Cao huyết áp thứ phát là gì

Tăng huyết áp hiện đang là vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng. Tăng huyết áp ở người trưởng thành phần lớn không có nguyên nhân, chỉ có một số ít là có căn nguyên, hay còn gọi là tăng huyết áp thứ phát. Tuy chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng tăng huyết áp thứ phát lại rất nguy hiểm và có thể gây các biến chứng nặng nề nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Thế nào là tăng huyết áp thứ phát?

Tăng huyết áp thứ phát chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại nguy hiểm không kém tăng huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp thứ phát là tình trạng huyết áp tăng cao gây ra bởi một số bệnh lý khác trong cơ thể.

Giống như tăng huyết áp vô căn, tăng huyết áp thứ phát có thể gây biến chứng xấu trên tim, thận, não, mạch máu. Tuy nhiên, người mắc phải loại tăng huyết áp này có cơ hội chữa khỏi bệnh dứt điểm rất lớn nếu phát hiện, điều trị sớm và đúng cách nguyên nhân gây bệnh.

Nguyên nhân nào gây tăng huyết áp thứ phát?

Tăng huyết áp thứ phát có thể do nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau gây ra:

Các bệnh lý liên quan đến thận

Bệnh thận là một trong những nguyên nhân thường gặp gây tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp do bệnh lý mạch thận dù chỉ chiếm 2 – 3% các ca tăng huyết áp nhưng lại là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây tăng huyết áp thứ phát.

Dưới đây là một số bệnh lý tại thận gây tăng huyết áp:

  • Bệnh thận do đái tháo đường: Trong cơ thể, thận có chức năng chính là lọc máu và đào thải các chất dư thừa ra khỏi cơ thể. Ở bệnh nhân đái tháo đường, tình trạng đường huyết tăng cao có thể gây tổn thương hệ thống lọc này, gây xơ hóa cầu thận, lâu ngày dẫn đến suy thận kèm theo tăng huyết áp.
  • Bệnh thận đa nang: Đây là bệnh lý di truyền đặc trưng bởi sự xuất hiện của nhiều nang thận ở cả hai thận và có thể ở cả gan. Các nang thận này làm phá vỡ cấu trúc của thận, ảnh hưởng đến chức năng bình thường của thận. Hậu quả là gây ứ đọng muối và nước dẫn đến tăng huyết áp.
  • Bệnh cầu thận: Quá trình lọc của thận diễn ra chủ yếu ở cầu thận. Do đó, cầu thận bị viêm sẽ dẫn đến chức năng lọc máu của thận bị cản trở. Viêm cầu thận nếu không được điều trị tốt có thể khiến bạn bị cao huyết áp.
  • Tăng huyết áp tuần hoàn: Loại tăng huyết áp này thường được gây ra bởi tình trạng xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa có thể làm hỏng động mạch, làm thành mạch dày lên và xơ cứng. Theo đó dòng máu đến thận bị cản trở, kích thích thận tăng cường sản xuất hormone renin gây co mạch và tăng huyết áp.

Các bệnh lý nội tiết

U tủy thượng thận cũng có thể dẫn đến tình trạng cao huyết áp

Bệnh tuyến thượng thận: Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết quan trọng nằm ở trên đầu mỗi quả thận, có vai trò sản xuất và điều hòa nhiều loại hormone trong cơ thể như adrenaline, aldosteron và cortisol. Một số bệnh lý tại tuyến thượng thận có thể gây mất cân bằng các hormone này và dẫn đến tăng huyết áp thứ phát, bao gồm:

  • U tủy thượng thận: Là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng hormone adrenaline và noradrenaline tăng cao trong máu, dẫn đến huyết áp tăng rất cao, có thể lên tới trên 200 mmHg và thường tăng theo từng cơn.
  • Hội chứng Conn [Cường aldosteron nguyên phát]: Là tình trạng tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormon aldosteron. Đây là hormon gây giữ muối nước và tăng thải kali qua thận. Kết quả là gây tăng huyết áp.
  • Hội chứng Cushing: Đây là một bệnh lý nội tiết gây ra do chức năng vỏ tuyến thượng thận bị rối loạn, dẫn đến tăng nồng độ hormone cortisol trong máu. Cortisol giúp cơ thể điều hòa huyết áp và phản ứng với stress. Do đó, khi lượng hormon này tăng cao trong máu có thể gây tăng huyết áp thứ phát.

➤ Cường tuyến cận giáp: Tuyến cận giáp có kích thước rất nhỏ nhưng giữ vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa nồng độ calci và phospho trong máu của bạn. Khi mắc bệnh cường tuyến cận giáp, hormon PTH sẽ tăng tiết làm tăng lượng calci trong máu. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây tăng huyết áp.

➤ Các vấn đề về tuyến giáp: Rối loạn chức năng tuyến giáp cũng có thể dẫn đến huyết áp cao.

