Vì sao có phòng trào bình đẳng giới


Phụ nữ và trẻ em Syria sơ tán khỏi khu vực chiến sự ở tỉnh Idlib, tới một trại tị nạn ở thị trấn Afrin,
giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với quyền bình đẳng giới. Năm 2020 đánh dấu 45 năm Ngày Phụ nữ quốc tế đầu tiên được Liên hợp quốc [LHQ] kỷ niệm nhân Năm Phụ nữ quốc tế 1975, sự kiện được đưa ra nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về quyền của phụ nữ và hòa bình thế giới. Năm nay, thế giới cũng kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. 2020 còn đánh dấu 10 năm UN Women, Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, được thành lập và 20 năm Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Những năm qua, thế giới đã đạt được nhiều bước tiến trong nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, song vẫn còn cách mục tiêu rất xa. Nhận thức của cộng đồng về vấn đề này đã được nâng lên, nhưng hành động của từng cá nhân vẫn chưa rõ ràng, đó là lý do chiến dịch 8/3 năm nay có chủ đề “Mỗi người vì sự bình đẳng” [#EachForEqual], tập trung vào từng thay đổi nhỏ mà mỗi cá nhân có thể tạo ra.

Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” từng tồn tại một thời gian dài trong không ít nền văn hóa thế giới. Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội: bị coi là thuộc sở hữu của nam giới, bị bắt làm nô lệ, không được đi học, làm việc, không được có tư tưởng tự do, không được đi bỏ phiếu…

Sau nhiều thế kỷ, ngày nay, người phụ nữ đã giành được quyền bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực và ở hầu hết các nước trên thế giới, đó là thành quả đấu tranh lâu dài của hàng triệu phụ nữ, từ tư tưởng phản kháng ở từng cá nhân nhỏ lẻ, những phong trào cho đến những cuộc đình công kéo dài lớn dần theo thời gian.

Điển hình là cuộc diễu hành của 15.000 phụ nữ ở New York, Mỹ năm 1908 đòi được tăng lương, giảm giờ làm và hủy bỏ việc nhận trẻ em vào làm việc tại các nhà máy. Năm 1977, Liên hợp quốc chính thức chọn ngày 8/3 là Ngày Phụ nữ quốc tế, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về quyền của phụ nữ và hòa bình thế giới. Bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái cũng trở thành mục tiêu phát triển bền vững thứ năm.

Từ đó đến nay, phong trào đòi quyền cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới vẫn tiếp tục với nỗ lực của hàng triệu triệu người. Những năm qua, nỗ lực này càng gia tăng với sự nổi lên của nhiều phong trào quy tụ phái đẹp khắp thế giới tham gia , điển hình là phong trào #MeToo lên tiếng phản đối nạn lạm dụng và quấy rối mà phụ nữ phải chịu đựng trong lĩnh vực giải trí, chính trị và nghệ thuật. Thế giới đã ghi nhận tiến bộ trong các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới với các phong trào nữ quyền trên toàn cầu; với thành công của các phong trào chung của phụ nữ đòi hỏi trừng trị những tội ác nhằm vào phái đẹp; và với những sáng kiến nhân rộng các dịch vụ công để đáp ứng quyền của phụ nữ.

Bình đẳng giới có ảnh hưởng cơ bản đến khả năng và mức độ phát triển của các nền kinh tế và xã hội. Hiện bình đẳng giới được đánh giá như một chuẩn mực của sự tiến bộ. Theo Báo cáo khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2020, Tây Âu đã có những bước tiến lớn nhất về bình đẳng giới, đạt mức 76,7%, theo sau là Bắc Mỹ với 72,9%. Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi có mức bình đẳng thấp hơn, trong khoảng từ 60,5% đến 66,1%. Bình đẳng giới là một yêu cầu quan trọng đối với một thế giới lành mạnh, giàu có và hài hòa.

Tuy nhiên, mục tiêu bình đẳng giới vẫn còn ở rất xa và những tiến bộ vốn khó đạt được, thậm chí đang đứng trước nguy cơ bị đảo ngược bởi những thách thức của thế giới như xu hướng bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, xung đột và cạnh tranh chính trị. Cho đến nay, chưa một quốc gia nào trên thế giới đáp ứng mục tiêu đạt bình đẳng giới. Các quốc gia phát triển ở Tây Âu đi đầu thế giới về nữ quyền cũng mới chỉ đạt được 76,6% mức độ bình đẳng giới.

Đông đảo phụ nữ tham gia cuộc đình công lớn trên toàn Thụy Sĩ, biểu thị sự ủng hộ
đối với việc bảo vệ quyền của phụ nữ ở Lausanne, ngày 14/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo người đứng UN Women Phumzile Mlambo-Ngcuka, phụ nữ chỉ chiếm 25% số người có quyền lực trên thế giới. Nam giới chiếm 75% trong các quốc hội, 73% các vị trí quản lý, 70% các nhà đàm phán về vấn đề môi trường hay hòa bình. Khoảng cách về giới vẫn tồn tại trên toàn cầu và số lượng phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực như kinh doanh hay chính trị thấp hơn nhiều so với nam giới.

