Bé 9 tháng tuổi uống bao nhiêu nước là đủ?

Nước tham gia vào mọi quá trình trao đổi chất trong cơ thể, vậy trẻ nên uống bao nhiêu nước một ngày để có được cơ thể thật khỏe mạnh?

Nếu cơ thể người lớn chứa khoảng 55 - 60% là nước thì con số này ở trẻ là từ 65 - 75%. Nước tham gia vào mọi phản ứng và quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Nước có chức năng chính là giúp cơ thể thải độc thông qua nước tiểu và mồ hôi. Do đó, nước đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là với trẻ em. Thế nhưng trẻ nên uống bao nhiêu nước một ngày là đủ để có thể duy trì hoạt động cơ thể khỏe mạnh và tránh nguy cơ ngộ độc nước?

Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu nhé! 

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi

Theo thạc sĩ Lê Thị Hải từ Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, trong giai đoạn này, trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc ăn sữa bột công thức pha chuẩn tỷ lệ nước được nhà sản xuất hướng dẫn, và không cần uống thêm nước.

VTV1 - Cho bé uống nước thế nào là đúng, là đủ

Nếu bố mẹ cho trẻ uống nước thêm trong giai đoạn này có thể dẫn tới một số hậu quả như:

  • Tăng nguy cơ bị ngộ độc nước.
  • Uống thêm nước sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ, dẫn đến tình trạng trẻ giảm bú sữa mẹ, từ đó cơ thể mẹ thích nghi với nhu cầu ăn sữa ít hơn của bé và giảm sản xuất sữa.
  • Uống nước làm giảm nhu cầu bú mẹ của trẻ, khiến cơ thể trẻ không được cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng cần thiết.

Thực tế thì dung tích nước có trong sữa mẹ hoặc sữa bột công thức vốn đã đủ để cung cấp cho cơ thể của trẻ rồi. Thế nên, nếu bố mẹ muốn cho trẻ uống nước thì phải chờ trẻ đủ 4 tháng tuổi trở lên và chỉ có thể cho trẻ uống tối đa 60ml nước/ngày. 

Nếu trẻ bị mất nước do ra nhiều mồ hôi trong những ngày nắng nóng hoặc vì trẻ mắc chứng còi xương, hay trẻ bị táo bón thì mẹ có thể bổ sung nước bằng cách cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình thêm.

>>>Tham khảo thêm: 

  • Trẻ sơ sinh uống nước được không? - Bố mẹ rất cần lưu ý!
  • Bảng ml sữa chuẩn cho bé theo độ tuổi giúp con tăng trưởng tốt mỗi ngày

Trẻ sơ sinh 6-12 tháng tuổi

Nhu cầu nước mỗi ngày của bé sơ sinh từ 6 đến 12 tháng tuổi đó là khoảng 100ml/kg cơ thể, trong đó bao gồm cả sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Ví dụ: nếu trẻ nặng 9kg thì 1 ngày trẻ cần uống 9 x 100 = 900ml nước. Nếu trẻ bú được 700ml sữa thì sẽ cần bổ sung thêm 200ml nước đun sôi để nguội hoặc nước rau luộc, nước quả tươi,…để có thể đảm bảo đủ nhu cầu nước trong ngày.

Giai đoạn này trẻ đã bắt đầu tập ăn dặm, kích cỡ dạ dày cũng lớn hơn và thận cũng phát triển hơn, nên bố mẹ hoàn toàn có thể cho trẻ uống thêm nước. Tổng lượng nước uống trong ngày ngoài sữa mẹ của trẻ là từ 120ml đến 240ml tùy theo nhu cầu nước của trẻ và không gây ảnh hưởng nhiều tới sức ăn và bú. 

Trẻ nên uống bao nhiêu nước một ngày để tránh bị ngộ độc nước? Với trẻ sơ sinh từ 6-12 tháng tuổi thì tổng lượng nước được tính theo số cân nặng.

Trẻ trên 1 tuổi

Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên đến 10 tuổi

Trẻ 1 tuổi nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe?

Lượng nước uống lúc này được tính theo cân nặng của trẻ.

  • Với 10kg đầu tiên thì 1kg cơ thể tương ứng với 100ml nước. Trẻ nặng 10kg cần 1000ml tức là 1 lít nước.
  • Trẻ nặng hơn 10kg thì cứ mỗi kg nặng thêm thì trẻ cần uống thêm 50ml nước. Công thức tính cụ thể như sau:

Lượng nước và sữa cần uống [ml] = 1000ml + n x 50.

Trong đó: n = tổng số kg của trẻ - 10.

Ví dụ: Trẻ 3 tuổi uống bao nhiêu nước mỗi ngày? Lúc này, nếu trẻ nặng 20kg thì cần: 1000ml + [10x50] = 1500ml nước. Nếu trong ngày trẻ uống được 700ml sữa thì lượng nước cần bổ sung là 800ml.

Trẻ trên 1 tuổi cần bổ sung nước theo công thức tính dựa trên tổng số cân nặng của trẻ.

Trẻ từ 10 tuổi trở lên

Lượng nước trẻ cần uống lúc này bằng người lớn, đó là khoảng từ 2 đến 2,5 lít mỗi ngày.

Trẻ cần chia đều thời gian trong ngày để bổ sung nước thay vì uống liên tục nhiều nước trong một lúc, và có thể uống ít hơn vào buổi tối để cho thận được nghỉ ngơi, tránh ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Đặc biệt, bố mẹ cần nhắc nhở trẻ rằng không nên đợi tới khi cảm thấy khát mới uống nước vì lúc đó tế bào đã bị thiếu nước và gây mệt mỏi cho cơ thể. Đồng thời bố mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ cách chia thời gian để uống nước trong ngày sao cho hợp lý.

Bên cạnh đó, theo lời thạc sĩ Hải, bố mẹ không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có gas, nước khoáng có chứa hàm lượng khoáng cao, cà phê, nước tăng lực,...để tránh những kích thích không mong muốn cho cơ thể và não bộ của trẻ. Ngoài ra, các loại nước ngọt có ga thường chứa calo rỗng có thể khiến trẻ bị đầy bụng dẫn đến biếng ăn, lượng đường cao trong các loại nước này có thể gây thừa cân, béo phì và gây hại cho men răng của trẻ.

Chủ Đề