Văn minh đô thị là gì

9 tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị văn minh

Quyết định nêu rõ 9 tiêu chí đánh giá phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh. Cụ thể, 9 tiêu chí đánh giá gồm: Quy hoạch đô thị; giao thông đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; an ninh, trật tự đô thị; thông tin, truyền thông đô thị; việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị; văn hóa, thể thao đô thị; y tế, giáo dục đô thị; hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.

Để được xét công nhận đạt chuẩn văn minh, phường, thị trấn phải đạt 9 tiêu chí trên; có đăng ký phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp huyện; thời gian đăng ký 2 năm, đối với công nhận lần đầu và 5 năm, đối với công nhận lại; có từ 90% trở lên người dân hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận phường, thị trấn đạt chuấn đô thị văn minh.

Đối với quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh, điều kiện xét công nhận và công nhận lại gồm: Có đăng ký quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đạt 9 tiêu chí trên; thời gian đăng ký 2 năm, đối với công nhận lần đầu và 5 năm, đối với công nhận lại; có 100% phường, thị trấn trực thuộc được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh và có 100% xã trực thuộc [nếu có] được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn nông thôn mới.

Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.

Vũ Phương Nhi


TTCT - Văn minh đô thị là sản phẩm của công nghiệp hóa bắt đầu từ châu Âu. Cuộc cách mạng kỹ thuật và công nghệ đã tạo ra các đô thị công nghiệp khổng lồ với hàng triệu người.

Phóng to
Một góc kênh Nhiêu Lộc qua ký họa của KTS Nguyễn Ngọc Dũng

Người dân sống ở các thành phố này được gọi là thị dân [chữ citizen bắt đầu từ city] và cũng từ đây người ta gọi xã hội đó là văn minh [chữ văn minh civilization cũng bắt đầu từ City].

Nhưng để có được văn minh đô thị như ngày hôm nay, châu Âu mất 300 năm, Nhật Bản mất 150 năm bắt đầu từ thời Minh Trị Duy Tân, Hàn Quốc, Singapore mất hơn 50 năm. Như thế, văn minh đô thị là một tiến trình xây dựng lâu dài qua nhiều thế hệ, nhiều năm. Xây dựng xã hội văn minh đô thị là một hướng đi đúng đắn của lãnh đạo TP.HCM, ngay cả khi chúng ta còn nghèo, chưa có được cơ sở vật chất của một xã hội hiện đại.

Để có được xã hội văn minh, chúng ta cần phải bắt đầu từ các công việc sau đây:

1. Điều đầu tiên phải làm là có được những bộ luật và các qui định dưới luật thật hoàn thiện, chính xác và càng chi tiết càng tốt. Các qui định về vệ sinh môi trường, trật tự giao thông, luật xây dựng, luật quảng cáo... phải rõ ràng, không để người dân và người thực thi công vụ muốn hiểu sao cũng được. Làm sao để mỗi hành vi sai trái khi nhận sự trừng phạt phải đảm bảo có trong luật và đúng luật, người phạt không cần phân bua, người bị phạt không ấm ức.

Những qui định không được nghiên cứu kỹ càng sẽ chết yểu, người dân nhờn luật, chính quyền mất thiêng. Ở các nước phát triển, không có chuyện kêu gọi, năn nỉ hay động viên mọi người làm theo luật. Đối với luật không phải là “nên, cần” mà chỉ có “phải và phải”. Anh xả rác bừa bãi: nộp phạt. Mở nhạc quá cỡ, cảnh sát đo tiếng ồn quá mức qui định: nộp phạt, không xin thông cảm hay năn nỉ. Ở Việt Nam, điều này vừa thiếu vừa yếu.

Tiêu chí văn minh đô thị

Mức cơ bản:

- Là một xã hội đảm bảo an ninh và an toàn.

- Có trật tự trong tổ chức không gian vật chất.

- Có sự ngăn nắp trong sắp xếp các thiết bị kỹ thuật.

- Có trật tự, kỷ cương trong lối sống và hoạt động sống.

- Có môi trường tự nhiên đủ tiêu chuẩn.

Mức cao:

- Cấu trúc vật chất - xã hội con người và môi trường tự nhiên phát triển hài hòa, thân thiện.

- Tự quản cao, không cần nhiều đến sự can thiệp của pháp luật.

- Có đời sống tinh thần nhân văn.

- Các tiêu chuẩn đô thị và chất lượng sống tối ưu.

