Cách giảm đau khi tiêm mông

Xử trí phản ứng bất lợi thường gặp khi dùng thuốc tiêm

Lưu
In
Email

Cùng với thuốc uống, bôi ngoài da thì thuốc tiêm là một phần không thể thiếu trong chữa trị bệnh.

Tuy nhiên, khi dùng thuốc tiêm có thể gặp phải những phản ứng bất lợi có thể ngay tại chỗ tiêm nhưng cũng có thể xảy ra trong cơ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau mà người bệnh cần lưu ý để khắc phục.

Các đường tiêm thường gặp

Đưa thuốc vào cơ thể qua đường tiêm thường có tác dụng nhanh hơn khi đưa vào bằng đường uống, do đó đường tiêm thường được sử dụng trong các trường hợp cấp cứu, cần hiệu quả nhanh của thuốc hoặc trong trường hợp bệnh nhân không uống được như bị hôn mê, có bệnh ở thực quản hay bệnh nhân tâm thần không chịu uống thuốc. Đường tiêm còn được áp dụng đối với những thuốc không thể dùng đường uống do thuốc bị phá hủy tại dạ dày, thuốc không hấp thu bằng đường uống hoặc thuốc gây hại cho hệ tiêu hóa. Tùy theo mục đích điều trị, thuốc được tiêm vào cơ thể theo các đường tiêm khác nhau, bao gồm:

Tiêm tĩnh mạch: Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch là dùng bơm kim tiêm đưa một lượng thuốc vào cơ thể theo đường tĩnh mạch. Đường tĩnh mạch thường được sử dụng trong các trường hợp mong muốn thuốc có tác dụng nhanh, gần như tức thì khi đưa vào cơ thể, rất cần cho các trường hợp cấp cứu hoặc dùng để đưa những dung dịch thuốc thể tích lớn, hay những thuốc không dùng được bằng các đường tiêm khác.

Tiêm bắp: Là tiêm một lượng thuốc vào trong bắp thịt của bệnh nhân, có thể tiêm vào bắp tay, đùi hoặc tiêm vào mông. Tiêm bắp là dạng tiêm phổ biến nhất vì dễ thực hiện hơn các phương pháp tiêm khác.Hầu hết các thuốc ở dạng tiêm đều có thể đưa qua đường này, chỉ trừ các thuốc gây kích ứng mạnh, gây hoại tử, các dung dịch ưu trương, thuốc có pH quá kiềm hoặc quá acid.

Tiêm dưới da: Khả năng hấp thu thuốc của đường tiêm dưới da chậm hơn tiêm bắp nhưng nồng độ của thuốc trong máu lại giữ được lâu hơn nên thường được vận dụng trong các trường hợp cần kéo dài tác dụng của thuốc, ví dụ tiêm morphin để giảm đau do ung thư, tiêm insulin để kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.

Tiêm trong da: Đây là cách tiêm thường được dùng trong thử phản ứng dị ứng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh penicillin, phản ứng dị ứng lao hay tiêm chủng ngừa lao. Vị trí tiêm thường là mặt trước cánh tay.

Ngoài ra còn có các cách tiêm ít gặp khác và chỉ dùng chuyên biệt cho một số loại thuốc như tiêm ngoài màng cứng thường dùng trong gây tê vùng, giảm đau sau phẫu thuật; tiêm vào khớp thường dùng để giảm đau, chống viêm khớp.

Các đường tiêm thường được áp dụng cho người bệnh.

Các phản ứng phụ khi tiêm và cách xử lý

Bên cạnh những tác dụng phụ của thuốc tương tự như dùng thuốc đường uống, dùng thuốc đường tiêm còn có những phản ứng phụ rất đặc trưng do thuốc hoặc do chính việc tiêm thuốc gây nên.

Phản ứng tại chỗ tiêm

Cảm giác bị đau ngay tại chỗ tiêm là phản ứng phụ thường gặp nhất, bệnh nhân có thể bị đau ngay khi tiêm hoặc đau khoảng một vài giờ sau khi tiêm. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị sưng, ngứa, đỏ và nóng. Tuy nhiên những phản ứng này thường tự khỏi và không nghiêm trọng.

