Ca sĩ huỳnh liên là ai?

GN - Ni trưởng Thích nữ Tố Liên, Giáo phẩm chứng minh Ni giới Hệ phái Khất sĩ, đệ tử và cũng là thị giả gắn bó nhiều năm lúc sinh tiền của cố Ni trưởng Huỳnh Liên.

Câu chuyện về Thầy, chốn Tổ - Ngọc Phương, hành trình hoằng hóa gian nan khai lập tịnh xá của ân sư bắt đầu mở ra qua “lăng kính” của một học trò - thị giả năm xưa theo cách chân tình, gần gũi nhất chưa bao giờ nguội lạnh. Bên lối hiên nhỏ của liêu phòng Ni xá trong tiết tháng Ba vàng rộm, vị Ni trưởng ở độ tuổi bát tuần đang ngồi trên chiếc ghế giả mây hong nắng, trong ký ức đong đầy hình ảnh về người Thầy của mình...

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1147 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Hạnh nguyện “Làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”

Ni trưởng Thích nữ Tố Liên hồi tưởng thuở sơ tâm xuất gia với Thầy, cố Ni trưởng Huỳnh Liên [sinh năm 1923], người trí huệ, đạo hạnh viên dung, một người đặc biệt luôn đôn hậu và vô cùng gần gũi. Lúc ấy Ni trưởng ở vào độ tuổi đôi mươi, “duyên lành bắt đầu từ chuyến về tịnh xá Ngọc Vinh [Trà Vinh] thuyết pháp, biết tôi còn nhỏ mà làm được thơ nên Thầy để ý, rồi xin bà thân cho tôi làm đệ tử”, Ni trưởng nhớ lại.

Được Sư cô Huỳnh Liên [giáo phẩm lúc bấy giờ của cố Ni trưởng Huỳnh Liên] xuống tóc cho xuất gia học đạo vào năm 1960. Từ đó, quá trình tu tập của cô học trò tập sự nhận được sự chỉ dạy ân cần thấm đẫm tình thầy trò. Về sau, những chuyến đi xa hóa duyên, khai mở đạo tràng “nên tập sống chung tu học” ở khắp miền Nam, Trung, cô Tố được theo Thầy để giúp việc, làm thị giả.

Trong câu chuyện, Ni trưởng Thích nữ Tố Liên luôn nói về mối duyên đạo, đó là gốc rễ, là cội nguồn. Thầy, cố Ni trưởng Huỳnh Liên xuất thân trong gia đình nho giáo, là một Phật tử ở làng Phú Mỹ, Mỹ Tho, tỉnh Định Tường [Tiền Giang ngày nay]. Ngày 1-4-Đinh Hợi [1947], tại Linh Bửu, ngôi chùa ở làng Phú Mỹ, Phật tử Nguyễn Thị Trừ được Tổ sư Minh Đăng Quang thọ ký với pháp danh Huỳnh Liên, làm trưởng tử Ni đầu tiên của Tổ sư, với hạnh nguyện “Làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”.

Bốn vị đồng tu Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Bửu Liên được Tổ sư truyền thọ giới pháp, y bát Khất sĩ, chính thức làm Tỳ-kheo-ni và tiếp bước Tổ sư hành đạo với tôn chỉ Nối truyền Thích Ca Chánh pháp. Những bài Chơn lý sống động được Tổ sư truyền dạy về hạnh Khất sĩ tìm đạo giải thoát đã thôi thúc Sư cô Huỳnh Liên không ngừng nỗ lực dấn thân về phía trước.

Những câu chuyện sống động của Thầy kể về các chuyến du phương hoằng hóa, gầy dựng đạo tràng, tịnh xá đặc biệt ấn tượng đối với cô học trò thị giả. Đó là thời gian tám năm Sư cô Huỳnh Liên cùng Tổ sư du phương thuyết pháp, vừa học đạo, vừa nhận sự ủy thác của Tổ sư tiếp Ni độ chúng. Sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang thọ nạn và vắng bóng [1954], Sư cô Huỳnh Liên đã lãnh trách nhiệm lớn lao kế tục sự nghiệp của Tổ sư trực tiếp lãnh đạo Ni đoàn Khất sĩ, cùng với Tăng đoàn làm lan tỏa hình ảnh Đạo Phật Khất sĩ VN [nay là Hệ phái Phật giáo Khất sĩ VN] với chiếc huỳnh y, bình bát du phương giản dị, vô cùng gần gũi đến với đông đảo quần chúng từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Sư cô đã vượt qua hành trình hoằng dương Phật pháp đầy thử thách cam go đến những vùng đất mới khai lập hơn một trăm ngôi Tam bảo, khuyến tấn chư Ni tu tập, học văn hóa, cùng sống chung tu học, đưa Giáo hội Ni giới Khất sĩ VN phát triển song song với Giáo hội Tăng-già Khất sĩ.

Mơ ước tương lai có “một trăm cô đại học”

Bên hiên liêu đầy nắng, Ni trưởng Thích nữ Tố Liên hồi tưởng về ngôi chánh điện Ngọc Phương thuở xưa với mái tole đơn sơ. Đó là dấu ấn đậm nét về ngôi tịnh xá được thầy khai sơn từ năm 1958 gắn bó với nhiều nỗ lực của Thầy và trò. Cố Ni trưởng đã lao nhọc trùng tu ngôi Tam bảo vào năm 1972, rồi đến năm 1986 trùng tu thêm lần nữa, tịnh xá Ngọc Phương mới được khang trang, nơi đặt trụ sở Giáo hội Ni giới Khất sĩ. Nơi này, cố Ni trưởng đặt nhiều tâm huyết bồi dưỡng Ni giới tinh chuyên, phát triển Ni đoàn ngày càng lớn mạnh.

“Cố Ni trưởng Huỳnh Liên là người khá đặc biệt, Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ. Sinh tiền, Ni trưởng đã chu toàn trọng trách được Tổ Sư Minh Đăng Quang giao phó lãnh đạo Ni đoàn, kiến lập tịnh xá. Tính từ năm 1954 đến 1975, cố Ni trưởng đã khai mở khoảng 200 tịnh xá. Đặc biệt, Ni trưởng có tư tưởng tiến bộ, khuyến tấn Ni giới tu - học song hành. Cố Ni trưởng cũng chủ trương Việt hóa, biên soạn, dịch thuật kinh điển chữ Hán, Pali thành những bài diễn dịch, kệ tụng Việt ngữ để chư Ni các tịnh xá đọc tụng cho đến ngày nay.

Nhân lễ tưởng niệm 35 năm ngày Ni trưởng Huỳnh Liên viên tịch [1987 - 2022], tròn 100 năm ngày sinh của Ni trưởng [1923 – 2022], nhằm đánh giá hành trạng và đóng góp của cố Ni trưởng Huỳnh Liên, Hệ phái Khất sĩ phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học VN, Học viện PGVN tại TP.HCM, Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM đồng tổ chức hội thảo quốc gia về chủ đề: “Ni trưởng Huỳnh Liên: Những đóng góp cho Đạo pháp - Dân tộc và các giá trị kế thừa”, tại Pháp viện Minh Đăng Quang [TP.Thủ Đức, TP.HCM], vào ngày 17-4-2022”, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho biết.