Nguyên nhân khác

➤ Thai kỳ

Tăng huyết áp là tình trạng bệnh lý thường gặp trong thai kỳ, xảy ra ở khoảng 5 – 10% phụ nữ mang thai.

Tăng huyết áp thai kỳ [tăng huyết áp do thai nghén hoặc tiền sản giật] có thể gây nhiều bệnh tật và biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi như nhau bong non, suy đa cơ quan, đông máu nội mạch lan tỏa, thai nhi chậm phát triển, sinh non,…

Do đó, phát hiện và kiểm soát sớm tăng huyết áp thứ phát ở phụ nữ có thai là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.

Tăng huyết áp thứ phát trong thai kỳ gây nguy hiểm cho cả mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh

☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Huyết áp cao khi mang thai và những lưu ý mẹ nhất định phải biết

➤ Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Là những cơn tắc nghẽn đường hô hấp trên toàn phần hoặc một phần trong khi ngủ, lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm.

Tình trạng này gây tổn thương niêm mạc thành mạch máu do thiếu oxy, lâu ngày khiến mạch máu yếu dần dẫn đến huyết áp khó kiểm soát. Ngoài ra, nó còn khiến hệ thần kinh của bạn hoạt động quá mức và giải phóng một số chất gây tăng huyết áp.

➤ Hẹp eo động mạch chủ

Đây là một bệnh lý bẩm sinh và là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường gặp trong nhóm nguyên nhân tim mạch. Động mạch chủ bị thu hẹp làm tăng sức cản mạch máu và tăng huyết áp.

➤ Béo phì

Béo phì có thể gây tăng nhịp tim và tăng lượng máu chảy trong cơ thể, từ đó làm tăng áp lực của dòng máu lên thành động mạch và khiến huyết áp của bạn tăng cao.

Bên cạnh đó, các chất béo tích tụ trong cơ thể khi bị béo phì cũng giải phóng ra một số chất hóa học gây tăng huyết áp.

➤  Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc như thuốc tránh thai đường uống [đặc biệt là thuốc chứa estrogen], thuốc chống viêm phi steroid, thuốc ăn kiêng [phenylpropanolamine, sibutramine,…], các chất kích thích [amphetamine, cocaine,…], thuốc chống trầm cảm, thuốc ức chế miễn dịch [cyclosporin A và steroid],… có thể gây ra tác dụng phụ là tăng huyết áp.

Triệu chứng tăng huyết áp thứ phát

Tương tự như tăng huyết áp nguyên phát, tăng huyết áp thứ phát thường không có dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng ngay cả khi huyết áp của bạn tăng cao ở mức nguy hiểm.

Tuy nhiên, tăng huyết áp thứ phát thường do một nguyên nhân xác định. Do vậy, ở người bệnh tăng huyết áp có thể xuất hiện một số triệu chứng của các bệnh lý đi kèm, ví dụ như:

  • U tủy thượng thận: Đổ mồ hôi, tim đập nhanh, đau đầu, lo lắng…
  • Hội chứng Cushing: Tăng cân, suy nhược, mọc lông bất thường trên cơ thể hoặc mất kinh [ở phụ nữ], các vết [đường] màu tím trên da bụng…
  • Các vấn đề về tuyến giáp: Mệt mỏi, tăng cân hoặc giảm cân, không chịu được nóng hoặc lạnh…
  • Hội chứng Conn: Suy nhược cơ thể do lượng kali trong máu giảm thấp.
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: mệt mỏi quá mức hoặc buồn ngủ vào ban ngày, ngáy, ngưng thở khi ngủ…
Tình trạng cao huyết áp khởi phát dưới 25 tuổi phần lớn là tăng huyết áp thứ phát

Ngoài ra, nếu bạn bị cao huyết áp kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, bạn rất có thể đang mắc phải bệnh lý tăng huyết áp thứ phát:

  • Huyết áp tăng rất cao, trên 180/110 mmHg lúc khởi bệnh.
  • Tình trạng tăng huyết áp khởi phát trước 25 tuổi hoặc sau 55 tuổi.
  • Tăng huyết áp khởi phát đột ngột, từ huyết áp bình thường đến tăng huyết áp nặng trong thời gian dưới 1 năm.
  • Xuất hiện tổn thương ở nhiều cơ quan đích khi mới phát hiện tăng huyết áp.
  • Tiền sử gia đình không có người bị huyết áp cao.
  • Không béo phì.
  • Các biện pháp điều trị tăng huyết áp trước đây có hiệu quả, bây giờ không còn hiệu quả.
  • Tăng huyết áp kháng trị: Không đáp ứng với các loại thuốc hạ huyết áp.

Chẩn đoán tăng huyết áp thứ phát

Để chẩn đoán tăng huyết áp thứ phát, trước tiên bác sĩ sẽ xác định tình trạng huyết áp cao bằng cách đo huyết áp.

