Đánh giá đại học văn hiến công hay tư

Tư vấn một đằng “xằng” một nẻo, cho thí sinh đóng tiền học phí sớm hay yêu cầu thí sinh nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời đang là những bất cập tiếp theo được Báo Lao Động đề cập trong công tác tuyển sinh của Trường Đại học Văn Hiến.

May rủi chuyện học phí

Tiếp tục loạt bài phản ánh bất cập trong tuyển sinh, đào tạo tại Trường Đại học Văn Hiến [VHU] Báo Lao Động nhận được ý kiến phản ánh của nhiều phụ huynh, học sinh.

Bạn đọc M.T [Bình Định] phản ánh tới báo Lao Động về công tác tuyển sinh năm 2022 của VHU. Theo phản ánh, VHU đang thực hiện chương trình myU [theo thông báo ngày 20.7 và 26.7] và hỗ trợ giảm học phí [theo thông báo ngày 19.7] nhưng thực chất là một cách “lách” cho nộp phí sớm để nhận ưu đãi. Nếu sau đó thí sinh không theo học tại trường sẽ mất một khoản phí nhất định.

Từ phản ánh của bạn đọc, ghi nhận của PV báo Lao Động thấy rằng: Ngày 20.7, VHU ra thông báo “Những lưu ý dành cho thí sinh sau khi nhận thông báo trúng tuyển có điều kiện”. Trong đó, nhà trường đưa ra chính sách từ ngày 22.7 đến 31.7, nếu thí sinh đến trường làm thủ tục xác nhận nguyện vọng [NV1] có cơ hội tham gia chương trình đăng ký thẻ thành viên myU để được nhận hỗ trợ. Muốn trở thành thành viên phải đóng tiền từ 3 đến 6 triệu đồng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi khác nhau. Số tiền trong thẻ được sử dụng để đóng học phí, học kỹ năng mềm, học các lớp ngoại ngữ hoặc sử dụng các dịch vụ khác khi chính thức trở thành sinh viên VHU.

Ngoài ra, với chương trình myU linh hoạt cùng đồng hành, thành viên của myU sẽ được các chính sách hỗ trợ 50% học phí học kỳ I, học phí học kỳ II lên đến 15 triệu đồng, cùng một số chế độ khác.

Thông báo trúng tuyển có điều kiện của trường cũng nêu ưu đãi này dành cho 1.000 tân sinh viên nhập học sớm nhất.

Trong vai một phụ huynh đến hỏi về chính sách myU, nhân viên tư vấn nhiệt tình cho hay: “Bên trường đang có chính sách ưu đãi giảm 50% học phí học kỳ I và 30% học phí học kỳ II [tối đa 15 tín chỉ] cho các thí sinh xét tuyển vào trường. Chương trình này kéo dài tới ngày 9.8, nếu quyết định vào trường thì em sẽ hướng dẫn đăng ký tham gia”.

Trước câu hỏi đóng tiền học phí rồi thì có rút được không, nhân viên tư vấn cho rằng: “Nếu không đậu thì trả lại học phí 100%. Còn nếu đã đậu mà rút thì trước 7 ngày sẽ được trả lại 50% trong khoản phí đã đóng, do mình đậu nhưng không học muốn chuyển trường thì nhà trường chỉ trả lại 50% thôi”, nhân viên này tư vấn.

Thực tế, quy định này đang làm khó thí sinh bởi trong thời gian 7 ngày thì thí sinh chưa thể biết kết quả trúng tuyển đại học theo quy định của Bộ GDĐT [lịch công bố trúng tuyển của Bộ GDĐT vào giữa tháng 9.2022].

“Tôi không thể tưởng tượng môi trường giáo dục đại học lại có thể kinh doanh như vậy. Giống như một “canh bạc” may rủi. Nếu đặt cược thắng thì sẽ có phần ưu đãi học phí còn nếu thua thì mất số tiền hơn 6 triệu đồng đã đóng”, bạn đọc M.T chia sẻ với báo Lao Động.

Đáng nói, thực tế tư vấn như vậy nhưng khi đã nộp tiền vào thì không dễ dàng để rút số tiền đó ra. Cụ thể, PV báo Lao Động đã thực hiện nhiều cuộc gọi để liên hệ hỏi rút số tiền đã đóng thì nhân viên tư vấn tuyển sinh lại khẳng định chắc nịch không thể rút được vì đã nhận chính sách ưu đãi giảm 50% học phí thì phải chấp nhận sẽ mất hết số tiền đã đóng nếu không theo học [trừ trường hợp trượt tốt nghiệp THPT].

PV tiếp tục hỏi rằng tại sao khi tư vấn lại nói cho rút lại 50% thì người này yêu cầu phải đưa ra bằng chứng đã có người tư vấn như vậy hoặc “tìm ai tư vấn mà đòi”.

Tư vấn viên của Trường Đại học Văn Hiến khẳng định chắc nịch thí sinh không thể rút lại tiền học phí đã nộp. Nếu không theo học tại trường chấp nhận mất số tiền đã nộp. Ảnh: VHU

Yêu cầu thí sinh nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời

Ngoài ra, trong thông báo “Những lưu ý dành cho thí sinh sau khi nhận thông báo trúng tuyển có điều kiện” đã yêu cầu: “Từ ngày 26.7: Nộp bổ sung giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời về Đại học Văn Hiến. Sau khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bạn hãy nhanh chóng gửi về trường bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện để hoàn thành hồ sơ xét tuyển học bạ”.

Trong đăng ký xét tuyển theo mẫu trường, nhà trường cũng có quy định thí sinh cam kết: “Tôi sẽ nộp bổ sung giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời trước khi nhà trường tiến hành xét tuyển”.

Theo Công văn số 2598 ngày 20.6 của Bộ GDĐT hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non nêu rõ các cơ sở đào tạo không được yêu cầu, hay là thỏa thuận với thí sinh để bắt buộc các em phải cam kết, hay xác nhận nhập học sớm dù dưới bất kỳ hình thức nào, cho dù là nộp kinh phí giữ chỗ, hay thu giữ những hồ sơ gốc của các em đều là không đúng so với quy định.

Những vấn đề báo Lao Động nêu trong 3 bài viết đã cho thấy nhiều bất cập trong công tác tuyển sinh, đào tạo tại Trường Đại học Văn Hiến. Để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh cũng như công bằng, minh bạch, khách quan, đảm bảo nghiêm túc các quy định của pháp luật rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý.

Chủ Đề