Chuyển đổi số quốc gia là gì

Skip to content

Thời gian gần đây khái niệm chuyển đổi số đã bắt đầu được nhắc đến ở Việt Nam, mặc dù vậy vẫn đang có những hiểu nhầm về khái niệm này hoặc chưa hình dung ra hết mức độ bao trùm của khái niệm.

Trong quá trình phát triển của kỷ nguyên số, chuyển đổi số là điều tất yếu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Ở Việt Nam, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau buổi làm việc với Bộ Thông tin & Truyền thông, trong đó có trả lời kiến nghị giao chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, với lưu ý thời điểm triển khai thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó trong buổi làm việc đầu tháng 9/2018, Bộ Thông tin & Truyền thông đã đề nghị được chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia; Bộ Thông tin & Truyền thông nhận định, quốc gia số là nền tảng quan trọng nhất của một quốc gia khởi nghiệp, sáng tạo.

Theo báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới, quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ giúp các nước đang phát triển, trong đó có  thể giúp Việt Nam tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40%, góp 20 đến 30% trong tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Trên thế giới, khái niệm chuyển đổi số đã được nhắc đến như một xu hướng tương lai không thể khác. Trong khi đó thời gian gần đây chuyển đổi số cũng đã bắt đầu được nhắc đến, mặc dù vậy vẫn đang có những hiểu nhầm về khái niệm này hoặc chưa hình dung ra hết mức độ bao trùm của khái niệm.

Vậy “Chuyển đổi số” là gì?

Theo định nghĩa trên Wikipedia, “Chuyển đổi số” không chỉ là công nghệ kỹ thuật số, mà là bước chuyển đổi mà công nghệ số giúp cho mọi người giải quyết những vấn đề truyền thống; khi đó mọi người thường ưu tiên giải pháp số thay vì giải pháp truyền thống.

Ở cấp độ chuyển đổi này thì ứng dụng số sẽ mở ra những dạng thức đổi mới và sáng tạo trong cả một lĩnh vực thay vì chỉ nâng cấp và hỗ trợ những phương pháp truyền thống. Theo nghĩa hẹp, chuyển đổi số có thể hình dung bằng khái niệm “văn phòng không giấy tờ”.

Mặt khác, “Chuyển đổi số” cũng có thể được định nghĩa là tác động xã hội toàn diện và tổng thể của quá trình số hóa. Bước chuyển công nghệ kỹ thuật số, quá trình số hóa và tác động chuyển đổi số có khả năng tăng tốc và dẫn lối cho quá trình chuyển đổi xã hội toàn cầu.

Theo định nghĩa này thì IoT, Big Data, hay khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn nằm trong cấp độ số hóa; còn chuyển đổi số là cấp độ cao hơn một bậc, giống như một pha hoàn thiện của số hóa.

Trong buổi làm việc của Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với Tập đoàn Boston Consulting [BCG], ông Vincent Chen – Giám đốc toàn cầu khối tư vấn chính sách công của BCG đã chia sẻ với phía Việt Nam nhiều thông tin quan trọng về lĩnh vực chuyển đổi số, qua đó cũng làm rõ cho khái niệm này.

Theo đó, chuyển đổi số bao gồm 3 cấp độ. Thứ nhất là những thay đổi của chính phủ khi ứng dụng CNTT vào chính phủ điện tử. Tiếp đến là việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của người dân, và của doanh nghiệp. Khái niệm chuyển đổi số sẽ bao hàm cả 3 cấp độ này.

Theo ông Vincent Chen, trong chuyển đổi số thì quan trọng nhất vẫn là việc chuyển đổi, phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận và ứng dụng thì mới có thể tận dụng được hết lợi ích của việc chuyển đổi số.

Về sự khác nhau giữa số hoá và chuyển đổi số, vị lãnh đạo BCG cho rằng, nhiều quốc gia đã số hoá nhưng chưa phát huy được tối đa các tiện ích và ứng dụng của việc số hoá này nên chưa thể gọi là chuyển đổi số. Điều này cũng giống như việc chúng ta sở hữu một chiếc điện thoại di động đắt tiền nhưng lại không dùng hết được chức năng của nó.

Lấy một ví dụ cụ thể hơn, ông Vincent Chen cho biết một đứa trẻ sinh ở Estonia trước đây sẽ phải đăng ký thông tin với 5 cơ quan khác nhau. Các cơ quan này gồm bệnh viện, bảo hiểm xã hội, số đăng ký công dân, trường học và cập nhật thông tin bố mẹ.

“Sau khi chuyển đổi số, bố mẹ của đứa bé chỉ cần cung cấp thông tin một lần, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là phải chia sẻ thông tin đó cho nhau để phục vụ người dân được toàn diện nhất”, vị lãnh đạo BCG này khẳng định.

Trong khi đó ở hội thảo Vietnam Finance 2018 “Chuyển đổi số trong ngành Tài chính” ngày 26/9/2018, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng làm rõ hơn khái niệm chuyển đổi số. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay, hiện nay khái niệm chuyển đổi số mới được đề cập trong phạm vi hẹp, được hiểu là số hóa, ứng dụng CNTT để thúc đẩy phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ.

“Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số. Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó, việc tiến hành tốt chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới quốc gia thông minh”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định.

Về cơ bản, chuyển đổi số sẽ dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh. “Dù Việt Nam có tiến hành chuyển đổi số hay không thì khi đoàn tàu cách mạng 4.0 đến, chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng, như câu chuyện Uber hay Crypto Currency vào Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khuyến cáo.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nhận định, thách thức đối với chuyển đổi số ở Việt Nam là không ít, bao gồm nguồn lực và kỹ năng, văn hóa và nhận thức, và an toàn an ninh mạng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ICT của Việt Nam đã ra tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập FPT và Techday mới đây, Chủ tịch FPT khẳng định, sứ mệnh của FPT là tiên phong chuyển đổi số; cơ hội này trước hết mở ra một hướng mũi nhọn có giá trị hàng chục tỷ USD cho Việt Nam.