Việc xác định tăng huyết áp không chỉ dựa vào một lần đo mà cần mất khoảng 3 – 6 lần đo để chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn theo dõi huyết áp tại nhà hoặc theo dõi huyết áp suốt 24h bằng holter huyết áp để xem nó có giảm tại các thời điểm khác nhau trong ngày hay không.

Bạn sẽ được chẩn đoán tăng huyết áp khi:

  • Đo huyết áp tại phòng khám: Huyết áp  ≥ 140/90 mmHg.
  • Theo dõi huyết áp bằng máy Holter: Huyết áp trung bình ban ngày ≥ 135/85 mmHg và huyết áp trung bình ban đêm ≥ 120/70mmHg.
  • Tự đo huyết áp tại nhà nhiều lần: Huyết áp ≥ 135/85 mmHg.

Sau khi chẩn đoán được bệnh tăng huyết áp, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm khác để xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng cao huyết áp của bạn:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu thường được thực hiện để kiểm tra nồng độ kali, natri, creatinin, đường huyết, cholesterol toàn phần và triglycerid,…
  • Xét nghiệm nước tiểu: Phát hiện những bất thường trong nước tiểu.
  • Siêu âm thận: Kiểm tra kích thước và lưu lượng máu qua thận.
  • Chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ [MRI]: Kiểm tra bất thường ở tuyến thượng thận.
  • Điện tâm đồ [ECG hoặc EKG]: Bạn có thể phải làm xét nghiệm này nếu bác sĩ cho rằng nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát là do vấn đề tim mạch.
Bạn cần đo điện tâm đồ để xác định nguyên nhân tim mạch gây tăng huyết áp

Tăng huyết áp thứ phát có nguy hiểm không?

Tăng huyết áp thứ phát có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh lý mà bạn đang mắc phải.

Bên cạnh đó, nếu tình trạng huyết áp cao kéo dài mà không được kiểm soát, nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên các cơ quan khác trong cơ thể.

Các biến chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp thứ phát là:

  • Các biến chứng về tim mạch: Đau tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh động mạch vành…
  • Các biến chứng về não: Tai biến mạch máu não [nhũn não và xuất huyết não], bệnh não do tăng huyết áp
  • Biến chứng trên thận: Suy thận, đái ra protein,…
  • Các biến chứng mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng phình tách thành động mạch chủ có nguy cơ tử vong cao.
  • Suy giảm trí nhớ.
  • Các biến chứng về mắt: Xuất huyết võng mạc, phù gai thị…

Các vấn đề sức khỏe mà tăng huyết áp thứ phát gây ra đều rất nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao. Do đó, phát hiện sớm, điều trị bệnh đúng cách và phòng ngừa các biến chứng là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân trong gia đình.

Điều trị tăng huyết áp thứ phát như thế nào?

Điều trị tăng huyết áp thứ phát bằng cách dùng đồng thời thuốc điều trị nguyên nhân và thuốc cao huyết áp

Tăng huyết áp thứ phát sẽ kéo dài cho đến khi nguyên nhân gây bệnh biến mất. Do đó, việc điều trị tăng huyết áp thứ phát phải bao gồm cả điều trị nguyên nhân gây tăng huyết ápkiểm soát tốt huyết áp.

Tùy theo nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát mà bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật. Khi các bệnh lý cơ bản được điều trị khỏi, huyết áp của bạn có thể giảm hoặc trở lại bình thường.

Bạn cũng có thể cần tiếp tục sử dụng các thuốc điều trị huyết áp để tránh huyết áp tăng cao không kiểm soát trong quá trình điều trị. Bác sĩ sẽ lựa chọn nhóm thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý mắc kèm của bạn.

Bạn cần dùng thuốc đầy đủ, liên tục, tuân thủ đúng theo chỉ định và báo cáo ngay với bác sĩ nếu có những biểu hiện bất thường trong quá trình sử dụng thuốc.

Để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên kết hợp thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày, tập luyện thể dục thể thao, duy trì cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng, hạn chế rượu bia, thuốc lá…

Bên cạnh đó, bạn cũng cần theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên bằng cách sử dụng máy đo huyết áp cá nhân và báo cáo với bác sĩ trong các lần thăm khám định kỳ. Việc này sẽ giúp bác sĩ kiểm soát tốt tình trạng bệnh của bạn cũng như đánh giá được hiệu quả phác đồ điều trị đang sử dụng.

Tài liệu tham khảo:

  • //my.clevelandclinic.org/health/diseases/21128-secondary-hypertension/outlook–prognosis
  • //www.mayoclinic.org/diseases-conditions/secondary-hypertension/diagnosis-treatment/drc-20350684
  • //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4876411/

Video liên quan

Chủ Đề