Vi phạm hành chính về bảo đảm trật tự an toàn giao thông là gì

Chỉ tính trong thời gian từ 2008 đến 2013, lực lượng Cảnh sát giao thông [CSGT] phát hiện hơn 33 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, xử phạt trên 9.676 tỉ đồng. Trung bình mỗi năm, lực lượng CSGT phát hiện và xử lý trên 6 triệu trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1.600 tỉ đồng, số vụ vi phạm và số tiền phạt năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản 2.584.905 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ; phạt tiền 1.470 tỷ đồng [so với cùng kỳ năm trước số xử lý vi phạm giảm 314.188 trường hợp [-10,8%], tiền phạt tăng 57,2 tỷ [+4,04%]; tước giấy phép lái xe 138.675 trường hợp; tạm giữ 313.473 phương tiện các loại.

Đối với lái xe ô tô, vi phạm bị phát hiện và xử lí tập trung ở các hành vi: chạy quá tốc độ quy định [chiếm 24,8%]; đi không đúng làn đường, phần đường [chiếm13,8%], thiết bị không an toàn [chiếm 6,8%]; tránh, vượt sai qui định [chiếm 6,2%], không giấy phép lái xe [chiếm 4,9%], chở quá tải [chiếm 4,7%], chở quá số người quy định [chiếm 2,9%]; sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định [chiếm 1,8%], không chấp hành biển báo hiệu đường bộ [chiếm 1%], không chấp hành hiệu lệnh của CSGT [chiếm 0,3%]. Đối với lái xe mô tô, xe máy, vi phạm bị phát hiện và xử lý tập trung ở các hành vi: không đội mũ bảo hiểm [chiếm 24,5%], chạy quá tốc độ quy định [chiếm 15,9%]; đi không đúng làn đường, phần đường [chiếm 12,8%]; tránh, vượt sai quy định [chiếm 8,5%], không có giấy phép lái xe [chiếm 6,7%]; dừng, đỗ không đúng làn đường, phần đường [chiếm 12,8%]; tránh, vượt sai quy định [chiếm 8,5%]; dừng, đỗ không đúng quy định [chiếm 4,3%]; sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định [chiếm 1,2%], thiết bị không đảm bảo an toàn [chiếm 1,1%]; chở quá số người quy định [chiếm 0,9%], không chấp hành biển báo hiệu [chiếm 0,7%], không chấp hành hiệu lệnh của CSGT [chiếm 0,4%], không có đăng ký xe [chiếm 0,3%], biển số giả [chiếm 0,02%]

Qua nghiên cứu tình hình vi phạm hành chính về TTATGT ở nước ta trong thời gian qua cho thấy những vi phạm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tập trung ở một số nguyên nhân chính:

Thứ nhất, do sự tác động tiêu cực của các yếu tố xã hội đối với người tham gia giao thông. Môi trường xã hội có ảnh hưởng nhất định đến tình trạng vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ [thói quen tuỳ tiện, cẩu thả, tự do của những người tham gia giao thông, chưa có thói quen chấp hành, tuân thủ quy tắc giao thông; sự xuống cấp của hệ thống giao thông đường bộ, nhận thức lạc hậu của một bộ phận không nhỏ dân cư sinh sống hai bên đường giao thông]. Bên cạnh đó, một số tệ nạn xã hội cũng là nguyên nhân của không ít vụ tai nạn giao thông đường bộ như tình trạng sử dụng các chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông, tình trạng lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, đuổi nhau trên đường bộ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho quần chúng nhân dân và sự phản ứng, bất bình của dư luận xã hội.

Thứ hai, sự không tương thích giữa các yếu tố cơ bản cấu thành hoạt động giao thông vận tải. Hoạt động giao thông vận tải được cấu thành bởi ba yếu tố cơ bản là con người, phương tiện và kết cấu hạ tầng giao thông vận tải [hệ thống đường, cầu cống, công trình giao thông...]. Sự vận hành và phát triển hài hoà, đồng bộ của nó có ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn giao thông. Vấn đề mất an toàn giao thông, tình trạng vi phạm hành chính về TTATGT hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ sự không tương thích giữa các yếu tố này, cụ thể:

- Những năm gần đây, do lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gia tăng quá nhanh trong điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông đường bộ ở mức cao, nhất là trên địa bàn các thành phố và đô thị lớn.

- Hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được nâng cấp, bảo dưỡng song cơ bản chỉ mới tập trung cho những công trình quan trọng và ở nhưng khu vực thành phố, đô thị, giao thông ở các vùng xa trung tâm chưa được chú trọng đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định, hai bên đường quốc lộ, tỉnh lộ có nhiều khu dân sinh, khu công nghiệp nhưng không có đủ hệ thống hàng rào, biển báo hiệu, gờ giảm tốc, giải phân cách để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân; vấn đề ô nhiễm môi trường giao thông vận tải còn nhiều bất cập [tiếng ồn, khí thải]

- Tình trạng vi phạm hành chính về TTATGT cũng như tình trạng tai nạn giao thông đường bộ có nguyên nhân từ ý thức chấp hành quy định về luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông kém [chiếm tới trên 80% tổng số vụ xảy ra], phổ biến ở một số dạng như: điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, uống rượu bia khi tham gia giao thông, lấn làn, vượt ẩu, không tuân thủ đèn tín hiệu, người chỉ huy điều khiển giao thông ...

Thứ ba, do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống văn bản pháp luật của nhà nước về đảm bảo TTATGT đường bộ chậm được đổi mới, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, nhiều nội dung đến nay không thực sự phù hợp với thực tiễn công tác quản lý TTATGT, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện của các lực lượng thực thi nhiệm vụ, làm hạn chế đến công tác quản lý nhà nước về TTATGT. Việc tổ chức chỉ đạo, phân công, phân cấp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ còn chưa hợp lý, chưa duy trì tốt mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các lực lượng trong quản lý TTATGT.

Việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ của các chủ thể có chức năng chính trong phát hiện, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Hoạt động quản lý TTATGT của các chủ thể này chưa thật sự phát huy hết vai trò của mình; trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình. Bên cạnh đó, điều kiện trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ cho công tác đảm bảo TTATGT nói chung và công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ nói riêng còn thiếu và lạc hậu, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đảm bảo TTATGT đường bộ trong tình hình hiện nay

Để đảm bảo TTATGT đường bộ và nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT góp phần làm giảm các hành vi vi phạm xin có một số kiến nghị:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, góp phần hạn chế vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ. Để Luật giao thông đường bộ thật sự đi vào đời sống của nhân dân và trở thành văn hóa giao thông thì cần tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho người tham gia giao thông, dưới nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp giảm số vụ việc vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ.

Hai là, rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Hiện nay, hệ thống pháp luật về giao thông vận tải, đặc biệt là pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này tương đối đầy đủ như: Luật giao thông đường bộ, Luật xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định, các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ...

Song, để tăng cường hiệu quả của xử phạt vi phạm hành chính góp phần đảm bảo TTATGT nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế và tiến tới giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp, cụ thể như:

- Cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong công tác xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ của lực lượng CSGT. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta nhằm xây dựng nền hành chính đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững với các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Kiên quyết loại bỏ những thủ tục không cần thiết trong quy trình xử phạt vi phạm hành chính đồng thời xây dựng và hoàn thiện quy trình xử phạt đơn giản, cụ thể, rõ ràng, đáp ứng yêu cầu xử phạt, nâng cao ý thức tự giác của người vi phạm. Quy trình xử phạt hiện nay chưa khoa học, nhiều thủ tục không cần thiết, chưa mang lại hiệu quả cho công tác xử phạt. Do vậy, cần xây dựng quy trình phù hợp, khoa học, đồng thời giúp người vi phạm nhận thức được hành vi vi phạm của mình, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật như rút gọn các thủ tục hành chính song vẫn đảm bảo hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm khi phải chấp hành các biện pháp cưỡng chế. Thực hiện triệt để hình thức xử phạt tại chỗ để tiết kiệm thời gian, giảm bớt phiền hà cho cá nhân, tổ chức vi phạm; tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tại các tuyến đường trọng điểm để hỗ trợ xử lý các vi phạm TTATGT bằng hình ảnh. Kiến nghị Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Chi Cục thuế các tỉnh, thành phố thống nhất các mẫu biên lai thu tiền phạt với nhiều mệnh giá khác nhau để sử dụng trong quá trình xử phạt nhanh chóng, thuận tiện hoặc có thể linh hoạt hơn [nhất là đối với các cá nhân, tổ chức ở các tỉnh khác vi phạm].

- Đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, chiến sĩ CSGT đồng thời ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả chế độ công tác, tiếp xúc với nhân dân. Kiên quyết đấu tranh, lên án và loại bỏ hành vi tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ CSGT khi làm công tác xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ. Hiện nay tình trạng làm việc chậm chạp, quan liêu còn biểu hiện ở một bộ phận cán bộ, chiến sỹ làm công tác xử lý, gây chất lượng hiệu quả công việc kém, thậm chí không ít trường hợp còn gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, cần xây dựng rõ quy trình làm việc thông báo công khai rộng rãi để nhân dân cùng biết, đồng thời tiến hành giám sát, hoặc lập đường dây nóng để nhân dân phản ánh các tiêu cực trong công tác xử lý, phát huy tính dân chủ. Xây dựng kỹ năng giao tiếp với nhân dân, thái độ giao tiếp lịch sự, niềm nở, vì nhân dân phục vụ.

Ba là, cần tăng cường quy chuẩn hóa đối với các chủ thể có chức năng xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ.

Cùng với việc tổ chức, bố trí lại lực lượng CSGT đường bộ, vấn đề có ý nghĩa quyết định để nâng cao hiệu quả công tác là phải xây dựng được tiêu chuẩn người CSGT có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ... Thực tiễn cho thấy nếu cán bộ chiến sĩ CSGT có phẩm chất đạo đức tốt, có quan điểm giai cấp đúng đắn, tận tụy với công việc, nắm vững đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghiệp vụ và quy định của Ngành thì dù có khó khăn, thiếu thốn trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành nhiệm vụ.

Hiện nay, một bộ phận trong lực lượng CSGT, trong đó có lực lượng làm nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ chưa được quy chuẩn hoá [về đạo đức nghề nghiệp, về hình thể, về năng lực trình độ...]; việc điều động cán bộ có nơi, có lúc còn chưa thật sự hợp lý, làm ảnh hướng tới chất lượng, hiệu quả công việc. Do đó, cần xây dựng tiêu chuẩn CSGT làm nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ, tiêu chuẩn này có thể lồng ghép với tiêu chuẩn của cán bộ chiến sĩ tuần tra kiểm soát để làm tiêu chí đánh giá, rà soát, sắp xếp bổ sung cán bộ chiến sĩ.

Có quan điểm cho rằng không cần tăng nhiều biên chế cho lực lượng CSGT đường bộ mà tăng cường sử dụng các phương tiện hiện đại để giám sát người tham gia giao thông. Tuy nhiên, tác giả cho rằng trong bối cảnh hiện nay và nhiều năm nữa nhận thức và ý thức của đa số người dân còn thấp, chưa thể thiếu được lực lượng CSGT trong việc đảm bảo TTATGT.

Để tính toán đủ biên chế cần căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và những quy định về chế độ làm việc của Nhà nước và trong ngành Công an. Trên cơ sở rà soát, tính toán lại số đầu mối đơn vị CSGT [phòng PC67 và các đội CSGT các quận, huyện, thị xã] trên địa bàn và xác định cơ cấu biên chế, từ đó có thể tính ra toàn bộ số biên chế lực lượng CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ giữ gìn TTATGT.

Bốn là, tăng cường đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm cho lực lượng Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ.

Lực lượng CSGT là một bộ phận của lực lượng Công an nhân dân, có chức năng nghiên cứu, đề xuất và trực tiếp đảm bảo TTATGT, chủ động phòng ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm luật giao thông, các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật trên các tuyến đường, địa bàn giao thông công cộng theo quy định của pháp luật.

Để đáp ứng yêu cầu của tình hình, trong các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng CSGT cần phải được tăng cường bồi dưỡng, huấn luyện thêm về nghiệp vụ đấu tranh chống tội phạm như lực lượng CSGT cần thường xuyên nắm bắt được tình hình tội phạm, phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm, đặc điểm của các loại tội phạm, địa bàn hoạt động, quy luật hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông; tập huấn bồi dưỡng về chiến thuật bắt giữ tội phạm, phương pháp thu thập tin tức, tài liệu, vật chứng của vụ án...

Trương Diệu Loan

Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo - HVCSND

Video liên quan

Chủ Đề