Cách đọc ngắt câu trong tiếng Hàn

Ngữ điệu của tiếng Hàn có quy luật không?

Năm 2005, trong lúc cùng các thí sinh khác tập dượt cho vòng chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Hàn, tôi tình cờ phát hiện ra một khả năng của mình. Mặc dù không có khiếu ngoại ngữ nên nói năng chẳng ăn ai, nhưng được cái khi cầm bản thảo của các thí sinh khác trên tay và nghe các bạn í đọc, với 1 cây bút chì tôi có thể đánh dấu chính xác những lỗi lên xuống lạc nhịp của họ. Khi giáo viên Hàn Quốc sửa lại ngữ điệu của các bạn cho tự nhiên, tôi tự hào nhận ra một là mình đã bắt mạch chuẩn 100%, hai là mình đã tìm ra được một bí mật về quy luật chi phối ngữ điệu tiếng Hàn.

Quy luật cực đơn giản nhưng lạ là không ai thấy, kể cả những người Hàn và những người đã nói tiếng Hàn như gió. Và vì nó quá đơn giản, và tôi cũng quá lười để phức tạp hoá vấn đề lên nhằm biến nó thành một bài báo cáo khoa học, và cũng do suy nghĩ đơn giản thế thì thể nào cũng có người nghĩ ra và công bố ngay í mà, thế nên mãi 10 năm sau tôi mới chịu ngồi xuống để viết ra quy luật này [một cách hàn lâm].

Học trò của cô Giang chắc có nhiều em thầm cảm ơn vì nhờ được dạy quy luật ấy mà đã nói được ngữ điệu y như người Hàn ngay từ năm nhất, nhưng chắc có nhiều em vật vã đến cay cú vì cái quy luật trời đánh ấy. Một lời xin lỗi xin chính thức được gửi đến những em thuộc nhóm ba trong phần kết luận của bài viết dưới đây.

Trước khi đọc bài, các bạn có thể xem video cựcngắn gọn này vàsubscribe để tiếp tục theo dõi nhưng chia sẻ sắp tới nhé! [Khổ! Quy luật có khoảng nửa trang thôi nhưng muốn viết bài báo khoa học thì cần 10 trang nên em nó phải cố rặn thêm đủ số lượng]. Bài dài, ai lười thì đọc thẳng vào cái phần Quy luật chi phối ngữ điệu tiếng Hàn và các trường hợp ngoại lệ nhé!

PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY NGỮ ĐIỆU TIẾNG HÀNCHO NGƯỜI HỌC VIỆT NAM

Phạm Quỳnh Giang[1]

Bài viết này đề xuất đến một mảng vốn bị lãng quên trong ngành đào tạo tiếng Hàn, đó là phần ngữ điệu. Ở đây không bàn đến ngữ điệu theo từng sắc thái của câu thoại, như cảm thán, nghi vấn, trần thuật v.v mà tập trung vào nguyên tắc chi phối ngữ điệu lên xuống nói chung của các âm tiết trong một chuỗi lời thoại bình thường theo phương ngữ Seoul. Phần ngữ điệu này vốn được mặc định là một phạm trù kinh nghiệm và chưa được giảng dạy một cách bài bản. Mục tiêu của bài viết này là bàn về quy luật chi phối ngữ điệu của tiếng Hàn, trên cơ sở đó đề xuất phương án định hướng cho người học đọc đúng ngữ điệu ngay từ khi mới bắt đầu làm quen với tiếng Hàn.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Một trong những lí do khiến tiếng Hàn trở nên hấp dẫn đối với người học là vì cái hay trong ngữ điệu của nó. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người học dù đã qua nhiều năm tiếp xúc với tiếng Hàn vẫn không thể nắm bắt được quy luật chung chi phối ngữ điệu của ngôn ngữ này. Đặc biệt đối với người Việt Nam, vốn quen dùng thứ ngôn ngữ với sáu[2] thanh điệu, thì việc phải thêm dấu như thế nào trong một câu nói tiếng Hàn trở thành một bài toán được giải theo cách học thuộc lòng, hay nói cách khác là nghe, nhớ, lặp lại.