2. Điều cực kỳ quan trọng: nhà nước phải có các điều kiện vật chất ở mức cần và đủ để công dân thực hiện được hành vi đúng luật của mình

. Muốn người dân bỏ rác đúng nơi qui định thì phải có đủ thùng rác, nếu không có mà phạt công dân thì lỗi này trước hết thuộc về nhà nước. Công dân có quyền kiện vì anh bắt tôi làm hành động đó mà lại không tạo điều kiện cho tôi. Thị trưởng thành phố Bangkok đã phải xin lỗi và đền bù cho một tài xế taxi vì thiếu biển báo một con đường đang sửa chữa dẫn đến hậu quả là anh ta gây tai nạn.

Trong một thành phố, các dụng cụ, thiết bị như thùng đựng rác, nhà vệ sinh công cộng, vòi nước rửa tay nơi cộng cộng, bảng chỉ dẫn... không được thiếu, kể cả khi không thiếu nhưng không được sắp xếp ngăn nắp thì chúng lại gây phản tác dụng cho văn minh đô thị. Một thành phố quanh năm đào bới, dây điện nhiều hơn mạng nhện, nhà chờ xe buýt thành nơi chứa rác thì mục tiêu văn minh đô thị còn xa vời. Điều này thành phố chúng ta quả là rất thiếu và yếu.

3. Luật pháp hoàn thiện, điều kiện vật chất đầy đủ, nhưng văn minh đô thị có thể vẫn bị trượt ra bên ngoài cuộc sống nếu những người đại diện nhà nước thực thi không nghiêm túc và cẩu thả. Nhiều qui định của chúng ta rất đúng nhưng lại bị chính người đại diện chính quyền làm hỏng. Thay vì phạt để người dân xót của không chạy xe ẩu nữa thì lại dấm dúi nhận tiền làm cho giao thông thêm lộn xộn.

Lẽ ra phạt nặng để không xây nhà trái phép thì vừa viết giấy phạt buổi sáng, buổi tối cả đôi bên kéo nhau đi nhà hàng đặc sản thì còn gì là trật tự kỷ cương xã hội. Các giáo sư ĐH Harvard sau khi khảo sát đã nhận định thị trường bất động sản, trật tự xây dựng của các nước châu Á bị rơi vào khủng hoảng chính là do nạn tham nhũng từ các viên chức trong bộ máy công quyền.

Singapore có được văn minh như ngày hôm nay chính một phần lớn nhờ vào ý chí sắt đá và tinh thần gương mẫu của bộ máy công quyền kiên quyết bảo vệ luật pháp trên tinh thần “quân pháp bất vị thân”. Một bác sĩ danh tiếng là thành viên trong hội đồng chính phủ, là bạn của ông Lý Quang Diệu đã bị tù chỉ vì lấy một cây thông Norfolk ở công viên mang về trồng tại biệt thự riêng. Cho dù chính phủ và chính tổng thống Mỹ can thiệp nhưng rốt cuộc thì một thanh niên Mỹ tên Michael cũng vẫn bị phạt 500 USD và đánh roi chỉ vì đã nhả bã kẹo cao su trên đường phố. Điều này thành phố chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

4. Xã hội văn minh, nếp sống trật tự, ngăn nắp phải có sự hỗ trợ đắc lực của một hệ thống dịch vụ hiệu quả. Khái niệm văn minh đô thị không còn chỗ để bàn nữa khi mà hệ thống vận chuyển, xử lý rác thải ở thành phố bị tê liệt, hàng nghìn tấn rác thải chỉ trong một ngày ở thành phố bị ách tắc.

5. Qui hoạch không gian sống hợp lý. Có thể hiểu đơn giản, thành phố giống như một căn nhà mà mỗi chúng ta đang sống, nếu anh sắp xếp đồ vật trong đó lộn xộn sẽ gây khó khăn, thậm chí làm nảy sinh xung đột giữa mọi người với nhau. Qui hoạch không khoa học, tùy tiện tùy hứng sẽ làm cho các hoạt động xã hội bị rối loạn và chồng chéo nhau. Các khu công nghiệp bố trí đầu hướng gió, các nhà máy gây ô nhiễm để ở đầu nguồn sông thì không thể nói người dân ở cuối nguồn sông sống an lành và văn minh.

