Cách làm mứt hạt bàng

Trước đây, mỗi khi rỗi việc nhà, người dân huyện đảo lại nhặt những quả bàng khô đem về chẻ lấy hạt làm mứt. Giờ đây, món ăn vui miệng này đã giúp người dân Côn Đảo có thêm thu nhập, cải thiện đời sống khi hạt bàng trở thành một món quà đặc sản cho du khách khi ra Côn Đảo.

Của một đồng, công một nén

Theo chỉ dẫn của một thổ địa ở Côn Đảo, chúng tôi đến thăm một số cơ sở sản xuất hạt bàng trên huyện đảo. Gọi là cơ sở, nhưng thực chất đây là các hộ kinh doanh gia đình, tất cả các quy trình sản xuất đều gói gọn trong diện tích chừng vài chục mét vuông. Tại các nơi đến, chúng tôi được các chủ lò nhiệt tình chỉ dẫn cách chẻ hạt, sao rang, đóng gói mứt hạt bàng.

Trong tất cả các công đoạn, khâu tách hạt bàng là kỳ công nhất. Hạt bàng sau khi nhặt về được phơi khô, sau đó chẻ tách lấy hạt. Khi chẻ, người làm phải đều và nhẹ tay, nếu không hạt sẽ bị vỡ. Để có được 1kg nhân hạt bàng, người làm mứt phải chẻ hết 1 bao trái bàng khô nặng khoảng 50kg. Vì vậy, người giỏi nghề nhất cũng chỉ tách được 1kg nhân bàng/ngày [làm từ 8-10 tiếng]. Sau khi tách nhân, để có một mẻ mứt, người thợ phải đỏ lửa rang liên tục trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ. Khi rang phải để lửa nhỏ và đảo đều tay để hạt bàng không bị cháy.

Bà Võ Thị Thêm, chủ cơ sở hạt bàng Năm Quân, ở số 22 đường Nguyễn Huệ [huyện Côn Đảo] vui vẻ cho biết: Mứt hạt bàng dễ làm nhưng rất công phu, giỏi lắm mỗi ngày một người chỉ làm được 1kg sản phẩm. Giá mứt hạt bàng tại lò hiện giờ là 350 ngàn đồng/kg. Tuy lấy công làm lãi nhưng từ ngày có thêm nghề làm mứt hạt bàng, gia đình bà Thêm cũng có thêm đồng vô đồng ra, cải thiện đời sống.

Chị Nguyễn Thùy Hương, ở khu 8 huyện Côn Đảo cho biết: Hầu như người dân Côn Đảo nào cũng biết cách làm mứt hạt bàng, nhưng làm để bán thì chỉ gói gọn trên dưới chục hộ. Riêng gia đình chị Hương đã làm nghề này hơn 9 năm. Mỗi vụ, chị Hương thu mua hàng trăm kg quả bàng về làm mứt, đóng gói bán cho khách du lịch hoặc bỏ mối cho các điểm bán lẻ.

Những câu chuyện cảm động

Từ lâu, cây bàng đã gắn liền với cuộc sống người dân Côn Đảo, bởi không một con đường, ngõ nhỏ nào ở Côn Đảo mà không có cây bàng. Từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm, khi quả bàng chín rụng nhiều, người dân Côn Đảo thường rủ nhau đi nhặt về cất dành làm mứt. Lúc đầu, họ chỉ tách nhân bàng đem phơi khô rồi rang vàng, giòn làm món ăn chơi, đãi khách hàng ngày. Sau này, khi hạt bàng trở thành món quà du lịch, người dân nghĩ ra nhiều cách chế biến như: rang muối, rang đường như một số loại mứt khác ở đất liền. Mứt hạt bàng có vị bùi, béo, ăn rất lạ miệng, nhất là đối với những ai lần đầu thưởng thức đều dễ phải lòng.

Chị Nguyễn Kim Hiền, một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết, lần nào ra Côn Đảo, bạn bè chị cũng dặn mua cả chục ký mứt bàng. So với đất liền, mứt bàng ở Côn Đảo ngon và béo hơn, lại được đóng gói nhỏ gọn, rất thuận tiện để làm quà.

Đến Côn Đảo, khi nếm những hạt bàng thơm ngon, du khách sẽ được nghe những câu chuyện của cây bàng gắn liền với cuộc sống của những người tù bị lưu đày ở vùng đất Côn Đảo. Chuyện kể, vào những mùa đông giá rét, hay mùa hè oi bức, những người tù nhặt những chiếc lá bàng rụng về lót trên nền đá của trại giam để nằm, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Quả bàng và cả những chiếc lá bàng non cũng trở thành thức ăn lót dạ của những chiến sĩ kiên trung ngày ấy vượt qua cơn đói rét. Lá bàng còn được dùng thay giấy để viết thông tin liên lạc giữa những bạn tù hay chép những vần thơ của họ.

Bài, ảnh: THANH NGA [Báo BR-VT]

Video liên quan

Chủ Đề