Nguyên nhân là vì nghiên cứu về ngữ điệu của tiếng Hàn vẫn còn ít ỏi, và số nghiên cứu ít ỏi ấy cũng chưa được phổ biến rộng rãi kể cả trong giới học giả. Điều này dẫn đến việc giảng dạy ngữ điệu cho người học chưa được quan tâm đúng mức và đúng cách. Người học chỉ được học cách phát âm, còn ngữ điệu thì được mặc định là một phạm trù kinh nghiệm. Ngay cả giáo viên người Hàn Quốc khi nói tiếng Hàn giọng lên xuống trầm bổng rất du dương, nhưng chính họ cũng không giải thích được cần lên ở âm nào, xuống ở âm nào thì mới nói được tự nhiên và chuẩn mực. Một số giáo trình có hướng dẫn về cách đọc đúng ngữ điệu, nhưng chỉ dừng lại ở chỗ: câu hỏi có từ hỏi [ai, khi nào, ở đâu, bao giờ, tại sao, bằng cách nào] thì cuối câu đọc xuống giọng, câu hỏi lựa chọn có/ không thì cuối câu đọc lên giọng. Tất nhiên là trong sách tuyệt nhiên không có phần hướng dẫn người học trong một câu bất kì thì phải lên xuống như thế nào.

Điều này có nghĩa là nếu có một câu tiếng Hàn phiên âm ra tiếng Latinh trở thành Gamsahamnida [감사합니다, cảm ơn] thì một người học trình độ sơ cấp khi tự học ở nhà sẽ đọc tất cả các âm thành thanh ngang, nếu có giáo viên hướng dẫn thì sẽ đọc một cách uyển chuyển hơn, sau một vài lần nghe và nói thì có thể có được ngữ điệu tự nhiên, nhưng tất nhiên là chỉ với riêng câu này. Với những chuỗi âm khác, người học lại phải tiếp tục lặp lại quy trình học ngữ điệu như trên.

Phải chăng ngữ điệu tiếng Hàn thay đổi mỗi câu mỗi khác và không có quy luật chung? Phải chăng giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn là một nhiệm vụ bất khả thi?

Mục đích của bài viết này là nhằm chứng minh điều ngược lại. Thứ nhất, ngữ điệu tiếng Hàn tuân theo một quy luật, và quy luật đó rất đơn giản. Thứ hai, việc giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn không khó, miễn là nắm được các quy luật nói trên. Tuy nhiên, do đặc thù của tiếng Việt, cần có một số kĩ thuật riêng về giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn đối với học viên Việt Nam.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU & LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU

a.Phương pháp nghiên cứu:

Phạm vi nghiên cứu của bài viết này không bao gồm ngữ điệu theo sắc thái của câu thoại, như cảm thán, nghi vấn, trần thuật v.v; mà tập trung vào nguyên tắc chi phối ngữ điệu lên xuống nói chung của tiếng Hàn theo phương ngữ Seoul. Nói cách khác, phần ngữ điệu trong phạm vi bài viết này ở một phương diện nào đó có thể được hình dung như thanh điệu trong tiếng Việt [mặc dù tiếng Hàn vốn được cho là không có thanh điệu], là độ lên/ xuống của các âm tiết trong một chuỗi lời thoại, bất kể là lời thoại đó mang sắc thái gì. Để dễ hình dung, chúng ta có thể so sánh ngữ điệu tiếng Hàn với thanh điệu của tiếng Việt. Ba câu thoại sau trong tiếng Việt:

  • Hôm nay thi tiếng Hàn.
  • Hôm nay thi tiếng Hàn?
  • Hôm nay thi tiếng Hàn!

Trong tiếng Việt, với mỗi sắc thái thì ngữ điệu của các câu nói có thể khác nhau ở phần lên giọng, xuống giọng cuối câu, nhưng phần thanh điệu [dấu sắc, dấu huyền] vẫn không thay đổi. Trong tiếng Hàn Seoul cũng có những phần không thay đổi như thế. Chẳng hạn:

  • 어제 보신탕을 먹었어요. [Hôm qua tôi đã ăn thịt cầy.]
  • 어제 보신탕을 먹었어요? [Hôm qua bạn đã ăn thịt cầy à?]

Phần ngữ điệu không thay đổi trong câu bất kể sắc thái của câu là gì chính là âm 어, 보, 먹, được đọc thấp giọng hơn so với các âm còn lại. Tôi tạm gọi dạng ngữ điệu này là ngữ điệu mang tính thanh điệu, để phân biệt với ngữ điệu thể hiện sắc thái. Từ ngữ điệu được nhắc đến trong bài viết này sẽ được hiểu là ngữ điệu mang tính thanh điệu này. Lý do tôi dùng đến khái niệm ngữ điệu mang tính thanh điệu là vì dạng ngữ điệu này nếu chiếu theo định nghĩa của ngữ điệu và thanh điệu[3] thì nó không hẳn là ngữ điệu [vì liên quan đến âm tiết], mà cũng không hẳn là thanh điệu [vì liên quan đến âm tiết trong một cụm nhưng cao độ của các âm tiết chỉ thể hiện rõ nét nhất khi nó nằm trong một chuỗi đối thoại bình thường của phương ngữ Seoul, không ổn định khi đọc riêng rẽ từng âm tiết hay trong các bối cảnh phát ngôn khác, như lúc đọc bản tin truyền hình chẳng hạn].

