Bố già là ai

ĐỌC “BỐ GIÀ”, ĐỂ NGHE “BỐ GIÀ” DẠY LÀM ĐÀN ÔNG

Vào một ngày mùa hạ tháng 7/1999, hai ngày trước quốc khánh Mỹ, Mario Puzo tạ thế ở tuổi 79. Cuộc đời ông gắn liền với tác phẩm “The Godfather” – Bố Già.

Tác giả đã về với cát bụi, nhưng cuốn sách thì sống mãi. Đó là cuốn sách kể về thế giới mafia, chỉ riêng chủ đề đó thôi cũng khiến nhiều gã đàn ông rạo rực.

Đến khi được dựng thành phim, không khó hiểu khi bấy nhiêu gã nam nhân đổ dồn về những khung hình của Marlon Brando, Robert De Niro và Al Pacino để tận hưởng cảm giác nhâm nhi một bộ phim mà họ tin rằng, thuộc về chính họ. Gã đàn ông đứng giữa đất trời được Mario Puzo định nghĩa qua “Don” Vito và “Don” Michale.

Hai ông trùm, hai người đàn ông, hai kẻ đứng đầu gia đình, gánh vác tất cả, chiến đấu và hạ sát tất cả, bằng bản lĩnh kinh hồn và bằng tình yêu. Khi đứa con đỡ đầu Johnny Fontane tới khóc với “Bố già” trong lễ cưới của cô em gái út Connie.

Đối diện với điều đó, bố già Vito gầm lên: “ Mày phải bắt đầu hành động như một người đàn ông đi, chứ làm sao. Chao ôi, mày sống gần tao bấy nhiêu năm mà hành động, cư xử tệ thế này sao? Một “ông lớn” của Hollywood mà lại khóc than, quỵ lụy, van xin lòng thương hại à? “

Xuyên suốt tác phẩm, bố già Vito Corleone luôn nói rõ ràng với những đứa con trai vây xung quanh ông: “Cho dù đàn bà sẽ thành thánh trên thiên đường, đàn ông bị đày ráo xuống địa ngục, thì trên cõi đời này, đàn bà vẫn cứ là đàn bà và đàn ông vẫn cứ là đàn ông.”

Đó giống như một cách nhắc nhở về bổn phận làm đàn ông, sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, giữa lý trí và tình cảm, giữa quyết đoán và do dự, giữa tàn nhẫn và yếu mềm.

Đàn ông làm việc của đàn ông, cho xứng với kiểu đàn ông. Đấy là lý do mà Bố già “Vito” dặn dò Michael: “ Phụ nữ và trẻ con thì có thể bất cẩn, nhưng đàn ông thì không bao giờ được phép.”

Bản sắc đối nhân xử thế vây quanh “Bố già” Vito là cả một hành trình khéo léo của nghệ thuật “trung dung”. Cái tôn nghiêm tuyệt đối của một ông trùm, của người đứng đầu đế chế luôn được dung hòa đúng lúc bằng tình cảm nồng ấm của một người cha.

Khi ông thấy đứa con cả Santiano hơi tiều tụy, ông thốt lên: “Santino, trông con khiếp quá. Tối phải ngủ sớm nhé. Giữ gìn sức khỏe chứ, ai mà trẻ trung, cường tráng mãi được.”

Khi nhắn với con rằng “Ngủ sớm nhé”, ông còn nói thêm “Chẳng ai trẻ trung, cường tráng mãi được.” Chúng ta vội vã đi vào trong vòng xoáy của mưu sinh, những đêm thức khuya mướt mát, chúng ta mất dần sức khỏe trong tâm thức.

Bố Già không chỉ dạy đàn ông, còn dạy cả cách sống tốt.

Đọc tác phẩm “Bố già”, xem phim “Bố già” còn thấy lồng lộng hai chữ gia đình trong câu chuyện. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tình hình nào, gia đình luôn được đặt lên hàng đầu.

“Thằng đàn ông vô trách nhiệm với con cái, không đáng là con người.”

“Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình, không bao giờ có thể trở thành đàn ông thực sự.”

Đó là những gì mà bố già Vito nhắc đi nhắc lại với các cậu cả. Đời người đàn ông có thể vất vả, có thể bươn chải, có thể điên cuồng với xã hội. Nhưng phải biết dành thời gian cho gia đình, có trách nhiệm với con cái. Người ta đánh giá bạn, qua cách bạn làm gì với gia đình, là điều mà “Bố già” dạy dỗ.

