Flat earth society là gì

“Trái Đất thật ra không phải là hình cầu! Mà là một cái đĩa bằng phẳng!”

Bạn nghe xong câu phát biểu trên thì bạn cảm thấy như thế nào?

Như kiểu Bao Công đập bàn xong rồi nói: “Hoang đường! Hoang đường, thiệt là hoang đường!” hả?
Hầu hết, tôi nghĩ vậy.

Nhưng trên thế giới có rất nhiều người thật sự tin vào điều đó: rằng trái đất này là phẳng dẹt! Họ nghiêm túc tin vào điều đó như những người còn lại nghiêm túc tin là trái đất hình cầu. Có cả một cộng đồng tin vào giả thuyết này, The Flat Earth Society – Hội Trái Đất Phẳng. Những thành viên trong hội được gọi với tên mỹ miều, Flat Earther.

Không như những bài viết tràn lan trên mạng, tôi không viết bài này với mục đích bêu riếu họ hay chứng minh họ sai. Không, tôi viết bài này để mọi người cùng nhau thử một lần nhìn thế giới qua con mắt của họ, những Flat Earther, để có một góc nhìn khác về cùng một vấn đề mà nhiều người cho rằng đã quá rõ ràng.

Bạn không cần tranh luận với tôi về vấn đề này, bản thân tôi là một người tin trái đất có hình cầu. Nhưng cũng như tôi, những Flat Earther tin trái đất là một mặt phẳng một cách mạnh mẽ. Và điều tôi cảm thấy thú vị ở họ chính là họ dám đặt câu hỏi ngược lại, không tin hoàn toàn vào những gì mình được nghe. Bạn khoan hãy vội chỉ trích họ, công bằng mà nói thì không ai trong chúng ta có thể chứng minh được họ sai cũng như chúng ta đúng. Bạn đã từng tự mình bay ra ngoài không gian để nhìn tận mắt xem trái đất hình cầu hay hình lập phương chưa?
Những điều chúng ta biết được ngày nay mà “do khoa học chứng minh” thì toàn là ta nghe của người đời trước truyền lại. Và thật không may, những điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Ngẫm nghĩ một chút đi, từ thuở cắp sách tới trường, chúng ta luôn được dạy rằng những điều được dạy là đúng hết rồi, chỉ cần học thuộc rồi áp dụng thôi, rằng “chân lý” thì không cần phải chứng minh. Bạn mà đặt câu hỏi là thầy cô sẽ ngay lập tức giãy nãy lên, bảo bạn là “học không lo học, lo hỏi linh tinh làm mất thời gian của giáo viên không kịp chạy theo giáo án”.