Đối với FPT đây là thời đại Internet của các công ty, tổ chức; xét cho cùng, thế giới này là thế giới của sản xuất, dịch vụ, của ngân hàng, của hàng không… Đây sẽ là thị trường lớn nhất của chuyển đổi số.

FPT đã và đang tiên phong khai phá những thị trường chuyển đổi số này, đứng cùng sân với những công ty lẫy lừng thế giới và hợp tác cùng họ. Với chiến lược đó, FPT có thể một lần nữa mở rộng thị trường công nghiệp phần mềm và đóng góp tỷ đô cho nền công nghiệp mũi nhọn này.

FPT sẽ cung cấp giải pháp cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, tham gia xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh để thêm nhiều triệu người được hưởng lợi, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của đất nước.

“Ước mơ của những ngày đầu là mở mang bờ cõi, thì ước mơ của thời đại mới sẽ là trở thành công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới với hầu hết doanh thu đến từ dịch vụ chuyển đổi số”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh.

Trước đó, khi Tập đoàn Công nghệ CMC tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập ngày 6/5/2018, Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: “Thế giới đang mở ra một thời kỳ mới, kỷ nguyên Internet, kỷ nguyên số, kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức; cơ hội rất lớn nhưng thách thức không hề nhỏ”.

Ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ: “Mục tiêu 3 năm tới của CMC là xây dựng thành công doanh nghiệp sáng tạo, theo chuẩn quốc tế World Class, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, tăng gấp đôi doanh số lên 10 ngàn tỷ đồng… CMC quyết tâm đi đầu trong chặng đường chuyển đổi số để chinh phục thế giới số”.

Nguồn: //seibu.com.vn/tin-tuc/khai-niem-chuyen-doi-so-185.html

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27-9-2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Năm 2020 là năm bản lề quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đây là năm dấu mốc của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, là năm định hình tầm nhìn cho sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông trong 10 năm tới. Trong đó,ngành Thông tin và Truyền thông xác định chuyển đổi số sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Trọng Hải.

Nhận thức về chuyển đổi số và cơ hội của đất nước trong thời kỳ mới

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia cónhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ độngkhai thác triệt để cáccơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng...

Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùmlên tất cả các ngành, các lĩnh vựckinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng caonăng lực cạnh tranh của quốc gia.Chuyển đổi số giáo dục sẽ đổi mới cách thức giảng – dạy truyền thống hướng tới phổ cập hoá và cá nhân hoá dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học. Chuyển đổi số y tế sẽ cho phép người dân, thông qua các nền tảng số tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất 24/7 từ những bác sĩ giỏi nhất, giải quyết vấn đề giảm tải cho các cơ sở y tế. Còn có rất nhiều ví dụ khác về các ngành, lĩnh vực có tiềm năng chuyển đổi số.Chuyển đổi số không phảilà cuộc cách mạng của công nghệ mà làcuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt đểchấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độđịa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sangchính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàncủa địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ [như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, …] tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn.Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân vănrộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số được thay đổi đột biến. Năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025 sẽ là giai đoạn tăng tốcvới những hành động triển khaicụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Các giải pháp đột pháđể tăng tốc chuyển đổi số quốc gia

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng độc lập”. Trong thời đại số, khi không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng, di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam: làm chủ hạ tầng số, làm chủcác nền tảng số từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm “Make in Viet Nam”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra bốn vấn đề chính: Thứ nhất, vấn đề làm chủ hạ tầng số; thứ hai, vấn đề làm chủ các nền tảng số; thứ ba, vấn đề làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp; thứ tư, vấn đề làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh tháisản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nền một ngành công nghiệp không khói, hàm lượng chất xám cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Định hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn tới là chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình Make in Viet Nam, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, điện thoại thông minh, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công, lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm.

Hiện nay, Việt Nam là một thị trường của gần 100 triệu dân, có khả năng tiếp cận với thị trường ASEAN gần 600 triệu dân, thị trường RCEP hơn 2 tỉ dân và nhiều thị trường quan trọng khác. Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Viet Nam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Chuyển đổi số và “Make in Viet Nam” sẽ là con đường đúng đắn và bền vững nhất để nâng tầm và đưa sản phẩm Make in Viet Nam tiếp cận với các thị trường ngoài nước. Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, dựa trên công nghệ mở, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới.

Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh của báo chí, truyền thông là tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng;phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Mỗi quốc gia muốn phát triển bứt phá vươn lên đều phải khơi dậy được sức mạnh tinh thần dân tộc đó.

Ngành Thông tin và Truyền thông tạo thành một đôi cánh: Một cánh là công nghệ số, một cánh là báo chí và truyền thông. Đôi cánh này sẽgóp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa dựa trên sức mạnh nội lực về vật chất và tinh thần.

Trong thời gian tới, ngànhThông tin và Truyền thông sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắtquá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số mọi mặt kinh tế - xã hội trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tạo nền móng cho chuyển đổi số, phát triển đồng bộ cả ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030.

Với sự quyết tâm, đồng lòng, với sức mạnh truyền thống, văn hoá và trí tuệ Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng công cuộc chuyển đổi số sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra, góp phần đưa đất nước tiến lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển một Việt Nam hùng cường, vững mạnh.

VĂN PHONG

Video liên quan

Chủ Đề