Người con của ông, kẻ kế thừa vĩ đại của gia đình Colerone huyền thoại, Don Michael Corleone cũng nói một câu dành cho người anh trai Fredo: “Fredo, anh là anh trai yêu quý của tôi, và tôi yêu anh. Nhưng đừng bao giờ theo phe kẻ chống lại gia đình lần nữa. Đừng bao giờ.”

Tình thương, sự uy nghiêm, răn đe, điềm tĩnh của một gã đàn ông tối cao nằm ở câu nhấn mạnh đó của Don Michael.

Vito Colerone vĩ đại còn dạy cả về tình bạn, khi chứng kiến đứa con giàu sang và nổi tiếng Jonny bỏ quên đứa bạn nối khố thuở hàn vi là Nino. Ông đã nói: “Tình bạn còn đáng quý hơn tài năng, lớn hơn cả chính phủ. Nó gần ngang với tình gia tộc. Nếu con xây dựng được một tình bạn vững bền thì con khỏi cầu ta giúp đỡ”

Có câu danh ngôn nổi tiếng “Người bạn tốt chính là người anh em ruột mà Thượng Đế quên không gửi vào gia đình bạn”, câu nói ấy chính nằm trong câu nói này của “Bố Già”. Bằng cách đánh giá tình bạn gần ngang với tình gia tộc, “Bố già” đã dạy dỗ tất cả chúng ta biết cách sống tốt với bạn bè tốt – là người bạn yêu thương chúng ta.

“Bố già” dạy cách làm đàn ông, cách yêu gia đình, chỉ cho thấy thứ tình cảm nồng nàn dành cho dòng máu, sự giúp đỡ dành cho những người bạn, cái tàn bạo khi đối diện với kẻ thù, sự quyết liệt khi bảo vệ gia tộc trong cơn nguy nan.

Tất cả bỗng thấy thật tuyệt đích trong việc ghép từ “God” và “Father”: “Cha” và “Chúa” lồng ghép vào thành “Bố già”.

“Bố Già” được viết năm 1969, và được dựng thành phim vào năm 1972. Tại Việt Nam, tác phẩm được dịch giả huyền thoại Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, có biết bao nhiêu gã đàn ông đã đọc và mê đắm lấy nó, đi theo những hình mẫu đàn ông như Vito, như Michael, không phải bước theo cái ác, mà sống trong chất đàn ông thấm đẫm từng câu chữ, từng hình ảnh, từng lời thoại.

Đọc “The Godfather”, là để nghe “Bố già” dạy cách làm đàn ông. Gửi Sunny.

Jack Bui,VinaAspire News


Trước năm 1960, Mario Puzo là một cái tên hoàn toàn xa lạ trên văn đàn thế giới. Sau 1970, tên ông luôn có trong danh sách những tác giả có doanh số cao nhất. Nhà văn Mỹ gốc Ý này đã viết được 11 tiểu thuyết, một chục truyện ngắn, 3 quyển phi tiểu thuyết [non-fiction] và hơn chục kịch bản phim. Nhưng khi nói đến tên ông, “The Godfather” lập tức bật ra như một phản xạ. Ở Việt Nam, tác phẩm này cũng có một đời sống bất tử thông qua bản dịch của Ngọc Thứ Lang, dưới nhan đề “Bố già”.

Câu chuyện Ngọc Thứ Lang dịch “Bố già” cũng ly kỳ không thua gì tiểu thuyết. Vốn là một công tử gốc Hà Nội, Ngọc Thứ Lang lại dịch “Bố già” đậm chất văn chương miền nam, với những sáng tạo độc đáo về mặt ngôn ngữ. Trong bản gốc, từ “Godfather” có nghĩa là cha đỡ đầu, hoàn toàn không có ý nghĩa như một tiếng lóng để chỉ ông trùm trong thế giới ngầm. Chính Mario Puzo là người đã gán cho “Godfather” ý nghĩa ấy. Trong sách, cánh tay phải của Don Vito Corleone là Tom Hagen nói: “Một đứa trẻ sinh ra đời, vì cuộc sống quá khổ nên nó cần đến hai người cha mới coi sóc đủ”. Điều tuyệt vời là sau khi “The Godfather” trình làng, các ông trùm đều tự gọi mình là “Godfather”. Kể cả giới cảnh sát và báo chí sau này cũng dùng từ ấy để gọi những tên trùm tội phạm. Từ trang sách, “Godfather” đã đi vào đời sống một các tuyệt vời như thế. Và không phụ lòng Mario Puzo, Ngọc Thứ Lang đã dịch “Godfather” thành “Bố già” một cách trác tuyệt.

