Xu thế phát triển giáo dục đại học Việt Nam

Nhiều năm qua, giáo dục đại học nước ta vẫn loay hoay tìm lời giải bài toán: làm thế nào để vừa nâng cao chất lượng đào tạo đại học, kịp thời cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa bắt kịp và phù hợp với trình độ cũng như xu thế phát triển của giáo dục đại học trên thế giới? Bài viết này là trăn trở của tác giả với mong muốn góp thêm một tiếng nói vào việc đổi mới giáo dục đại học phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

1 - Tạo sự bình đẳng hơn nữa và mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học trong cộng đồng

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học nước ta phát triển nhanh chóng về số lượng và thang điểm chuẩn tuyển sinh cũng linh hoạt hơn. Điều đó đã ít nhiều mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học trong cộng đồng. Như vậy, phải chăng định hướng phát triển hệ thống giáo dục đại học ở nước ta đang đi theo hai hướng: đại học tinh hoa đại học đại chúng? Theo kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong giáo dục đại học, hệ thống này phải được tổ chức, vận hành sao cho ngày càng có nhiều người được tiếp cận và hưởng lợi càng tốt. Chúng ta đã từng thấy những giọt nước mắt lo lắng của những người mẹ nghèo khi con thi đỗ thủ khoa đến ba trường đại học nhưng không có tiền để cho con theo học. Thực tế cho thấy, nhân tài thực học không phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình. Vì vậy, xã hội cần tạo cho học sinh nghèo cơ hội tiếp cận và hưởng sự bình đẳng trong giáo dục đại học. Đương nhiên, để hiện thực hóa nội dung này, thì đằng sau đó là một loạt các vấn đề nan giải, nổi cộm, chẳng hạn, vấn đề học phí và các trợ giúp khác cho các em. Việc cho sinh viên nghèo vay tiền ăn học được Chính phủ thực hiện trong thời gian gần đây là một chính sách công rất đáng kể làm rõ hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với định hướng phát triển giáo dục đại học của đất nước theo chiều hướng mở rộng cơ hội tiếp cận và từng bước tạo sự bình đẳng về cơ hội giáo dục đại học cho mọi người. Tuy nhiên, đi đôi với việc làm trên đây, cũng cần nghiêm túc loại trừ những cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng mặc dù đã được cấp phép hoạt động, nhưng năng lực mọi mặt lại quá yếu kém, cơ sở vật chất cho đào tạo thì thuê mượn, chắp vá, chất lượng đào tạo thấp. Mở rộng cơ hội tiếp cận và tạo sự bình đẳng trong giáo dục đại học cho cộng đồng không đồng nghĩa với sự bất chấp tất cả.

Có nhiều nước trên thế giới, để tạo ra cơ hội giáo dục đại học rộng mở [chẳng hạn ở Mỹ], họ không tổ chức những kỳ thi tuyển được tiêu chuẩn hóa thống nhất trong toàn quốc. Thậm chí, có trường đại học không căn cứ vào kết quả thi cử mà vẫn tiếp nhận sinh viên vào học. Hệ thống giáo dục đại học ở nước này luôn cố gắng tiếp nhận các sinh viên ngay cả khi khả năng của họ còn hạn chế do bị tàn tật về thể xác hay khiếm khuyết về trí tuệ, hoặc những sinh viên mới nhập cư chưa thực sự thành thạo tiếng Anh. Giáo dục đại học ở Mỹ luôn có chỗ cho mọi đối tượng, mọi nguyện vọng, mọi lứa tuổi, mọi khả năng.

Song, điều đó không đồng nghĩa là ở nước Mỹ không coi trọng giáo dục đại học tinh hoa. Không phải bất kỳ một công dân nào ở đây cũng có cơ hội như nhau để vào các trường danh tiếng như Havard, Stanford, v.v.. Nhưng đối với những người có ít năng lực hơn, họ vẫn có thể được thu nhận vào những trường có tiêu chuẩn thấp hơn. Yêu cầu về học vấn thường tăng dần về cuối khóa học, thậm chí yêu cầu trình độ cao hơn chỉ thực sự đặt ra ở các chương trình cao học. Điều đó giúp cho người học thích nghi dần với cách học ở bậc đại học và mở thêm cơ hội cho họ hoàn thành việc học tập theo yêu cầu để có thể nhận bằng tốt nghiệp.