Mức độ đau và kích ứng có thể phụ thuộc vào loại thuốc được tiêm. Các thuốc gây đau nhiều khi tiêm như kháng sinh nhóm cephalosporin, amoxicillin, để giảm đau, thường thêm lidocaine [0,5 - 0,8%] hoặc alcol benzylic [3%] vào dung môi tiêm bắp.

Sau khi tiêm, y tá sẽ để một miếng bông gòn có tẩm cồn sát trùng vào vị trí tiêm, nên giữ miếng bông gòn tại vị trí tiêm day day cho đến khi khô, không chà xát, sau đó có thể chườm lạnh để giảm đau.

Tuy nhiên, nên chườm nóng để giảm đau và kích ứng đối với các phản ứng tại chỗ tiêm gây ra do các thuốc hóa trị liệu ung thư nhóm vinca alkaloid bao gồm vinblastine, vincristine và vinorelbine.

Sốt sau tiêm

Phản ứng sốt sau tiêm thường xảy ra đối với tiêm phòng vaccine và là một phản ứng rất thường gặp sau tiêm chủng ở trẻ em, nhất là khi tiêm phòng ho gà, thương hàn. Tiêm phòng sởi, quai bị cũng có thể gây sốt nhưng thường xảy ra chậm, từ 5 - 12 ngày sau tiêm. Hầu hết những trường hợp sốt do tiêm phòng thường nhẹ, và sẽ tự khỏi sau 1 - 2 ngày.

Để giảm sốt, nên uống nhiều chất lỏng, tốt nhất là nước và nước trái cây hoặc dịch bù nước. Mặc quần áo thoáng mát, mỏng và giữ phòng ngủ thoáng, có thể chườm mát hoặc lau mát để giảm thân nhiệt. Một số trường hợp sẽ phải cần đến thuốc hạ sốt paracetamol hoặc ibuprofen. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ các cách xử lý sốt sau tiêm cũng như khi nào nên sử dụng thuốc hạ sốt.

Viêm tĩnh mạch

Viêm tĩnh mạch do lấy máu hoặc truyền tĩnh mạch cũng là một tai biến y khoa thường gặp. Viêm tĩnh mạch thường xảy ra khi tiêm truyền các dung dịch ưu trương, các thuốc có nồng độ cao hoặc trường hợp tiêm truyền kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày. Bệnh nhân có thể bị sưng, tấy đỏ, đau nhức. Mặc dù gây khó chịu và lo lắng cho người bệnh nhưng đây không phải là phản ứng nghiêm trọng. Người bệnh nên vận động cánh tay, chân để lưu thông mạch máu, kết hợp chườm nóng lên chỗ tĩnh mạch bị viêm. Điều trị bằng thuốc có thể bao gồm các thuốc chống viêm uống hoặc bôi tại chỗ nếu chỗ viêm nhỏ, một số trường hợp ít gặp có thể cần dùng đến kháng sinh và thuốc chống hình thành cục máu đông.

Các phản ứng nghiêm trọng

Các phản ứng phụ do tiêm thường nhẹ và có thể tự khỏi, tuy nhiên bệnh nhân có thể gặp các phản ứng nghiêm trọng và kéo dài. Cần báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các triệu chứng như sốt cao kéo dài, đau dữ dội chỗ tiêm, đau cơ, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ban đỏ da có kèm phồng rộp, đau, ngứa và bong tróc da hay sưng phù môi, lưỡi và họng. Các phản ứng xa chỗ tiêm hoặc kéo dài không khỏi mà ngày càng tệ hơn nên được can thiệp y tế kịp thời.

Theo DS. Lê Thị Quỳnh/Suckhoedoisong.vn

Ý kiến []

0 / 500 ký tự
Hãy đăng nhập hoặc tạo tài khoản để bình luận
Guest
Gửi
Quan tâm nhất Mới nhất

Video liên quan

Chủ Đề