Đánh giá trong giáo dục đại học là gì


Vấn đề đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo nói chung, trong đó có xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục - đào tạo và vấn đề thi, kiểm tra đánh giá chất lượng của một khóa học, môn học là hai vấn đề mặc dù có liên quan nhau, nhưng có cách tiếp cận hết sức khác nhau, với mục tiêu đánh giá, quy trình đánh giá, bộ công cụ đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá hoàn toàn khác nhau.

Ðánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo thông qua bộ công cụ là các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số đánh giá; có đối tượng đánh giá là các điều kiện bảo đảm chất lượng của một cơ sở giáo dục và mục tiêu của hoạt động này là xem xét cơ sở giáo dục có đạt chuẩn về các lĩnh vực của quá trình đào tạo hay không. Quy trình đánh giá loại này lấy cơ sở là các tiêu chuẩn đã quy định trước về các điều kiện bảo đảm chất lượng [như tổ chức và quản lý, đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên, chương trình giáo trình, cơ sở vật chất kỹ thuật...].

Căn cứ vào các tiêu chuẩn đó, các trường xây dựng báo cáo tự đánh giá, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của trường và nộp đơn xin được kiểm định. Cơ quan chức năng cấp trên tổ chức đội đánh giá ngoài đến thăm trường với mục đích thẩm định báo cáo tự đánh giá và có kết luận về giá trị, tính xác thực của báo cáo này. Các cơ quan hữu trách có thể sử dụng kết luận này để ra các quy định quản lý phù hợp [như tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực còn yếu kém, khen thưởng vì đã đạt chuẩn hay công bố cho toàn xã hội biết là trường đó đã đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng quá trình đào tạo...]

Ngoài ra, chất lượng giáo dục đào tạo nói chung còn được đánh giá thông qua hiệu quả ngoài của nó, tức đánh giá xem sản phẩm giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HÐH đất nước hay không. Nói cách khác, nguồn nhân lực được đào tạo [của GD-ÐT] có đáp ứng yêu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động hay không [trong và ngoài nước].

Còn việc thi - kiểm tra là hoạt động đánh giá bản thân chất lượng [chứ không phải là các điều kiện bảo đảm chất lượng] của một môn học hay khóa học. Mục đích của các kỳ thi nhằm đánh giá kết quả của một quá trình đào tạo, đối chiếu kết quả đó với mục tiêu đào tạo và rút ra những kết luận phù hợp về chất lượng của một khóa học [như thi tốt nghiệp các loại]. Mục đích của cuộc thi cũng có thể nhằm kiểm tra năng lực của học sinh, sinh viên để tìm ra những người có khả năng tương ứng đủ để học cao hơn, hay vào làm việc tại những vị trí khác nhau [thi tuyển]. Bộ công cụ để đo lường đánh giá trong cả hai trường hợp này là các đề thi. Tuy nhiên, do mục tiêu khác nhau nên cấu trúc đề thi, độ khó của đề, quy trình tổ chức thi, việc sử dụng kết quả thi cũng rất khác nhau.

Ðánh giá chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay đang ở tình trạng như vậy. Nguyên nhân của hiện tượng này là những người ở các vị trí khác nhau, đánh giá chất lượng giáo dục nhằm các mục tiêu khác nhau với bộ thước đo khác nhau và hệ quả là các kết luận cũng khác nhau. Vậy chúng ta nên xác định chất lượng là gì? Một định nghĩa về chất lượng giáo dục được phần lớn các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, quản lý giáo dục trên thế giới chấp thuận là "sự tuân thủ tiêu chuẩn" hay "sự trùng khớp với mục tiêu". Theo định nghĩa này, một nền giáo dục [phổ thông, đại học...] có chất lượng nếu nó tuân thủ các tiêu chuẩn xác định hoặc đạt được các mục tiêu của nó.

Nếu chúng ta xác định mục tiêu của giáo dục phổ thông là cung cấp nguồn tuyển sinh cho các trường đại học và cao đẳng, trong khi chỉ có khoảng 20% số học sinh có cơ hội tìm được chỗ trong giáo dục đại học thì chất lượng giáo dục phổ thông của chúng ta là quá kém.

Còn nếu xác định mục tiêu của giáo dục phổ thông chủ yếu là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ kiến thức phổ thông toàn diện để có thể tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời vẫn có khả năng học tập suốt đời để nâng cao chất lượng công việc cũng như chất lượng cuộc sống. Một bộ phận của học sinh phổ thông có đủ năng lực có thể học tiếp ở các bậc cao hơn. Nếu xác định mục tiêu của giáo dục phổ thông như vậy chúng ta sẽ có cách đánh giá khác về chất lượng và có nhận định khác về chất lượng giáo dục. Nếu 80% số học sinh phổ thông không có cơ hội học cao hơn, nhưng lại thành đạt trong cuộc sống, trở thành các chủ trang trại, doanh nghiệp tư nhân, những người lao động sản xuất giỏi... thì chất lượng giáo dục phổ thông sẽ được đánh giá cao.

