Cách làm portfolio content

Giữa một rừng thí sinh cùng tranh "giải hoa hậu" viết lách, làm thế nào để bạn là người đăng quang và giành về chiếc "cúp - job" quý giá?

Câu trả lời chính là portfolio.

Vậy chính xác thì vì sao mỗi người viết đều cần sở hữu một portfolio? Và làm thế nào để tạo ra một chiếc portfolio để khách hàng vừa nhìn đã muốn trao "giải hoa hậu"?

Mọi câu trả lời sẽ được giải đáp chi tiết qua bài viết dưới đây.

Vì sao mỗi người viết đều cần portfolio?

Portfolio mang nghĩa hồ sơ năng lực, là câu trả lời đơn giản nhưng mạnh mẽ cho câu hỏi mấu chốt: “Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?” của nhà tuyển dụng.

Vậy việc sở hữu portfolio trong tay sẽ giúp chúng ta có được những gì?

Lợi ích dễ thấy nhất là giúp bạn tiết kiệm thời gian. Khi bạn tập hợp tất cả sản phẩm chất lượng vào một chỗ thì lúc cần đến, bạn chỉ cần gửi cho khách hàng là đủ, không cần tốn công tập hợp lại từ đầu.

Thứ hai, việc có portfolio giống như bạn đang bước lên một chiếc bục cao chót vót và nổi bần bật giữa các ứng viên có cùng kinh nghiệm.

Nguồn: Freepik

Dạo quanh các tin tuyển dụng trên group viết lách, bạn sẽ thấy hầu hết bình luận của ứng viên ở mỗi bài sẽ là “Inbox, ib”, khá khẩm hơn là câu “Em đã nhắn tin cho anh/chị, anh/chị check tin nhắn giúp em với ạ”.

Đôi khi có đến 200 bình luận và tin nhắn với cùng một nội dung, như thể mọi người xem đó là form mẫu để nhắn tin ứng tuyển hoặc chỉ đơn giản là đang rải truyền đơn, được job nào hay job đấy. Rất ít người bình luận một cách chỉn chu và nghiêm túc rằng: “Em đã nhắn tin và gửi portfolio của mình cho anh/chị. Em nghĩ rằng kinh nghiệm của mình rất phù hợp với vị trí này. Mong được anh/chị phản hồi”.

Nếu như ít người làm thế thì bạn hãy làm đi. Vì chắc chắn hành động này sẽ giúp bạn nổi bật.

Tôi từng lướt các nhóm viết lách và thấy có một công việc khá thú vị. Hồ sơ của người đăng tuyển cũng rất ấn tượng. Điều đó làm cho ứng viên cảm thấy vô cùng hứa hẹn về một trải nghiệm tuyệt vời với mức thù lao hấp dẫn. Tuy nhiên, rào cản là trước đó đã có hơn 60 người nhắn tin ứng tuyển. Tôi băn khoăn không biết họ đã chọn đủ số cộng tác viên hay chưa.

Cuối cùng, tôi quyết định gửi tin nhắn cho người tuyển dụng về portfolio của mình và thật ngạc nhiên, chỉ sau 5 phút, tôi nhận được phản hồi. Chúng tôi nhanh chóng trao đổi và chốt công việc, thù lao cụ thể. Công việc cứ thế được tiến hành.

Một điều tôi muốn lưu ý là portfolio không đơn thuần bao gồm các bài viết và con số thể hiện độ tương tác, nó còn là nơi để bạn thể hiện cá tính và quan điểm làm việc của mình.

Vì vậy, đó cũng là cách để nhà tuyển dụng nhận ra ứng viên "chân ái", hội tụ đầy đủ các yếu tố về năng lực, phẩm chất và tính cách phù hợp với họ.

Bạn càng thể hiện con người mình chi tiết bao nhiêu thì càng có cơ hội được làm việc với những người có quan điểm tương đồng bấy nhiêu.

Và nếu quan điểm tương tự nhau, công việc hầu như sẽ trôi chảy, đôi bên có sự gắn bó lâu dài.

Cách tạo portfolio

Nếu bạn đã thấm nhuần lợi ích của portfolio nhưng vẫn hoang mang không biết bắt đầu từ đâu, phần hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn.

Hình thức làm portfolio [bằng pdf, website, video]

Portfolio làm bằng pdf có nhược điểm là không thể linh hoạt chỉnh sửa khi bạn muốn cập nhật. Bù lại, nó sẽ giúp bạn đảm bảo chất lượng hình ảnh.

