Hoa trà nở được bao lâu

Đối với một tín đồ nghiện hoa như mình, đi đến đâu mình cũng để ý đến hoa, mỗi khi có thời gian rảnh thì lại tìm hiểu về hoa. Do đó, số lượng hoa mình biết phải lên đến hàng trăm, hàng ngàn loài. Tuy nhiên, hoa trà là loài hoa mà mình có ấn tượng rất sâu sắc. Bởi nét đẹp quý phái, thu hút lại nhẹ nhàng của hoa thực sự khiến mình mê hoặc.

Nguồn gốc của cây hoa trà

Hoa trà có xuất xứ từ vùng Đông Á và Nam Á, ở những khu vực đầu tiên từ dãy Himalaya đến Nhật Bản, Indonesia hay Đại Hàn. Với đặc tính thực vật riêng, hoa trà mọc chủ yếu ở vùng ven biển, triền núi, đặc biệt phát triển rất tốt ở những nơi có đất mùn màu mỡ, nhiệt độ tương đối ổn định và độ ẩm trong không khí khá cao. Hiện nay, theo nghiên cứu có khoảng 250 loài hoa trà khác nhau tồn tại. Với vẻ đẹp xuất sắc cùng hương thơm nhẹ nhàng, hoa đã được nghiên cứu và nhân giống sao cho thích nghi được với nhiều vùng khác nhau trên thế giới.

Hoa đã du nhập vào Việt Nam và phát triển khá tốt ở nước ta, đặc biệt được trồng nhiều hơn ở miền Bắc vì khí hậu thích hợp hơn. Ở Việt Nam, hiện tại có được khoảng 26 loại hoa trà khác nhau. Cụ thể về một số loài phổ biến mình sẽ giới thiệu bên dưới nhé =]]

Hoa trà được trồng phổ biến ở nhiều nơi

Đặc điểm thực vật của hoa trà

Hoa trà là loại cây thân gỗ, có thể mọc đơn lẻ hoặc mọc thành từng bụi lớn, nếu được bạn nên trồng dạng bụi để vẻ đẹp của hoa có thể được khoe sắc rạng rỡ nhất.

Cây hoa trà có nhiều kích cỡ khác nhau tùy điều kiện chăm sóc, trung bình cây cao khoảng 1,5 – 3m, tuy nhiên nếu được chăm sóc tốt và phát triển trong điều kiện thời tiết, đất đai vô cùng thuận lợi thì cây có thể cao hơn 10m luôn đó nhé.

Đặc biệt, cây trà là cây sống khá lâu năm, cho hoa và hương sắc liên tục, do đó rất thích hợp để trồng trong vườn nhà. Khi tìm hiểu thì mình có biết thông tin về một cây trà Camellia japonica tại Trung Quốc có tuổi đời lên đến 600 năm. Hay ở vùng nông thôn Mittelsachsen ở bang tự do Sachsen nước Đức, có một cây trà mi cổ thụ lên đến gần 175 năm tuổi. Những cây này đều có kích thước rất cao, đường kính cây lớn, trổ rất sai hoa, đặc biệt là vào mùa xuân.

Toàn cảnh cây hoa trà

Lá hoa trà có màu xanh thẫm, mướt quanh năm, mặt lá nhẵn bóng, dài khoảng 3 – 10cm. Lá có dạng hình xoan thuôn dài, thoạt nhìn có vẻ hơi giống lá chanh với màu đậm hơn. Vân lá hiện rõ trên bề mặt, vành lá có các răng cưa rất nhỏ, cũng có nhiều loại viền nhẵn không răng cưa.

Không chỉ đẹp về hình dạng, thơm về mùi hương mà hoa trà còn rất đa dạng về màu sắc [đây là một trong những điểm mình rất thích về loài hoa này]. Hoa trà có cuống khá ngắn, nếu nhìn không kỹ thì giống như hoa gắn liền không có khoảng cách với cành vậy. Tràng hoa trà cũng rất đa dạng, có 3 loại tiêu biểu: đơn giản, đa hợp, bán đa hợp.

Với tràng hoa đơn giản, hay còn gọi là einfach, đây là loại tràng hoa với một vòng duy nhất, gồm nhiều nhất 8 cánh hoa và có bộ nhị đực.