Cơ hội tiếp cận với công việc được trả lương của phụ nữ cũng vẫn đình trệ trong 20 năm qua khi họ vẫn là đối tượng phải gánh vác việc nhà và hơn 1/3 phụ nữ trong độ tuổi 25 - 54 không tham gia lực lượng lao động. Kể cả với các công việc được trả lương, theo tính toán của LHQ, nếu điều chỉnh mức lương cân bằng giữa hai giới, năm 2019, phụ nữ phải làm việc không công từ ngày 14/11 cho đến hết năm. Ngoài ra, gần 20% phụ nữ phải đối mặt với bạo lực gia đình, khoảng 32 triệu bé gái không được đến trường.

Theo báo cáo năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, vẫn có thể mất thêm 100 năm nữa trước khi khoảng cách bình đẳng toàn cầu giữa nam và nữ biến mất hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là thế kỷ 21 này là thế kỷ quan trọng, như tuyên bố Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres: “Đã tới lúc ngừng cố gắng thay đổi phụ nữ, và bắt đầu thay đổi các hệ thống ngăn cản phụ nữ đạt được tiềm năng của họ. Thế kỷ 21 phải là thế kỷ của sự bình đẳng đối với phụ nữ…”.

Với chủ đề “Mỗi người vì sự bình đẳng” [#EachForEqual], chiến dịch 8/3 năm nay của LHQ tập trung vào từng thay đổi nhỏ mà mỗi cá nhân có thể tạo ra. Thông điệp chính mà các nhà hoạt động muốn nhắn gửi nhấn vào nội dung một thế giới bình đẳng là điều có thể thực hiện được và mỗi người có thể có những hành động riêng của mình để góp phần biến nó thành hiện thực. Những sự kiện trong chiến dịch diễn ra trên khắp thế giới này thu hút sự quan tâm của dư luận với ý tưởng rằng bình đẳng giới không phải là vấn đề của riêng phụ nữ mà là vấn đề kinh tế, vấn đề cộng đồng.

Doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và các phương tiện truyền thông chỉ là một số yếu tố chính được nhấn mạnh trong chiến dịch. Nếu không có những cá nhân nhỏ lẻ, đặt ra những câu hỏi đầu tiên rằng tại sao phụ nữ không được đi học, không được ước mơ, không được trả lương như nam giới thì sẽ không có những cuộc tổng đình công, những phong trào nữ quyền hay mục tiêu bình đẳng giới. Và bằng cách tìm ra con đường riêng để tôn vinh các thành tựu của phụ nữ, nâng cao nhận thức về sự bất công và chỉ ra tình trạng bất bình đẳng, mỗi người có thể góp phần mang đến sự thay đổi tích cực trong vấn đề bình đẳng giới, để mang lại một xã hội tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai.



Nguồn: ttxvn

Trang chủ / Công tác công đoàn

Trích từ nguồn Báo Hoatieu.vn

Hiện nay, việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của mọi người không phân biệt một tầng lớp, giai cấp nào. Có thể nói, trong số đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về thực hiện bình đẳng giới mà chúng ta cần phải học hỏi.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng ca ngợi Bác Hồ:

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người

Vâng, trong những “kiếp người” chung của cả dân tộc, Bác đã giành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ. Mà điều Bác quan tâm nhất là vấn đề giải phóng phụ nữ. Nếu vấn đề giải phóng phụ nữ là vấn đề cơ bản nhất trong các vấn đề của phụ nữ thì quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại là nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của vấn đề này. Chính vì vậy mà Bác đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”, vì sao Bác lại khẳng định như vậy?

Hơn ai hết, Bác là người hiểu rõ rằng: Trong xã hội, người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất: Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ không được coi trọng. Cái quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” ấy đã khiến chị em suy nghĩ thật xót xa:

“ Thân em như cái chổi đầu hè

Phòng khi mưa gió cho chàng chùi chân”

Do vậy, họ là nạn nhân của chế độ “đa thê”:

“Trai thì năm thê bảy thiếp

Gái chính chuyên chỉ có một chồng”

Chế độ đa thê ấy làm cho người phụ nữ lâm vào hoàn cảnh thật éo le. Vì vậy mà Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã phải cất lên tiếng chửi: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!”. Những hiện tượng trên làm nhức nhối mỗi chúng ta. Mặt khác, người phụ nữ phải làm việc nhiều nhất là các công việc nội trợ, việc gia đình dẫn đến sự thiếu thốn về thời gian, suy giảm thể lực. Lúc này có sự mâu thuẫn giữa hai chức năng: chức năng lao động xã hội với tư cách là một công dân bình đẳng với nam giới; chức năng tái sản xuất sức lao động cho xã hội với tư cách là người vợ, người mẹ, người nội trợ trong gia đình nhưng vẫn chưa được bình đẳng với nam giới.