Với dạng pdf, bạn có thể trình bày portfolio với kích cỡ A4 hoặc giống như một slide trình chiếu.

Công cụ gợi ý cho dạng portfolio này là Google trang trình bày, Powerpoint hoặc các phần mềm có gợi ý sẵn thiết kế như Canva.

Nếu muốn khắc phục nhược điểm của dạng pdf, bạn có thể chuyển sang portfolio dạng website [landing page hoặc blog cá nhân].

Với dạng này, bạn có thể thoải mái chỉnh sửa và cập nhật nội dung để đảm bảo mọi thứ sẽ hoàn hảo khi đến tay khách hàng. Một landing page có giao diện sinh động và các hiệu ứng hấp dẫn sẽ nhanh chóng thu hút khách hàng chăm chú dõi theo hành trình của bạn.

Trong khi đó, blog cá nhân lại giúp khách hàng có cái nhìn toàn cảnh về bạn. Họ “nhìn thấy” bạn trong tất cả chủ đề bạn viết chứ không chỉ bó hẹp trong các dự án viết lách kiếm tiền.

Tuy nhiên, nếu như ngoài khả năng viết lách, bạn còn có kỹ năng biên tập video siêu đỉnh và muốn phát triển nhiều hơn ở các dự án kết hợp 2 kỹ năng này, một portfolio bằng video sẽ là lựa chọn hoàn hảo.

Nó không chỉ giúp bạn thể hiện kỹ năng biên tập, khả năng cảm nhạc, tư duy thẩm mỹ mà còn là bằng chứng sống động nhất thể hiện sự chỉn chu và kỹ càng của bạn trong công việc.

Ít ai muốn từ chối một ứng viên tuyệt vời như vậy.

Bố cục một portfolio ấn tượng

Một portfolio ấn tượng sẽ không chỉ thể hiện kinh nghiệm viết lách của bạn. Nó còn là nơi để bạn thể hiện cho khách hàng thấy phần nào tính cách, phương châm và mục tiêu làm việc.

Khi hiểu được cá tính của bạn, khách hàng cũng sẽ nhanh chóng nhận ra liệu bạn có phải là đối tác phù hợp họ đang tìm kiếm hay không.

Để làm được điều này, một portfolio ấn tượng thường đi theo bố cục sau đây:

  • Lời chào mừng

  • Hình chân dung

  • Mục tiêu tương lai và sơ lược về kinh nghiệm

  • Slogan về phương châm làm việc

  • Kỹ năng

  • Khóa học

  • Phương thức làm việc

  • Các dự án đã thực thi và kết quả

  • Feedback khách hàng [nếu là freelance writer]

  • Cám ơn đã theo dõi

  • Thông tin cá nhân để tiện liên lạc [email, số điện thoại, fanpage, website]

Các tip lưu ý

Đầu tiên, về cách trình bày ở phần dự án, bạn có thể chọn 2 kiểu: “bổ ngang” hoặc “bổ dọc”.

“Bổ ngang” nghĩa là với mỗi đơn vị cộng tác, bạn sẽ liệt kê toàn bộ các loại bài viết đã thực hiện với họ. Chẳng hạn, với dự án A, bạn không chỉ viết bài chạy quảng cáo mà còn viết bài chuẩn SEO, viết bài chăm fanpage, thực hiện một vài ebook nhỏ.

Khi trình bày kiểu “bổ ngang”, khách hàng sẽ nhìn nhận được sự đa năng từ bạn khi biến chuyển một nội dung ra nhiều cách thức thể hiện. Bên cạnh đó, họ cũng biết bạn am hiểu thương hiệu này đến mức nào và cũng đáng tin tưởng ra sao khi chốt được nhiều việc về tay như vậy.

Bạn có thể trình bày giống như tôi dưới đây. Ở mỗi dự án, tôi sẽ chia thành 2 trang. Trang 1 giới thiệu về các kỹ năng cũng như kinh nghiệm tôi đã học được.

Trang 2 dẫn link các sản phẩm tiêu biểu trong dự án:

Còn “bổ dọc” là với mỗi kỹ năng, bạn sẽ liệt kê những bài viết cùng loại ở nhiều thương hiệu khác nhau.