Bán đa hợp hay còn gọi là Halb Gefullt, là loại tràng hoa có nhiều hơn hai vòng, do đó sẽ có nhiều hơn 8 cánh hoa và lộ rõ bộ nhị đực ở giữa.

Tràng hoa đa hợp hay còn gọi là Gefullt, là loại tràng hoa mà Việt Nam mình hay gọi là hoa kép, gồm nhiều lớp cánh hoa xếp chồng lên nhau rất đẹp.

Nhị hoa trà

Như mình có nhắc đến ở trên, hoa trà rất đa dạng về màu sắc, tiêu biểu nhất là các màu: trắng, hồng nhạt, hồng đậm, đỏ tươi, đỏ cam, đỏ đậm và vàng. Mỗi màu hoa đều có nét đẹp riêng rất nổi bật. Đa số các giống trà có mùi hương thoảng nhẹ, tuy nhiên có giống trà Camellia luchuensis cho hương thơm nồng nàn, ngây ngất nhất là vào buổi tối, đây cũng chính là giống trà để lai tạo ra các giống trà có hương thơm.

Hoa trà với nhiều màu sắc khác nhau

Quả hoa trà là loại quả nang khô được chia thành 1–5 ngăn, mỗi ngăn chứa 1–8 hạt.

Quả cây trà

Một số loại hoa trà phổ biến tại Việt Nam hiện nay

Bạch trà

Bạch trà là loại hoa mang một màu trắng thuần khiết, tinh khôi. Mỗi cánh hoa nhỏ xếp chồng lên nhau tạo thành một quả cầu trắng ngần.

Hình ảnh hoa bạch trà

Hoa trà lựu

Trà lựu là loại hoa có màu đỏ cam đặc trưng, một màu hoa bắt mắt và cực kỳ cuốn hút. Vì tính đặc biệt do đó trà lựu rất được săn lùng để trồng cho hoa vào dịp Tết. Tuy nhiên có một điều đáng buồn là số lượng của giống này đang giảm dần theo thời gian, do đó việc nhân giống loài hoa này rất cần được quan tâm.

Hình ảnh hoa trà lựu

Hoa trà thâm

Trà thâm, hay còn gọi là hoa trà bát diện có màu sắc hồng thâm, cánh kéo, các cánh hoa xếp đan xen gồm 8 lớp chồng lên nhau trông rất bắt mắt.

Hình ảnh hoa trà thâm

Trà đỏ tàu

Đây là giống hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập về Việt Nam đã khá lâu và đã được thuần dưỡng để phù hợp với khí hậu và phát triển tốt tại Việt Nam.

Hình ảnh hoa trà đỏ tàu

Trà cung đình

Hay còn có tên gọi khác là hồng trà, trà cung phấn, đây là giống phổ biến nhất nước ta hiện nay. Cánh hoa có màu hồng phấn nhẹ nhàng, pha lẫn sắc trắng lan dần ra viền cánh hoa.

Hình ảnh hoa trà cung đình

Hoa trà vàng

Trà vàng có tên gọi khác là kim trà, tên khoa học là Camellia chrysantha. Hoa có màu vàng từ nhẹ nhàng đến tươi sáng, gồm hai lớp cánh xếp chồng lên nhau. Trà vàng là loài hoa may mắn, ngoài ra còn tượng trưng cho sự cao quý và sang trọng của người trồng.

Hình ảnh hoa trà vàng

Một đặc điểm khá đặc biệt và thường xuyên bắt gặp của hoa trà là Mutation, tạm dịch là sự sậu biến, có nghĩa là trên loại cây này, sẽ thường thấy sự dị biến về màu sắc và hình dáng của hoa.

Lợi ích hoa trà mang lại

Ngoài công dụng dùng để trang trí khuôn viên gia đình, mang lại sự thư thái tâm hồn cho gia chủ sau những giờ làm việc mệt mỏi thì hoa trà còn có rất nhiều công dụng khác.