Qui hoạch giao thông sai dẫn đến các luồng xe cộ di chuyển hỗn loạn, qui hoạch vùng phát triển nhầm lẫn dẫn đến nước mưa, nước thải, nước triều không thoát, ngập nước tứ tung, đời sống mất bình thường thì không nói gì đến văn minh. Hiện tượng tắc nghẽn giao thông nội thị ở TP.HCM ngày một trầm trọng có lỗi của việc qui hoạch các siêu thị.

Hầu hết siêu thị đều nằm ở ngay ngã ba, ngã tư đường. Chẳng hạn như siêu thị Co-op Mart Cống Quỳnh nằm ngay ở giao điểm ngã ba hình chữ T giữa hai con đường Cống Quỳnh và Bùi Thị Xuân; Cora Miền Đông nằm ở giao điểm chữ T của hai con đường Nguyễn Tri Phương và Tô Hiến Thành, siêu thị Sài Gòn nằm ở giao lộ thường xuyên kẹt xe của hai con đường 3-2 và Nguyễn Tri Phương. Ở lĩnh vực này, thành phố chúng ta còn nhiều bối rối.

6. Liên tục giáo dục, tuyên truyền về ý thức văn minh và tự ý thức về trật tự đô thị theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, không theo phong trào. Mục tiêu tuyên truyền, giáo dục phải cụ thể, xác định mục tiêu ngắn nhưng triệt để hơn là quá viển vông. Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc bắt đầu xây dựng xã hội văn minh lịch sự từ năm 1995. Mỗi giai đoạn, họ đề ra chỉ một mục tiêu và kiên quyết theo đuổi đến cùng.

Những năm đầu tiên là chống tệ khạc nhổ trên đường phố và nơi công cộng. Khạc nhổ là một thói quen lâu đời của người Hoa. Bên cạnh các nhà lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông lúc nào cũng có một người hầu mang ống nhổ, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc cũng đặt rất nhiều ống nhổ. Sau khi thanh toán hầu như xong nạn khạc nhổ thì giai đoạn tiếp theo là cấm ở trần, mặc quần áo ngủ ra đường, tiếp sau nữa là cấm xả rác, đổ nước bừa bãi, rồi đến bán hàng rong.

Hiện nay, Trung Quốc đang vận động người dân Bắc Kinh làm hai việc: học cười và học nói tiếng Anh giao tiếp cho Thế vận hội 2008. Cứ như thế, các tiêu chí văn minh dần được hoàn thiện. Hình như cách tiến hành của chúng ta hơi khác, không biết là năm 2009 sẽ là gì?

Mục tiêu cuối cùng của giáo dục hay trừng phạt là việc hình thành được sự tự ý thức và thói quen trong mỗi cá nhân trong việc thực hiện các tiêu chuẩn văn minh. Khi một người không còn biết xấu hổ lúc đứng tè bậy nơi công cộng thì mọi cố gắng của cơ quan công quyền đều trở nên vô nghĩa. Thêm nữa là sự gương mẫu của người lãnh đạo, của cha mẹ, của người làm thầy.

Công dân nên đi xe buýt, còn quan chức đi xe hơi; các em nên trung thực, còn thầy bán điểm và đạo văn; các con nên trật tự nơi công cộng, còn ba mỗi lần nhậu về là la hét. Một điều thú vị là ở thành phố các cháu mẫu giáo đang làm gương cho người lớn khi cầm vỏ kẹo, vỏ chuối trong tay mà không tiện đâu bỏ đấy.

7. Tăng cường các thiết chế ngoài luật tham gia điều tiết trật tự xã hội. Nếu ở các nước phát triển, việc điều tiết và kiểm soát hành vi cá nhân thực hiện trật tự xã hội chủ yếu bằng luật và sự chế tài thì ở các nước chậm phát triển như Việt Nam trong giai đoạn đầu của sự chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp còn rất nhiều lực lượng xã hội khác tham gia điều tiết, chẳng hạn như dư luận xã hội, các qui tắc, qui ước cộng đồng do chính người dân xây dựng nên, các tổ chức chính trị - xã hội...

Trong cuốn sách rất nổi tiếng Bí quyết hóa rồng, ông Lý Quang Diệu đã viết: “Nếu chúng tôi không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn là chúng tôi có một xã hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn, tục tĩu hơn. Chúng tôi không được coi là xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể. Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau đó, chúng tôi thuyết phục và lôi kéo số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này khiến cho Singapore trở thành một xã hội sống thú vị hơn” [NXB Trẻ, 2001, tr 187]. Những suy nghĩ này rất đáng để cho chúng ta tiếp thu và suy ngẫm.

Chủ Đề