Ví dụ, cùng là bài chạy quảng cáo nhưng khi viết cho thương hiệu trang sức cao cấp, giọng văn của bạn toát lên sự sang chảnh, quý phái. Nhưng khi viết cho thương hiệu mỹ phẩm tầm trung dành cho sinh viên, ngay lập tức câu từ của bạn biến hóa thành gần gũi và hợp thời.

Hãy trình bày theo cách này nếu bạn muốn thể hiện cho khách hàng thấy tính linh hoạt và sự “đa nhân cách” của bản thân, đồng thời muốn phát triển sâu một kỹ năng nhất định.

Thứ hai là cách thể hiện nội dung.

Đôi khi bạn chỉ cần thể hiện đúng và đủ các thông tin trên là đã ổn. Nhưng với người làm việc trong ngành sáng tạo, sẽ ấn tượng hơn nếu cách thể hiện của bạn không đi theo lối mòn.

Ví dụ, về nội dung, nếu bạn muốn thể hiện mình là một người viết bài quảng cáo nhuần nhuyễn, tại sao không sử dụng các cấu trúc viết quảng cáo vào câu chuyện của bạn trên portfolio?

Về hình thức, nếu các trang cá nhân của bạn sử dụng 1 tone màu duy nhất để thể hiện thương hiệu cá nhân, tại sao không áp dụng điều này vào portfolio của bạn? Nhìn thấy màu là nhớ tới người. Còn điều gì thú vị và cá tính hơn?

Cuối cùng là ngôn ngữ thể hiện. Hãy tập trung vào điểm mạnh của bạn để truyền năng lượng của sự tự tin vào ngôn ngữ trong portfolio. Dù bạn chỉ có kinh nghiệm non trẻ với vài công việc, nhưng tuyệt đối đừng rụt rè và thể hiện sự thiếu tự tin cho khách hàng thấy.

Ai dám giao việc cho bạn khi bạn còn không tin tưởng chính mình?

Vào thời điểm tháng 5/2021, khi mới làm portfolio đầu tiên, tôi chỉ có 2 bài đăng trên blog cá nhân và mới nhận được lời mời cộng tác cho dự án Nghề tay trái của chị Linh Phan. Và dưới đây là cách tôi nói về kỹ năng viết blog của mình:

Một số portfolio đáng tham khảo

Sau một lúc hoa mắt về hướng dẫn kỹ năng, bạn vẫn chưa hình dung ra một portfolio chất lượng khi “lên hình” sẽ như thế nào. Vậy bạn hãy tham khảo các ví dụ dưới đây:

Dạng pdf

Portfolio của tôi được làm vào tháng 5/2021: Link

Dạng website

Chị Đỗ Quỳnh: //theintrovertwriter.com/

Bạn Thúy Trang: //motcayviet.

Bạn Hải Dương: //duongstory.com/

Bạn Thao Nguyễn: //thetanawriter.com/

Porfolio dạng landing page của Nguyễn Hoài Thương:

//nguyenhoaithuong.com/chaiyo-thuong-portfolio/

Và tôi: //mituwriter.com/

Dạng video

Jacquelyn Evans: //jaalyn.carbonmade.com/

Hannah Jacobs: //www.hellohannahjacobs.com/

Người chưa có kinh nghiệm thì tạo portfolio thế nào?

Nếu bạn chỉ là một tay viết mới và những gì bạn có chưa đủ để lấp đầy một portfolio, vậy hãy bắt tay ngay vào công cuộc “đắp da đắp thịt” cho nó với các gợi ý sau:

Viết blog

Để bắt đầu, bạn hoàn toàn có thể tạo một trang blog cá nhân miễn phí trên các nền tảng tạo website như Wix, Wordpress… và tự tay bày biện trang trí cho ngôi nhà online của mình.

Hoặc nếu muốn đầu tư chuyên nghiệp hơn, bạn thuê dịch vụ thiết kế blog trọn gói. Chỉ cần trình bày ý tưởng và rảnh tay chờ đợi là vài ngày sau, bạn sẽ sở hữu ngay một blog phù hợp với mong muốn.

Tuy nhiên, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” trong trường hợp này luôn đúng. Bạn nên chú trọng vào nội dung thay vì dành hầu hết thời gian vào trang trí hoa lá cành.

Câu hỏi đặt ra là bạn nên viết về chủ đề gì trên blog?