Để chứng minh ngữ điệu tiếng Hàn có quy luật và việc áp dụng giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn có thể mang lại hiệu quả cao, tôi đã tổng hợp lại một số phát hiện của các học giả trước đó ở đề tài liên quan. Đó đều là những nghiên cứu đáng tin cậy nhờ có sự tham gia của công nghệ máy móc trong việc đo cao độ của từng âm tiết trong một chuỗi lời thoại, và đã được kiểm chứng bằng phương pháp thực nghiệm, áp dụng trên các nhóm học viên nước ngoài đang học tiếng Hàn để đánh giá hiệu quả của việc giảng dạy ngữ điệu. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ là tiền đề để tôi đề xuất những phát hiện của riêng mình về ngữ điệu tiếng Hàn từ kinh nghiệm hơn mười năm học tập và giảng dạy ngôn ngữ này.

b. Lịch sử nghiên cứu

Theo Jun Sun-Ah [1993], cấu trúc ngữ điệu của tiếng Hàn bao gồm hai đơn vị ngôn điệu xác định ngữ điệu, đó là cụm trọng âm [Accentual Phrase] quy định cao độ của một cụm từ và cụm ngữ điệu [Intonation Phrase] quy định cao độ của âm chuyển tiếp [boundary tone] và độ kéo dài của các âm tiết cuối câu. Nếu đối ứng với tiếng Việt, cụm ngữ điệu trong tiếng Hàn chính là cái thể hiện sắc thái của người nói, trong khi đó cụm trọng âm trong tiếng Hàn gần tương đương với thanh điệu của tiếng Việt. Điểm khác nhau giữa ngữ điệu của cụm trọng âm trong tiếng Hàn với thanh điệu của tiếng Việt là ngữ điệu của một cụm trọng âm chỉ tuân theo quy luật rõ ràng khi nó nằm trong một câu thoại, và phải là những câu thoại thông thường của những người nói giọng Seoul. Quy luật này sẽ không còn đúng khi áp dụng cho các trường hợp phát ngôn khác [tiếng Hàn cổ, tiếng Hàn của các vùng địa phương khác ngoài Seoul, tiếng Hàn trong các bản tin trên truyền hình].

Nghiên cứu của Jung Myung-Sook với bài viết Phương pháp giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn đã đề cập đến một khía cạnh vốn khẳng định trong tiếng Hàn [đặc biệt là phương ngữ của Seoul] có những quy tắc về ngữ điệu mà ngay cả người bản xứ khi nói cũng không ý thức được, tuy nhiên nhờ những nghiên cứu ngữ âm học phát triển rầm rộ từ cuối những năm 1990, người ta phát hiện ra rằng ngữ điệu tiếng Hàn tuân theo một quy luật rất rõ ràng[4]. Theo Jung Myung-Sook, ngữ điệu của các cụm trọng âm sẽ thuộc dạng LHLH [Low High Low High] [ví dụ: 어머니가, 좋아해요] nếu nó được bắt đầu bằng âm thường hoặc dạng HHLH [High High Low High] nếu nó được bắt đầu bằng âm bật hơi, âm căng, âm xát [ví dụ: 할아버지, 까만색이].

Kim Sun-Hee [2013] trong luận văn thạc sĩ của mình lại đưa ra phương án giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn cho phụ nữ Việt Nam nhập cư theo đường kết hôn, tuy nhiên trong nghiên cứu này chủ yếu chỉ phân biệt ngữ điệu theo sắc thái [tích cực, tiêu cực] chứ không nói đến phần ngữ điệu của cụm trọng âm.

Luận án tiến sĩ Nghiên cứu phương án giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn của Je Gal-Myung [2010] thì chứng minh hiệu quả của việc giảng dạy ngữ điệu. Cách chứng minh của nghiên cứu này là cho 12 học viên đã học tiếng Hàn trên 400 giờ nói chuyện với nhiều chủ đề khác nhau, sau đó thực hiện giảng dạy ngữ điệu cho các học viên này theo một phương pháp nhất định, sau đó kiểm tra lại kết quả thì thấy có sự cải thiện rõ rệt trong độ tự nhiên và chuẩn xác của ngữ điệu các học viên này. [Việc đánh giá độ cải thiện trong ngữ điệu do 20 giáo viên tiếng Hàn phụ trách].