2 - Trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục đại học

Trong nhiều thập niên qua, các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta đều chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chỉ tiêu, tiêu chuẩn tuyển sinh, chương trình đào tạo, yêu cầu tốt nghiệp và các quy định về tuyển dụng giảng viên, mức học phí... Mới đây, Bộ đã trao cho các trường đại học quyền được tự lựa chọn giáo trình và tự chịu trách nhiệm quản lý các chương trình giáo dục, đào tạo. Tiếp theo, Bộ Tài chính công bố dự thảo quy chế thí điểm trao quyền tự chủ cho trường học, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học. Tiến tới tất cả các nhà trường sẽ thực hiện quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các chế định của những luật liên quan. Đây có thể coi là bước khởi đầu của lộ trình cải cách hệ thống giáo dục đại học nước nhà cho phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Giáo sư Nguyễn Văn Chiển[1] cho rằng: Trường học giống như xí nghiệp kinh doanh đặc biệt, sản xuất ra những hàng hóa đặc biệt là tâm hồn, trí tuệ con người. Những trường nào “sản xuất giỏi”, sẽ là địa chỉ tạo ra “sản phẩm chất lượng cao” và có uy tín trong xã hội. Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng đồng tình với việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, nó biểu hiện sự hợp lý cả về trình độ năng lực và quá trình xây dựng thương hiệu trong giáo dục. Uy tín về chất lượng đào tạo của từng trường đại học phải do chính các giáo viên và các nhà quản lý của trường đó quyết định. Để xây dựng uy tín, mỗi giảng viên cũng cần được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình đối với từng môn học và đối với sinh viên. Tất cả những điều đó, đương nhiên, là vấn đề sống còn mà mỗi trường đại học phải tự quyết định. Những trường đại học muốn tuyển được nhiều sinh viên có chất lượng cao đều phải là những trường thực sự có uy tín về chất lượng giảng dạy. Triết lý ẩn chứa đằng sau sự trao quyền tự chủ cho giáo dục đại học thể hiện tính dân chủ, sự tin tưởng vào giá trị bình đẳng cơ hội và cạnh tranh liên tục để hoàn thiện và phát triển giữa các cơ sở giáo dục đại học với nhau. Có thể coi cơ sở giáo dục đại học khi được trao quyền tự chủ là một loại doanh nghiệp đặc biệt và như vậy, nên chăng, cơ quan chủ quản chỉ tham gia quản lý ở phạm vi hỗ trợ tài chính, giám sát sử dụng tài chính và “nghiệm thu” hiệu quả chứ không trực tiếp tham gia quản lý, tổ chức các hoạt động hằng ngày của các cơ sở đại học, nhất là vấn đề mang tính học thuật, chuyên môn. Lúc này, mọi hoạt động của cơ sở đại học đều nằm dưới sự điều chỉnh và giám sát của luật pháp.

Việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học còn là một quyết sách nhằm phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương thức quản lý, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế thị trường. Và như vậy, để tồn tại và phát triển, các cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ giáo dục có chất lượng nhất, linh hoạt nhất, đa dạng nhất, đáp ứng đòi hỏi của người học và của cả xã hội, tạo ra thước đo chính xác nhất, khách quan nhất, sự kiểm nghiệm tốt nhất về chất lượng đào tạo.

3 - Bảo đảm tính đa dạng và linh hoạt trong giáo dục đại học

Sự đa dạng và linh hoạt trong giáo dục đại học thể hiện ở các phương diện:

Một là, đa dạng về loại hình trường, cấp độ bằng cấp và chương trình đào tạo. Trong hệ thống giáo dục đại học, các trường công và trường tư với quy mô, cơ sở vật chất, phương thức quản lý, tổ chức và hoạt động khác nhau cùng tồn tại và hoạt động hiệu quả sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi loại hình nhà trường. Chương trình đào tạo đa dạng về yêu cầu, thời gian, chuẩn mực, nội dung, phương pháp cũng sẽ đáp ứng rộng rãi nhu cầu, nguyện vọng, khả năng và điều kiện khác nhau của người học. Sinh viên có thể đến lớp hoặc học từ xa qua sử dụng những phương tiện công nghệ mới.

Hai là, tính linh hoạt thể hiện ở chỗ sinh viên cùng chuyên ngành không bắt buộc phải học tất cả các môn như nhau mà có thể lựa chọn những môn học phù hợp với khả năng, hứng thú và định hướng tương lai của mình, không bắt buộc phải tuân theo một trật tự các môn học cố định hay số lượng cố định các môn học, mà tùy theo hoàn cảnh, nguyện vọng, họ chỉ cần đáp ứng những yêu cầu do nhà trường quy định để có thể nhận bằng tốt nghiệp. Sinh viên có thể tạm ngừng học một thời gian hoặc chuyển đổi từ đại học này sang đại học khác mà vẫn được bảo lưu kết quả đã học; có thể học ở trường đại học gần nhất để tiết kiệm chi phí rồi học tiếp ở trường đại học khác để nhận bằng như mong muốn. Chính sự linh hoạt và liên thông giữa các trường đại học sẽ góp phần đưa tỷ lệ những người học đại học ở nước ta lên cao; đồng thời tăng cường tính xã hội hóa trong giáo dục, đào tạo.

