Đền mẫu cửa ông thờ ai

Đền Cửa Ông là một trong những di tích Lịch sử nổi tiếng nhất trong cả nước. Đền Cửa Ông tọa lạc trên một ngọn núi thấp, mặt hướng ra vịnh Bái Tử Long xinh đẹp, trực thuộc khu 9A phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền Cửa Ông nổi tiếng linh thiêng không chỉ với người dân ở Quảng Ninh mà còn được người dân trên cả nước biết tới. 

Đầu thế kỷ XIX về trước, Cẩm Phả là một xã thuộc tổng Hà Môn, châu Tiên Yên. Từ năm 1884, Cẩm Phả nằm trong vùng đất chiếm đoạt của Công ty than Bắc Kỳ thuộc Pháp. Đến đầu thế kỷ XX, Cẩm Phả là một tổng thuộc huyện Hoành Bồ gồm 8 xã và phố. Năm 1936, Pháp lập châu Hà Tu (trong đó có tổng Cẩm Phả). Châu Hà Tu tách khỏi huyện Hoành Bồ trực thuộc tỉnh Quảng Yên. Năm 1940, bỏ châu Hà Tu lập châu Cẩm Phả. Châu Cẩm Phả gồm phần phía đông huyện Hoành Bồ, phần lớn huyện Ba Chẽ ngày nay và vẫn gồm cả đảo Cái Bầu (nay thuộc huyện Vân Đồn). Sau Cách mạng Tháng Tám, Cẩm Phả, Cửa Ông là hai thị xã trực thuộc khu đặc biệt Hòn Gai. Trong thời kháng chiến chống Pháp, hai thị xã Cẩm Phả, Cửa Ông hợp thành liên thị xã. Ngày 12/11/1956, thị xã Cẩm Phả chính thức được thành lập, trực thuộc khu Hồng Quảng, phường Cửa Ông thuộc thị xã Cẩm Phả. Năm 2012 thị xã Cẩm Phả được đổi thành thành phố Cẩm Phả.

Trong lịch sử, Cẩm Phả là vùng cửa ngõ hiểm yếu ghi dấu nhiều chiến công giữ nước. Các đoàn thuyền binh xâm lược từ phương bắc vào sông Bạch Đằng đều phải qua vùng biển Bái Tử Long – Hạ Long. Do đó nơi này gọi là Cửa Suất sau gọi là Cửa Suốt, sách Đồng Khánh dư địa chí chép: Biển Cửa Suất thuộc xã Cẩm Phả hai bờ là cát, núi rừng rậm rạp, phía trong có đảo Cập Tiên đứng sừng sững trong nước. Phía tây là biển Cửa Suất, phía đông là Biển Đông, gọi chung là Suất Hải. Thuỷ triều lên sâu 2 trượng 5 thước, thuỷ triều xuống sâu 2 trượng rộng 25 trượng.Qua thời gian, để cho dễ gọi nhân dân gọi thành Cửa Suốt.

Theo cuốn Trần triều hiển thánh chính kinh tập biên biên soạn năm Thành Thái (1900), vị trí cửa bể Suất Ti tuần (tức Cửa Suốt) được xác định như sau: ”Cửa Suốt cách châu Tiên Yên 48 dặm về phía tây – nam, phía nam là núi đá, phía bắc kề bãi cát, từ đây đi ngược lên là châu Khe Lâm và bãi cát Cẩm Phả, trên bãi cát có đồn, phía Bắc đồn gọi là Vườn Nhãn”.

Cửa Suất án ngữ trên con đường giao thương thuỷ bộ rất quan trọng, cũng sách Đồng Khánh dư địa chí chép: Một đường thuỷ từ phủ lỵ ( Hải Ninh) ra cửa sông Hà Trương qua sông Tiên Yên đến Cửa Suất, đến núi Truyền Đăng, đi đến Cửa Lục. Một đường bộ từ phủ lỵ (Hải Ninh) đến Tiên Yên, Sơn Lập, Hà Gián, Cảm Phả, Dương Huy, Vũ Uy, Xích Thổ, Yên Thổ thông đến huyện lỵ Hoành Bồ đi chừng 5 ngày.