Người lãnh đạo đầu tiên của Ni giới Hệ phái, vị Ni đầu tiên được suy cử vào Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khóa I [1981-1987] đã chủ trương biên soạn, dịch thuật kinh điển chữ Hán, Pali chuyển sang bài diễn giảng, kệ tụng Việt ngữ dễ hiểu để cho Ni chúng hệ phái, Phật tử đọc tụng hàng ngày. Ở đó cũng ghi dấu ấn về vị Ni đau đáu bởi thời cuộc, dấn thân tham gia hoạt động đấu tranh “đòi quyền sống”, vì hòa bình, bình đẳng cho phụ nữ và những người yếu thế. Những ngày tháng thầy, trò làm kinh tế tự túc để có phương tiện trang trải cho việc trau dồi Phật pháp, nỗ lực học văn hóa trong những ngày khó khăn sau ngày thống nhất đất nước.

Ký ức về Thầy sâu đậm đối với Ni trưởng Tố Liên bởi Thầy là một người nữ tu sĩ đặc biệt, với bi nguyện độ sanh, đức độ từ hòa, sức tinh tấn kiên trì ở mọi hoàn cảnh. Vị Ni trưởng Đệ nhất Trưởng Ni giới Khất sĩ có tư tưởng tiến bộ, dám thay đổi hướng tu, là người đầu tiên chủ trương đào tạo Ni giới trẻ tu và học song hành. Vị Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ nhận thức được sứ mạng, trọng trách của mình, kiên định giữ vững lập trường, muốn phát triển Ni đoàn phải “tu có học mới rạng ngời Chánh pháp, học có tu mới lợi đạo ích đời”, dõng mãnh vượt qua định kiến từ xưa của hạnh Khất sĩ du phương là chỉ chuyên tu giải thoát.

Vì thế, Ni chúng Hệ phái nói chung, tịnh xá Ngọc Phương nói riêng được cố Ni trưởng khuyến tấn, tạo mọi điều kiện học thêm văn hóa, cổ ngữ, trau dồi nội điển, ngoại ngữ để tiếp thu tinh hoa mới của thời đại.

Nhờ Thầy khuyến tấn, Sư cô Tố Liên bấy giờ là người đầu tiên ở tịnh xá Ngọc Phương tốt nghiệp Đại học Vạn Hạnh, được thầy cho học lên cao học Triết, cao học Ngữ văn, tham gia nghiên cứu, dịch thuật kinh tạng Pali… Sinh tiền, Ni trưởng đã từng kỳ vọng, ao ước “Tương lai tôi sẽ có một trăm cô đại học” để tiếp nối, phát triển hoằng truyền Chánh pháp, kế thừa đạo nghiệp của Tổ sư, phát triển Ni giới Hệ phái.

Sau 35 năm ngày Ni trưởng Huỳnh Liên viên tịch [19-3-Đinh Mão], không chỉ ước nguyện lúc sinh thời về một trăm cô đổ đạt sự học đã thành hiện thực mà ngày nay thế hệ Ni giới Hệ phái bên cạnh tinh tấn tu tập, phát huy sở học, hàng trăm vị đã đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân Phật học lẫn thế học. Chư Ni phần nào đáp đền ân Đức Phật, Tổ sư và Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ. Các vị Ni trưởng giáo phẩm đã lần lượt kế thừa vai trò lãnh đạo Ni giới, kế tục sự nghiệp hoằng pháp, xây dựng đạo tràng, thừa hành Phật sự, cùng với chư Tăng Hệ phái Khất sĩ đóng góp vào sự phát triển của ngôi nhà chung GHPGVN.

1. Ni trưởng Huỳnh Liên: Cuộc đời và hạnh nguyện

Ni trưởng Huỳnh Liên, thế danh Nguyễn Thị Trừ, sinh năm 1923, là trưởng nữ trong một gia đình thấm nhuần Nho giáo và đạo đức Phật giáo. Bằng nếp sống chân chất nông nghiệp, ngày ngày tiếp cận với đồng nước mênh mông, tâm hồn thảnh thơi, chẳng đua chen danh lợi, tính tình điềm đạm, hòa nhã, ít lân la, giao du lãng phí thời gian, đặc biệt là người có một tấm lòng từ bi bao la, luôn trân trọng, yêu thương từng loài vật nhỏ. Do ảnh hưởng này, nên đức tánh của Ni trưởng rất bình dị, hiền hòa và bác ái. Thuở thiếu thời tuy đường học vấn của Ni trưởng do hoàn cảnh gia đình đành bỏ lỡ việc học. Tuy nhiên nhờ bẩm tánh thông minh, hiếu học, biết tiếp cận với tư tưởng mới, hằng suy tư, tìm tòi, học hỏi theo gương hạnh, khí tiết của các bậc hiền tài, đức hạnh, đồng thời cũng nhờ sự trợ duyên, un đúc về Văn hóa, Pháp văn, Văn chương, Thi phú của người Cậu. Ngoài ra, Ni trưởng còn được bà ngoại tận tình chỉ dạy môn học Hán văn đạt đến trình độ tương đối thông thạo, nên sở học của Ni trưởng này một thăng tiến.

Về tín ngưỡng Phật giáo, từ nhỏ Ni trưởng đã theo bà ngoại đến chùa lạy Phật, ham học kinh sách Phật, khi rảnh tập làm thơ văn, lại thêm trưởng thành trong một xã hội ngập tràn chiến tranh, luôn nhìn thấy cảnh chế độ thực dân đàn áp, bóc lột bất công đối với dân lành, nên ngay khi còn đời sống tại gia, người đã tham gia trong công cuộc giành chính quyền cùng với các chị em phụ nữ hầu bảo tồn lực lượng cách mạng. Song song với chí nguyện yêu nước thương dân như trên, Ni trưởng vốn ôm mang hoài bão sống đời thanh thoát với hạnh nguyện tự lợi, lợi tha đúng với tinh thần thị hiện của Đức Phật: “Vì muốn đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”[[1]]. Thế nên đến năm 25 tuổi, nhân duyên hội ngộ đức Tổ sư trong lần hành đạo tại Phú Mỹ, sau khi nghe Tổ sư thuyết pháp, thấu hiểu lý đạo, triệt ngộ kiếp nhân sinh giả tạm, chỉ có đời sống xuất gia mới khai mở huệ mạng, giúp Người nâng cao phẩm hạnh, thực hiện tốt chí nguyện phụng đạo, giúp đời, lợi tha, viên mãn. Vậy nên Ni trưởng quyết định xuất gia, sống đời du phương hành đạo, nối hạnh Thích-ca hoằng hóa chúng sinh, hoàn thành bổn hoài.

2. Ni trưởng Huỳnh Liên: Người tiếp nối tinh thần yêu nước thương dân

Kế tục sự nghiệp của chư Tổ, Ni trưởng Huỳnh Liên, một tu sĩ thời cận đại, là hàng xuất gia và có tài năng về văn học, những sáng tác của Ni trưởng đều thể hiện tinh thần yêu nước, lý tưởng phụng đạo, giúp đời, với chí nguyện to lớn:

 Nguyện xin hiến trọn đời mình,

 Cho nguồn đạo Pháp cho tình quê hương.

Du hành khắp nơi, tiếp xúc vô số hàng tín chúng, đối với xã hội và nhân sinh, Ni trưởng luôn ứng dụng mọi phương tiện để thân cận, thấu triệt tâm tư, hiểu được niềm vui, nỗi khổ của từng cá nhân mỗi người. Vì thế những áng văn thơ của Ni trưởng đã biểu hiện nội dung rất thực tế, Ni trưởng đã dùng những sự vật, hình tượng cụ thể, miêu tả nét đẹp tự nhiên của cảnh vật với tình người thân thương để gợi phát lòng hướng thiện của tha nhân. Khiến mọi người thông qua những thí dụ, hình tượng biểu hiện trong thơ văn để lĩnh ngộ chân lý. Do vậy, Giáo sư Hoàng Như Mai đã từng tán thán rằng: “Tôi mạnh dạn khẳng định: Đây là những áng thơ trữ tình đặc sắc: Tình với người, với cảnh, với thầy, với đệ tử, với đất nước quê hương, với bạn bè, người thân… Nếu tôi không nhầm, các bài thơ này thường là ngẫu cảm, ứng tác và điều này chứng tỏ Ni trưởng rất nhạy cảm đối với những cái đẹp, cái đau, cái vui, cái đáng thương trong thế gian”[2]. Quả thật thơ văn của Ni trưởng thường kết hợp với cuộc sống cụ thể, thực tiễn và bình dị, liên hệ đến cuộc sống giữa đạo và đời, thật đúng với lời cảm niệm của Giáo sư Hoàng Như Mai khi đọc thơ Ni trưởng: “Đấy là những cụm hoa không phải kén chọn, ương trồng, chăm sóc với những công phu dành riêng cho các loài hoa quý hiếm trong các nơi thượng uyển, mà là hoa đồng, hương quê rất mộc mạc, thân mật với chúng sinh; Ai cũng có thể và nếu ưa thích thì dễ dàng hái lấy để cài lên mái tóc hay đem về cắm ở nhà, không bị ngăn cấm gì hết vì là của chung, của mọi người, mang trong người, để trong nhà, hương thơm lan toả khắp nơi, ai đến gần cũng được thơm lây. Đó là cái cách Ni trưởng đem Đạo pháp đến cho mọi người”[3].

Ngoài ra, Giáo sư còn cho rằng: “Ni trưởng Huỳnh Liên xứng đáng là bông sen vàng trước Phật đài. Ni trưởng đã viên tịch, nhưng tư tưởng, tình cảm, hành động, tất cả con người của Ni trưởng vẫn còn lại trong những vần thơ cao đẹp”[4].

3. Thơ của Ni trưởng Huỳnh Liên

3.1. Tư tưởng Phật học trong thơ của Ni trưởng Huỳnh Liên

Ảnh hưởng và kế thừa tinh thần lợi đạo giúp đời của tăng đoàn Phật giáo vốn có từ nhiều thời đại xa xưa, cộng thêm trình độ tu học và phẩm đức cao thượng được un đúc, bồi dưỡng với tài cao đức trọng, thậm chí còn khéo giỏi về văn chương thi phú. Ni trưởng Huỳnh Liên, hình ảnh bậc nữ lưu “xuất gia với hạnh nguyện làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”. Như trong bài Con nguyện, Người đã từng thố lộ:

 Con nguyện hiện thường kiếp nữ nhân,

 Bởi bao phụ nữ khổ trong trần.

 Tiện bề thân thiện con dìu dắt,

 Dầu phải cực lòng lốt phụ nhân.

 Con nguyện đời đời độ chúng sinh,

 Bao nhiêu cực nhọc cũng cam đành.[5]

Thông qua lời thơ với đầy sự thông cảm cho cuộc đời người phụ nữ, Người sẵn sàng hy sinh thị hiện kiếp nữ nhân để cận kề, đồng sự với phái nữ, hầu dắt dìu, khuyên nhủ, động viên, thúc đẩy họ tu hành, chỉ dạy con đường bỏ ác làm lành, phát tâm thực hiện tinh thần Bồ-tát đạo, cải sửa những tư tưởng xấu ác, chấp thủ, làm tất cả những gì mình có thể làm được, chỉ với mục đích cứu khổ ban vui. Đồng thời tiếp dẫn họ cùng tiến bước lên thềm giác ngộ giải thoát. Tâm nguyện này được thể hiện rõ nét hơn qua bài Sức chịu đựng:

Người dẫn chúng khác nào quả đất,

Để chúng sinh, chứa chất nặng nề.

Hỡi ganh, hỡi ghét, hỡi bì,

Hỡi phiền, hỡi hận, hỡi ai, hỡi lầm.

Cam chịu đựng muôn vàn sức nặng,

Chất bao nhiêu quyết chẳng nản lòng.[6]

Do vậy sau khi xuất gia, được Tổ sư thọ ký là bậc lãnh đạo bên Ni chúng, Ni trưởng luôn sẵn sàng chấp nhận bao gian lao, khó nhọc, chẳng màng danh lợi, chẳng nệ thị phi, miễn sao đem lại lợi ích, an vui cho chúng sinh. Cũng có thể nói, bằng tâm lượng từ bi bao la, rộng lớn, kết hợp với trí tuệ tu dưỡng của tự thân, Ni trưởng luôn tùy thuận với mọi hoàn cảnh, sẵn sàng xông pha với mọi chướng duyên, hầu cứu giúp nhân sinh thoát khổ. Trong bài Lên đường cứu khổ, quả thật miêu tả hết sức linh động ý chí vì người quên mình, vì vậy khi chứng kiến cảnh người với người cứ mãi lo tranh đấu, giựt giành, khiến Ni trưởng vô cùng đau lòng, xót dạ đã thố lộ với lời thơ đầy cảm xúc:

Đời vì lợi ngã khởi tương tranh,

Đạo phải duy tha mới thái bình,

Lưới rập vô tình ai có biết,

Lòng ta, ta cứ giữ cao thanh.

Đi đi, ta quyết dấn thân vào,

Chốn khổ đau mà sớt khổ đau.

Người Việt lâm nàn người Việt cứu,

Tương thân tương trợ nghĩa đồng bào.[7]

Ni trưởng không những với lý tưởng cao đẹp, nguyện đem thân mình phục vụ chúng sinh, dù là chân yếu, tay mềm, nhưng quyết tâm tận tụy, vượt qua tất cả trở ngại, chỉ một lòng hướng dẫn nhân loại tu tập hầu đạt đến chỗ chí thiện, trong sạch, giải thoát khỏi cảnh khổ tử sanh. Lý tưởng này đã nêu lên một gương hạnh Bồ-tát tuyệt đẹp, Người luôn ấp ủ một tình cảm đầy lòng từ bi, ý chí dũng mãnh, hết lòng vì dân, vì đạo, hầu đáp đền công ơn sâu đậm đối với Thầy Tổ. Tinh thần này được diễn đạt với lời thơ mộc mạc, bình dị trong bài Hoài niệm, nhưng rõ ràng đã toát lên một tâm ý cao thượng của người tu đạo:

Sức dầu yếu, mong tát vơi biển khổ,

Tay dầu mềm, toan phá đổ non sầu.

Nức tiếng lành, Đạo thạnh khắp đâu đâu,

Rạng danh Đấng buổi đầu khai Pháp giáo.[8]

Trong thơ Ni trưởng không những biểu hiện phương tiện tu Phật, độ chúng, hướng dẫn chúng nhân tiến đến thiện lành và chứng đạt cảnh giới Niết bàn. Mặt khác, thơ văn còn biểu hiện nhiều yếu tố có chiều sâu, thường quan tâm đến mọi lĩnh vực trong đời sống của dân chúng, đất nước, xã hội cho đến thế sự đổi thay. Như bài Mảnh đất phước duyên qua lời thơ rất gần gũi và bình dị đã gợi nhắc cho chúng ta biết, sự thế vô thường, nhân sinh vô ngã, chớ nên chìm đắm vào cảnh đời huyễn giả. Từ lời thơ giáo huấn, giúp con người suy tư và khuyên người người hãy sống lương thiện, ngay thẳng, chân thật, tốt Đạo, đẹp Đời:

Nẻo thế sự trăm phiền ngàn tủi,

Cuộc sống còn nhiều rủi, ít may.

Tiêu hao tháng rộng năm dài,

Nhọc nhằn vì của, của hay đổi dời.

Sao bằng cảnh thảnh thơi yên tịnh,

Để cho người sửa tánh trau tâm.

Hành trang diệu Pháp thậm thâm,

Lên đường độ khách, mê lầm tỉnh tu.[9]

Đọc xong bài thơ, rõ ràng cho thấy tình huống sáng tác nêu lên đặc trưng quan trọng với cảm hứng đột ngột, ngẫu nhiên biểu hiện sự tươi sáng trong tâm hồn tác giả. Ngoài thơ triết lý Phật giáo vạch cho nhân loại hướng đi tích cực, đồng thời cũng khẳng định cho mọi người biết tin vào trí lực kết hợp với sự tinh tấn, chuyên cần tu tập cải ác, làm lành, chuyển vọng thành chân của chính mình và tích cực phục vụ chúng sinh. Không những thế Ni trưởng còn sử dụng trí tuệ giáo hóa, khai mở cho chúng sinh nhận chân được chân lý qua hình ảnh sống động từ mái chèo, sóng nước cùng sự giong thuyền trên biển trần. Như bài Mộng trần:

Chèo đạo pháp, ấy công phu thiền định,

Gió nhân duyên tức cảnh ngộ nung mình.

Nước phẳng lặng, như tánh chân yên tịnh,

Ngọn trào lòng, là lượn sóng chông chênh.

Ráng cẩn thận, khi giong thuyền mặt biển,

Sự nguy nan, là một phút thờ ơ.

Mà đừng ngại cuộc hành trình diệu viễn,

Hễ nhất tâm, trong nháy mắt đến bờ.[10]

Rõ ràng trong thơ, Ni trưởng không chỉ nhấn mạnh tính triết học xử thế, ngoài ra chủ yếu còn khẳng định tính tương đối trong sự vật. Qua đó cho thấy, Ni trưởng làm thơ phần lớn chính là để vui đạo, khẳng định kiếp nhân sinh, biểu hiện thú vui với thiên nhiên. Chính vì thế ý thơ của người rất tự nhiên, luôn kết hợp với cảnh giới thiên nhiên như núi rừng, sông nước, trăng thanh, gió mát… như bài Vui mà sống:

Non và biển giúp ta thêm bài học,

Non muốn cao nên non đứng một mình.

Biển bao la mà biển thật hữu tình,

Đã thâu được vào lòng ngàn sông rạch.[11]

Hoặc bài Lội Dưới Bãi Biển:

Huỳnh đạo mênh mang nước lẫn trời,

Liên hoa thơ thới giữa nguồn đời;

Lội ngang qua khỏi giòng sanh tử,

Biển ái dầu nguy dễ đắm người![12]

Thông qua những bài thơ với nhiều hình tượng, màu sắc cùng cách miêu tả khác nhau. Từ đó có thể thấy rất rõ, Ni trưởng thường quan sát thiên nhiên, cảnh vật, rồi cảm tác với lời lẽ, văn từ tự nhiên, tuy không quá chải chuốt, nhưng súc tích tình cảm chân thật đối với người dân, đối với đất nước. Cũng có thể nói, Ni trưởng đã biểu thị tình cảm thương xót, vô cùng khéo léo. Điều này bài Đứng dưới gốc cây dầu đã bộc lộ tâm trạng cảm xúc của tác giả trong trách nhiệm. Chính đó là tình cảm trác tuyệt, khiến cho người đọc nhận chân được cái đẹp cao thượng của vị Bồ-tát hiện thân, tất cả vì nhân dân:

Một mình đứng giữa chốn rừng xanh,

Tự hỏi có nên lánh thị thành.

Đáp lại cảnh nhàn ta vẫn mến,

Nhưng còn phận sự với nhơn sanh.

Bởi còn phận sự với nhơn sanh,

Phải bước chân đi khắp thị thành.[13]

Hoặc bài Em Có Nghe Chăng?:

Em có hay chăng lũ trẻ thơ?

Mất cha, mất mẹ khóc bơ vơ!

Hoặc trong hầm rác, trong nhi viện,

Hoặc sống lầm than, sống dật dờ.[14]

Quả thật lời thơ với sự tràn đầy bi tâm, hòa cùng trí tuệ mạnh mẽ, thậm chí trong cách dùng từ hòa nhập tình cảm bi thương của con người:

Bàn tay đẹp là bàn tay “đạo đức”,

Xoa vết đau, xua tủi cực trần gian.

Tật bịnh nghèo, mê, dốt, goá, côi, tang,

Xô địa ngục, dựng Niết Bàn giải thoát.

Lại nữa, qua sự quan sát tinh tế từ đời sống, lao động của những người dân cực nhọc, Ni trưởng còn mượn cảnh tượng đời sống thiết thực để tả người, cảnh… Điều này cho thấy lời thơ của Ni trưởng luôn biểu hiện sự cảm nhận thân thiết đối với đời sống chất phác, tận tụy, hăng say lao động của nông dân. Đặc biệt hơn nữa, trong lời thơ còn nêu bật tinh thần truy cầu những cảnh tượng hùng tráng rộng lớn, cùng hình tượng phóng khoáng và hào hùng của đấng Bồ-tát có mặt trong khắp mọi nơi, mọi chốn ở cõi đời:

Không! Bàn tay đẹp là bàn tay “lao động”,

Chuyển đường gân dâng sức sống cho đời.

Hiện khắp nơi và ở khắp nơi nơi,

Như đất nước như khí trời vũ trụ.

Không những thế, trong thơ ca Ni trưởng còn ca ngợi tinh thần hào hùng, tràn đầy sức sống, luôn tin tưởng và gởi gắm niềm tin vào các anh hùng chiến sĩ:

Bàn tay đẹp là bàn tay “chiến sĩ”,

Chống xâm lăng cho bờ cõi thanh bình.

Cởi xiềng gông cho dân tộc trưởng thành,

Gầy vận hội quang vinh cho Tổ Quốc.[15]

Có thể nói trong cách vận dụng thể thơ, Ni trưởng thường dùng phương thức đột phá vốn có, khiến người đọc cảm nhận được mùi vị mới lạ, đồng thời đã hấp thụ những đặc điểm giản lược, ngắn gọn, súc tích. Điểm thú vị hơn nữa, trong lời thơ Người còn vận dụng những cú pháp liên tục, tạo cho người đọc cảm giác ý thú và nhịp điệu lưu loát sinh động. Đây chính là phong cách lý tưởng mà Ni trưởng tác ý theo đuổi trong lúc làm thơ. Vừa theo đuổi cái đẹp tự nhiên, vừa biểu hiện được tâm đạo sâu lắng, lý trí trong từng bối cảnh, lại ý thức trách nhiệm với non sông, đất nước và dân lành. Nhờ thế, thơ văn đạt đến một cảnh giới nghệ thuật hoạt bát, khéo léo của ý cảnh. Tất cả đều lấy thế giới tự nhiên làm tiêu chuẩn bậc nhất. Thứ đến là tác giả muốn cho người đọc nhận thức cái đẹp thẩm mỹ trong đời sống và cảnh vật, dần dần đưa họ đến với tư duy, triết lý thâm sâu và thâm nhập đạo pháp, để người đọc hiểu được và giúp họ mở rộng tầm nhìn của chính mình. Đồng thời cũng điều chỉnh được thế giới quan trong chính họ, khiến tâm linh và hành vi của người đọc đạt đến cảnh giới cao xa.

Cũng có thể nói, Ni trưởng đã biết linh hoạt kế thừa truyền thống “dùng văn tải đạo”, tức dùng nghệ thuật thơ văn hài hòa với đạo pháp, để thu phục lòng người qua văn chương tác tuyệt như bài Văn với Đạo, Người đã nhẹ nhàng nhắn nhủ nhân loại qua sự quán thấy vũ trụ nhân sinh biến đổi, từ đó thể nghiệm triết lý sâu sắc, ý vị sâu xa từ các pháp. Bên cạnh đó còn giúp họ thấu rõ kiếp sống tương quan, cảm nhận sự trong sáng, hồn nhiên của từng cảnh vật. Điều này như nhắc nhở nhân loại hãy yêu thương nhau, sống vì nhau, chan hòa lẫn nhau, cũng như thơ và đạo chẳng tách rời nhau:

Văn có đạo cội bền cây tốt,

Đạo nương văn ý tột lý mầu.

Lá cành sầm uất bền lâu,

Văn chương đạo đức cùng nhau độ đời.

Một đoạn khác lại khẳng định:

Pháp thâm diệu văn từ thâm diệu,

Văn phi thường pháp hiểu phi thường.

Văn truyền pháp hiển hoằng dương,

Văn phò lấy đạo một đường dung thông.[16]

Với ý vị tuyệt vời của những vần thơ trên, trong đó bao hàm những thí dụ mới lạ, sự cảm nhận trong sáng thấm đượm tình người, từng cái thấy bất công, bất hạnh của người dân trong xã hội, Ni trưởng vô cùng đồng tình với nỗi đau của nhân loại. Đây chính là tiêu biểu sự cao siêu, tuyệt vời và tươi đẹp trong tâm hồn người Khất sĩ cũng là người thi sĩ. Tất cả đều biểu hiện qua đời sống giản dị, tầm nhìn cảm thông, yêu thương và đầy sức sống, hòa quyện với trí tuệ thấu triệt các pháp khi tiếp ứng với cảnh vật thiên nhiên và con người. Mỗi mỗi đều được Ni trưởng cảm hứng bằng lời thơ trong sáng, hòa dịu, nhưng giọng văn lại sắc bén, quả quyết. Vì thế Ni trưởng luôn nhắc nhở chúng Ni cùng hàng Phật tử:

Bồ tát chúng sanh danh tạm có,

Chơn như liễu ngộ gốc hoàn không.

Giác cùng bất giác nào riêng ngỏ,

Mê với không mê chỉ một dòng.

Niệm ngộ còn tâm, tâm chưa tỏ,

Huờn chơn chẳng biết, biết toàn thông.

Thâm ý của bài thơ trên đã nhắn gởi cho mọi người thông hiểu, Bồ tát và chúng sinh chỉ là giả danh, cả hai tự tính đều như nhau, chỉ sai khác ở chỗ mê và ngộ. Từ đó đưa dẫn người ngộ đạo sực tỉnh nhận chân rằng, sự giải thoát thật sự chẳng ngoài tâm mình. Thấu triệt chân lý này, chúng ta mới hưởng tận được cuộc sống ngọt ngào, mỹ mãn, tốt đẹp.

Với bút lực đồi dào nên đứng trước cảnh vật tầm thường Ni trưởng cũng có thể biểu hiện ý thú sinh động, hàm súc uyển chuyển, tình cảm thuần tịnh, cách điệu tráng kiện, cao xa. Đây cũng là cách kế thừa và phát triển đối với văn phong hàm súc uyển chuyển trong truyền thống. Có thể nói tác phẩm thi ca, trong phong cách chỉnh thể, sự miêu tả tự nhiên của Ni trưởng đã thể hiện đầy sức sống với lời văn đẹp đẽ, nhẹ nhàng, nhưng không kém sự hùng vĩ. Quan trọng hơn nữa, sáng tác của Người chỉ nhằm mục đích miêu tả tinh thần siêu thoát, hào phóng, qua đó thấy được thần thái của Người luôn trầm tĩnh và thanh thoát lạ lùng.

3.2. Giá trị thẩm mỹ trong thơ của Ni trưởng Huỳnh Liên

Nói đến văn thơ Ni trưởng Huỳnh Liên, với bút pháp khoáng đạt, kết hợp tâm hồn trong sáng, thanh cao, lấy cái đẹp thiên nhiên, sông nước hữu tình, con người, đời sống xã hội... làm đề tài trước tác, nội dung thơ phần lớn đều biểu hiện những kiến giải đặc thù thấu triệt kiếp sống nhân sinh, hòa quyện với nhân cách thanh cao, lòng từ bi bao la, sống vì mọi người, cùng trí tuệ thấu nhập chân lý, điều này được thể hiện trong bài Thuyền trí tuệ:

Năng nghiên cứu xét tìm chơn lý,

Gắng tham thiền tuệ trí phát sanh.

Sáng tâm tỏ tánh rành rành,

Tinh chuyên nhập định đắc thành thần thông.

Màn huyền bí bên trong hé mở,

Máy nhiệm mầu tỏ lộ lần ra.

Rõ ràng đạo quả đâu xa,

Chơn tu thành Phật, Phật là người tu.[17]

Đoạn thơ trên cho thấy tác giả đã nhận chân một cách sâu sắc rằng, trí tuệ thấu triệt chân lý và đạo quả chẳng qua là lối sống thể nhập lý tánh, tức sống với tâm tỉnh giác, sáng tỏ thì Phật chính là mình, mình chính là Phật vậy. Đây chính là nét đẹp thẩm mỹ bằng sự cảm nhận và truyền đạt qua tâm linh trong thơ Ni trưởng, giá trị của nó là miêu tả vẻ đẹp tối ưu của đời sống tỉnh giác. Chính đó là đạo, chẳng phải đâu xa, trong đó còn nhấn mạnh sự tin tưởng vào tự thân. Điểm đặc biệt ở đây là trong ý thơ Ni trưởng đã nêu cao nét đẹp về tinh thần bình đẳng giữa người với người.

Lại nữa, trong những đoạn thơ được dẫn chứng ở trên, từ hạnh nguyện làm người nữ như câu “Con nguyện hiện thường kiếp nữ thân, Bởi bao phụ nữ khổ trong trần” hoặc tự ví mình như quả đất, sẵn sàng hứng chịu tất cả những đau thương, cực nhọc trong đời “Người dẫn chúng khác nào quả đất, Để chúng sanh chứa chất nặng nề”. Đặc biệt là phép điệp ngữ “Hỡi ganh, hỡi ghét, hỡi bì…” trong bài thơ, Ni trưởng đã dùng nhịp điệu này để thể hiện mạnh mẽ ý chí sống và hy sinh vì mọi người. Đây chính là vẻ đẹp cao thượng, đầy đủ nhất trong tình người. Người biểu hiện bằng một tình cảm thân thương, chân tình, rõ ràng đã nêu bật một giá trị thẩm mỹ rất cao. Lại nữa, trong thơ Ni trưởng luôn biểu hiện tình cảm yêu thương và quan tâm đến đời sống nhân dân, đất nước. Hình ảnh hai câu thơ sau đã phản ánh rõ tâm tư của người làm thơ:

“Bởi còn phận sự với nhơn sanh,

Phải bước chân đi khắp thị thành”.

Thậm chí Người còn chú ý đến cuộc sống nghèo khổ, tật bệnh, mê lầm, chết chóc, mẹ góa, con côi… của người dân, nên đưa vào thơ rất tự nhiên những cảm xúc về “Tật bịnh, nghèo, mê, dốt, góa, côi, tang” của con người trong xã hội. Ngoài ra, những thảm cảnh đau thương do người tận mắt thấy nên tỏ lòng thương cảm “Em có hay chăng lũ trẻ thơ? Mất cha, mất mẹ khóc bơ vơ!”, hoặc hình ảnh những chiến binh vì dân, vì nước, vì sự thanh bình cho dân tộc như câu:

“Chống xâm lăng cho bờ cõi thanh bình.

Cởi xiềng gông cho dân tộc trưởng thành”.

Thông qua nội dung thi ca của Ni trưởng, thực tế cho thấy trong đó bao gồm rất nhiều thể loại và loại hình như: thơ thiền lý, thơ ngộ đạo, thơ ngẫu hứng, thơ trữ tình, thậm chí trong thơ tả cảnh cũng luôn phản ánh tình cảm thân thiết, quan tâm đến mọi cảnh huống của nhân loại. Đặc biệt hơn nữa, người thường mượn vật cảm tác, qua đó khiến người đọc cảm nhận được diệu lý thâm sâu trong Phật lý. Nên trong sách Ni trưởng Huỳnh Liên: Cuộc đời và Đạo nghiệp đã đúc kết rằng: Tác phẩm thơ ca của Ni trưởng Huỳnh Liên có hơn cả ngàn bài, gồm đủ 8 thể loại thơ, từ thể loại dân gian lục bát... cho đến bác học Đường luật, thể loại nào Ni trưởng cũng thiện xảo, tinh thông.[18]

Với ý thơ cao thâm, sâu đậm kết hợp với tính nghệ thuật cao độ, nét thẩm mỹ tự nhiên trong tình cảm yêu thương cùng cảm xúc khi quan sát, tất cả đã nêu bật những thành tựu về sự nghiệp thơ văn đối với đạo pháp nói riêng và nền văn học Phật giáo Việt Nam nói chung. Thế nên trong bài văn tế của Ni trưởng Đàn Liên đã từng cảm thán:

Pháp thi thơ tải đạo nhập đời,

Đời tải đạo theo thời độ thế;

Kinh Tam Bảo nương văn truyền đạo,

Đạo nương văn trụ thế đạo hành.[19]

Linh động hơn nữa, Ni trưởng thường thông qua lời văn mạnh mẽ, đan xen giọng văn nghị luận nhẹ nhàng, thông đạt và sắc bén, kết hợp với kết cấu bố cục mạch lạc, rõ ràng, tầng thứ phân minh. Tuy nhiên, mục đích làm thơ của Ni trưởng rõ ràng chỉ muốn khuyên nhắc hành giả tu tập cùng sách tấn chúng đệ tử kíp mau giác ngộ giải thoát. Vì vậy trong thơ văn Ni trưởng thường tổng hợp và đưa ra chân lý tu học rất thiết thực.

Do đây, trong lời nói đầu của quyển Đóa Sen Thiêng, người biên tập đã khẳng định rằng: “Người làm thơ là để giáo hóa môn sinh, mong cho đời hiểu đạo, Người muốn cụ thể hóa giáo lý uyên thâm của Đức Phật cho người đời khi nghe, khi đọc dễ dàng tiếp nhận”.[20]

Để khẳng định điều này, chúng ta hãy đọc lời bình phẩm chân tình của tác giả Vân Trang trong bài viết Nghĩ về cố Ni trưởng Huỳnh Liên “Là một người giỏi về văn thơ, Ni trưởng đã biên soạn phiên dịch ra tiếng Việt và phổ thành thơ rất nhiều bản kinh kệ từ chữ Hán để Ni chúng dễ học, dễ nhớ. Hiện nay hai bộ Kinh Tam Bảo và Tinh Hoa Bí Yếu đã được in thành tập gồm hơn sáu ngàn câu đủ thể loại, Đường luật, lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, tứ tuyệt, thể văn tế biền ngẫu liên hoàn thập thủ, văn xuôi… gần như đủ các thể loại văn, và thể nào Ni trưởng cũng viết trơn tru, đối xứng hẳn hoi, phân tích đầy đủ lý tình. Và đặc biệt hơn nữa là tất cả dòng thơ tuôn ra dưới ngòi bút ấy đều chứa đựng lòng từ bi, bác ái, nhằm khuyên răn con người hướng thiện, dầu ở trong đạo hay sống ngoài đời. Và chính bản thân Ni trưởng cũng là một tấm gương sáng ngời về cái thiện mà chúng ta có thể thấy được trong cách đối xử của Ni trưởng đối với những người chung quanh, cũng như đối với đất nước, đối với dân tộc”.[21]

Với gương hạnh Bồ tát luôn ước mong tốt đạo đẹp đời và an lành cho thế gian, Ni trưởng đã thể hiện tình thương chúng sinh bằng cách hòa mình với tất cả mọi người, thậm chí xem họ như mẹ cha, anh chị, bạn, thầy kính thương. Điều này đã phản ánh rõ nét trong lời thơ với phong cách chất phác, giản dị, nhưng thấm đượm tình người. Song ở đây vì sự hạn định của bài viết không thể trích dẫn quá nhiều bài thơ. Có lẽ vì thế, mà trong lễ tang, khi viết lời cảm niệm, rất nhiều lời cảm khái chân thành thể hiện sự quý mến và trân trọng, như Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Vĩnh Nghiệp đã viết: “Ni trưởng Huỳnh Liên là một nhà đạo đức, chân tu, vừa là một nhân sĩ yêu nước nhiệt thành. Ni trưởng còn là một nhà thơ có tâm hồn cao đẹp”.[22]

Qua lời bình phẩm, đánh giá trên chúng ta có thể thấy được, Ni trưởng quả thật đã biểu hiện trí tuệ và lòng từ bi sâu sắc bằng tinh thần nhập thế sống động, đa dạng qua tư tưởng, văn thơ, song song với hành động hòa quyện, gắn bó cùng đời sống an vui hạnh phúc của nhân dân. Và phải chăng đó chính là nét đẹp thẩm mỹ tự nhiên, được đúc kết từ cảm xúc, yêu thương bằng tấm lòng vô ngã vị tha của bậc chân tu. Thế nên trong mỗi lời thơ, mỗi cảm nghĩ đều biểu hiện sự giáo hóa, giúp người nhận chân được chân lý, đồng thời cũng hướng dẫn họ sớm đạt đến bờ giác ngộ giải thoát. Để nêu bật điều này, chúng ta hãy chiêm nghiệm Lời tặng biệt của giáo sư Thuần Phong:

Lướt phong ba chèo vượt biển đời,

con thuyền giác cứu người khỏi luỵ.

Cây bút mực đề cao diệu lý,

lý thêm mầu, thêm tinh tuý kinh văn;

Nhờ đức tài điêu luyện chánh văn,

văn càng tuyệt, càng khai hoằng chơn lý.[23]

3.3. Thơ và Đạo của Ni trường Huỳnh Liên - nguyên tố góp phần tô bồi nền văn học Phật giáo Việt Nam

Nhắc đến sự đóng góp của Ni trưởng Huỳnh Liên, ngoài sự cống hiến về hoằng dương đạo pháp, phục vụ nhân loại, Người còn để lại cho Phật giáo nói riêng, và nền văn học nói chung một một sự nghiệp lớn lao về văn thơ Phật giáo. Nổi bật hơn, thơ văn của Ni trưởng không xa rời cuộc đời, bằng nghệ thuật sống động, gần gũi với người dân, thông qua sự quan sát cảnh vật núi rừng sông nước, người vật, đất nước, quê hương… Trong đó đã hàm chứa một triết lý sống, có thể giáo dục con người, đưa họ trở về với chính mình theo tinh thần đạo Phật nhập thế. Nói cụ thể hơn, đó chính là nét đẹp nhân văn, bằng một tâm hồn cao đẹp, thanh thoát, vô ngã, vị tha, vì mạng mạch Phật pháp, vì đồng bào, đất nước. Chỉ với một ánh trăng, dòng nước, chòm núi, cảnh vật nhà nông lam lũ với đồng ruộng hoặc đứng dưới gốc cây… cũng làm cho thi nhân miêu tả cái đẹp của chân lý, từ đó hướng dẫn người người tiến đến thế giới giải thoát, an lạc. Đó chính là lối sống của người đạt đạo, dù hoàn cảnh nào, hoặc ở nơi đâu, đối ứng trong môi trường nào, Ni trưởng đều có thể quyền biến, bằng hành động thấm nhuần trí tuệ và văn thơ để trợ đời, giúp đạo.

Chính vì thế trong quyển Kỷ yếu viếng lễ tang Ni trưởng, rất nhiều đoạn văn từ các bậc Lãnh đạo các cấp Chính quyền, chư vị Lãnh đạo Phật giáo, các Ban ngành, cũng như các Giới trí thức cùng hoạt động hoằng đạo cứu đời, hoặc tham gia đấu tranh bảo vệ nền hòa bình, hoặc tham gia phong trào cứu giúp, nuôi dạy, đào tạo, người nghèo khó, trẻ em tật bệnh, chiến sĩ thương binh, cô nhi côi cút… đều ca ngợi và tỏ lòng tiếc thương. Cụ thể là ông Huỳnh Tấn Phát thay mặt đoàn đại biểu UBTW MTTQVN đã ghi vào sổ tang bằng sự kính tiếc và lời tán thán Ni trưởng như sau: “Vô cùng thương tiếc Ni sư Huỳnh Liên, một vị chân tu giàu lòng yêu nước, đã bất chấp sự đàn áp dã man của địch, sẵn sàng chấp nhận mọi sự gian khổ, hy sinh kiên quyết xuống đường đấu tranh dũng cảm kiên cường, vì nền độc lập tự do của đất nước, và nêu cao tinh thần xả thân vì chánh nghĩa theo gương sáng của Đức Phật”.[24]

Ông Ung Ngọc Ky, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố cũng đánh giá rằng: “Trong suốt cuộc đời 2/3 thế kỷ đó, giữa lúc đất nước còn điêu linh, Ni sư đã là một chiến sĩ đấu tranh cho độc lập dân tộc. Giữa lúc mối đạo còn suy vi, Ni sư là bậc chân tu có công với đạo pháp. Ngoài ra, Ni sư còn là một nhà hoạt động xã hội, và khi nước nhà đã thống nhất, hòa bình độc lập hoàn toàn. Ni sư đã nhiệt tình đóng góp vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thành phố và đóng góp vào nền hòa bình trong tổ chức phụ nữ và trong giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình, trong Ủy ban Bảo vệ Hòa bình của Thành phố”.[25]

Hình ảnh vị Bồ-tát vốn là giới nữ lưu, nhưng tinh thần vững mạnh, sẵn sàng vượt khó, xông pha trong mọi cảnh huống để hòa nhập vào đời bằng tâm lượng vị tha, bằng trí lực thoát tục. Tất cả chỉ vì phục vụ cho nhân sinh, đất nước và quê hương, như bài Nguyện Chung đã thể hiện tâm tư hoài bảo của bậc Bồ-tát hiện thân:

Con nguyện siêng năng bố thí công,

Bao nhiêu cực nhọc vẫn vui lòng.[26]

Qua phân tích và chứng minh như trên, người viết thiết nghĩ, ở đây chúng ta không cần phải bàn luận nhiều cũng đủ khẳng định được tinh thần kế thừa tích cực của Ni trưởng Huỳnh Liên. Trong trang sử Phật giáo Việt Nam, tinh thần xuất trần, bi nguyện phổ độ quần sanh, kết hợp với kiến thức uyên bác, văn chương lỗi lạc, các bậc cao tăng luôn sử dụng chất liệu thơ văn để đưa Phật giáo len lõi và thấm nhuần vào tâm thức của đông đảo quần chúng. Hay nói cách khác, các vị đã dùng văn thơ, một phương pháp gần gũi với quần chúng, nhưng lại rất linh hoạt, đặc sắc có thể giáo huấn cho họ biết tin vào khả năng của chính mình để xây dựng một đời sống an lạc, hạnh phúc.