Có một sự thật không thể chối cãi: Mario Puzo không hề muốn viết “Bố già”. Ông khởi sự viết nó chỉ vì đang túng quẫn về mặt tài chính, đến mức nhà xuất bản hai quyển đầu của ông tuyên bố cách mặt, không muốn in sách của Puzo nữa vì… quá ế. Vậy mà quyển sách được viết với mục đích thuần túy là để trả nợ ấy đã làm nên tên tuổi của Mario Puzo. Điều này đã từng khiến Puzo cảm thấy rất chạnh lòng, vì những tác phẩm mà ông dành nhiều tâm huyết hơn đã không được chú ý như “Bố già”. Đấy từng là bi kịch của Sir Arthur Conan Doyle khi viết Sherlock Holmes. Nhân vật thám tử nổi tiếng đến mức người ta gần như không quan tâm đến những tác phẩm giá trị [hơn] của Conan Doyle.

Đến cả dịch giả Ngọc Thứ Lang cũng đánh giá “Bố già” không phải là tác phẩm kiệt xuất nhất của Mario Puzo. Đấy là lý do ít lâu sau khi chuyển ngữ “Bố già”, Ngọc Thứ Lang dành nhiều tâm sức để dịch trước tác của Mario Puzo là The Fortunate Pilgrim, và đặt cho nó cái tên “Đất tiền đất bạc”. Trong phần đề tựa, Ngọc Thứ Lang thừa nhận là công chúng đã quá ưu ái cho “The Godfather”.

Dịch giả viết: “Phải đọc kỹ ĐẤT TIỀN ĐẤT BẠC thì may ra mới hiểu ở BỐ GIÀ những động cơ nào đã đưa đến sự lũng đoạn của phe nhóm BÀN TAY ĐEN, dễ dàng và bất nhân như vậy. BỐ GIÀ đã đánh trúng thị hiếu găng-tơ nơi người đọc. Người ta bèn quên khuấy tính cách tả chân cực kỳ chính xác và nhân bản của MARIO PUZO ở ĐẤT TIỀN ĐẤT BẠC mà chỉ ca ngợi tính cách sôi động, dữ dội của BỐ GIÀ. Cái mới bất công! Đó là lý do chính mà người làm cuốn BỐ GIÀ [The Godfather] là NGỌC THỨ LANG nhất quyết giới thiệu "phần chìm" của MARIO PUZO. Dĩ nhiên một bản dịch trung thành chẳng thể là phóng tác nhưng nếu đọc ĐẤT TIỀN ĐẤT BẠC thấy hơi hướng HỒ BIỂU CHÁNH với đôi chút "màu sắc thời đại" thì đó là một an ủi lớn cho người dịch khi cố gắng giới thiệu một tác phẩm giá trị”.

Lại nói tiếp về “Bố già” phiên bản điện ảnh, đến nay vẫn là một trong những bộ phim kinh điển nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Steve Schapiro, nhiếp ảnh gia của tạp chí Life, lãnh nhiệm vụ chụp bộ ảnh độc quyền về phim khẳng định: hãng phim Paramount không hề tin bộ phim sẽ thành công. Ông viết trong một bài kỷ niệm vào năm 2008: “Ngày ấy hầu như ai cũng biết đây không phải là một bộ phim quan trọng, thậm chí chả ai dám nghĩ phim sẽ hay. Người ta đồn là các thành viên của hãng Paramount đã cử người đi đến các hiệu sách để mua hết tác phẩm của Mario Puzo, hy vọng sự hiện diện của chúng trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times có thể lôi kéo sự chú ý của công chúng”.

Phim quay quá lâu, và người trong đoàn không biết liệu hãng phim có chịu tiếp tục rót kinh phí để hoàn thành tác phẩm hay không. Đạo diễn Francis Ford Coppola bèn rút ngắn số ngày quay lại, ông cáu đến mức cãi nhau với mấy vị trợ lý trên phim trường. Nhưng bất chấp những rạn nứt nội bộ, “Bố già” phiên bản điện ảnh sau đó thành công rực rỡ, nổi bật là hai giải OSCAR dành cho phim xuất sắc nhất và nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Marlon Brando.

Thành công đôi khi đến từ những cơ duyên rất kỳ lạ mà người trong cuộc có khi chả thể ngờ đến. Khi đang trên phim trường, đạo diễn Coppola nhìn thấy một con mèo đi lạc. Tức thì ông bảo Marlon Brando hãy ôm nó lên. Vốn là một diễn viên xuất chúng, Brando lập tức biết mình phải làm gì trong trường hợp này. Và chúng ta có cảnh quay bất hủ đầu phim, khi nhân vật Don Vito Corleone ôm con mèo trên người. Trong điện ảnh, con mèo là biểu tượng của tội ác, chết chóc và bạo lực. Việc Don Vito thương mèo [trong truyện không có] là một sáng tạo bất chợt nhưng cực kỳ thành công của đạo diễn Coppola, để giúp phim có một đời sống riêng, tất nhiên là vẫn bất tử như quyển sách.