Trong y học, hoa trà được dùng để điều chế các loại thuốc, loại trà nhằm giúp ngăn ngừa ung thư, phòng chống các bệnh liên quan đến tim mạch và đột quỵ, giúp thúc đẩy quá trình phục hồi của con người sau bệnh tật.

Hơn nữa, trong chăm sóc sắc đẹp, hoa trà còn được chế xuất thành các sản phẩm như tinh dầu, sữa dưỡng thể, sản phẩm chăm sóc tốt và tẩy tế bào chết,…

Ngoài ra, lấy một lượng hoa trà vừa đủ, nghiền thành bột mịn, cho nước vào trộn đều, có thể bôi ngoài da để trị các bệnh ngoài da, các vết bỏng nhẹ,…

Loài hoa có rất nhiều công dụng

Cách trồng hoa trà hiệu quả tại sân vườn

Hiện nay có rất nhiều phương pháp nhân giống hoa trà khác nhau, tùy thuộc vào mỗi giống hoa thì thời gian và khả năng phát triển sẽ có chút ít khác nhau. Hai phương pháp thường được áp dụng nhất và có tỷ lệ thành công cao nhất và ghép cành giâm cành.

Đối với phương pháp giâm cành

Điều kiện thích hợp để giâm cành là trong nền nhiệt độ từ 20-30 độ C, thời tiết nên mát mẻ, tránh mưa để cây không bị ngập úng. Độ ẩm tối ưu khoảng 70% trở lên.

Cách chọn cành giâm: Bạn nên chọn những cành bánh tẻ chưa hóa gỗ, không nên mang nụ và hoa để làm cành giống. Mỗi cành giống nên dài khoảng 7 – 10cm, có 2 – 3 mắt trên cành. Khi đã cắt xong cành giống thì nên tỉa bớt lá và chồi non có trên cành.

Đối với đất trồng: Nên chọn đất có chất dinh dưỡng cao, độ thông thoáng, thoát nước nước tốt. Nếu trồng với cát thì nên trộn cát với tỷ lệ ½ cát vàng + ½ cát đen rồi trộn đều thì cây sẽ phát triển tốt nhất.

Để cây có thể nhanh chóng ra rễ thì nên ngâm cành giâm vào dung dịch kích thích ra rễ trong khoảng 2 giờ trước khi mang đi giâm.

Nếu bạn muốn trồng nhiều cây trong một chậu thì nên giâm các cành cách nhau từ 5 – 7cm để cây có đủ khoảng phát triển, không chen lấn rễ với nhau. 

Sau khi giâm thì nên tưới nước phun sương nhẹ để cung cấp độ ẩm cho cành, mỗi ngày nên tưới phun sương ít nhất 1 lần. 

Video tham khảo cách giâm cành hoa trà

Đối với phương pháp ghép cành có 2 cách là ghép dựa và ghép chồi.

Đối với ghép dựa

Để tỷ lệ sống sót cao, trước khi ghép từ nửa năm đến 1 năm, người trồng cần chọn cây có tuổi đời từ 3 – 5 năm, chắc khỏe, không sâu bệnh đưa vào chậu và tăng cường chăm sóc, lưu ý đến việc tỉa cành nhánh, cắt bỏ các chồi để cây tập trung phát triển, đặc biệt là các chồi chỗ định ghép.

Giai đoạn tiến hành ghép, bạn cần dùng dao bén và cắt vết lõm hình chữ V có độ sâu khoảng 2 – 4cm, lưu ý nên cách gốc khoảng 10cm trở lên để cây phát triển tốt nhất nhé.

Sau đó, bạn lựa chọn cành ghép cắt một vết lồi hình chữ V sao cho vết lồi và vết lõm có thể áp sát khít vào nhau. Khi đã áp sát thì dùng nilon buộc chặt để cố định và không để nước chảy vào nhiều gây úng thân cây.

Như thế là đã hoàn thành, nhưng đối với phương pháp ghép dựa này, cần thời gian khá lâu khoảng 3 – 5 năm tháng thì vết ghép mới hoàn toàn liền nhau và cây con cành ghép mới bắt đầu phát triển. 

Cách chăm sóc thì bạn chỉ cần để cây râm mát và chăm sóc như cây giống bình thường.