Sự linh hoạt còn phải được thể hiện ở khâu tuyển sinh. Nên coi điểm thi tuyển sinh là một trong những căn cứ để xét tuyển cùng với kết quả các kỳ thi đánh giá quá trình học tập lớp cuối cấp ở trường trung học phổ thông. Cơ sở giáo dục đại học có uy tín phải là nơi chất lượng “đầu vào” không đòi hỏi quá cao nhưng lại có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường và cơ hội có việc làm cao. Coi giáo dục đại học như một chiếc cầu thang và khuyến khích các cá nhân bước lên càng cao càng tốt theo nguyện vọng và năng lực của họ. Từ đó, họ có điều kiện cải thiện cuộc sống và vị trí xã hội của mình để không ngừng hoàn thiện bản thân, đáp ứng các nhu cầu phát triển của cá nhân và đất nước.

4 - Phát huy năng lực sáng tạo cá nhân của người học

Yêu cầu này của giáo dục đại học liên quan tới nội dung kiến thức và khả năng tiếp thu kiến thức của sinh viên. Họ phải là chủ thể của công cuộc khai thác kiến thức, tìm ra những thông tin mới, sáng tạo và phát minh ra những cách tiếp cận kiến thức mới mẻ. Vì thế việc học ở đại học không chỉ là việc ghi nhớ một cách thuần túy những kiến thức có sẵn trong sách vở hay những kiến thức do giảng viên truyền đạt mà là một công cuộc tìm tòi, khám phá, thử nghiệm, phân tích, tổng hợp, trong đó sinh viên phải thực sự tích cực tham gia cùng với giảng viên một cách chủ động và độc lập. Như vậy, sinh viên phải học các kỹ năng phân tích, tổng hợp những thông tin tiếp nhận và cách sử dụng kỹ năng đó vào việc chinh phục những kiến thức mới. Nói cách khác, giáo dục đại học phải coi học tập là quá trình sản sinh tri thức, tức là quá trình đòi hỏi ở người học sự chủ động và sáng tạo thay vì phương pháp giảng dạy đại học đang tồn tại khá phổ biến hiện nay là đặt người học ở vào vị trí thụ động, không khơi dậy và phát huy năng lực phản biện, phê phán và tư duy sáng tạo của người học.

Phương pháp giảng dạy đại học hiện nay ở các nước phát triển là tăng cường giao tiếp, trao đổi giữa giảng viên và sinh viên, thông qua các buổi thảo luận, làm việc nhóm, các buổi thuyết trình của sinh viên hay báo cáo trao đổi học thuật cũng như báo cáo nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Điều đó sẽ góp phần quan trọng trong việc rèn luyện tư duy sáng tạo cho sinh viên. Trường đại học thực thụ là môi trường cho hạt giống sáng tạo được gieo mầm và phát triển.

Các trường đại học nên quan tâm đến việc phát triển năng lực tư duy độc lập và quan tâm tới đặc điểm của từng cá nhân người học. Tỷ lệ giảng viên/ sinh viên thấp là điều kiện tốt để họ có thể tiếp cận và tiếp nhận sự giúp đỡ, hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên. Gia tăng việc tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi cả trong phạm vi học thuật và phi học thuật giữa các trường đại học cũng là cách để sinh viên có điều kiện mở rộng kiến thức chuyên ngành và kiến thức xã hội.

Giáo dục đại học còn hướng tới sự quan tâm đến từng cá nhân người học thông qua các hoạt động ngoại khóa của các tổ chức như câu lạc bộ, hiệp hội sinh viên... giúp sinh viên có cơ hội tự thể hiện và phát huy khả năng của mình. Tổ chức các dịch vụ sinh viên như hỗ trợ về học thuật hay tâm lý cũng là những biểu hiện rõ nét của giáo dục hướng tới cá nhân, từ đó, hướng tới việc đào tạo con người toàn diện. Sinh viên được đào tạo sâu một chuyên ngành, song cũng cần có sự hiểu biết nhất định đối với các lĩnh vực học vấn khác. Điều đó không chỉ giúp cho sinh viên hiểu biết rộng, thỏa mãn được nhiều hứng thú của cá nhân mà còn phát hiện được những năng lực tiềm ẩn khác, giúp họ tự tin hơn.