Đến đây, ta hãy cùng xem Mario Puzo nói gì về “Bố già”. Trong lời đề tựa cho quyển “The Fortunate Pilgrim” được viết trong lần tái bản năm 1996, Puzo viết: “Tôi luôn xem quyển tiểu thuyết thứ hai của mình, “The Fortunate Pilgrim”, là quyển hay nhất, cũng là quyển cá nhân nhất. Trải qua rất nhiều chuyện bất ngờ, quyển sách đã có một cuộc đời thú vị.

Khi viết những trang đầu tiên, tôi đã định biến mình thành nhân vật chính. Truyện kể về một nhà văn chật vật, nghèo nhất trong đám nghèo. Trong gia đình, bà mẹ, bà chị và đám anh em trai đều là kẻ thù của văn chương cả. Vậy mà rốt cục, gã nhà văn ấy vẫn có thể thành công. Qua quyển sách, tôi cũng muốn thể hiện sự chán ghét với cái gốc Ý của mình.

Nhưng thật ngạc nhiên, khi câu chuyện tiến lên thì mẹ tôi mới trở thành người hùng, còn chị tôi hóa ra còn chân thành, đáng tin và dũng cảm hơn cả tôi. Từ những trang sách, đám dân Ý nhập cư vào Mỹ làm việc 12 tiếng một ngày, đội mũ xám ướt nhẹp mồ hôi và để ria mép kia lại hiện lên như những người hùng. Vì sao lại có chuyện lạ kỳ này, tôi không bao giờ biết được.

Những tay viết trẻ luôn mơ về sự bất tử. Họ muốn sách mình viết ra sẽ sống qua nhiều thể kỷ, mặc cho thân xác đã vùi dưới đất lạnh. Họ muốn lời văn của mình làm cho kẻ khác đổi đời, như cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi sau khi đọc “Anh em nhà Karamazov” ở tuổi 15. Tôi từng thề sẽ không bao giờ viết một từ nào trái ý mình. Và tôi tin mình đã đạt được điều đó với The Fortunate Pilgrim. Viết xong tôi tự nói với mình: viết đến cỡ này rồi thì phải giàu và nổi danh thôi.

Quyển sách nhận được những phản hồi tuyệt vời. Nhưng ngạc nhiên thay: chả có gì thay đổi cả. Tôi chả giàu, cũng chả nổi danh. Trên thực tế tôi còn nghèo hơn nữa, tôi phải làm một lúc hai việc mới trang trải nổi.

Tôi giận chứ, nhưng chỉ giận chính mình thôi. Rồi tôi tự vấn: mắc gì công chúng phải quan tâm là tôi đã đổ bao nhiêu tâm sức vào quyển sách, vào từng câu từng chữ? Mắc gì vợ con tôi phải quan tâm khi chừng ấy công sức không đủ tiền mua bánh mì hàng ngày? Tại sao bạn đọc phải quan tâm đến những cảm xúc rất cá nhân của tôi khi nó chả chạm được vào cảm xúc của họ? Hóa ra tôi đã bỏ mười năm trời cho một thứ văn học tự luyến. Để rồi tôi trở thành một “chooch”, kẻ mạt hạng nhất trong văn hóa Ý, một kẻ không thể nuôi bản thân lẫn gia đình mình.

Nhưng rồi một ngạc nhiên khác lại đến. Để nuôi gia đình, tôi quyết định viết một cuốn bestseller. Quyển sách ấy chính là The Godfather. Tôi mất bốn năm cho quyển ấy, tất nhiên là vẫn phải làm song song hai công việc cũ để kiếm ăn. Sau The Godfather, rốt cục tôi cũng “giàu và nổi danh” như mong muốn.

Những ngạc nhiên chưa dừng lại đó. Vì mỗi khi nhân vật Bố già mở miệng, tôi lại nghe thấy giọng của mẹ mình trong đó. Tôi như nghe được sự khôn ngoan, rắn rỏi và tình yêu vô bờ dành cho gia đình lẫn cuộc sống. Đúng vậy, sự dũng cảm của Don Vito và sự trung thành với gia đình đích thị là sao y bản chính của mẹ tôi. Thông qua các nhân vật trong The Godfather, tôi đã nghe thấy giọng của các anh chị mình, với sự khoan dung rất trần thế. Và bây giờ tôi nhận ra, không có Santa Lucia [nhân vật nữ trong The Fortunate Pilgrim], tôi đã không thể viết nổi The Godfather.