Bước tiếp theo của hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục là xác định hệ thống tiêu chuẩn hay hệ mục tiêu của giáo dục. Nói cách khác, xây dựng bộ công cụ đo lường - đánh giá chất lượng giáo dục. Phần lớn các nước phát triển ở Bắc Mỹ, Cộng đồng châu Âu hay các nước đang phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ngay cả các nước Ðông - Nam Á đều có hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông cũng như đại học.

Căn cứ vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tùy theo truyền thống văn hóa - giáo dục và các điều kiện khác, các nước có hệ thống tổ chức đánh giá, kiểm định và bộ công cụ đo lường chất lượng giáo dục khác nhau.

Tuy nhiên, điểm chung của tất cả các hệ thống đánh giá đó đều nhằm xác định các lĩnh vực liên quan quy trình đào tạo có đạt tiêu chuẩn hay không. Và nếu các lĩnh vực này đạt chuẩn, nó sẽ tác động chất lượng của quy trình đào tạo. Như đã nói ở trên, chất lượng giáo dục là một khái niệm động, nhiều chiều, khó định nghĩa một cách xác định. Do vậy, chỉ có thể tác động vào các yếu tố có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp nó để các yếu tố này đến lượt mình tác động tới chất lượng.

Vậy những yếu tố nào có thể tác động chất lượng giáo dục. Thông thường những lĩnh vực [yếu tố] sau đây được xem là có vai trò nâng cao chất lượng của một cơ sở giáo dục: Tổ chức và quản lý; Ðội ngũ cán bộ [giảng viên và phục vụ]; Sinh viên, học sinh; Quá trình giảng dạy - học tập; Nghiên cứu khoa học [nếu là trường đại học, cao đẳng]; Cơ sở vật chất; Tài chính; Các lĩnh vực khác [Hợp tác quốc tế, dịch vụ sinh viên]. Ðây được xem là tám lĩnh vực [tiêu chuẩn] quan trọng nhất, tác động trực tiếp chất lượng giáo dục. Những lĩnh vực này có thể tác động với mức độ khác nhau.

Và nếu có những biện pháp tác động tới tám lĩnh vực này, hoàn thiện nó theo những chuẩn mực phù hợp thực tiễn chắc chắn sẽ có một nền giáo dục có chất lượng cao. Các lĩnh vực này được cụ thể hóa bằng các tiêu chí, và các tiêu chí lại được cụ thể hóa hơn nữa bằng các chỉ số [định tính hoặc định lượng]. Một bộ công cụ bao gồm các lĩnh vực [tiêu chuẩn] - tiêu chí - chỉ số đồng thời vừa là tiêu chuẩn để các cơ sở giáo dục có kế hoạch phấn đấu vươn tới, vừa là thước đo để các trường tự đánh giá, và để các cơ quan hữu trách kiểm định công nhận và ra các quyết định phù hợp với mục tiêu của đợt đánh giá.

Các cơ sở giáo dục có thể sử dụng bộ tiêu chí này đánh giá các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường, khoa hoặc trong từng lĩnh vực [từng tiêu chuẩn] để có kế hoạch từng bước phấn đấu đạt tiêu chuẩn. Trong trường hợp cần đánh giá toàn diện một cơ sở giáo dục [một trường], trường đó cần xây dựng một báo cáo tự đánh giá phân tích toàn diện hoạt động của nhà trường. Trong báo cáo tự đánh giá cần đánh giá từng chỉ số, sau đó tổng hợp đánh giá các chỉ số trong từng tiêu chí, rồi tổng hợp đánh giá từng tiêu chí để đánh giá từng lĩnh vực.

Cuối cùng tổng hợp đánh giá các lĩnh vực để có thể kết luận tổng thể về các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường đó. Báo cáo tự đánh giá được nộp lên cơ quan hữu trách với đơn xin được kiểm định. Một đoàn đánh giá ngoài bao gồm các chuyên gia phù hợp được cử xem xét báo cáo tự đánh giá, thực hiện khảo sát tại cơ sở đăng ký kiểm định và có báo cáo thẩm định giá trị, độ xác thực của báo cáo tự đánh giá.

Ðể nâng cao độ giá trị, tính khách quan của báo cáo thẩm định, có thể mời các chuyên gia đánh giá nước ngoài cùng tham gia. Bằng cách này giáo dục Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận chuẩn của giáo dục thế giới và nhanh chóng hơn trong quá trình hội nhập.

Chủ Đề