo, những cây cho sợi, làm thuốc, cây cho dầu... Rừng ngập mặn chủ yếu cây đước phân bố ven sông Đá Bạc. Rừng Uông Bí có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực, giữ nguồn nước, tạo cảnh quan, giữ gìn các di tích lịch sử văn hoá. Vì vậy, cần phải có chính sách đầu tư, khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.

10- Tài nguyên khoáng sản:

Nguồn khoáng sản hóa thạch lớn nhất của Uông Bí là than đá, trữ lượng vùng than Đông Triều - Mạo Khê - Uông Bí đạt 1,4 tỷ tấn, chiếm 40% trữ lượng than toàn Tỉnh [toàn Tỉnh 3,5 tỷ tấn]. Công nghiệp khai thác than Uông Bí đã được thực hiện từ năm 1916. Sản lượng khai thác than hiện nay trên vùng Vàng Danh đạt hơn 5 triệu tấn/năm. Công nghiệp khai thác, chế biến than là ngành công nghiệp chủ đạo có tác động rất lớn đến phát triển KT-XH Thành phố. Vì vậy, cần được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất góp phần thực hiện mục tiêu khai thác 13 - 14 triệu tấn của cả nước 2010.

Ngoài than đá, Uông Bí còn có các khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng: đá, sỏi, cát, xi măng, vôi, gạch ngói... phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đáng kể là đá vôi với trữ lượng 28 - 30 triệu m3 phân bố chủ yếu ở xã Phương Nam [hiện nay nhà máy xi măng đã được xây dựng với công suất gần 50 vạn tấn/năm; khai thác đá với quy mô lớn công suất 40 vạn m3/năm]; đá sét có trữ lượng 595 nghìn tấn ở bãi sỏi; sản xuất gạch tuynen của Công ty Cổ phần Xây dựng Quảng Ninh công suất 15 triệu viên/năm.

11- Văn hóa:

Thành phố đã đầu tư và phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống đô thị được quan tâm, có nhiều tiến bộ. Văn hoá, thông tin, thể thao có nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền phổ biến pháp luật và thực hiện nhiệm vụ chính trị, giáo dục và phục vụ đời sống của nhân dân.

Phong trào xây dựng khu phố, làng văn hóa tập trung vào nâng cao chất lượng. Năm 2012, tỷ lệ khu phố, làng văn hoá đạt 80%; cùng với đầu tư của nhà nước, công tác xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa được trú trọng. Đến nay đã có 100% khu phố, thôn có nhà văn hóa được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của nhân dân, hoạt động có hiệu quả. Danh hiệu gia đình văn hóa đạt 89%. Các hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức chu đáo đã đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân. Các di tích lịch sử văn hóa được trung ương, tỉnh và thành phố quan tâm được trùng tu, tôn tạo và bảo vệ tốt; hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước.

Thành phố cùng với các ngành Than, Điện  và các cơ quan xí nghiệp đóng trên địa bàn thường xuyên quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, thể thao của địa phương, đến nay thành phố đã có 1 khu trung tâm văn hoá, 1 khu vui chơi dành cho thanh thiếu niên, 2 sân vận động, 1 rạp chiếu bóng, 4 nhà thi đấu đa năng hiện đại tầm cỡ quốc gia, 5 nhà thư viện và phòng đọc, 3 trạm thu phát chuyển tiếp truyền hình VTV1, VTV2, VTV3, có 4 khu di tích lịch sử văn hoá [khu di tích lịch sử danh thắng  Yên Tử, đình Đền Công, Đình Lạc Thanh, chùa Hang Son, chùa Ba Vàng], có 2 khu du lịch sinh thái [hồ Yên Trung và Lựng Xanh], đảm bảo đáp ứng đời sống tinh thần của công nhân và nhân dân thành phố. Toàn thành phố đến nay đạt 100 % số hộ dân có ti vi và các phương tiện nghe nhìn khác.