Vì thế, không hại gì nếu mình tiếp cận một góc nhìn khác. Nếu sau khi đọc xong bạn vẫn nghĩ trái đất hình cầu [hay hy hữu hơn là tự “cải đạo”, nghĩ trái đất là mặt phẳng, hoặc hình lập phương chẳng hạn] thì cũng không sao cả. Ai cũng có niềm tin của riêng mình, và chuyện này không cần thiết phải tranh luận đúng sai, vì không có cái gì hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai.
Bạn có quyền tin rằng Thần Rừng là vị thần vĩ đại nhất. Bạn cũng có quyền tin Thần Biển là vị thần tối cao. Và một người vô thần như tôi cũng có quyền tin là không có vị thần nào cả, cũng như trái đất có phải hình cầu hay không là một chuyện bất khả tri, không thể biết được.

~~~~~

Để bắt đầu, chúng ta hãy gạt đi những lý thuyết mà trường học và xã hội đã nhồi vào sọ chúng ta.
Hãy xem như mình là một đứa trẻ vừa mới tập tễnh bước vào lớp lần đầu tiên và được cô giáo chỉ bảo chúng ta về thế giới xung quanh.

Ở đó, cô nói rằng: Các em nhìn đi, trái đất nơi các em đang sinh sống là một cái đĩa bằng phẳng. Mặt trời trên cao ngày đêm xoay quanh cái đĩa này. Trung tâm cái đĩa chính là Bắc Cực. Rải rác xung quanh Bắc Cực là các châu lục, hòn đảo và biển cả. Ngoài rìa xa tít của cái đĩa này là Nam Cực, nơi có một bức tường cao chót vót bao quanh để tránh cho nước biển, châu lục cùng tất cả chúng ta trôi ra và rớt khỏi cái đĩa vào trong hư vô của vũ trụ. Các em có thấy thú vị không nào?

Cô giáo khuyến khích bạn tìm tòi, đặt câu hỏi và tin vào những gì chính mắt thấy, chính tai nghe. Bạn nhìn xuống chân mình, thấy đó là một mặt phẳng. Bạn bước ra khỏi lớp, nhìn sự vật xung quanh và thấy thế giới trông phẳng, nhìn thấy mặt trời di chuyển trên đầu từ sáng đến tối và bạn liền gật đầu tạm tin lời cô giáo nói. Lớn hơn một chút, bạn bắt đầu quan sát sự vật kỹ hơn và giơ tay đặt câu hỏi: Thưa cô, tại sao tất cả mọi thứ đều rơi xuống mặt đất? Có phải chúng ta bị hút xuống không?

Cô giáo thong thả lắc đầu, cặn kẽ cắt nghĩa với bạn: Không đâu em, chúng ta không bị hút xuống đất, mà là mặt đất lúc nào cũng đang nâng lên liên tục với gia tốc 9.8m/s². Giả sử em nhảy lên khỏi mặt đất, vận tốc lúc đó của em tạm thời lớn hơn vận tốc di chuyển của mặt đất, nhưng sau đó mặt đất lại tiếp tục tăng tốc không ngừng nên bắt kịp được em, thế là em “rơi xuống mặt đất”. Em hãy tưởng tượng mình đang ngồi trong một chiếc xe hơi, nếu xe liên tục tăng tốc thì em sẽ có cảm giác bản thân bị dán vào thành ghế sau lưng có phải không nào?

Bạn cảm thấy hay ho, tiếp tục hỏi: Thưa cô, vì sao trái đất liên tục nâng lên?

Cô giáo mỉm cười đáp: Vì người ta cho rằng bên dưới trái đất có Gia Tốc Vũ Trụ [Universal Acceleration], cụ thể là một nguồn Năng Lượng Hắc Ám [Dark Energy], lực này tác động từ bên dưới nơi chúng ta đứng, khiến trái đất vận động không ngừng theo chiều hướng lên.

Bạn nở một nụ cười hài lòng và cảm ơn cô giáo.

Nhiều năm sau, một trong những người bạn của bạn đột nhiên không còn tin vào giả thuyết trái đất là trung tâm và tất cả mọi hành tinh xoay quanh trái đất. Bạn ấy nói với bạn rằng người ta đã phóng thành công phi thuyền ra không gian, gửi về các bức ảnh chụp cho thấy rằng trái đất là một hành tinh hình cầu, và rằng trái đất xoay xung quanh mặt trời. Bạn và bạn của bạn nghỉ chơi nhau.
Bạn ấy gia nhập “Hội Trái Đất Tròn”, còn bạn là thành viên nòng cốt của “Hội Trái Đất Phẳng”. Thỉnh thoảng bạn và bạn của bạn lại gặp nhau, tranh luận xem ai đúng ai sai.

Bạn của bạn [Bcb]: Bấy nhiêu năm rồi mà mày vẫn còn nghĩ là trái đất phẳng hả?

Bạn: Bởi vì trái đất phẳng mà!

Bcb: Mày không thấy ảnh chụp vệ tinh của NASA sao? Trái đất là một hành tinh chứ không phải một cái đĩa!

Bạn: Có gì bảo đảm là mấy cái ảnh chụp đó là ảnh thật không hề qua Photoshop không?

Bcb: Con người đã đặt chân lên mặt trăng và nhìn thấy trái đất…

Bạn: Chuyện con người lên tới mặt trăng là bịa đặt! Thời chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, để tỏ ra không thua chị kém em nên người ta đã giả vờ như nước mình đã phóng tên lửa ra không gian thành công. Đây là chứng cứ không thuyết phục!

Bcb: Không lẽ ý của mày là người ta lập ra NASA chỉ để lừa phỉnh nhân loại, che giấu sự thật là trái đất không phải hình cầu sao?

Bạn: Không hề! Từ ban đầu, người ta đã nhiều lần thất bại trong việc phóng phi thuyền ra không gian. Thay vì đổ tiền tỷ vào để cố gắng thực hiện một chuyện bất khả thi là rời khỏi trái đất, NASA chọn cách tin trái đất hình cầu và thực hiện hư cấu hình ảnh cho nhân loại. Như vậy đơn giản hơn và đỡ tốn kém hơn!

Bcb: Thế còn trọng lực thì sao? Nếu trái đất là phẳng dẹt thì cuối cùng cũng phải bị trọng lực nén lại thành quả cầu chứ?

Bạn: Có một giả thuyết cho rằng trái đất nằm phía trên một mặt phẳng vô cực liên tục nâng lên. Giả sử lý thuyết về trọng lực là đúng thì trái đất vẫn sẽ không bị kéo về trung tâm thành hình cầu, vì mặt phẳng nâng đỡ trái đất là không giới hạn!

Bạn của bạn ném đồ xuống đất và bỏ đi.

~~~~~

Như đã nói từ đầu, tôi là một người tin trái đất là “trái”, rằng trái đất có hình cầu. Cho nên mọi tranh luận với tôi về việc “trái đất phẳng là sai vì blah blah blah” là vô nghĩa. Tôi chỉ muốn bạn cùng tôi thử nhìn trái đất qua một lăng kính khác và ở một góc độ khác vì bản thân tôi cảm thấy chuyện này rất thú vị.
Loài Homo Sapiens là động vật phức tạp nhất trong tất cả các loài động vật [theo đánh giá chủ quan của loài này]. Bộ não con người là vô hạn, sức sáng tạo là vô biên. Vì thế nên không có lý do gì chúng ta phải đóng kín tư duy trong một cái hộp. Dĩ nhiên không phải ý tưởng nào cũng hay cũng tốt, nhưng việc để đầu óc rộng mở, nắm bắt bất cứ ý tưởng nào sinh ra, phân loại chúng và rồi cuối cùng ta cũng sẽ tìm ra được một ý tưởng đắt giá thôi!

2020.07.18
#500wpd

Chủ Đề