Cửa Suốt dưới thời Trần bao gồm toàn bộ phần đất liền thuộc châu Cẩm Phả thời đầu thực dân Pháp thống trị mà Cửa Ông, núi Cặp Tiên (nay thuộc xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) là một địa điểm nằm trong Cửa Suốt. Từ xưa con đường bộ đi qua Cửa Suốt là con đường độc đạo ra biên giới phía đông bắc và ngược lại. Cửa Suốt như cái yết hầu nối miền đông với miền Tây của tỉnh. Các cuộc chinh phạt, các cuộc điều binh của các triều đại phong kiến ra miền biên giới đông bắc đều đi qua Cửa Suốt. Dưới triều Lê và triều Nguyễn, Nhà nước phong kiến đã lập một đồn canh phòng ở Cửa Suốt gồm 30 lính và một suất đội. (Theo Đại Nam nhất thống chí, quyển XVIII). Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba, vùng duyên hải đông bắc từ Móng Cái đến Hải Phòng đã có thuỷ quân Trần, do Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư cầm đầu, phòng thủ, thì trên bộ, một vùng chiến lược, từ Cửa Suốt ra miền biên giới đông bắc, không thể để trống trận địa. Thuỷ quân của Trần Khánh Dư không thể cùng đồng thời vừa phòng thủ trên biển vừa phòng thủ trên bộ. Nhiệm vụ quan yếu đó Trần Hưng Đạo và vua Trần đã giao cho võ tướng tài danh Trần Quốc Tảng.

Các đoàn thuyền binh xâm lược từ phương Bắc vào sông Bạch Đằng đều phải qua vùng biển Bái Tử Long – hạ Long. Nhiều lần, các toán giặc cướp tràn qua từ biên giới hoặc từ biển đổ bộ lên đã bị chặn đánh ở nơi này. Chiến công đánh đuổi giặc của Hoàng Cần và sứ mệnh trấn ải của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng vẫn được tuyền tụng như những huyền thoại. Cửa Suốt trở thành cửa Đức Ông và về sau thành tên Cửa Ông là như vậy.

I.Sự kiện nhân vật lịch sử điểm di tích đền Cửa Ông

* Về lịch sử, nhân vật thờ tại điểm di tích đền Cửa Ông như sau: Đền Cửa Ông lúc đầu khởi dựng chỉ thờ Trần Quốc Tảng, sau khi xây thêm các khu đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, chùa Cẩm Sơn thì đền phối thờ thêm gia thất và các tướng lĩnh nhà Trần ngoài ra còn thờ thêm Thiên Trung Long Mẫu, Tam tòa thánh Mẫu, Phật… cụ thể được chia ra các khu vực thờ:

  1. Khu vực đền Hạ gồm:

1.1. Đền Mẫu: Thờ tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải phủ), Ngọc hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tứ vị chầu bà, Ngũ vị tôn ông, Ông Hoàng Mười, Ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Bẩy.

1.2. Đền Trung Thiên Long Mẫu: Đền thờ Trung Thiên Long Mẫu, ba cô, Cậu bé Cửa Suốt, cô bé Cửa Suốt.

Cũng xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam, ngoài thờ Tam tòa Thánh Mẫu thì người Việt còn thờ thêm mẹ của Lạc Long Quân (con rồng). Hiện ở đền Cửa Ông còn giữ được đạo sắc phong cho xã Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ tỉnh Quảng Yên phụng thờ Trung Thiên Long Mẫu tôn thần, sắc phong. ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917).

Ngoài thờ Trung Thiên Long Mẫu đền còn phối thờ tượng ba cô. Ba cô là ba vị sứ giả chịu sự sai khiến của Mẫu đi cứu độ chúng sinh ở cõi trời, cõi đất và cõi nước. Đặc biệt các vị sứ giả này theo lệnh củaMẫu đi trừ tai giải hạn làm cho mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt, sóng yên biển lặng, hàng hải an toàn.  Cậu bé Cửa Suốt, cô bé Cửa Suốt, hai vị giống như Kim đồng, Ngọc Nữ, tượng trưng cho âm và dương luôn theo hầu bảo hộ mẫu, bảo vệ vùng đất, vùng biển Cửa Suốt, bảo vệ ngôi đền mà Trung Thiên Long Mẫu tọa lạc.