Quyền bình đẳng thật sự của người phụ nữ theo Bác là người đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân. Thực chất của vấn đề bình đẳng nam nữ được Bác quan tâm không chỉ ở góc độ chính trị mà còn ở cả góc độ kinh tế, không chỉ ngoài xã hội mà trong cả lĩnh vực gia đình, gia tộc; không chỉ ở góc độ nghĩa vụ mà còn là quyền lợi: quyền bầu cử và ứng cử, quyền được đào tạo, học hành, quyền được tham gia lao động xã hội, được tự do trong hôn nhân, được tham gia vào các cấp lãnh đạo quản lý Nhà nước và Đảng...

Với cương vị của một Chủ tịch nước, trong những lo lắng quan tâm chung cho đồng bào cả nước, Bác luôn quan tâm tới sự bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Rất nhiều lần Người phê phán những thái độ đối xử không tốt đối với phụ nữ như coi thường không tin tưởng chị em, tệ đánh vợ...Mỗi hội nghị, nếu có đại biểu nữ, Bác thường mời lên đầu, ân cần hỏi han đến chuyện gia đình con cái, đến cuộc sống và những khó khăn riêng của chị em.

Cần phải nói rằng không phải ai cũng có được một cái nhìn tiến bộ về phụ nữ như Bác. Suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những lời khen ngợi động viên, những đánh giá cao của người luôn là điểm tựa tinh thần lớn lao để phụ nữ nước ta hoàn thành nhiệm vụ. Tự hào thay khi Bác ca ngợi phụ nữ chúng ta:

“Phụ nữ ta chẳng tầm thường

Đánh đông dẹp bắc làm gương để đời”.

Chúng ta thật xúc động khi nghe Bác nhận xét chị Nguyễn Thị Định - một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu: “phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho Miền Nam cho cả dân tộc!” Và Bác đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước tặng phụ nữ Miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung 8 chữ vàng: "ANH HÙNG - BẤT KHUẤT - TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG".

Thái độ đối xử bình đẳng với phụ nữ của Bác không phải là cái gì khác ngoài lòng tin cậy, đánh giá cao vai trò và năng lực của người phụ nữ, động viên khơi dậy những năng lực tiềm tàng ở họ để làm tròn những trách nhiệm được giao.

Không những Bác quan tâm đến quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam mà Bác còn quan tâm đến cả phụ nữ quốc tế. Khi đến thăm tượng Thần Tự Do ở Mỹ, trong khi rất nhiều chính khách viết những lời ca ngợi Thần với những ngôn từ đẹp nhất thì Bác, lúc đó là Nguyễn Ái Quốc đã ghi một câu đại ý: Thần Tự Do toả ánh sáng khắp nơi nhưng dưới chân Thần vẫn còn những người phụ nữ bị đánh đập. Bao giờ người phụ nữ nhất là người phụ nữ da đen mới được tự do, bình đẳng? Tấm lòng của Bác mênh mông sâu thẳm biết bao!

Mỗi giới đều có vai trò riêng của mình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, song để phụ nữ được bình đẳng với nam giới về mọi mặt, Bác cũng chỉ rõ: Giành lại quyền bình đẳng cho phụ nữ là cuộc cách mạng lâu dài, to lớn và khó nhất chứ không phải là việc: Hôm nay anh nấu cơm, quét nhà, rửa bát; ngày mai em rửa bát, quét nhà, nấu cơm; Cần có nhiều chủ trương chính sách, sử dụng biện pháp tổng hợp toàn diện về kinh tế, văn hoá xã hội để giải quyết vấn đề phụ nữ. Đặc biệt bản thân chị em phải tự lực tự cường phấn đấu để vươn lên, rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân đạo để khẳng định mình.

Kế thừa tư tưởng tiến bộ của Bác về vấn đề bình đẳng giới, đất nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thích hợp để phát huy vai trò thế mạnh của phụ nữ. Nghị quyết số 11 của Bộ chính trị - BCHTW Đảng khoá X về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã ghi rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 đến 40%, các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ...”

Có thể nói rằng tư tưởng giải phóng phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ của Bác có ý nghĩa hết sức lớn lao: tư tưởng ấy đã chỉ dẫn cho người phụ nữ Việt Nam, cổ vũ chị em trên con đường đấu tranh đi tới bình đẳng tự do cùng nhân loại tiến bộ. Tư tưởng ấy cũng cho mỗi chúng ta một bài học nhân văn: coi trọng con người, tất cả vì con người.

Mỗi chinhg ta cần không ngừng học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Luôn quan tâm chia sẽ với cán bộ nữ trong cơ quan cũng như mẹ, chị và em trong gia đình, góp phần xây dựng nước ta giàu mạnh, bình đẳng, tự do, tạo điều kiện đưa phụ nữ Việt Nam trở thành một trong những phụ nữ thành đạt và có bản lĩnh trên thế giới.

Video liên quan

Chủ Đề