Điểm tương đồng của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh

Phương pháp: phân tích.

Cách giải:

- Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954): nếu như trong chiến dịch Điện Biên Phủ là trận công kiên lớn nhất, lần đầu ta phối hợp đánh hiệp đồng binh chủng với sự tham tham của lực lượng bộ binh và pháo binh mạnh; trong trận đánh này, pháo binh đánh mở màn, áp chế địch quân, mở cửa và tạo thời cơ để bộ binh tiến lên tiêu diệt địch; là bất ngờ lớn nhất ta giành cho địch góp phần to lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, "chưa từng có" ở Đông Dương.

 - Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, (tiêu biểu là chiến dịch Điện Biên Phủ) là một điển hình của loại hình chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Đây là chiến dịch đã tận dụng được và phát huy cao độ thế chiến lược do các chiến dịch trước (Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng) tạo ra để tập trung lực lượng với ưu thế áp đảo quân địch cả về lực lượng, thế trận và tinh thần. Ta đã phát huy cao nhất sức mạnh của các binh đoàn, binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở vòng ngoài; đánh thẳng vào trung tâm đầu não, sào huyệt của địch, kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

Qua chiến đấu và trưởng thành ta từng bước huấn luyện bộ đội, chuẩn bị kỹ càng về trang bị, chiến thuật, kỹ thuật, thành lập thêm nhiều đơn vị bộ đội chủ lực đáp ứng yêu cầu của chiến tranh. Chính vì vậy, Việt Nam đã phối hợp tốt và thành công trong việc đánh hiệp đồng binh chủng, phát huy tối đa ưu điểm và sức mạnh của bộ đội chủ lực, điều tất yếu làm nên chiến thắng.

Chọn đáp án: B

Điểm tương đồng của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh
Trong lịch sử mấy nghìn năm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi của dân tộc ta, 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975) là một giai đoạn không dài nhưng rất vẻ vang, hào hùng. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hai cuộc kháng chiến đó, toàn quân và toàn dân ta luôn đoàn kết một lòng, chiến đấu dũng cảm, đầy mưu lược và sáng tạo, lập nên nhiều chiến công hiển hách, trong số đó có hai chiến thắng hết sức quan trọng - hai trận quyết chiến chiến lược: Điện Biên Phủ (tháng 5-1954) và Điện Biên Phủ trên không (tháng 12-1972), đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của hai cường quốc quân sự phương Tây là Pháp và Mỹ.

Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược đánh tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp

Đối tượng đấu tranh của dân tộc ta trong giai đoạn 1945-1954 là thực dân Pháp - một nước tư bản có quân đội mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại hơn ta rất nhiều lần, đã từng chinh chiến nhiều nơi trên thế giới và có nhiều kinh nghiệm tiến hành chiến tranh xâm lược thuộc địa, hơn thế, trước năm 1945, chúng đã từng nô dịch dân tộc ta suốt hơn 80 năm.

Để đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp, quân và dân ta đã phải kháng chiến suốt 9 năm, tiến hành hàng nghìn trận đánh với nhiều hình thức, quy mô lớn, nhỏ. Trong số 46 chiến dịch, Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, quan trọng nhất. Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng - cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo tối cao của cuộc kháng chiến, quyết định. Trực tiếp chỉ huy chiến dịch là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là chiến dịch có lực lượng tham gia đông nhất, mạnh nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Chỉ tính riêng khối bộ đội chủ lực, ta đã huy động 5 trong tổng số 7 đại đoàn hiện có lúc bấy giờ, với tổng quân chủ lực lên tới khoảng 55.000 người. Ngoài ra, còn có sự tham gia của bộ đội địa phương và nhân dân các tỉnh Tây Bắc cùng 261.500 dân công. Cùng với đó là các loại vũ khí hiện đại nhất mà ta có đến thời điểm 1954.

Trận Điện Biên Phủ, đối với ta là một trận đánh vô cùng quan trọng. Trước ngày Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra trận, trực tiếp chỉ huy chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh"1.

Mục tiêu của chiến dịch này là nhằm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - hình thức phòng ngự mạnh nhất của quân đội Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương (1945-1954), nỗ lực quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược đó.