2. Khu vực đền Trung: Thờ các vị: Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế Hoàng Cần có công giúp dân dẹp giặc răng trắng, miệng vàng từ phương Bắc kéo đến xâm lược. Ngoài ra Đền còn thờ và Sơn thần, Thủy thần.

3. Khu vực đền Thượng: Gồm đền Thượng, đền quan Châu, đền quan Chánh, chùa và lăng mộ Trần Quốc Tảng.

3.1. Đền Thượng: Thờ thần chủ là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, ngoài ra còn phối thờ Cửu Thiên Vũ Đế Quốc Phụ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương và gia thất cùng các tướng lĩnh của Ngài.

Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (1252-1313). Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là con thứ 3 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là vị anh hùng dân tộc.

Trong lịch sử nghìn năm dựng nước, tại những vùng biên cương của Tổ quốc, các vương triều nước ta, luôn cắt cử những vị tướng tài ra trấn giữ. Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông thắng lợi rực rỡ lần thứ hai (1285), vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn càng nhận rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng biển đảo Đông Bắc. Đó cũng là lý do Trần Quốc Tảng, một vị tướng tài được cử ra trấn giữ vùng biên cương này.

Sinh thời, khi định công dẹp giặc Nguyên, Trần Quốc Tảng được tiến phong làm Tiết độ sứ, chức quan võ rất to; con gái trưởng của ông được lập làm phi cho thái tử, sau trở thành hoàng hậu của vua Trần Anh Tông; sau khi mất, ông được truy tặng làm Thái uý (vương triều Trần chỉ có 5 người được phong chức này). Rồi việc ông được phong Đại vương – tước vị cao nhất dành cho tôn thất nhà Trần, sau khi ông không quản “tuổi cao, sức yếu” cầm quân dẹp cuộc phản loạn ở sách Sầm Tử cho thấy ông có một vị trí đặc biệt trong triều đình nhà Trần, từ đời vua Trần Anh Tông trở về sau…

Sử sách có ghi Trần Quốc Tảng bị đày ra Tĩnh Bang vì tội bất trung, bất hiếu. Nguyên chỉ vì câu nói buột mồm khi đang họp, muốn nói sự mất đoàn kết trong nội tộc họ Trần – “Thù nhà chưa xong nói chi nợ nước”.  Trong cuốn “Trần Triều Hiển thánh chính kinh tập biên”, in năm Thành Thái (1900) có chép như sau: “… Quốc Tuấn Công cho rằng con trai tính ưa cương dũng ấy không tuân theo đúng đạo làm con, bèn nổi giận lôi đình, đày ra Cửa Suất làm tuần ti xứ Tân Lương, huyện Yên Hưng, phủ Hải Ninh, lộ An Bang”.

Thực ra, hành động của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đối với Trần Quốc Tảng, bắt đầu từ nguyên do sâu xa là nội bộ Hoàng tộc lục đục, bất hòa. Điển hình là Trần Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn, ông nội Trần Quốc Tảng) mâu thuẫn với Thái sư Trần Thủ Độ và vua Trần Thái Tông. Trong cuốn “Trần Triều thế phả hành trạng” đã chép việc đó, mà người phải hứng chịu chính là Trần Quốc Tảng như sau:”Khi An Sinh Vương (Trần Liễu), sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn và trăn trối rằng: Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt – Ý nói Quốc Tuấn phải cướp được ngôi của nhà Trần để trả thù Trần Liễu bị Trần Thủ Độ ép buộc người vợ kế của mình đang có mang lấy Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông, em ruột của Trần Liễu. Trần Liễu phẫn uất, chiêu tập binh mã nổi dậy bên bờ sông Cái, chống lại Trần Thủ độ, nhưng thất bại bị lột hết áo mũ. Quốc Tuấn để bụng, nhưng không bao giờ cho thế là phải”.

Đến khi trở thành Quốc Công Tiết Chế, Tổng chỉ huy quân đội, nắm quyền tối cao, Quốc Tuấn đem lời cha dặn khi trước, hỏi ý kiến các tướng tâm phúc như: Yết Kiêu, Dã Tượng và con trai là Hưng Vũ Vương. Cả ba người đều ngăn cản, khiến Quốc Tuấn rất mát lòng. Một hôm, Quốc Tuấn đem câu trăng trối của cha hỏi Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, ông bèn nói: Thái tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận cũng được thiên hạ. Quốc Tuấn nghe vậy bèn rút gương kể tội Trần Quốc Tảng: Kẻ làm phản loạn là do ở đứa con bất hiếu, ý muốn giết Quốc Tảng. Hưng Vũ Vương nghe tin vội chạy đến kêu khóc xin cho Quốc Tảng, lúc đó Quốc Tuấn mới tha cho và bảo rằng: Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào.

Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), quân Nguyên Mông xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Được tin đại quân do Trần Hưng Đạo phải đối phó với thế mạnh như chẻ tre của giặc,  rút về Vạn Kiếp, Trần Quốc Tảng liền mang quân của mình từ trang ấp riêng tại An Sinh (Đông triều), cùng các cánh quân Hải Đông, Vân Trà, Bà Điểm hội binh, xin làm tiên phong đánh giặc. Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, Trần Quốc Tảng, là dũng tướng có công nên được nhà vua khen tặng cấp cho đất lập trang ấp tại Tĩnh Bang (Quảng Ninh). Sau này, ông hai lần được vua cắt cử ra Cửa Suốt trấn ải.

Sau khi Hưng Nhượng Vương ra trấn giữ cửa Suốt, năm Trùng Hưng thứ tư (1288) quân Nguyên lại kéo quân sang xâm lược. Hưng Nhượng Vương xin triều đình lập công chuộc tội. Được chuẩn tấu, Hưng Nhượng Vương tiến quân, lập đồn ở Trắc Châu, huyện Thanh Lâm. Trải qua ba ngày đêm, ông đem quân đánh thẳng vào trại của quân Nguyên đóng ở sông Bạch Đằng và chiến thắng oanh liệt. Hưng Nhượng Vương về triều báo công, được vua Trần khen thưởng và phong làm Suất Ti-tuần Đại An, được cử ra Cửa Suốt tiếp tục trấn giữ.

Như vậy, lần đầu bị tội mà Trần Quốc Tảng bị cha đày ra Cửa Suốt. Lần thứ 2, nhờ lập được công lớn, Trần Quốc Tảng lại được vua Trần cử ra Cửa Suốt trấn giữ. Hai lần trấn nhậm Cửa Suốt với hai tư thế, hai thể thức khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một trọng trách giữ gìn một nơi quan ải Đông Bắc. Từ những sự kiện trên một số nhà nghiên cứu nhận định “Cửa Suốt là khu vực trọng yếu mà lại rất xa, nếu Trần Quốc Tảng bất trung mà đuổi ra đây thì không xác tín, mà phải là rất tin tưởng mới cử ra, lại phải tài, đại tài nữa…”.

Trong thời kỳ bình công, khen thưởng cuối năm 1288, Trần Quốc Tảng được sắc phong là Tiết độ Sứ. Từ năm 1288 đến khi qua đời, phần lớn thời gian Trần Quốc Tảng giành cho việc trấn giữ vùng Đông Bắc này của Tổ quốc. Do những công lao to lớn mà vua Trần Anh Tông (đồng thời cũng là con rể của Trần Quốc Tảng), phong tước hiệu cho ông là Hưng Nhượng Vương.

Sách sử ghi lại những ngày cuối đời của Trần Quốc Tảng ở Cửa Suốt như sau: “Ông ra Cửa Suốt được ba ngày, tự nhiên trời mưa to, gió lớn, sấm sét nổ ầm ầm. Ông thấy một phiến đá to bèn ngồi lên. Ngay lúc đó sóng nổi cuồn cuộn, nước dâng lên rất cao. Phiến đá tự nổi trên mặt nước, Hưng Nhượng Vương hóa thân ở đó, vào ngày 16/8/1311. Một lúc sau mưa tịnh, gió lặng, dân chúng kéo đến xem, thấy trên phiến đá có một cái mũ đá, mũ đá trôi đi. Ngày 1/9 năm ấy, mũ đá trôi đến địa giới Hàm Giang, rồi đến bờ sông xã Trúc Châu (tên tục là Vườn Nhãn). Già trẻ, lớn, bé trong xã đang đêm hôm đó mộng thấy một người cân đai, áo mũ chỉnh tề, đứng ở đình làng bảo rằng: “Ta là Gia Tướng nhà Trần, nay số đã hết, lại trở về đóng nơi đồn cũ giữ yên dân, nước” . Hôm sau, dân chúng ra đình xem, thấy một tảng đá và một mũ đá bên bờ sông. Đo phiến đá được 5 thước 4 tấc, ngang 2 thuớc 3 tấc, có 5 màu huyền ảo như mây. Dân làm lễ đón mũ đá về lập miếu thờ và làm biểu tâu lên vua. Vua thấy Trần Quốc Tảng là người có công, lại linh ứng nên truyền cho lập miếu thờ và phong cho làm Thượng đẳng Phúc Thần, cho 800 quan tiền công hàng năm hai mùa cúng tế vào bậc Nhà nước.” Năm 1314, đúng một năm sau Trần Minh Tông lên ngôi, đã truy tặng Trần Quốc Tảng chức Thái úy.