Đã 30 năm trôi qua từ lúc tôi viết The Fortunate Pilgrim. Văn hóa đã đổi thay, vai trò của cánh đàn bà cũng khác. Tôi đọc lại và vẫn yêu nó. Trên tất cả, tôi yêu mẹ mình. Bà đã sống một phận đời bi kịch, vậy mà vẫn yêu đời thiết tha. Và tôi biết mình chả thể trở thành anh hùng trong câu chuyện của đời mình, người ấy phải là mẹ tôi.

Nhiều năm sau đó, nghĩ về bi kịch của bà, tôi vẫn khóc. Và quyển sách như muốn hét lên: “Hãy nhìn xem bà ta đã khổ thế nào!”

Kỳ lạ chưa, khi “The Godfather” lại mang hơi hướng của… người mẹ, chứ không phải của một người bố nào cả. Mario Puzo chưa bao giờ chối bỏ: “The Godfather” thực ra một tác phẩm được viết vì tiền, một quyển sách thương mại đúng nghĩa, khác hoàn toàn với hai quyển văn chương thuần túy trước đó mà ông tự thấy là “nghệ thuật chân chính”.

Hóa ra trong Mario Puzo cũng từng xảy ra một cuộc tranh cãi bất tận như Nam Cao nhà ta: nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh đây? Ở đây, nhân sinh chính là vợ con ông, gia đình ông, là món nợ chỉ vài chục nghìn đô mà vẫn không cách chi trả nổi. Nhân sinh ở đây là công chúng, là những người sẽ nuôi sống ông. Và họ cần thứ sách găng-tơ cháy nổ ỳ đùng hơn những cảm xúc rất cá nhân của ông, dù đó là những cảm xúc tuyệt đẹp.

Cũng cần phải “minh oan” một chút cho Mario Puzo. Là dù đã chọn “nghệ thuật vị nhân sinh”, ông vẫn viết nó với tất cả tài năng và tâm huyết. Khác chăng ông chọn cho mình vị thế khác khi viết lách, một vị trí trong đám đông, để tự hỏi họ nghĩ gì, cần gì và muốn gì. “Bố già” là câu chuyện về lựa chọn và bổn phận của những người đàn ông. Đề tài đầy đực tính ấy chạm đến hầu hết những đấng nam nhi trên đời. Nếu như phụ nữ đọc Jane Austen thì đàn ông mê mẩn Mario Puzo. Trong Bố già, Michael thực ra chính là hình ảnh phảng phất của tác giả, khi ông vốn đã chọn cho mình một con đường riêng, nhưng rốt cục vẫn phải lao vào vòng xoáy chỉ vì hai chữ trách nhiệm. Khi nói về một người đàn ông, còn danh tự nào mạnh hơn là “trách nhiệm” đây? Là một người con của nước Mỹ, Michael lao ra trận. Là một người tình, Micheal hết dạ với Kay Adams. Là là một người con, Michael tôn kính ông già hết mực. Là một ông trùm trẻ, Michael quán xuyến trong ngoài. Thứ trách nhiệm ấy làm nên tính hấp dẫn của Michael, mà cũng chính là của Don Vito thời trẻ.

Không chỉ là trách nhiệm, “Bố già” còn là một câu chuyện về tình yêu, danh dự, báo thù, bạo lực, gia đình và sự kế thừa. Có thể khi viết những chữ cuối cùng của cuốn sách, chính Mario Puzo cũng không ngờ nó lại có một sức sống mãnh liệt đến thế [J.K.Rowling khi viết tập 1 cuốn Harry Potter cũng thế thôi]. Thừa thắng xông lên, Mario Puzo viết tiếp một loạt truyện khác của mafia sau đó, nhưng đều không thể vượt qua nổi cái bóng của “Bố già”.

“Bố già” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Puzo, nhưng có lẽ cũng là tác phẩm khiến Puzo… bực bội nhất. Cũng giống như tác giả bản “Nắng chiều” bất tử là Lê Trọng Nguyễn cũng từng bực mình vì người ta chỉ nhắc đến bản này, mà bỏ qua những tác phẩm khác của ông, những tác phẩm mà ông thật sự tin là có giá trị nghệ thuật cao hơn.

Viết cho chính mình hay viết vì đám đông, vẫn là trăn trở của bao thế hệ nhà văn từ xưa đến nay.

Video liên quan

Chủ Đề