Chủ đề viết blog thường có 3 loại: loại bạn yêu thích, loại bạn có kinh nghiệm và loại có thể giúp bạn kiếm tiền. Ở giai đoạn đầu làm blog, hãy tập trung vào 2 loại sau vì bạn đang cần xây dựng portfolio để kiếm việc. Sẽ không ích gì nếu khách hàng cần bạn để viết quảng cáo sản phẩm, trong khi nội dung bạn chia sẻ trên blog lại là những tự sự về nhân sinh thế thái.

Bạn hãy tạo các bài viết chất lượng, chia sẻ chúng rộng rãi ở những cộng đồng có liên quan, sau đó theo dõi tương tác bài viết và độ tăng trưởng của blog.

Ứng tuyển cộng tác báo chí

Nguồn: Freepik

Một bài viết “chạm” và giải quyết được nỗi niềm của khán giả đã rất tuyệt vời, nhưng nó sẽ còn uy tín hơn khi được xuất hiện chễm chệ trên một tờ báo. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, bạn hãy chủ động viết và gửi bài đến các trang tin, tạp chí điện tử.

Tuy nhiên, các biên tập viên của báo có thể sẽ bận rộn. Bạn hãy chuẩn bị trước tinh thần họ sẽ phản hồi cho bạn rất muộn, cũng có thể họ không phản hồi lại cho bạn hoặc tệ hơn, email của bạn lại rơi vào mục spam.

Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này?

Đầu tiên, để tránh chờ đợi trong vô vọng, bạn hãy cài mailtrack cho các email của mình. Với mỗi email gửi đi, bạn đều nắm được liệu nó đã được mở ra hay chưa, tránh tình trạng cứ 1 phút bạn lại kiểm tra hòm mail một lần.

Tiếp theo, để tăng khả năng được chấp nhận bài viết, bạn hãy dành thời gian nghiên cứu về nơi bạn sẽ gửi bài.

  • Báo có những chuyên mục gì? Bạn muốn cộng tác với chuyên mục nào?

  • Chuyên mục này hướng tới đối tượng là ai, giới tính gì, bao nhiêu tuổi, họ có sở thích, thói quen, mục tiêu, lẽ sống là gì?

  • Cách truyền tải nội dung của bài viết: cách đặt tiêu đề, số chữ của tiêu đề, số chữ của bài viết, cách thể hiện nội dung bài viết [về ngôn từ, cách đặt vấn đề...], số lượng hình ảnh….

Bạn nghiên cứu càng kỹ, bài viết của bạn càng sát với format và khả năng được duyệt bài càng cao.

Dưới đây là danh sách một số trang tin, tạp chí điện tử để bạn có thể gửi bài hoặc ứng tuyển làm CTV:

Đi thực tập tại các công ty agency

Agency là nơi bạn sẽ “làm một việc cho nhiều người”. Cùng là viết quảng cáo nhưng buổi sáng bạn có thể vừa viết cho một nhãn hàng sữa của người cao tuổi thì đầu chiều, sản phẩm "biến thành" tã bỉm trẻ em và cuối buổi là sản phẩm sinh lý.

Trải nghiệm thực tập ở agency giúp bạn không chỉ lên tay nhanh trong nghề viết mà còn linh hoạt trong việc nhảy tone and mood để viết cho nhiều khách hàng khác nhau. Bên cạnh đó, nó cũng giúp bạn củng cố và tăng cường tinh thần thép cũng như khả năng chịu đựng áp lực. Điều này là vô cùng cần thiết với các cây viết có định hướng làm freelance [cả bán thời gian và toàn thời gian].

Bạn có thể tìm thấy một loạt các agency gồm địa chỉ và thông tin liên hệ tại đây: //www.agencyvietnam.com/ .

Trên đây là tất cả các bước cơ bản để giúp bạn sở hữu một portfolio xứng tầm hoa hậu và nhanh chóng lọt vào mắt xanh của khách hàng.

Với tất cả các trải nghiệm của tôi từ khi chỉ vỏn vẹn 5 - 6 bài viết cho đến khi có một portfolio tương đối hoàn chỉnh, tôi có thể cam đoan với bạn việc chốt job của bạn sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết khi sở hữu một portfolio trong tay. Có job dễ dàng đồng nghĩa với việc theo thời gian, nội dung portfolio của bạn càng trở nên phong phú. Từ đó, cơ hội sẽ ngày càng rộng mở và sự nghiệp viết lách của bạn được chắp thêm đôi cánh để bay cao, bay xa.

Video liên quan

Chủ Đề