Cây trà khi phát triển sẽ cho hoa rất đẹp

Đối với ghép chồi

Nên lựa chọn cây hoa trà có tuổi đời khoảng 1,5 năm trở lên để làm gốc ghép.

Đối với phương pháp này, bạn cần dùng dao cắt một đoạn chồi dài khoảng 10 – 15cm, giữa mặt cắt cần bổ một đoạn dài khoảng 0,5 – 1cm. Tiếp đến cây mẹ, bạn cần chọn một đỉnh cành đã hóa thân gỗ, cắt lấy một đoạn ngắn [nên có lá] để làm cành ghép, đoạn cuối cành bạn cần cắt cành dạng nêm để cắm vào vết cắt bổ đôi của chồi ghép, sau đó bọc nilon quanh đoạn ghép.

Sau khi ghép xong bạn cần mang cây để vào nơi mát, sau 1 tuần có thể tháo bọc nilon và mỗi ngày phun vào lá trên đoạn cành ghép một ít nước dưới dạng phun sương. Đến khi chồi ghép bắt đầu to lên thì có thể ngừng phun nước mà tiến hành tưới nước và bón phân bình thường, 2 – 3 ngày tưới và bón một lần, đến mùa lạnh thì có thể hạn chế bón phân.

Cách chăm sóc hoa trà để phát triển khỏe mạnh

Video hướng dẫn cách chăm sóc và trị một số bệnh thường gặp ở hoa trà

Về đất trồng

Hoa trà sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong môi trường đất bùn, đất ở vườn rau,… và có bón thêm ít phân chuồng. Độ pH thích hợp nên từ 4 – 5, nếu pH quá cao thì có thể thêm các khoáng chất như sunfat hoặc lưu huỳnh sắt để tăng độ chua.

Về ánh sáng

Nên đặt cây hoa trà ở nơi bóng râm hoặc ánh nắng bán phần nhẹ, vì hoa trà không chịu được ánh nắng bức xạ trực tiếp. Nếu trồng ngoài sân vườn nắng có thể làm lưới che để tránh ánh nắng trực tiếp.

Độ ẩm tốt nhất để cây phát triển là khoảng 70 – 80%, tối thiểu nên là 50%, nếu độ ẩm ít cây dễ khô cằn và còi cọc.

Về nước tưới

Cây hoa trà là loại cây không quá ưa nước. Bạn có thể tưới cây 1 lần 1 ngày, nếu bận quá thì cũng có thể 2 ngày tưới 1 lần. Vào mùa đông hoặc mùa mưa, một tuần chỉ cần tưới cho cây 2 – 3 lần là được.

Về phân bón

Hoa trà là loại cây không cần nhiều phân bón để phát triển. Tuy nhiên thỉnh thoảng bạn cũng cần bón lót để cây có đủ dinh dưỡng. Có thể sử dụng phân hữu cơ để bón, bạn rắc phân xung quanh rễ cách khoảng 2 cm so với gốc cây. Cây là loại ưa mát nên trước khi mùa nóng nên bón phân mát, có thể là phân phèn pha loãng, như vậy sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến cây.

Để tăng chất dinh dưỡng thì có thể bón thúc phân cho cây khoảng 15 ngày 1 lần, khi bón có thể pha thêm nước phèn để tăng độ chua giúp cây phát triển.

Về sâu bệnh

Hoa trà là loại hoa có thể phát triển rất tốt mà ít gặp sâu bệnh. Tuy nhiên thỉnh thoảng cây sẽ gặp một số vấn đề về sâu bọ như côn trùng ăn lá, ăn hoa. Do đó, bạn cũng nên thường xuyên thăm cây, nếu thấy cây đang gặp vấn đề như vậy cần tỉa cành lá hoặc phun thuốc trừ sâu để diệt trừ [ có thể phòng trừ bằng Decis 0,2% ; 1-2 tuần phun 1 lần].

Trên đây là những thông tin cơ bản về hoa trà. Chúc bạn sẽ trồng được một khóm hoa trà thật đẹp ngay tại sân vườn gia đình mình nhé. Good luck ^^

Một số hình ảnh đẹp chọn lọc của hoa trà

Video liên quan

Chủ Đề