Về phần quy luật của tiếng Hàn, có thể nói những đúc kết của Jung và một số nghiên cứu trước đó đã đưa ra được vấn đề cốt lõi trong việc xác định những điểm cần đọc lên giọng hay xuống giọng. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề lớn nhất trong nghiên cứu của Jung đó là các ví dụ đưa ra không thể hiện được hết những bối cảnh khác nhau. Nghĩa là quy luật của Jung chỉ đúng với các câu trong những ví dụ Jung đưa ra, còn những trường hợp khác thành không áp dụng được. Chẳng hạn, theo Jung thì âm tiết thứ ba trong cụm luôn là Low, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Cụm trọng âm trong nhiều trường hợp có thể là LHHH hay HHHH. Ngữ điệu của âm tiết đầu tiên trong cụm mới là bất biến trong các cuộc đối thoại thông thường của người Seoul.

Ví dụ: âm tiết 니 trong 어머니가 có thể đọc High hoặc Low; âm tiết 원 trong 대학원생 không thể đọc xuống giọng; 가까우니까 không thể xuống giọng ở âm tiết thứ ba là 우, mà thường xuống giọng ở âm tiết thứ tư là 니, hoặc thậm chí buộc phải lên giọng cả 니 nếu là trong cụm 가까우니까요 [Phần này sẽ giải thích rõ hơn ở phần sau]. Đặc biệt nếu âm tiết thứ ba trong cụm là một âm đặc biệt, thì càng không thể đọc Low, ví dụ 검은색을, 따라하세요, 갈아타기 v.v..

Còn về phần phương pháp giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn, điều có thể thấy được qua nghiên cứu của Je Gal-Myung đó là rõ ràng nếu được quan tâm đúng mức, thì ngữ điệu cũng là một hạng mục có thể dạy được. Một vấn đề trong bài nghiên cứu của Je Gal-Myung theo tôi đó là trong phương pháp giảng dạy ngữ điệu không hề đề cập đến việc cung cấp hiểu biết cơ bản cho học viên, đó là Quy luật chi phối ngữ điệu tiếng Hàn. Phương pháp mà nghiên cứu này đã thử áp dụng là chia nhóm rồi cho học viên so sánh giữa ngữ điệu chuẩn của người Hàn và ngữ điệu của bản thân, phát hiện điểm khác biệt nếu có, vẽ đường cong thể hiện ngữ điệu chuẩn, tập sửa theo ngữ điệu chuẩn và luyện tập để áp dụng vào đối thoại hàng ngày.

Tóm lại, tuy cũng đã có một số nghiên cứu về ngữ điệu tiếng Hàn và phương pháp giảng dạy ngữ điệu điệu tiếng Hàn, nhưng bên cạnh các đóng góp lớn lao, mỗi nghiên cứu đều còn tồn tại những mặt chưa hoàn thiện. Đồng thời, để có thể áp dụng được cho đối tượng người học là người Việt, thì cần có nghiên cứu cụ thể hơn dựa trên nền tảng hiểu biết về đặc điểm ngôn ngữ tiếng Việt và thói quen phát âm của người Việt.

QUY LUẬT CHI PHỐI NGỮ ĐIỆU CỦA TIẾNG HÀN

Để sử dụng thuần thục được quy tắc chi phối ngữ điệu tiếng Hàn, trước hết cần nhận diện rõ hai nhóm phụ âm sau đây.

  • Nhóm đọc lên giọng [gọi chung là nhóm phụ âm đặc biệt]: Bao gồm các phụ âm bật hơi [ㅋ, ㅌ, ㅍ, ㅊ], phụ âm căng [ㄲ, ㄸ, ㅃ, ㅉ] , phụ âm xát [ㅅ, ㅆ, ㅎ][5].
  • Nhóm đọc xuống giọng [gọi chung là nhóm phụ âm thường]: Tất cả các phụ âm còn lại [ㄱ, ㄷ, ㅂ, ㅈ, ㅁ, ㄴ, ㄹ, ㅇ].

Nguyên tắc ngữ điệu tiếng Hàn: Chìa khoá của ngữ điệu chính là các dấu khoảng cách, đánh dấu bắt đầu vào một cụm mới. Theo đó đối với cụm được bắt đầu bằng phụ âm thường thì sẽ đọc xuống giọng ở đầu mỗi cụm. Còn cụm được bắt đầu bằng phụ âm đặc biệt sẽ lên giọng ở đầu mỗi cụm. Những âm tiết còn lại trong cụm đa phần đọc lên giọng.

Ví dụ về các chuỗi cụm từ bắt đầu bằng âm thường

우리 가족은 모두 네 명입니다. 아버지, 어머니, 동생 그리고 저입니다.

[Gia đình tôi có tất cả bốn người. Đó là ba, mẹ, em tôi và tôi]

Đây là một câu giới thiệu bản thân quen thuộc mà sinh viên được học từ năm nhất. Khi nghe một người học Việt Nam đọc hai câu trên, các giáo viên Hàn Quốc thường nhận xét ngữ điệu không tự nhiên, vì giọng cao quá. Thật ra, không hẳn là do giọng người Việt cao [Ở những nốt cần đọc cao thì người Hàn thậm chí đọc còn cao hơn người Việt], mà là do người học đọc cao giọng ở chỗ cần phải xuống giọng [우, 가, 모, 네 và 아, 어, 동, 그, 저][6].

Chỉ với nguyên tắc xuống giọng ở đầu mỗi cụm nếu cụm được bắt đầu bằng phụ âm thường, người học có thể cải thiện độ tự nhiên của các câu thoại, tránh được tình trạng Việt Nam hoá tiếng Hàn. Không những thế, còn thể hiện rõ được ý tứ của các câu nói khác nhau do dấu khoảng cách quyết định. Các ví dụ khoảng cách khác nhau dẫn đến ngữ nghĩa khác nhau có thể kể đến như sau:

  • 어머니가 방에 들어가십니다. Xuống giọng ở 어, 방, /드/[들]

[Mẹ tôi đi vào phòng]

  • 어머니 가방에 들어가십니다. Xuống giọng ở 어, 가, /드/

[Mẹ tôi đi vào cái túi xách]

Hay trong ví dụ:

  • 잘못했습니다[Tôi sai rồi]. xuống giọng ở 잘
  • 잘 못했습니다[Tôi không làm được]. xuống giọng ở 못

Ví dụ về các chuỗi cụm từ bắt đầu bằng âm đặc biệt

학교 식당에서 초밥을 시켰습니다. Lên giọng ở 학, 식, 초, 시

[Tôi gọi món sushi trong canteen trường.]

차라리 친구랑 탁구를 치는 게 좋아. Lên giọng ở 차, 친, 탁, 치[7]

[Thà là tôi đi đánh bóng bàn với bạn tôi]

Một số câu có ngữ điệu phức hợp

처음에는 그 사람이 싫었는데 같이 지내다 보니 정이 들었어요.

[Ban đầu tôi ghét anh ta lắm, nhưng cứ gặp riết rồi cũng nảy sinh tình cảm.]

Lên giọng ở 처, 사, /시/[싫], xuống giọng ở 그, 같, 지, 보, 정, /드/.

집이 가까우니까 버스를 타지 말고 걸어가자.

[Nhà tôi gần đây nên chúng ta đi bộ đi, đừng đi xe buýt]

Xuống giọng ở 집, 가, 말, /거/[걸], lên giọng ở 버[8], 타.

MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ

  1. Cụm một âm tiết: Một số trường hợp hai cụm được bắt đầu bằng âm thường đứng cạnh nhau, tuy nhiên một trong hai cụm là cụm một âm tiết. Lúc này, đọc xuống giọng ở một trong hai cụm, thường là cụm cần nhấn mạnh hơn.

저 지우개는 제 거인데요. Xuống giọng ở 지, 제

[Cái cục gôm đó là của tôi mà.]

교실에는 네 명의 학생이 있어요. Xuống giọng ở 네

[Trong phòng có bốn sinh viên.]

잘 못했습니다. Xuống giọng ở 못

[Tôi không làm được.]

  1. Hai cụm đứng cạnh nhau có quan hệ chặt chẽ với nhau thì cụm sau không đọc xuống giọng. Trong ví dụ sau vẫn đọc lên giọng ở âm tiết 가.

책도 여러 가지가 있는데 어떤 걸로 드릴까요?

[Sách cũng có nhiều loại, anh lấy loại nào đây?]

