Bệnh tự miễn sống được bao lâu

Bệnh tự miễn là gì?

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Nội Cơ Xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh tự miễn [tên tiếng Anh - Autoimmune Disease] là bệnh lý xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công các tế bào khỏe mạnh. Khi đó hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công và gây tổn thương chính các cơ quan trong cơ thể, cụ thể có thể là màng hoạt dịch khớp, khớp cùng chậu, ruột...

Viêm khớp do bệnh lý tự miễn là nhóm các bệnh ở hệ thống xương khớp có liên quan đến sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trong cơ thể. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi 20-40 tuổi. Bệnh tiến triển theo từng đợt với các cấp độ từ nhẹ đến nặng và phức tạp, gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bình thường, cơ thể phản ứng với nhiễm trùng hoặc sự hiện diện của một chất lạ vi khuẩn, virus hoặc nấm, bằng cách tăng sản xuất các tế bào đặc biệt [bạch cầu] để tiêu diệt và dọn dẹp "những kẻ xâm lược" có hại. Tuy nhiên do một nguyên nhân nào đó, hệ miễn dịch lại tự đi tấn công các cơ quan trong cơ thể gây nên sự tổn thương và sinh bệnh lý tự miễn.

Trong các tình trạng viêm khớp do bệnh tự miễn, các tế bào đặc biệt đó được huy động quá mức sẽ xâm nhập vào bao hoạt dịch và gây phản ứng viêm. Nếu tình trạng này kéo dài, lâu ngày dẫn đến xương, sụn bị ăn mòn, cuối cùng là biến dạng xương.

Theo bác sĩ Đặng Hồng Hoa, một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc viêm khớp do bệnh tự miễn gồm:

- Tính di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở người bệnh có bố hoặc mẹ mắc bệnh cao hơn gấp 2-3 lần so với các trường hợp khác.

- Tác nhân gây bệnh: Một số loại virus [viêm gan B, C, Influenzae...], vi khuẩn [Chlamydia, E.coli...] có thể gây bệnh.

- Giới tính: Thống kê cho thấy, gần 80% các trường hợp mắc bệnh là ở nữ giới, trong đó khoảng 2/3 là ở độ tuổi trên 30 và tuổi trung niên.

- Chế độ dinh dưỡng, lối sống: Chế độ dinh dưỡng, lối sống thiếu khoa học cùng những thói quen hút thuốc lá, rượu bia, chất kích thích thường xuyên; stress công việc, thức khuya kéo dài... là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Môi trường sống: Môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thủy ngân, chì... có thể tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch, hay biến đổi và rối loạn hoạt động miễn dịch.

Các loại viêm khớp do bệnh tự miễn

Bác sĩ Đặng Hồng Hoa cho biết, mỗi bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau, tuy nhiên một số biểu hiện lâm sàng gặp nhất là: giai đoạn đầu bệnh nhân mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, giai đoạn toàn phát sẽ sốt dai dẳng, đau mỏi toàn thân, đau đầu. Tiếp theo, bệnh nhân đau các khớp xương, đau cơ; sưng nóng ở các khớp, tràn dịch khớp...

Có hơn 80 bệnh lý tự miễn, trong đó 7 bệnh lý viêm khớp tự miễn thường gặp nhất là:

- Viêm khớp dạng thấp

Theo thống kê, cứ 100 người ở độ tuổi trưởng thành [20-40 tuổi] thì có 1-5 người mắc bệnh lý viêm khớp dạng thấp, tỷ lệ bệnh xảy ra ở nữ giới cao gấp 2-3 lần nam giới. Viêm khớp dạng thấp hay viêm đa khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn xảy ra do sự rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể. Bệnh phá hủy các tế bào, làm tổn thương hệ khớp, gây sưng đau nhiều khớp bàn tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn chân 2 bên.

Hình ảnh bàn tay bị biến dạng do viêm khớp dạng thấp nặng.

- Viêm cột sống dính khớp: Viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm xảy ra ở vị trí mối nối giữa các đốt của cột sống, cột sống lưng hoặc xương chậu của người bệnh. Trong một số trường hợp bệnh còn gây tổn thương khớp cổ, cổ tay, chân... Khoảng 90-95% ca viêm cột sống dính khớp xảy ra ở nam giới, 80% ở nam giới dưới 30 tuổi. Các triệu chứng ban đầu của bệnh là đau vùng hông, đau vùng thần kinh tọa, viêm gân, đau cột sống thắt lưng...

- Viêm khớp phản ứng: Viêm khớp phản ứng còn gọi là viêm khớp vô khuẩn hay hội chứng Reiter, là tình trạng viêm khớp xảy ra sau nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng, thường là ở các cơ quan tiết niệu, tiêu hóa hoặc sinh dục. Các triệu chứng viêm có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều khớp, thường gặp ở các khớp lớn như hai chi dưới, cột sống, vùng xương chậu, gân, dây chằng.

- Viêm khớp vảy nến: Viêm khớp vảy nến [tiếng Anh là Psoriatic Arthritis - PsA] là một bệnh lý viêm khớp xảy ra ở một số bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Các triệu chứng ban đầu của bệnh vảy nến thường bắt đầu từ tổn thương da như hiện tượng phát ban đỏ, có vảy, thường xuất hiện nhiều ở khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, bàn tay và bàn chân người bệnh.

Đau khớp, cứng khớp và sưng ở các khớp chính là những triệu chứng điển hình của bệnh. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, từ ngón tay, cột sống đến hệ tiêu hóa, mức độ ảnh hưởng từ nhẹ đến nặng.