Điện Biên Phủ trở thành trận chiến lớn nhất giữa ta và Pháp, bởi thế, Điện Biên Phủ thất thủ là một thảm bại lớn nhất của quân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai, nhưng lại là một thắng lợi vĩ đại nhất của quân và dân ta trong giai đoạn 1945-1954. Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, mặc dầu binh lực của Pháp trên toàn Đông Dương còn đông và nhiều, nhưng ý chí xâm lược của chúng đã hoàn toàn rệu rã, tiêu tan, buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 21-7-1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.  

Như thế, Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược mà dân tộc ta đã giành thắng lợi trước một đế quốc phương Tây hùng mạnh. Với thắng lợi đó, lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ghi thêm một chiến công mới, lớn hơn, vĩ đại hơn so với các thời kỳ trước. 

 Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng, được vận dụng và phát triển lên một tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trước hết, đó là nhân tố con người. Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy rằng trong chiến tranh, trang bị vũ khí là quan trọng, nhưng không phải là nhân tố quyết định. Nhân tố quyết định là con người. Trang bị dù có hiện đại đến đâu cũng phải do con người sử dụng mới phát huy hiệu lực, tác dụng. Tính năng động chủ quan của con người là động lực quan trọng nhất quyết định thắng lợi của chiến tranh.

Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ thắng lợi là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố: sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của lực lượng vũ trang, sức mạnh của tiền tuyến và hậu phương, cùng sự đoàn kết, ủng hộ của quốc tế và yếu tố thời đại... Từ thực tế đó, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta luôn quan tâm, chú trọng củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền, chế độ mới, hậu phương, lực lượng vũ trang, Quân đội nhân dân Việt Nam… ngày càng vững mạnh về mọi phương diện.

Điện Biên Phủ trên không - trận quyết chiến chiến lược đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ

 Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta lại tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với nhiều khó khăn, thử thách mới, phải đối đầu với đế quốc Mỹ - một cường quốc mạnh nhất trong thế giới tư bản, một “sen đầm quốc tế” mang nhiều tham vọng lớn, âm mưu bá chủ toàn cầu, có quân đội hùng mạnh, được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại nhất thế giới. Song, chúng ta cũng có rất nhiều thuận lợi, căn bản là những thành quả, kinh nghiệm của 9 năm kháng chiến chống Pháp với niềm tin chiến thắng mà cơ sở là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954.

Không chỉ để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, trận Điện Biên Phủ còn để lại niềm tin chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc đụng đầu với đế quốc Mỹ. Dù phải chịu nhiều mất mát, hy sinh, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ là một căn cứ, cơ sở để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cả ở chiến trường lẫn hậu phương, luôn vững tin vào nội lực của bản thân, tin tưởng kẻ thù sẽ phải chuốc lấy thất bại hoàn toàn. Bạn bè quốc tế cũng có niềm tin như vậy. Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dịp kỷ niệm lần thứ mười chiến thắng Điện Biên Phủ, thiên hạ đang dự đoán sẽ có một Điện Biên Phủ mới ở miền Nam Việt Nam. Người Pháp nói nhiều về điều đó, vì họ có nhiều kinh nghiệm! Họ nói: “Mỹ đang thua ở miền Nam Việt Nam và đang đi đến một Điện Biên Phủ””2.  

Dân tộc ta ra trận đánh Mỹ với một nửa nước hoàn toàn được giải phóng, đang tiến lên xây dựng chế độ xã hội mới, có lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), có Quân đội nhân dân được xây dựng theo hướng chính quy, ngày càng hiện đại, với nhiều quân, binh chủng được trang bị vũ khí tương đối hiện đại, có đội ngũ cán bộ dạn dày kinh nghiệm, được tôi luyện và trưởng thành qua 9 năm kháng chiến chống Pháp. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam có một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nhiều người trong số đó trở thành các vị tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, đảm nhiệm những trọng trách lớn lao ở Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, binh chủng, sư đoàn, trung đoàn... Họ thực sự là vốn quý, những “hạt giống đỏ” mang trong mình tinh thần “quyết chiến quyết thắng” và truyền lại tinh thần đó cho các thế hệ đàn em, con cháu “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ có sức lan tỏa vô cùng lớn lao trong lực lượng vũ trang và nhân dân ta, tạo nên sức mạnh xung thiên trong thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quân và dân ta lần lượt đánh bại chiến tranh đơn phương - chiến tranh một phía (1954-1960), chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961-1965), chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968) ở miền Bắc. Chiến lược chiến tranh cục bộ bị phá sản, từ đầu năm 1969, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, ra sức phát triển và hiện đại hóa Quân đội Việt Nam Cộng hòa để từng bước thay thế quân Mỹ rút dần về nước; đẩy mạnh bình định ở miền Nam Việt Nam và mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Phối hợp với Campuchia và Lào, quân và dân ở miền Nam tổ chức nhiều chiến dịch phản công, đánh bại các cuộc tiến công lớn của Mỹ - ngụy. Trước những thất bại nặng nề của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ hai đối với miền Bắc. Và, đến những tháng cuối năm 1972, sau cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta ở miền Nam, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ phá sản hoàn toàn, Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, đỉnh điểm là chiến dịch Linebacker II.