  1. Một cụm gồm nhiều từ có nghĩa ghép với nhau thì vẫn xuống giọng ở đầu mỗi từ. Ví dụ: 사회주의, 자동이체, 개인주택v

  1. Một số cụm ba âm tiết cuối mệnh đề vẫn đọc lên giọng ở đầu cụm, kể cả đó là phụ âm thường. Về phần này, các nghiên cứu trước đó về ngữ điệu của Jun [1993] hay Jung [2002] đã đúc kết ra rằng hai âm tiết cuối câu đều được đọc thấp giọng. Có lẽ đó là lí do âm tiết trước nó được đọc cao giọng hơn. Ví dụ:

책꽂이하고 공책을 주세요. [Làm ơn đưa tôi cái kẹp sách và quyển vở]

머니까/ 오토바이로 갑시다. [Xa lắm, chúng ta đi bằng xe đạp đi]

  1. Từ 일 [một] được bắt đầu bằng phụ âm thường nhưng trong nhiều trường hợp vẫn được đọc lên giọng. Có lẽ là để phân biệt với 이 [hai]. Từ 사 [bốn] là phụ âm xát nhưng trong một số trường hợp vẫn được đọc xuống giọng, có lẽ là để phân biệt với 삼 [ba]. Ví dụ:

사학년 학생이 일학년 학생을 위해서 큰 파티를 했습니다.

GIẢNG DẠY NGỮ ĐIỆU TIẾNG HÀN CHO NGƯỜI HỌC VIỆT NAM

Để tìm được phương án giảng dạy ngữ điệu phù hợp, có lẽ người dạy cần đi qua hai bước. Bước một là phổ biến quy luật về ngữ điệu của tiếng Hàn [như đã nói trên], bước hai là tổ chức cho học viên điều chỉnh ngữ điệu theo quy luật đã học. Đối với bước thứ hai này người dạy có thể tuỳ vào khả năng sáng tạo và tình hình số lượng học viên trong lớp để có phương pháp phù hợp. Phương pháp của Je Gal-Myung [2010] có thể là một phương pháp hay, với việc cho học viên ghi âm lời thoại của mình, so sánh với lời thoại do người bản xứ đọc, nhận ra sự khác nhau, vẽ đường cong biểu diễn ngữ điệu, điều chỉnh ngữ điệu của mình v.v

Trong phần này, tôi chỉ xin trình bày cụ thể về bước một, tức là cách thức giúp học viên nắm được các Quy luật chi phối ngữ điệu tiếng Hàn và cách áp dụng vào trong các chuỗi lời thoại thực tế. Nhìn chung có những điểm người dạy cần nắm sau đây:

  1. Giới thiệu Quy luật chi phối ngữ điệu tiếng Hàn: áp dụng để phân biệt các nhóm âm giống nhau.

Trong tiếng Hàn, ngữ điệu không chỉ quyết định đến sự hay dở khi nói, mà trong nhiều tình huống, nó còn liên hệ chặt chẽ với kĩ năng phát âm, quyết định đến việc nói chuẩn giúp người bản xứ hiểu được, và thậm chí quyết định cả việc nghe chuẩn để hiểu được chính xác ý của người nói. Chẳng hạn như trong hai câu sau:

  • 발이 아파요. [Chân tôi bị đau]
  • 팔이 아파요. [Tay tôi bị đau]

Dù giáo viên có cố gắng giải thích cách mấy về sự khác nhau giữa hai phụ âm ㅂ và ㅍ [về mức độ bật hơi], thì người học cũng sẽ khó đạt được mức yêu cầu về cả kĩ năng đọc lẫn kĩ năng nghe. Điều tương tự xảy ra đối với các nhóm âm [ㄱ, ㅋ, ㄲ]; [ㄷ, ㅌ, ㄲ], [ㅈ, ㅊ, ㅉ] v.v Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, chỉ cần giải thích cho người học Quy luật chi phối ngữ điệu, tức là phụ âm nào đọc lên giọng, phụ âm nào đọc xuống giọng, thì ngay lập tức người học có thể nhận diện tốt được cách phân biệt những nhóm phụ âm này. Trong hai ví dụ trên, 발 đọc xuống giọng [như thanh huyền], trong khi 팔 đọc lên giọng [như thanh ngang].

Với phần này, người dạy có thể đưa ra một loạt những ví dụ có cặp phụ âm giống nhau để học viên phân biệt. Ví dụ:

  • 방이 커요. [Căn phòng rất to.]
  • 빵이 커요. [Ổ bánh mì rất to.]

Hay:

  • 달이 예쁘네요. [Trăng đẹp quá.]
  • 탈이 예쁘네요. [Mặt nạ đẹp quá.]
  1. Giới thiệu Quy luật chi phối ngữ điệu tiếng Hàn: áp dụng để tránh việc đọc ngang phè

Như đã nói ở trên, ngữ điệu tiếng Hàn vốn được mặc định là một phạm trù kinh nghiệm. Tức là người học phải tự mò mẫm cách đọc cho riêng mình thông qua việc để ý từng câu nói của người Hàn để bắt chước theo. Điều này dẫn đến hệ quả là có nhiều người đã tiếp xúc với tiếng Hàn lâu năm rồi vẫn không thể đọc tiếng Hàn một cách tự nhiên, đọc theo kiểu Việt Nam hoá, hoặc với những câu thường nghe thì có thể nói theo một cách tự nhiên, nhưng gặp câu lạ thì sẽ lộ ngay lỗi ngữ điệu.

Nguyên nhân là, do đặc thù của tiếng mẹ đẻ, người Việt khi nói tiếng Hàn thường có xu hướng tuỳ tiện thêm dấu vào mỗi từ, hoặc theo cách an toàn hơn là đọc ngang phè như tiếng Việt không dấu.

Vì ngữ điệu có quy luật chung, nên mọi đoạn văn, bài viết, câu nói trong sách đều có thể là nguồn tài liệu cho học viên thực tập cách đọc lên xuống của từng vị trí trong câu. Người dạy cần giới thiệu quy luật chung để giúp cho học viên nắm bắt được cách áp dụng vào thực tế. Có thể yêu cầu học viên dùng một cây bút chì, đánh dấu huyền [thể hiện âm Low] và đánh dấu ngang bên trên mỗi âm tiết đứng đầu cụm.

  1. Giới thiệu Quy luật chi phối ngữ điệu tiếng Hàn: áp dụng để tránh việc đọc các âm tiết có phụ âm cuối là /k, t, p/

Một lỗi khác của người Việt là đọc dấu sắc quá rõ, đặc biệt với những từ có phụ âm cuối là /k, t, p/ như trong bảng ví dụ dưới đây. Nguyên nhân là do trong tiếng Việt, những âm tiết có phụ âm cuối là c, p, t vốn chỉ có thể thêm dấu sắc hoặc dấu nặng. [Chẳng hạn, thấp hoặc thập, bức hoặc bực, mít hoặc mịt v.v]. Vì vậy mà nhiều học viên khi học tiếng Hàn đối với các âm tiết có câu trúc tương tự thì có xu hướng gắn thêm dấu sắc cho các âm tiết này. Hoặc nhiều trường hợp người học còn gắn thêm dấu nặng vào những phụ âm đặc biệt, vốn cần phải lên giọng.

Để học viên loại bỏ thói quen này, cần cho học viên thực hành nhuần nhuyễn để phân biệt cách đọc của các từ thuộc hai nhóm dưới đây. Ngoài ra, cần nhắc nhở việc lên giọng [đối với các âm đặc biệt] không đồng nghĩa với việc phải đọc thành dấu sắc. Vì người Hàn ngay cả khi lên giọng vẫn đọc thanh ngang [không dấu].

Ví dụ về âm thường

[Xuống giọng]

국제, 국적, 곳곳, 돕기, 덥다, 답장

박사, 밥을, 북쪽, 빛이, 줍다, 젓가락, 잡지, 좁아.

밉다, 맥주, 높다, 납부, 약국, 욕심, 있다

Ví dụ về âm đặc biệt

[Lên giọng]

콧대기, 꽃이, 꽃집, 껍질, 똑바로, 탁구, 특징,

뽑다, 폭포, 책상, 착해요, 춥다, 첫사랑, 쪽지

식당, 속도, 숟가락, 학생, 합격, 했다

  1. Giới thiệu quy luật chi phối ngữ điệu tiếng Hàn: Một số điểm cần lưu ý khác

Theo kinh nghiệm của tôi, việc phổ biến quy luật chi phối ngữ điệu tiếng Hàn cho người học ngay từ buổi đầu học phát âm là rất cần thiết. Vì một khi học viên đã quen thuộc với cách lên xuống giọng của riêng mình thì sẽ rất khó để sửa lại theo ngữ điệu đúng. Ví dụ nhiều trường hợp sinh viên năm ba, năm tư vẫn đọc lên giọng từ 집 trong câu 집에 가요. Và phần lớn các trường hợp này là không thể sửa cho người học đọc xuống giọng từ này được, vì cách đọc truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của người học.

Ngoài ra, việc giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn nên tập trung vào phần quy luật chung, nghĩa là xuống giọng ở đầu cụm bắt đầu bằng âm thường và lên giọng ở cụm bắt đầu bằng âm đặc biệt. Còn các trường hợp ngoại lệ nên giải thích từ từ trong quá trình học, khi có phát sinh tình huống liên quan. Vì việc đưa ra tất cả các trường hợp ngoại lệ ngay trong những ngày đầu làm quen với tiếng Hàn sẽ khiến cho học viên cảm thấy rối rắm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự tự tin khi nói.