- Lupus ban đỏ hệ thống: Lupus ban đỏ hệ thống, hay còn được gọi là SLE hoặc lupus, là một bệnh mạn tính kéo dài gây triệu chứng viêm, đau và sưng ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể. Đôi khi lupus được gọi là "the great imitator", "kẻ bắt chước vĩ đại", vì người ta thường nhầm bệnh này với các vấn đề sức khỏe khác. Hầu hết bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và xuất hiện vết phát ban hình cánh bướm, viêm đau, sưng khớp và sốt. Bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới, tiến triển khác nhau ở mỗi người bệnh từ thấp đến nặng và phức tạp.

- Bệnh viêm khớp có biểu hiện viêm ruột: Khoảng 1% các bệnh nhân viêm khớp có các biểu hiện của viêm ruột, thường gặp nhất là viêm khớp trong bệnh Crohn và viêm khớp do bệnh viêm loét đại trực tràng. Khi đó hệ thống miễn dịch tấn công niêm mạc của ruột non hoặc ruột già hoặc đại tràng kèm theo các triệu chứng viêm khớp tăng dần cùng với các biểu hiện viêm ruột.

- Xơ cứng bì: Xơ cứng bì thuộc nhóm bệnh lý tự miễn hiếm gặp, đặc trưng bởi quá trình tăng sinh và lắng đọng của các chất tạo keo ở da, thành mạch máu và các cơ quan khác trong cơ thể. Đối với hệ cơ xương khớp, bệnh nhân xơ cứng bì gặp phải tình trạng căng cứng các vùng khớp quanh hàm, ngón tay, cổ tay... gây khó vận động. Các cơ bị co ngắn và yếu dần, khó kéo giãn.

Phương pháp chẩn đoán

Hiện nay phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm khớp tự miễn hiện đại nhất chính là xét nghiệm kháng thể kháng nhân [ANA].

Xét nghiệm ANA là một trong những xét nghiệm đầu tiên mà bác sĩ sẽ chỉ định khi người bệnh có những triệu chứng, biểu hiện của bệnh tự miễn bằng cách xác định lượng kháng thể kháng nhân có ở máu người bệnh.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, góp phần chẩn đoán chính xác bệnh lý, điều trị hiệu quả.

Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể xác định người bệnh có đang mắc phải bệnh lý tự miễn hay không. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, có thể là do hiệu giá kháng thể của người bệnh thấp, tuy nhiên chưa thể loại trừ là không mắc bệnh và cần kết hợp với các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm khác để chẩn đoán. Ngược lại, nếu kết quả xét nghiệm dương tính, đồng nghĩa là hiệu giá kháng thể của người bệnh tăng và nguy cơ mắc bệnh tự miễn cao.

Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng phương pháp xét nghiệm kháng thể kháng nhân này thì lại không thể xác định chính xác người bệnh đang mắc bệnh lý nào. Do đó, hầu hết các trường hợp bác sĩ đều chỉ định thực hiện bổ sung một số xét nghiệm khác, tìm kiếm chính xác các kháng thể đặc hiệu ở mỗi bệnh lý, chẩn đoán đúng và điều trị bệnh hiệu quả.

Bác sĩ Đặng Hồng Hoa trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân.

Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa khuyến cáo, người bệnh nên thăm khám ngay khi có các triệu chứng bất thường và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, tránh những biến chứng nguy hiểm đáng tiếc xảy ra.

Phòng ngừa viêm khớp tự miễn

Để phòng ngừa bệnh tự miễn đơn giản và hiệu quả nhất, chúng ta cần:

- Tập thể dục thường xuyên có tác dụng giảm độ cứng của cơ bắp, ngăn ngừa loãng xương, giảm căng thẳng và bảo vệ tim mạch, giúp duy trì khả năng linh hoạt của khớp và có thể phòng ngừa bệnh tim và đột quỵ. Điều này không có nghĩa là tập quá sức. Người bệnh cần chuyển từ vận động nhẹ sang vừa phải và nghỉ ngơi hợp lý.

- Bỏ thuốc lá giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và đau tim, giảm nguy cơ viêm phổi, viêm phế quản và bệnh mạch vành.

- Nghỉ ngơi hợp lý giúp giảm mệt mỏi, giảm nguy cơ bùng phát và giảm nhạy cảm với cơn đau.

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và ánh sáng huỳnh quang giúp bảo vệ chống lại sự nhạy cảm với tia UV. Ánh nắng có thể làm cho một số bệnh tự miễn như ban lupus khởi phát và thậm chí có thể làm cho bản thân bệnh phát ra nghiêm trọng. Khi ở ngoài trời vào một ngày trời nắng, hãy mặc quần áo bảo vệ [tay dài, nón rộng vành] và sử dụng nhiều kem chống nắng.

- Bổ sung Vitamin D ngăn ngừa loãng xương do giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

- Rửa tay thường xuyên giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở những người đặc biệt nhạy cảm.

- Kiểm soát cơn đau: Tắm nước nóng, bồn tắm và các biện pháp giảm căng thẳng khác, bao gồm châm cứu, yoga.

- Lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia sức khỏe tâm thần giúp vơi đi mặc cảm bệnh tật.

Viêm khớp do bệnh tự miễn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh có nguy cơ tàn phế, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Với công nghệ chẩn đoán gen, sử dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống định vị 3D khi mổ, liệu pháp miễn dịch..., Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân viêm khớp tự miễn, thậm chí biến chứng phức tạp.

Thảo Trang [Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh]

Để đặt lịch khám với Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa, độc giả có thể điền thông tin tại đây, hoặc liên hệ qua Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:
- Tại Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội
Hotline: 1800 6858
- Tại TP HCM:
2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Hotline: 0287 102 6789
- Fanpage: //www.facebook.com/benhvientamanh

Video liên quan

Chủ Đề