12- Các điểm du lịch và đặc sản của địa phương:

- Uông Bí có một lợi thế rất đặc biệt để phát triển loại hình du lịch văn hoá tâm linh, đó là khu di tích lịch sử danh thắng quốc gia đặc biệt Yên Tử. các điểm di tích như chùa Ba Vàng, đình - chùa Lạc Thanh, đình - đền - chùa Hang Son, đình Đền Công; các điểm thắng cảnh Lựng Xanh, hồ Yên Trung; loại hình nuôi trồng thuỷ sản kết hợp du lịch sinh thái ở Phương Nam, Điền Công. Đến nay, chùa Ba Vàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách cùng với Yên Tử.

Một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới là những trải nghiệm đặc biệt từ “Một ngày làm thợ lò” của Quảng Ninh, triển khai thí điểm ngày 24/8/2015 tại mỏ than Vàng Danh, TP Uông Bí.

- Đặc sản của Uông Bí nổi bật với vải chín sớm Phương Nam, thanh long ruột đỏ, mơ Yên Tử và mai vàng Yên Tử, trầu tiên một lá, nấm linh chi, nước mơ Yên Tử, một số loại thảo dược Yên Tử…

Ở Uông Bí món bún riêu cua đồng được làm rất công phu và hương vị khác lạ…

Măng trúc Yên Tử cũng là một món ăn hấp dẫn, người ta có thể để nguyên bẹ, nhúng vào nước sôi rồi nướng trên than hoa cho đến khi bẹ măng cháy xém là được. Sau đó đem bóc bẹ thì mùi thơm của măng sẽ tỏa ra, thực khách chỉ cần chấm với muối vừng thôi là ăn cũng đã đủ thấy ngon. Hoặc dùng để xào với thịt bò...

Theo QNP

13- Thành tựu kinh tế- xã hội nổi bật.

+ Năm 2017: Hoàn thành GPMB 12 dự án trọng điểm; 27/30 dự án ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 4/2016 và hàng chục dự án mới được triển khai, trong đó 10 dự án được hoàn thành [tổng vốn trên 1.000 tỷ đồng]. Xây dựng, thực hiện hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử "Tự hào là công dân thành phố Uông Bí"; 100% bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được đưa vào thực hiện tại Trung tâm hành chính công, trong đó, 93% thủ tục cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; 91% thủ tục giảm thời gian giải quyết trên 53% so với quy định. Hoàn thành xuất sắc 19/19 chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội; Giá trị tăng thêm các ngành CN-XD đạt 15%, nông- lâm- thủy sản 4%; dichjvuj 17%; tổng thu ngân sách, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn vượt kế hoạch; Giải quyết việc làm cho 4.117 lượt lao động, trong đó 2.300 lao động có việc làm mới; 6 đơn vị y tế tuyến xã, phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; giảm 81 hộ nghèo [vượt 0,07% kế hoạch]. [Theo Quảng Ninh toàn cảnh 2017].

+ Năm 2018: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với nông- lâm- thủy sản chiếm 6,3% [giảm 0,6%]; công nghiệp và xây dựng chiếm 50,7% [giám 0,8%]; dịch vụ và thuế chiếm 43% [tăng 1,4%]. Trong đó, riêng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ [thương mại, du lịch] và thuế đạt cao nhất với 17,2%. Cụt hể: Giao thông vận tải đạt 823,2 tỷ đồng [tăng 16%]; tổng mức luân chuyển hàng hóa đạt 14.141,55 tỷ đồng [tăng 18%]; doanh thu du lịch đạt 628 tỷ đồng [tăng 2%]. Đời sống của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.700USD/người/năm, cao hơn năm 2017 là 600 USD/người/năm. Hoạt động thu ngân sách đạt cao nhất từ trước đến ay với tổng thu đạt 3.500,45 tỷ đồng [tăng 11% so với năm 2017]. Trong năm, giải phóng mặt bằng được 13 dự án; xây dựng cơ bản đạt giá trị khối lượng 242,422 tỷ đồng; doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,9%, nâng tổng số doanh nghiệp của thành phố lên 618 đơn vị; đã có 25 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và nhiều đơn vị trong số đỗ đã triển khai dự án. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, công tác LĐ-TB&XH, GD&ĐT, y tế- dân số, tư pháp, dân tộc, tôn giáo, ANTT ... đều đạt kết quả tốt. Trong năm thành phố đã khen thưởng 209 tập thể và 584 cá nhân xuất sắc. [Theo Quảng Ninh toàn cảnh 2018].

Video liên quan

Chủ Đề