́T LUẬN

Đúng như Jung Myung-Sook đã nói, quy luật ngữ điệu tiếng Hàn vô cùng đơn giản. Nhưng khác với mô hình mà Jung đã đưa ra, có một quy luật khác đơn giản hơn. Đó là chỉ cần để ý âm tiết đầu tiên của mỗi cụm từ, xuống giọng khi nó là âm thường, và lên giọng khi nó là âm đặc biệt. Nắm được quy luật này, người học không cần phải dò dẫm trong công cuộc luyện nói tự nhiên như người bản xứ. Một người học trình độ sơ cấp cũng có thể nói tự nhiên như người Hàn nếu áp dụng được các quy luật này.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là mọi người học đều có thể nói tự nhiên như người Seoul chỉ với chiếc chìa khoá này. Trong tám năm thực hành giảng dạy ngữ điệu cho sinh viên ngành Hàn Quốc, tôi nhận ra sự phân hoá trong khả năng áp dụng của các học viên. Luôn có một nhóm rất nhanh nhạy, ngay lập tức điều chỉnh được ngữ điệu trong tất cả các câu thoại [kể cả câu thoại mới bắt gặp lần đầu]. Nhóm thứ hai hiểu được quy luật, nhưng chỉ có thể áp dụng được khi kiên trì luyện tập, và thỉnh thoảng vẫn bị sai. Nhóm thứ ba thuộc diện không thể chỉnh sửa vì không có khả năng bắt chước ngữ điệu, hoặc chỉ có thể bắt chước ở một cụm ngắn chứ không thể điều chỉnh ngữ điệu trong một câu dài. Việc giảng dạy ngữ điệu cũng tuỳ thuộc vào từng nhóm đối tượng. Với nhóm thứ ba, việc quá nhấn mạnh vào ngữ điệu chỉ càng khiến cho học viên không thể tập trung vào việc luyện nói. Điều này vô tình làm mất đi khả năng nói lưu loát [nếu có] ở học viên.

Tóm lại, việc giảng dạy ngữ điệu là vô cùng quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên người dạy cũng cần hiểu ngữ điệu tự nhiên không phải là yêu cầu bắt buộc với mọi học viên. Vì còn phải tuỳ thuộc vào khả năng về ngôn ngữ, và đôi khi là khả năng nắm bắt nhịp điệu [âm nhạc] của mỗi người.

Đọc thêm: Mẹo cực đơn giản để phân biệt 은/는 và 이/가

Je Gal-Myung [2010], Nghiên cứu phương án giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn, Luận văn tiến sĩ trường Đại học Gyemyung.

Jun Sun-Ah [1993], The Phonetics and Phonology of Korean Prosody, Luận án tiến sĩ Trường Đại học Ohio.

Jung Myung-Sook [2002], The Teaching Method of Korean Intonation by Basic Pattern, Journal of Korean language Education 13-1: 225~241.

Kim Sun-Hee [2013], Nghiên cứu về phương án giảng dạy ngữ điệu tiếng Hàn cho phụ nữ Việt Nam nhập cư theo đường kết hôn, Luận văn thạc sĩ trường Đại học Kyunghee.

Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến [1997], Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Giáo dục, trang 106-114.

[1]Giảng viên trường Đại học Khoa hội xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

[2] Năm thanh điệu đối với một số địa phương khác.

[3] Theo Mai Ngọc Chừ & nnk [1997], Ngữ điệu [intonation] là sự chuyển động của thanh cơ bản của giọng nói, là sự nâng lên cao hoặc hạ thấp giọng nói trong câu. [Nói cách khác, ngữ điệu là sự biến đổi cao độ của giọng nói diễn ra trong một chuỗi âm thanh lớn hơn âm tiết hay một từ]. Trong khi đó, thanh điệu là sự nâng cao hoặc hạ thấp giọng nói trong một âm tiết có tác dụng khu biệt vỏ âm thanh của từ hoặc hình vị. Như vậy, nếu ngữ điệu là đặc trưng của câu thì thanh điệu là đặc trưng của âm tiết.

[4] Myung-Sook Jung [2002]. The Teaching Method of Korean Intonation by Basic Pattern. Journal of Korean language Education 13-1: 225~241.

[5] 격음, 경음, 마찰음

[6] 명 cũng được đọc lên giọng, theo nguyên tắc cụm một âm [sẽ nói sau]

[7] 게 cũng được đọc lên giọng, theo nguyên tắc cụm một âm [sẽ nói sau].

[8] 버스 là từ Anh-Hàn nên trong tiếng Hàn được đọc thành /뻐스/. Các trường hợp tương tự: 주스 /쭈스/, 가스 /까스/ v.v

Xem thêm Cách đơn giản để phân biệt 은/는 và 이/가

Video liên quan

Chủ Đề