Khi xưa, các nhà sư có lúc đã thị hiện tinh thần cứu nước bằng trí tuệ chỉ đạo, hoặc bằng văn chương sắc bén để tham gia quốc sự khi đất nước cần đến, hầu góp phần giúp các bậc lãnh đạo trong công cuộc dựng nước và giữ nước khi đất nước lâm nguy. Đời nay, Ni trưởng Huỳnh Liên nối truyền gương hạnh người xưa, Người rõ ràng đã thể hiện tích cực vận dụng những áng văn chương xuất sắc, những vần thơ trong sáng, nhẹ nhàng và cao đẹp để cứu giúp xã hội, điều phục đưa dẫn con người sống hướng thiện, an vui. Có thể nói thơ của Ni trưởng đã có những đóng góp nhất định, cụ thể là góp phần thành tựu trong việc truyền bá giáo lý cũng như bồi bổ thêm cho văn học Phật giáo nước nhà thêm phong phú, đa sắc màu. Do vậy, trong tập thơ Đóa Sen Thiêng của Ni trưởng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục là tập thơ được viết theo nhiều thể loại nhất.

Ngoài ra, ngay từ thuở mới hành đạo, Ni trưởng đã biết vận dụng tài sản thiêng liêng vốn có từ truyền thống cha ông, đó là sử dụng văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt để truyền đạo, răn người. Nói cách khác, với tài năng văn thơ kết hợp trí tuệ cùng sự hy sinh vì dân, vì nước, vì đạo pháp và dân tộc. Ni trưởng luôn tích cực phổ thơ, dịch sách thành văn ngôn thuần Việt. Cũng có thể nói, Ni trưởng đã không ngừng đóng góp cho hệ phái Phật giáo Khất sĩ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung một di sản văn thơ thuần Việt. Người viết thiết nghĩ, phải chăng đây chính là thành tựu mà giới nghiên cứu cần quan tâm, nghiên cứu và thưởng thức cái đẹp trong nghệ thuật văn thơ Phật giáo. Thơ của Ni trưởng còn nhắc nhở cho kẻ hậu thế suy tư về cách sống, về hành động, tư tưởng. Nó không chỉ góp phần bảo vệ, xây dựng mà còn làm cho đất nước phát triển về nhân văn và văn hóa. Riêng đối với người tu sĩ, những hình ảnh này đã giúp cho kẻ hậu thế khơi dậy được tiềm năng và trách nhiệm đối với đạo và đời bằng tinh thần vô ngã vị tha, đúng với phương châm của đạo Phật “sống vì hạnh phúc, vì lợi ích cho số đông”, hoặc sống phù hợp, đúng với chủ trương của xã hội và nhà nước Việt Nam ngày nay, sống vì “đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Mặt khác, việc Ni trưởng soạn kinh Việt hóa bằng thơ, không những tạo cho người đọc có cảm giác, đọc kinh như đang thưởng thức cái đẹp, bên cạnh đó còn giúp họ thâm nhập triết lý sống vui, sống tốt, sống lợi mình, lợi người. Quan trọng hơn nữa, trong truyền thống kinh tụng của Phật giáo Việt Nam xưa nay, phần lớn đều dùng Hán văn, hoặc Pali văn để xưng tụng kinh Phật. Trong khi đó Hệ phái Phật giáo Khất sĩ nói chung, Ni trưởng nói riêng, đã sớm ý thức tinh thần dân tộc mạnh mẽ nên đã sử dụng và đọc tụng kinh văn thuần Việt. Đây là điểm biểu hiện tiêu biểu nhất, đề cao tinh thần vận dụng ngôn ngữ văn tự Việt. Riêng về thơ, Ni trưởng đã dùng văn chương để biểu đạt ý đạo, răn đời. Đây là dạng thơ ngôn chí đạo lý của nhà Phật. Đến đây, người viết nghĩ rằng, định hướng góp phần phát triển cho nền văn học Phật giáo Việt Nam trong tương lai, không gì quan trọng hơn, bằng cách ngược dòng lịch sử, học gương hạnh xưa, vun bồi trí tuệ, lập hạnh cao đức, sống với tinh thần quên mình vì người, sẵn sàng cống hiến cho nhân loại. Đồng thời, cần phải biết kế thừa cái cũ, tiếp thu cái mới, học những điểm tinh hoa từ văn hóa ngoại lai, lấy đó làm nền tảng kiên cố để xây dựng cho nhân dân nước ta một tài sản tinh thần. Đây chính là từng bước góp phần phát triển và thành tựu vững chắc cho nền văn học Phật giáo Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, Kỷ yếu HTKH. Nxb TP. HCM, 1994.

2. Ni trưởng Thích Nữ Khiêm Liên - Nhật Huy, Ni trưởng Huỳnh Liên: Cuộc đời và Đạo nghiệp, Nxb Hồng Đức, năm 2014.

3. Ni trưởng Huỳnh Liên, Đóa Sen Thiêng, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2012.

4. TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức, năm 2013.

5. HT. Thích Giác Toàn, Những sáng tác văn học của các Thiền sư thời Lý - Trần, Nxb Tổng Hợp TP.HCM, năm 2011.

6. Khái quát văn học Lý - Trần, www. ldthcsmm.sch.vn.

7. Nguyễn Công Lý, Mấy đặc điểm văn học Lý - Trần, Tạp chí Hán Nôm, số 2 [47] - 2001. www.newvietart.com

8. Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: Diện mạo và đặc điểm, Nxb ĐHQG TP. HCM, 2002.

9. Trịnh Thị Minh Hương, Vai trò của giáo lý Thiền tông trong sáng tác thơ Thiền Lý - Trần, www.clbhoanang30.vnweblogs.com.

10. Lê Sơn, Văn học Phật giáo đã viết nên chương mở đầu xuất sắc của nền văn học Việt Nam, www.tuvientuongvan.com.vn

11. Yếu tố Phật giáo trong văn học thời Lý - Trần, www.hoalinhthoai.com

[1] Trung Bộ kinh 1, HT. Minh Châu dịch, tr.83, xuất bản, 1992.

[2] Trích dẫn từ bài viết Đọc thơ của Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, trong Đóa Sen Thiêng, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2012, tr.26.

[5] Trích từ Đóa Sen Thiêng của Ni trưởng Huỳnh Liên, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2012, tr.494.

[7] Trích từ Đóa Sen Thiêng, Ni trưởng Huỳnh Liên, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2012, tr. 544.

[9] Trích từ Đóa Sen Thiêng, Ni trưởng Huỳnh Liên sáng tác, nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012, tr. 198.

[10] Trích từ Đóa Sen Thiêng, Ni trưởng Huỳnh Liên sáng tác, nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012, tr. 231.

[11] Trích từ Đóa Sen Thiêng, Ni trưởng Huỳnh Liên sáng tác, nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012, tr. 239.

[13] Trích Đóa Sen Thiêng, Ni trưởng Huỳnh Liên, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2012, tr. 461.

[16] Trích từ Đóa Sen Thiêng, Ni trưởng Huỳnh Liên, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2012, tr.186.

[17] Trích từ Đóa Sen Thiêng, Ni trưởng Huỳnh Liên sáng tác, nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012, tr.129.

[18] Trích từ Ni trưởng Huỳnh Liên: Cuộc đời và Đạo nghiệp, Ni trưởng Khiêm Liên – Nhật Huy trước tác, Nxb Hồng Đức, 2014, tr.137.

[21] Trích Kỷ yếu Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, Nxb TP.HCM, 1994, tr. 231.

[24] Trích Kỷ yếu Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, Nxb TP. HCM, 1994, tr.34.

[26] Như trên, tr.129.

Nguồn: nigioikhatsi.net

Video liên quan

Chủ Đề