Nhờ ngăn được họa to, trừ được giặc lớn, có công với nước, có đức với dân nên Hưng Nhượng Vương đã được phong sắc và thờ tự tại nhiều nơi. Không chỉ là thần chủ tại nhiều đình, đền trong cả nước, Hưng Nhượng Đại Vương còn được phối thờ với thân phụ Hưng Đạo Đại Vương ở nhiều nơi khác.

Đền mẫu cửa ông thờ ai

Hiện nay một số sắc phong cho Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng vẫn còn được lưu giữ tại đền Cửa Ông khẳng định công trạng của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng cũng như lịch sử hình thành, tồn tại của đền Cửa Ông:

+ Sắc phong ngày 24 tháng 9 năm Tự Đức thứ 6 (1853): Sắc cho xã Cẩm Phả châu Tiên Yên tỉnh Quảng Yên từ xa xưa đã phụng thờ Trần Triều Đệ Tam Hưng Nhượng Đại Vương Chi Thần. Thần đã giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng. Nay trẫm nối ngôi báu nhớ đến công lao to lớn của thần vậy phong là : Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi Thần. Lại cho phép phụng thờ như xưa, thần hãy bảo hộ cho con dân của Trẫm. Kính cẩn!

+ Sắc phong ngày 14 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880): Sắc cho xã Cẩm Phả châu Tiên Yên tỉnh Quảng Yên từ xa xưa đã phụng thờ Trần Triều Đệ Tam Tiết Vị Độ Sứ Gia Phong Hưng Nhượng Đại Vương  Bản Cảnh Thành Hoàng Chi Thần. Thần đã từng được cấp sắc phong cho phép phụng thờ. Năm Tự Đức thứ 31, nhân đại lễ mừng Trẫm ngũ tuần vậy ban bảo chiếu ân lớn lễ trọng nâng bậc. Đặc chuẩn cho phép phụng thờ như xưa để ghi nhớ ngày quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ cúng. Kính cẩn!

Căn cứ vào Thần tích- Thần sắc làng Cẩm Phả, tổng Cẩm Phả, huyện Cẩm Phả tỉnh Quảng Yên chép vào năm 1938 viết : “Thần Thành hoàng Cẩm Phả là Trần Hưng Nhượng (tên huý) thường gọi là Đức Ông Cửa Suất. Ngài là con thứ ba của đức ông Trần Hưng Đạo (đời nhà Trần). Khi ấy giặc Mông Cổ sang tàn phá nước Nam, Ngài tuân mệnh Thân phụ đem quân ra trấn thủ ở Cửa Suất (Cam Pha port) đã nhiều phen làm cho quân giặc phải khốn đốn và lập nhiều công trạng… Hiện nay còn mộ Ngài ở đằng sau đền Cửa Suất trên núi (mộ xây gạch hình tròn, cao 30 phân tây, đường kính một thước tây). Ngài có 9 đạo sắc tất cả song khi nước Pháp mới sang bảo hộ, có lũ giặc cỏ bên Tầu đến tàn phá nên thất lạc mất năm đạo, nay còn 4 đạo.

Thờ ngài ở đình xã Cẩm Phả và ở đền Cửa Suất. Nơi dựng đình nguyên xưa là rừng, nơi dựng đền Cửa Suất nguyên xưa là núi cây mọc um tùm. Đền Cửa Suất ngoài thờ cúng ra không làm gì nữa. Những nơi này cấm để mả, làm nhà, cấm giết súc vật.”