5 - Giáo dục đại học mang tính chuyên nghiệp cao kết hợp với sự tham gia tích cực của gia đình người học

Tính chuyên nghiệp cao trong giáo dục đại học, trước hết, yêu cầu đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý phải được đào tạo chuyên nghiệp. Đội ngũ này là những người đạt được chuẩn mực nhất định về kiến thức và phương pháp sư phạm hay quản lý giáo dục. Hơn thế, họ còn là các chuyên gia về lĩnh vực được đảm nhận và luôn được bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật kiến thức, thu nhận thông tin mới về các tiến bộ của khoa học - công nghệ để đưa vào nội dung giảng dạy và quản lý. Giảng viên ở các trường đại học tiến tới phải đạt trình độ tiến sĩ hoặc bằng cấp cao trong lĩnh vực giảng dạy của mình. Tỷ lệ tiến sĩ ở các trường đại học hướng tới phải đạt khoảng 90% - 95% tổng số nhân lực trực tiếp tham gia giảng dạy.

Bên cạnh tính chuyên nghiệp cao của giảng viên, cần coi trọng sự tham gia tích cực của gia đình trong quá trình giáo dục con em họ. Vai trò của gia đình không chỉ ở định hướng nghề qua việc chọn trường học cho con cái mà còn ở việc tham gia cùng nhà trường giáo dục, rèn luyện sinh viên. Nên khuyến khích cha mẹ sinh viên tới thăm trường, tham quan các thiết bị học tập, cơ sở vật chất, dịch vụ sinh viên và gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với giảng viên để hỗ trợ việc học tập, rèn luyện của con em họ. Tổ chức những “hội nghị phụ huynh” nhằm thắt chặt thêm mối liên hệ giữa nhà trường với gia đình và sinh viên để thông báo lịch học, những thành tích, kết quả học tập tu dưỡng của sinh viên cho gia đình, thậm chí cho chính quyền ở địa phương nơi gia đình sinh viên cư trú. Điều đó giúp gia đình và địa phương luôn có thông tin cần thiết về các em, từ đó có thể kết hợp cùng nhà trường trong việc giáo dục sinh viên, xây dựng niềm tự hào cho mỗi gia đình, địa phương và chính bản thân họ, góp phần thúc đẩy động cơ học tập và cống hiến cho quê hương, đất nước.

6 - Sự tương đồng với nền giáo dục khu vực và thế giới trong xu thế toàn cầu hóa

Ngày nay, sự liên kết, mở rộng quan hệ để nâng cấp giáo dục bậc đại học tuy không phải là vấn đề mới, nhưng trước yêu cầu hội nhập, hình thức này càng cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Vì vậy, đòi hỏi ngoài việc chú trọng giảng dạy những môn lý thuyết sát hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nước, các trường đại học cần mở rộng phương thức giảng dạy và hướng dẫn cách ứng dụng những lý thuyết đã học vào thực tế. Nếu phương pháp này được thực hiện rộng ra ngoài phạm vi một trường đại học và ngoài phạm vi quốc gia, thì sinh viên sẽ có nhiều cơ hội hiện thực hóa nghề nghiệp mà họ theo đuổi. Giá trị của tấm bằng tốt nghiệp đại học mà họ đạt được sẽ lớn hơn, đem lại cho họ động cơ, hứng thú nghề nghiệp và lợi ích cao. Khi ra trường, họ có thể vững tin vào công việc của mình.

Các trường đại học, nhất là ở khối ngành khoa học ứng dụng, cần chủ động xây dựng quan hệ ổn định và chặt chẽ với cộng đồng và các doanh nghiệp địa phương để có kế hoạch đào tạo sát hợp, đáp ứng đúng những yêu cầu cung ứng nhu cầu lao động trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, nên tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng và các doanh nghiệp về nguồn tài chính, về môi trường và cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ cho sinh viên thực tập, học nghề.

Tính thực tiễn của giáo dục đại học đang đặt ra yêu cầu với các trường đại học phải luôn nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học để giúp sinh viên được tiếp cận với công nghệ hiện đại. ở lớp học và khu ký túc xá, sinh viên được sử dụng in-tơ-nét và hệ thống thư viện liên mạng miễn phí trong tìm kiếm thông tin phục vụ học tập và nghiên cứu.

Thông qua sự liên kết đào tạo có tầm quốc tế, các trường đại học chú trọng cung cấp các khóa học đa dạng về quốc tế, tiến tới yêu cầu bắt buộc đối với một số ngành học sinh viên phải học những môn học chung của giáo dục đại học được quốc tế hóa, kể cả ngoại ngữ, để có thể nhận chứng chỉ học tập; giúp sinh viên có những chuyến đi thực tế nâng cao hiểu biết về đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội các nước khác.

Với một phương cách giáo dục mới, gắn với thực tế trước xu thế toàn cầu hóa tại các trường đại học, hy vọng các sinh viên tốt nghiệp đại học của nước ta sẽ có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài./.

Vũ Thị Phương Mai


[1] Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề