Chiêm thành ở đâu

Sau khi lập quốc, người Chămpa lợi dụng việc phong kiến phương bắc thống trị lỏng lẻo, không thể vươn tới các địa phương xa xôi, nhất là ở quận xa như Nhật Nam, nên họ đã tiến hành nhiều cuộc tiến quân ra phía bắc để mở rộng lãnh thổ của mình.

Khoảng năm 226 - 230 thời Thuận Ngô, khi Lữ Đại làm Thứ sử Giao Châu, nước Lâm Ấp sai sứ ra giao hiếu, nhưng vẫn tìm cách phát triển ra bắc giành đất Nhật Nam còn lại từ Hải Vân trở ra.

Năm 248, bà Triệu Thị Trinh em gái Triệu Quốc Đạt, một thủ lĩnh ở huyện Quân An, quận Cửu Chân đã nổi dậy chống ách đô hộ nhà Ngô, giết viên thứ sử Châu Giao. Khắp nơi nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân đều nổi dậy hưởng ứng mạnh mẽ, làm chấn động toàn thể Châu Giao. Nhân việc đó, nước Lâm Ấp cũng đưa quân ra đánh phá quân Ngô ở phía bắc quận Nhật Nam, vùng sông Gianh ngày nay và chiếm được vùng đất ấy.

Mất đất từ sông Gianh trở vào, nhà Ngô phải bỏ quận Nhật Nam, mãi đến đời Tấn năm 280, phong kiến Trung Quốc mới đặt lại quận Nhật Nam để chống lại Lâm Ấp.

Năm 337, Vua Lâm Ấp là Phạm Văn đem quân ra bắc, chiếm hết phần đất quận Nhật Nam, san bằng huyện thành Tây Quyển mở rộng biên giới Lâm Ấp ra tận Đèo Ngang. Mặc dù sau đó diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giành giật vùng đất từ Đèo Ngang vào đến Hải Vân giữa các triều đại phong kiến đô hộ Trung Quốc với vương quốc Lâm Ấp, nhưng về cơ bản vùng đất Quảng Bình từ giữa thế kỷ thứ tư thuộc địa phận nước Lâm Ấp sau đổi tên Hoàn Vương và Chiêm Thành..

Sau khi mở rộng biên giới ra phía nam Đèo Ngang, nhận thấy đây là địa bàn xung yếu, địa đầu phía bắc của quốc thổ, các triều đại Chiêm thành đã lo xây dựng hệ thống đồn luỹ trên phần đất Quảng Bình ngày nay khá kiên cố. Chiêm thành cho xây dựng hệ thống hào lũy dưới chân núi Đèo Ngang gọi là luỹ Hoàn Vương từ phía tây sang phía đông để án ngữ đường tiến quân của các chính quyền đô hộ phong kiến Trung quốc. Nhiều thành luỹ còn để lại di tích trên đất Quảng Bình mà điển hình là thành Khu Túc và thành Nhà Ngo.

Thành Khu Túc, theo Thuỷ kinh chú có từ thời Phạm Hồ Đạt [340-413] là cháu nội của Phạm Văn. Sách Tấn thư nói rằng đời Thái - Khang [280-290] vua Lâm Ấp là Phạm Dật sang Trung Quốc tiến cống. "Dật có người nô bộc là Văn đi theo, rồi sau qua lại buôn bán, thấy được chế độ văn minh của thượng quốc, khi trở về Lâm Ấp, Dật bèn xây cung thất thành quách và chế tạo khí giới. Dật chết, Văn cướp ngôi. Khi Văn chiếm được miền bắc Nhật Nam thì đã xây thành trì ở Khu Túc, rồi đến đời Phạm Hồ đạt thì thành Khu Túc được xây dựng theo quy mô lớn hơn" .

Thành Khu Túc "xây giữa hai con sông Lô Dung và Thọ Linh, chu vi 6 dặm 170 bộ, xây gạch cao hai trượng, trên lại có tường cao một trượng, có nhiều lỗ rỗng, trên tường gạch có lát ván, trên ván dựng năm tầng gác, trên gác có nóc, trên nóc có lầu, lầu cao 7,8 trượng, tháp cũng 5,6 trượng, thành có 13 cửa, tất cả cung điện đều hướng về phía nam. Chung quanh thành có 21.000 ngôi nhà, dân chúng ở bao vây xung quanh".

Thành Khu Túc dân gian còn gọi là thành Lồi thuộc làng Cao Lao Hạ nay là xã Hạ Trạch thuộc huyện Bố Trạch.

Thành Nhà Ngo ở xã Uẩn Áo [nay thuộc xã Liên Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ] còn gọi là Ninh Viễn thành. Theo sách Ô châu cận lục của Dương Văn An thành "có sông Bình Giang chảy qua phía trước, sông Ngô Giang ôm phía sau, hai sông ấy chảy đến phía tây bắc thì hợp làm một". Thành Nhà Ngo - Ninh Viễn thành theo tên gọi của dân gian là thành Lồi [Chiêm Thành].

Sau khi mở rộng lãnh thổ ra đến Hoành Sơn, phần đất Quảng Bình trở thành địa đầu phía bắc của nước Lâm Ấp. Các triều đại phong kiến dưới các thời Hoàn Vương và Chiêm Thành đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống lại bọn phong kiến Trung Quốc đô hộ ở phía bắc là Giao Chỉ và Cửu Chân.

Năm 380, vua Chiêm là Phạm Hồ Đạt đưa quân ra bắc đánh chiếm Cửu Đức, Cửu Chân rồi tiến thẳng vây thành Long Biên. Thái Thú Giao chỉ là Đổ Viện đã chống cự phá tan quân Chiêm rồi đánh vào Nhật Nam giết hại nhiều dân chúng ở Lâm Ấp.

Năm 399 vua Lâm Ấp lại đánh ra Giao Châu, bắt sống Thái thú nhà Tấn là Quế Nguyên, đánh Cửu Đức bắt sống Thái thú Tào Bình.

Năm 420, ở Trung Quốc nhà Tấn bị phế bỏ, nhà Tống lên thay. Năm 421 Tống Vũ đế phong Phạm Dương Mại làm Lâm Ấp vương, nhưng nhà nước Lâm Ấp không chịu sự thống trị của nhà Tống, luôn nổi lên chống lại. Năm 446 Tống Văn Đế sai tướng Đàn Hoà Chi và Thứ sử Giao Châu tiến đánh Lâm Ấp. Cuộc chiến đã xẩy ra ác liệt ở thành Khu Túc và hai bên bờ sông Gianh.

Năm 528, Phạm Phàn Chi lên làm vua Lâm Ấp đoạn tuyệt mọi quan hệ với Trung Quốc. Sau khi nhà Tuỳ ở Trung Quốc lên ngôi năm 605 lại cho quân đánh Lâm Ấp buộc vua Lâm Ấp phải triều cống.

Năm 749, vua Lân Ấp là Chư Cát Địa đổi tên nước thành Hoàn Vương, tiếp tục đánh phá Giao Châu, có lúc chiếm cứ cả miền Châu Hoan, Châu Ái.

Trong các cuộc chiến tranh giữa các triều đại phong kiến của người Chăm và các triều đại phong kiến Trung Quốc, mảnh đất Quảng Bình luôn là chiến trường đẫm máu. Đời sống nhân dân vô cùng khổ cực và phải chịu nhiều mất mát hy sinh. Đó là giai đoạn để lại dấu ấn lịch sử đầy biến động đau thương của một thời Quảng Bình thuộc Chiêm Thành.

Theo Địa chí Quảng Bình

Chiêm Thành là một đất nước của người Chăm nằm ở dải đất miền Trung Việt Nam ngày nay, từng là một nước có nền văn minh phát triển cao. Dân nước này sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp và nghề biển. Họ là những nông dân, ngư dân, thương nhân và cướp biển. Quan hệ giữa hai nước Chiêm – Việt vốn từ lâu rất phức tạp. Chiêm Thành là một nước có truyền thống đối ngoại rất hiếu chiến, đối với lãnh thổ người Việt họ vẫn luôn nhòm ngó xâm lấn để cướp bóc và bành trướng. Nhưng kể từ thời vua Lê Hoàn trở đi, thế lực người Việt đã vươn lên mạnh mẽ lấn lướt người Chăm. Chiêm Thành khi thế yếu thì chấp nhận triều cống Đại Cồ Việt hay về sau là Đại Việt, nhưng hễ mạnh lên lại thường tấn công quấy nhiễu.

Người Việt cũng tỏ ra không hề khoan nhượng. Chỉ với thời gian tái lập quốc gia không lâu, từ thế kỷ thứ 10 đến nửa cuối thế kỷ 11, người Việt đã nhiều lần đánh bại và tiến vào kinh đô của người Chăm.

Các đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông đều có chiến tranh với Chiêm Thành và thường là quân Việt giành phần thắng. Năm 1020, tướng Chiêm Thành là Bố Lệnh mang quân tấn công Đại Việt, vua Lý Thái Tổ sai thái tử Lý Phật Mã và tướng Đào Thạc Phụ đem quân chống lại. Quân Chiêm Thành bị đánh bại và chết đến quá nửa, tướng Bố Lệnh bị giết. Năm 1044, người Chăm bại trận trước cuộc tấn công của quân đội vua Lý Thái Tông. Vua Chiêm Thành là Jaya Sinhavarman II [Sạ Đẩu] tử trận cùng với 3 vạn quân, 5.000 người Chiêm Thành bị bắt, quân Việt thừa thế tiến vào Chiêm Thành.

Trước khi tiến vào Chiêm Thành, vua Lý Thái Tông hạ lệnh: "Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha". Kinh đô mới của người Chiêm là Vjiaya [Phật Thệ] cũng bị chiếm đóng một thời gian cho đến khi quân Việt chủ động rút lui. Đến năm 1069, vua Lý Thánh Tông lại đánh chiếm được kinh đô Vjiaya, bắt sống vua Rudravarman III [Chế Củ] cùng toàn bộ hoàng gia và nhiều tù binh, buộc vị vua này phải cắt đất ba châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý [thuộc Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay] để chuộc mạng. Ba châu này vốn là đất cũ của nước Văn Lang thưở xưa, đã trở thành lãnh thổ của Chiêm Thành trong thời Bắc thuộc.

Các cuộc chiến Việt – Chiêm được sử sách người Việt ghi chép đều nói nguyên nhân do phía Chiêm Thành khơi màu trước bằng những vụ cướp phá biên giới. Có thể hiểu điều này, vốn nước Chiêm Thành thường có tập quán cướp biển, bắt người để buôn bán nô lệ. Lại thêm nước Chiêm Thành đánh nhau với người Việt thường bị thua nên hễ thế nước mạnh lên là lập tức tổ chức đánh cướp người Việt hòng báo thù.

Kể từ lúc vua Rudravarman III cắt đất cho Đại Việt để chuộc thân, ông đã mất uy tín để lãnh đạo đất nước. Các sứ quân nổi lên cát cứ khắp nước Chiêm Thành. Vua Rudravarman III bị xua đuổi và phải lưu vong sang Đại Việt. Vào năm 1074, một hoàng thân xứ Panduranga nước Chiêm Thành tên là Thăn lên ngôi vua, lấy hiệu là Harivarman IV, chấm dứt thời kỳ loạn lạc. Harivarman IV là người có xuất thân đặc biệt, với cha là người của dòng tộc Cau, mẹ lại là người dòng tộc Dừa. Đây là hai dòng quý tộc lớn nhất của nước Chiêm Thành vẫn thường hay cạnh tranh với nhau.

Vì có xuất thân như vậy, cùng với tài năng của mình mà Harivarman IV đã thu phục được các quý tộc, đoàn kết dân chúng Chiêm Thành. Chỉ trong một thời gian ngắn [1074 – 1075], nước Chiêm Thành đã khôi phục lại sức mạnh của mình. Kinh đô Vjiaya và các đền đài bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh được sửa sang lại, nền kinh tế Chiêm Thành được khôi phục dưới sự cai trị của vị vua mới. Vua Harivarman IV đã chủ động kết thân với nước Tống, ông gởi cống phẩm, xin mở rộng buôn bán với Tống và được nước Tống chào đón nhiệt tình. Người Chiêm Thành nhờ đó mà có được nguồn nhập khẩu lương thực mới và nguồn ngựa chiến.

Vua Harivarman IV nuôi chí báo thù Đại Việt. Có được đồng minh và đối tác thương mại mới, trong năm 1075 Chiêm Thành lập tức cắt đứt quan hệ với Đại Việt, ngưng triều cống, tung quân đánh phá ba châu Ma Linh, Bố Chính, Địa Lý mà vua Rudravarman III đã chính thức cắt nhượng cho Đại Việt năm 1069. Trong bối cảnh nước Tống đang ráo riết chuẩn bị xâm lược từ phía bắc, thì quân Chiêm Thành lại đánh phá dữ dội phía nam. Nước Đại Việt lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch.

Dấu tích kinh đô Chiêm Thành.

Mùa thu năm 1075, Thái úy Lý Thường Kiệt đã mang đại quân vào nam để đánh Chiêm Thành. Phía Chiêm Thành biết quân Đại Việt đông, thiện chiến và trang bị tốt nên chủ động tránh những trận giao chiến lớn. Quân Đại Việt đã đẩy lui được quân Chiêm Thành ra khỏi biên giới nhưng không gây được thiệt hại đáng kể cho quân Chiêm. Lý Thường Kiệt không dám đưa quân tiến sâu và đất Chiêm Thành như những lần viễn chinh trước của người Việt, vì ông hiểu rằng có một kẻ thù nguy hiểm hơn rất nhiều đang rình rập ở phía bắc. Một bài toán khó được đặt ra với vị Thái úy nước Đại Việt.

Trước tình hình đó, Lý Thường Kiệt cho tổ chức lại bộ máy chính quyền vốn còn sơ sài ở các châu mới sáp nhập, đổi tên châu Ma Linh thành Minh Linh, châu Địa Lý đổi thành châu Lâm Bình. Ông sai người vẽ lại bản đồ chi tiết ba châu Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình. Các dân chúng dũng cảm được chiêu mộ đến để khai khẩn đất đai. Vốn ngay từ thế kỷ X, cư dân người Việt và người Chăm đã chung sống với nhau trên vùng Ma Linh, Bố Chính, Địa Lý nhưng mật độ vẫn còn thưa thớt.

Nay với việc tổ chức di dân quy mô lớn, Lý Thường Kiệt đã khiến số dân người Việt trở nên áp đảo so với người Chăm và làm cho mật độ dân cư vùng này dày hơn, tạo điều kiện cho việc cai trị và phòng thủ lâu dài của chính quyền Đại Việt. Ngoài những người dân nghèo tham gia vào cuộc khai khẩn vùng lãnh thổ mới còn có các thành phần tù tội bị lưu đày, các binh lính trá hình. Mọi việc được gấp rút sắp xếp đặt xong trong một quãng thời gian ngắn, ngay trong cuối thu năm 1075 Lý Thường Kiệt đem đại quân về bắc để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu mới, sau khi để lại một phần quân lực đồn trú ở biên thùy phía nam.

Mối nguy Chiêm Thành được giải tỏa ít nhiều đối với Đại Việt. Nhưng với binh lực vẫn còn gần như nguyên vẹn và ý chí báo thù, đội quân của vua Harivarman IV nước Chiêm Thành vẫn như mũi dao hiểm chực chờ đâm sau lưng nước Đại Việt.

Video liên quan

Chủ Đề