Cũng theo thần tích này thì lăng mộ (lăng mộ mang tính tượng trưng) được xây bằng gạch hình tròn cao 30 phân tây, đường kính một thước tây. Hiện mộ đã được trùng tu lại, lát đá xung quanh. Phía trước có biển đề lăng mộ đức ông Trần Quốc Tảng. Phía sau có điện thờ nhỏ có bát hương và đôi câu đối: Ngọc cốt tàng linh địa; Chính khí tráng sơn hà (Xương cốt tàng linh địaChính khí tráng non sông).

Ngoài thần tích, thần sắc ghi chép về Hưng Nhượng Vương Trần quốc Tảng và một số sắc phong còn lưu giữ được tại đền Cửa Ông thì tại đền Cửa Ông còn lưu giữ được bia đá, biển gỗ, hoành phi, câu đối mà qua đó ta xác định được thần chủ chính ở đền là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, rất phù hợp với cách bài trí hiện tại của đền.

3.1.2. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn

Dưới triều Trần, có nhiều sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ, nhiều vị vua anh minh, nhiều vương hầu mưu trí, nhiều người lính quả cảm, cùng nhân dân hết lòng vì nước trong chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Nhưng có một gia đình họ Trần mà mỗi người dân đất Việt hôm nay, số đông đều biết, đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các con của ông.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, được các vua Trần giao làmThống soái quân đội, tổ chức chiến đấu trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Trong Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy tài thao lược quân sự của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Danh tiếng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ vang lừng đất Nam mà còn uy hiếp phương Bắc, quân phương Bắc thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên.

3.2. Đền Quan Chánh: Thờ Quan Chánh, Quan Tuần Tranh và Quan Giám Sát.

3.2.1. Quan Chánh: Theo hồ sơ khoa học di tích đền Cặp Tiên ghi lại: vào thời Nguyễn có một ông Quan Chánh được triều đình cử về vùng Cửa Suốt trông coi công việc trong vùng (Quan Chánh ở đây có thể là Chánh Cai Bạ), một chức quan coi việc trên sông được đặt năm Gia Long thứ ba). Ông đã thay mặt triều đình chăm lo đời sống cho nhân dân, giúp nhân dân an cư lạc nghiệp và có một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ông còn là người đứng ra góp công, góp của và huy động nhân dân trùng tu sửa sang lại ngôi đền tại Cửa Suốt nên khi ông qua đời nhân dân đã phối thờ ông ở đền Cửa Ông và đền Cặp Tiên và lập đền thờ tại khu đền Thượng (đền Cửa Ông)để ghi nhớ ơn đức.

3.2.2. Quan Tuần Tranh:Tên đầy đủ là Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh. Ngoài ra còn gọi Quan Lớn Tuần, Quan Tuần, Quan Tuần Tranh…  Quan Lớn Tuần Tranh là Quan thứ năm trong Ngũ vị Tôn Ông. Ông được phong tước hiệu là Đệ ngũ tôn quan thượng đẳng tối linh thần – Cao Lỗ đại vương – Đệ ngũ Tuần Tranh.

3.2.3. Quan Giám Sát: Được tước phong là Nhạc thần đại vương – Đô đài giám sát – Đệ nhị thượng ngàn giám sát đại vương thượng đẳng tối linh thần.

3.3. Đền Quan Châu:Đền thờ Quan Châu. Không có sự tích, bia đá, tài liệu nào ghi chép về Quan Châu do đó cũng không rõ công lao của Ông đối với khu vực Cửa Ông hay đất nước như thế nào.

3.4. Lăng Mộ: Căn cứ vào Thần tích – Thần sắc làng Cẩm Phả, tổng Cẩm Phả, huyện Cẩm Phả tỉnh Quảng Yên chép vào năm 1938 thì lăng mộ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là lăng mộ mang tính tượng trưng để là nơi thể hiện lòng thành kính, có hiếu của nhân dân đối với ông cũng như của người con đối với người cha.

3.5. Chùa: Thờ Phật, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu,Quan Âm Tống Tử, Tuệ Trung thượng sĩ, Đức Chúa Ông, Đức Thánh Hiền như bao ngôi chùa truyền thống khác của Việt Nam.