Những điểm tương đồng

Lịch sử cho thấy, vào năm 1954, thực dân Pháp cậy thế mạnh của xe tăng và không quân - những phương tiện chiến tranh mà chúng ta chưa có, làm con “át chủ bài” trong trận quyết chiến, nhằm giành thắng lợi quân sự quan trọng, tiến tới giải pháp chính trị đưa nước Pháp ra khỏi cuộc chiến trong danh dự.  Ý đồ là như vậy, nhưng thực tế Điện Biên Phủ lại là thảm bại của thực dân Pháp, buộc chúng phải kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong nỗi nhục quốc thể.

Một cách nhìn tương đối, vào tháng 12-1972, lịch sử lặp lại, đế quốc Mỹ dựa máy bay ném bom chiến lược B52 - thường gọi là “pháo đài bay”, là phương tiện chủ yếu, làm “con át chủ bài”, tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận, nhằm uy hiếp tinh thần chiến đấu, phá hoại tiềm lực kinh tế, quân sự của miền Bắc, thực hiện ý đồ thương lượng trên thế mạnh, bước leo thang cao nhất của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta. Thế nhưng, thực tế là chiến dịch này của Mỹ đã hoàn toàn thất bại, buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và nối lại cuộc đàm phán ở Pari. Cùng với chiến thắng của cuộc tiến công chiến lược 1972 ở miền Nam, thắng lợi của Chiến dịch phòng không Hà Nội, Hải Phòng - “trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội”3 là đòn có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (ngày 27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Theo đó, điều quan trọng là Mỹ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Mỹ chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; Mỹ và các nước khác phải rút quân đội, cố vấn, nhân viên quân sự, vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh ra khỏi miền Nam Việt Nam...

Với “Điện Biên Phủ trên không”, ý chí xâm lược nước ta của đế quốc Mỹ đã hoàn toàn bị tiêu tan, điều này tương tự như trận Điện Biên Phủ (tháng 5-1954) đối với thực dân Pháp.

Cũng giống như Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5-1954), chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972) là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố: sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sức mạnh của nhân dân, của lực lượng vũ trang cùng sự đoàn kết ủng hộ quốc tế…, trong đó, trước hết và quan trọng nhất là nhân tố con người, trí tuệ Việt Nam. Thêm một lần nữa “Điện Biên Phủ trên không” cho thấy rằng trong chiến tranh, trang bị vũ khí là nhân tố quan trọng, nhưng nhân tố quyết định vẫn là con người. Bằng tinh thần, ý chí và trí tuệ Việt  Nam, chúng ta đã vô hiệu hóa đến mức cao nhất tính năng tác dụng của các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ lúc bấy giờ, đặc biệt là máy bay B52..

“Điện Biên Phủ trên không” là đòn quyết định, góp phần kết thúc giai đoạn “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề thuận lợi để thực hiện thành công “đánh cho ngụy nhào” (1973-1975) mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975.

Mọi sự so sánh, dẫu chỉ là tương đối, tuy nhiên, nói chiến thắng của dân tộc ta trong trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12-1972 là “ Điện Biên Phủ trên không”, quả thực rất chính xác.                                                            

Đại tá, TS. Trần Văn Thức

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 900.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 11, tr. 261-262.

3. Võ Nguyên Giáp: “Trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội”, Kỷ yếu Hội thảo.